Nhịn ăn gián đoạn hiện đang là một trong những trào lưu rèn luyện sức khỏe và thể dục phổ biến nhất trên thế giới. Nó bao gồm quá trình vừa ăn và nhịn ăn gián đoạn xen kẽ nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cân, cải thiện khả năng trao đổi chất, bảo vệ chống lại bệnh tật và có thể giúp bạn sống lâu hơn.
Nhịn ăn gián đoạn là gì?
Nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp ăn, luân phiên giữa ăn và không ăn theo chu kỳ. Phương pháp ăn này không bảo chúng ta sẽ ăn gì mà là khi nào thì sẽ ăn.
Có một số phương pháp nhịn ăn gián đoạn khác nhau, nhưng tất cả đều lấy ngày hoặc tuần chia ra thành những khoảng thời gian ăn và nhịn ăn.
Hầu hết mọi người trong khi ngủ thì đều là đã “nhịn ăn”. Nhịn ăn gián đoạn có thể hiểu đơn giản như kéo dài thời gian nhịn ăn lâu hơn một chút.
Bạn có thể làm điều này bằng cách bỏ bữa sáng, ăn bữa đầu tiên vào buổi trưa và bữa cuối cùng lúc 8 giờ tối.
Khi đó, xét về mặt kỹ thuật là bạn đang nhịn ăn trong 16 giờ mỗi ngày và ăn trong khoảng thời gian 8 giờ. Đây là hình thức nhịn ăn gián đoạn phổ biến nhất, được gọi là phương pháp 16/8.
Dù bạn có nghĩ gì thì việc nhịn ăn gián đoạn thực sự khá dễ dàng áp dụng. Nhiều người trải nghiệm xong cho rằng mình cảm thấy khỏe và tràn đầy năng lượng hơn trong thời gian nhịn ăn.
Việc đói bụng không phải là vấn đề lớn dù khi mới bắt đầu sẽ có chút khó khăn vì cơ thể chưa quen với việc kéo dài thời gian nhịn ăn. Không được ăn bất cứ thứ gì trong thời gian nhịn ăn trừ các đồ uống như nước, café, trà và đồ uống không chứa calo.
Một số ít phương pháp nhịn ăn gián đoạn cho phép ăn một lượng nhỏ đồ ăn có hàm lượng calo thấp trong thời gian nhịn ăn.Thực phẩm chức năng thì thường cũng được phép ăn nhưng miễn là không chứa calo.
Tóm lại: Nhịn ăn gián đoạn (viết tắt là IF) là một phương pháp ăn, luân phiên giữa ăn và không ăn theo chu kỳ, khá nổi tiếng, được nghiên cứu cẩn thận, và đang trở thành trào lưu.
Tại sao lại nhịn ăn?
Con người chúng ta cũng đã nhịn ăn hàng ngàn năm nay. Đôi khi đó không hẳn là vì người ta có nhu cầu nhịn ăn mà đơn giản là vì nhiều khi không có gì để ăn. Ở những tình huống khác, việc nhịn ăn là một yêu cầu trong tôn giáo. Một số tôn giáo, gồm cả đạo Cơ đốc và đạo Phật, có giới luật về nhịn ăn. Con người và các động vật theo bản năng cũng thường nhịn ăn khi bị bệnh.
Rõ ràng là không có gì bất thường về việc nhịn ăn, cơ thể chúng ta cũng luôn sẵn sàng để đôi khi không ăn gì trong một thời gian lâu hơn.
Khi chúng ta nhịn ăn, các chu trình chuyển hóa trong cơ thể cũng thay đổi để thích ứng với trạng thái đói. Nó cũng tác động đến các hóc môn, gen và quá trình sửa lỗi của tế bào quan trọng.
Khi nhịn ăn, cơ thể giảm rõ rệt lượng đường và insulin trong máu và gia tăng đáng kể hóc môn tăng trưởng.
Nhiều người nhịn ăn gián đoạn để giảm cân, đó là một cách rất đơn giản để hạn chế đưa năng lượng vào cơ thể và đốt cháy mỡ.
Cũng nhiều người nhịn ăn để giúp cơ thể chuyển hóa tốt hơn, cải thiện các rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe.
Có một số phát hiện chứng minh việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ. Các nghiên cứu trên loài gặm nhấm chỉ ra rằng hạn chế calo có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Một số nghiên cứu cũng đưa ra gợi ý việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tật, gồm cả bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, ung thư, bệnh Alzheimer và các chứng bệnh khác. Còn một số người đơn giản muốn nhịn ăn vì thấy thuận tiện.
Đó là một cách hiệu quả giúp cho cuộc sống của bạn trở nên đơn giản hơn, vừa cải thiện được sức khỏe, vừa khỏi phải lo nghĩ chuẩn bị, nấu nướng cho các bữa ăn.
Tóm lại: Con người thích nghi tốt với việc nhịn ăn theo thời gian. Nghiên cứu hiện đại cho thấy nó có lợi cho việc giảm cân, trao đổi chất trong cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật và thậm chí có thể giúp bạn sống lâu hơn
Các kiểu nhịn ăn gián đoạn
Nhịn ăn gián đoạn đã trở thành trào lưu trong nhiều năm trở lại đây và hiện có rất nhiều kiểu/phương pháp khác nhau xuất hiện. Dưới đây là một số kiểu phổ biến nhất:
- Kiểu 16/8: Nhịn ăn 16 giờ trong ngày, chỉ ăn từ buổi trưa đến 8h tối.
- Kiểu ăn – nhịn – ăn: mỗi tuần từ 1 đến 2 lần, nhịn ăn một bữa tối (cho đến bữa tối tiếp theo tính là nhịn ăn 24h).
- Kiểu ăn kiêng 5:2: mỗi tuần, trong 2 ngày liền chỉ ăn khoảng 500-600 calo.
Và cũng có nhiều phương pháp khác nhau nữa.
Cá nhân tôi là một người ủng hộ phương pháp 16/8 (được phổ biến bởi Martin Berkhan của LeanGains) vì thấy nó đơn giản và dễ dàng áp dụng nhất. Thực tế, tôi thích cách ăn này vì nó rất tự nhiên. Tôi thường không thấy đói trong buổi sáng do đó không muốn ăn gì cho đến khoảng 1h chiều. Sau đó tôi ăn bữa cuối trong ngày khoảng từ 6-9h tối, vì vậy một cách bản nang, tôi đã nhịn ăn từ 16-19h mỗi ngày.
Tóm lại: Có nhiều cách thức nhịn ăn gián đoạn khác nhau. Các phương pháp ăn phổ biến nhất là kiểu 16/8, kiểu Ăn-Nhịn-ăn, và kiểu ăn kiêng 5:2.
Lời khuyên khi thực hành tại nhà
Miễn là bạn ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn uống và thỉnh thoảng nhịn ăn có thể mang lại một số lợi ích rất tốt cho sức khỏe.
Đó là một phương pháp hiệu quả để giảm cân và cải thiện trao đổi chất trong cơ thể, trong khi giúp cho cuộc sống của bạn trở nên đơn giản hơn.
Kris Gunnars
Thuần Thanh biên dịch – etviet