Seattle -NVTB – (24-1-2021) Buổi chiều hôm nay thời tiết nắng đẹp- còn hơn nửa tháng là đến Tết ta. Tin thời tiết báo sang tuần có tuyết – Thôi thúc đi uống cà phê ngoài phố trước những ngày sẽ… lạnh; nhân thăm tiệm café rang xay tại chỗ, hạt cafe từ Pleiku -Ban Mê Thuột, gửi hãng chuyên aromé tại Seattle; và còn được uống “Trà Lá Xanh – Lâm Đồng”..
Dù trong thời Covid Vũ Hán hoành hành, nhóm trẻ Friends Of Little Sài Gòn vẫn mới vừa khai trương khai trương, sau hai năm chuẩn bị thiết kế… mang tên: “Café Hello Em” , sắp xếp chung trong tòa nhà “Creative Space” của The Friends of Little Saigon, tại 1227 S. Weller St., Seattle.
Trước đó trên đường tới Seattle, nhân tiện tạt ngang một vòng dạo quanh đảo Mercer Island, vòng quanh đường bờ hồ Washington… nhớ lại kỷ niệm một ngày nơi này có mấy anh chị em đến chuẩn bị cho vài tiết mục cống hiến vào “Ngày 30-4-2015″.. nhắc đến các bài thơ tù Hoàng Liên Sơn, trong đó có cả “Nguyện Cầu Mùa Thu” thơ CTT, “Hoa Trắng” Nguyễn Văn Thu (*) …
Cười cười vì cái tên khá ngộ nghĩnh với .. “Hello Em Café“, rồi lại thấy có một tiệm phở khác trong Mercer Island lại cũng có tên “Em” đó lại là “Phở Em”… Sau một ngày vui với nắng, gió… Rồi khuya về, nghe một bài hát… qua cel phone lại thấy một Youtube trên FaceBook, thấy giới thiệu tiếng thơ “diễn ngâm bởi Hoàng Khai Nhan”.. Bài “Đền Em” – thơ Cung Trầm Tưởng viết từ năm 1956, và tiếp nối bằng ca khúc phổ nhạc bởi Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh.
Bài thơ này đã xuất hiện trên tạp chí Trẻ năm 1959- của thế kỷ 20. Trình bày đẹp tập tặng không (phát hành toàn quốc – song hành với nguyệt san Thế Giới Tự Do Cơ Quan Viện Trợ Văn Hóa Hoa Kỳ (USAID) (**)
Lắng nghe, và thao thức mất ngủ, với “Đền Em.” . Tiếng “Em” ngọt ngào qua text của gọi tắt : – “Em” hay “M” v.v…
Đền Em chỉ giản dị – là những điều còn nợ nhau – có khi bị “bắt đền” hay tự nguyện- mà hỏi có cách nào “để trả được món nợ” đây. Hay còn có đền bù, hoặc chỉ cụt ngủn “Bù” – là muốn “lắp đầy” giúp “ai đó” vươn tới một ước mơ- từ người mình thân yêu, tha thiết, cho người muốn đạt tới một chỗ vinh quang, bay cao xa hơn!
Nghe Hoàng Khai Nhan diễn ngâm bài thơ ngắn của Cung Trầm Tưởng, mà tưởng như ai đó đang khẩn khoản những lời xin lỗi, lấp liếm đi “những hò hẹn với ước mơ không với tới”, trong đó có cả khí phách của một người thanh niên muốn học thành đạt cống hiến cho “quê hương” còn trẻ (nhớ về Non sông bóng mẹ sầu u– Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu ) … Khi nghe sáng tác, tưởng chỉ là một chuyện tình đẹp, hát khi đã buông xuôi… mà ta gọi là “hò hẹn với mai sau“, hay “Kiếp sau”, hoặc còn được gọi là “Thiên Thu” lại là một lời nhắn gửi khác với … (mòn trông ngưỡng cửa- chiều lu mái sầu)
Nghe mãi video “Thi Nhạc Giao Duyên”, mà Hoàng Khai Nhan là một giọng diễn ngâm rất hay.. để thấy niềm vui thời tươi trẻ hẹn với non sông, khi bao người mới rời đất Bắc vào Nam thời ấy rất chuộng nghe thi văn Tao Đàn , Rồi lại một lần nữa rời miền Nam sang đến đất Mỹ v.v.. và khúc hát đi với thơ nhạc mang một cảm giác mênh mang buồn như thời còn nghe Tao Đàn.. còn sống chết thề nguyền.., và mường tượng ra thấy mình gần gũi biết bao với “các món nợ”, mà dẫu mình chẳng hề vay xin – mà đã là để đời chưa trả hết…
Cũng xin được Đền được Bù ở kiếp mai ..
Tiếng “Bù” cho ta tưởng tượng ra ý nguyện muốn tự nguyện “lắp đầy”, khi nhận ra những thiếu vắng khẩn thiết của em, của con, của người thân, và với Cung Trầm Tưởng còn “đền bù” với cả “Non Sông- Bóng Mẹ Sầu U” nữa- Đã lâu không mấy ai còn nhắc tới việc tác giả phải cân nhắc giữa cô Đầm Tây- và Mẹ già Non sông trong ngưỡng cửa đang mỏi mòn chờ-để chọn đường về thay vì ca khúc.. đã đem ta đến một nội dung nhấn mạnh tới trả nợ nhau ở một kiếp sau..”.. Và “đền bù”, còn cả sự cao đẹp… “bù cho” cả người đã không có chút đầm ấm từ cha hay mẹ; của cả Em bé thơ bị gửi vào ký túc xá (hay một nơi mà trẻ em không có được sự chăm nom của chính cha hay mẹ), như trong phim: “Les Dimanches de Ville d’Avray – (Sundays and Cybele) – thực hiện năm 1962, mà những gì cô bé xin (rất thân yêu) cũng nhỏ nhoi như những viên kẹo, con búp bê bằng vải có khuôn mặt nhọ lem, hay con gà trống đồng trên đỉnh tháp nhà thờ d’Avray… em từng “khẩn khoản” muốn được! – Mà ai đó trong chúng ta khó cầm lòng, với ao ước “lắp đầy” muốn tặng không- cho em đạt ước muốn bay cao , bay xa trong những mơ ước lẻ loi, vốn em cưu mang đôi cánh cháy….
Muốn bù cho em, đền cho em và lắp đầy những mơ ước của Em- chỉ vì đôi mắt em tha thiết được bay ra khỏi cảnh tội nghiệp và bay cao xa, như mọi ước mơ được chắp cánh. Ảnh trên là một bích chương quảng cáo ở SàiGòn Việt Nam, cuốn phim đen trắng, kể chuyện chàng cựu Không Quân phi hành Pháp, trầm cảm từ giã chiến trường lang thang, nhìn qua hàng rào cổng nhà trường khóa kín, nạn nhân của hoàn cảnh, phải sống trong trường như viện Dục Anh- hay orphanase– chỉ được ra vào thứ Bẩy- Chúa Nhật.. nếu có thân nhân đến ký nhận rước về..
Chân tình trong cuộc đời: Cả khi ta không vay, nợ hay xin, nhưng vẫn đền bù – và cả khi Em cũng chẳng bao giờ “bắt đền”, để phải lo “Đền Bù Em“..
***
Trong bao nỗi niềm đó, cảm xúc yêu mến: những dòng thơ Cung Trầm Tưởng, những dòng thơ phổ thành ca khúc của Phạm Duy, những hình minh họa và nét chữ viết nhan đề ca khúc của Ngy Cao Uyên – có từ 65 năm qua- lơ lửng như đám mây trắng- bàng bạc trở về. để nhắc nhở một chút gì đã mượn, đã đón nhận, từ Em, cho cả đến món nợ quê hương – Xin được Đền – Bù, Lắp Đầy cho nhau qua tác phẩm: “Đền Em”
“Thơ Đền Em”- hay “Kiếp Sau”, là bài hát thứ hai trong số 5 ca khúc phổ nhạc từ 13 bài trong tập thơ Cung Trầm Tưởng, minh họa Ngy Cao Uyên
***
Xin bấm vào mũi tên trong video YouTube bên dưới để thưởng thức: Nhạc Phạm Duy, Thơ Cung Trầm Tưởng, Tiếng hát Thái Thanh, Hình ảnh Trần Công Mỹ & Phần diễn ngâm cùng dàn dựng video bởi: Hoàng Khai Nhan:
“Đền Em” được nhắc tới nhiều, như là một ca khúc hay vượt trội hơn cả trong kết hợp thơ nhạc, từ bài thơ rất ngắn (1956) mang dáng dấp như ca dao đứng đầu 13 bài trong thi tập “Tình Ca” (chữ viết tay đẹp lạ của Ngy Cao Uyên)….
5 bài được phổ nhạc trong tập thơ “Tình Ca” ngày xưa ấy với minh họa kèm theo các bài thơ và music sheets của Ngy Cao Uyên, đó là:
1. Mùa Thu Paris
2. Kiếp Sau (phổ từ bài thơ Bù Em- ngắn ngủn với 6 câu lục bát, như lục bát ca dao…). Trong bài hát này, nhạc sĩ đã không đánh mất hai câu thơ ý nghĩa nhất, được mang vào phần kết thúc: “Non sông bóng mẹ sầu u, Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu…”
3. Về Đây
4. Khoác Kín
5. Chưa Bao Giờ Buồn Thế (từ bài thơ Khép Kín)
Hai chữ mở đầu của bài thơ “Bù em” sau khi ở lại, vì Sài Gòn từ 1975 thất thủ, rồi nhà thơ chịu tù đầy 10 năm, bao gồm cả những tháng Hoàng Liên Sơn, Hoàng Liên Sơn – nơi cựu Trung Tá Không Quân, Cung Trầm Tưởng có bài thơ dành cho mẹ sầu Quê Hương mang tên “Nguyện Cầu Mùa Thu” (1977).
(Source: PK-Nguoi Viet NW)
Chú thích:
(*) Ghi chú phần bổ sung lạc ra ngoài đề tài:
(*) Có những nhắc nhớ ghi lại cảm xúc thời mới nhìn thấy “Tình Ca”, Khác hẳn cảm xúc sau khi chính mình cũng là một người đồng cảnh tù… Trước đó trên đường tới Seattle, nhân tiện tạt ngang một vòng dạo quanh đảo Mercer Island, vòng quanh đường bờ hồ Washington… nhớ lại kỷ niệm một ngày nơi này có mấy anh chị em đến chuẩn bị cho vài tiết mục thơ nhạc Mẹ Quê Hương mòn trông và Tù Đầy.. cống hiến vào “Ngày 30-4-2015”..
Mùa này đi trên đường vắng của East Mercer Way (ven bờ đảo) không thấy có hoa trắng rơi rải trắng lấm tấm khắp trên vài con đường vắng – như trong ký ức tôi 65 năm xưa… thảm hoa trắng nhỏ từ một cây vú sữa “già cội” rải khắp sân, của chủ phố Louis Lê Cang Đảm (cháu nội của cụ “Nhất Sỹ” -Lê Phát Đạt, ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu– Nhà này ở gần nhà thờ Huyện Sĩ, “khi mới Di Cư Từ Bắc Vào Nam”, nơi gia đình tôi may mắn được cho “ở đậu” tá túc mà có thể cũng là người giúp cho có việc làm đầu tiên ở Phòng Thông Tin Usaid, sau này in báo Trẻ và Báo Thế Giới Tự Do..?, còn lưu lại trong ký ức từ 1955-1956.. Rồi mãi mươi năm sau bạn học tôi ở các năm trung học lại chính là con trai ông, tên anh là Louis Đảm, và 16 năm trước cha của anh cũng lại là học trò của Sư Huynh Phạm Ngọc Hóa trường Taberd (là anh ruột của bố tôi)… Tôi phải dài dòng thế, vì rất thích Báo Thế Giới Tự Do và Tạp Chí Trẻ, chính nơi đây đã tặng Free kèm theo báo Trẻ, insert tập “Tình Ca”, in giấy trắng láng- chữ “Tình Ca” mực đen in cùng size với tạp chí Trẻ để insert trong báo – được cơ quan USAID tâng không… vào thời điểm đó… Kể lại dài dòng chỉ vì vậy thôi! Bài thơ này đã xuất hiện trên tạp chí Trẻ năm 1959- của thế kỷ 20. Trình bày đẹp tập tặng không (phát hành toàn quốc – song hành với nguyệt san Thế Giới Tự Do Cơ Quan Viện Trợ Văn Hóa Hoa Kỳ (USAID)
(**) Bài thơ này đã xuất hiện trên tạp chí Trẻ năm 1959in trong một số báo chủ đề “Phạm Duy – Cung Trầm Tưởng và Họa Sĩ Ngy Cao Uyên”. Nhớ nhiều đến bố có việc làm công nhân viên ở đấy, và ông mang về nhà rất nhiều sách in bìa giấy trắng dầy của nhà xuất bản Phượng Giang, Tự Lực Văn Đoàn, Sáng Tạo cũng từ nơi này “hỗ trợ ” phổ biến (?), cũng chỉ để mang tặng không cho người quen… (PK)