Hôm thứ Hai (11/01), chín ngày trước Lễ nhậm chức của tân tổng thống, Tối cao Pháp viện đã bỏ qua một loạt yêu cầu về việc xem xét nhanh chóng những thách thức pháp lý đối với các kết quả bầu cử ở nhiều tiểu bang của chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông.
Các quyết định này diễn ra hôm 11/01 sau khi Quốc hội bỏ phiếu hôm 07/01 để bác bỏ tất cả phản đối của các thượng nghị sỹ và dân biểu thách thức các phiếu bầu của Đại cử tri đoàn ở các tiểu bang có tranh chấp, nơi mà Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris đã giành phần thắng sít sao. Ủng hộ của các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa giành cho việc phản đối các phiếu bầu đã sụp đổ sau khi nhiều người cầm cờ và các vật dụng khác của chiến dịch vận động tranh cử của TT Trump gây bạo loạn trong Điện Capitol, giữa lúc các nhà lập pháp đang cố gắng chính thức chứng nhận các kết quả của cuộc bầu cử hôm 06/11, khiến quá trình này bị trì hoãn vài giờ.
Mặc dù các vụ kiện bị ảnh hưởng là do Tối cao Pháp viện tiếp tục trì hoãn giải quyết, nhưng nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ kết thúc vào 12 giờ trưa ngày 20/01, lúc đó ông Biden và bà Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức thay thế họ. Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ không tham dự buổi lễ đó.
Tối cao Pháp viện, theo thông lệ của mình, đã không giải thích lý do tại sao họ bác bỏ các yêu cầu khẩn cấp xem xét nhanh các vụ kiện khác nhau. Đã không có sự bất đồng quan điểm nào được ghi nhận từ bất kỳ thẩm phán nào trong số chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện.
Các vụ kiện đang được nói đến ở đây là những vụ kiện có liên quan đến các cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ở Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, và Wisconsin. Tất cả vẫn tiếp tục được để nguyên trong sổ ghi án của Tối cao Pháp viện. Các vụ kiện đó, hiện đang trong tình trạng chờ được xử lý tại tòa án này, có thể được xét xử trong năm nay sau khi ông Biden và bà Harris nhậm chức.
Nhiều vụ kiện trong số đó tranh chấp các kết quả bầu cử dựa trên cơ sở những thay đổi được cho là vi hiến đối với các thủ tục bầu cử của tiểu bang. Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng “Mỗi Tiểu bang chỉ định [các đại cử tri cho tổng thống và phó tổng thống] theo Cách thức mà Cơ quan lập pháp của nó có thể chỉ đạo.” Các nguyên đơn chỉ ra rằng quyền lập pháp là “toàn quyền,” nghĩa là hoàn toàn và tuyệt đối. Các quan chức tiểu bang không được phép sửa đổi thủ tục bầu cử mà không có sự đồng ý của cơ quan lập pháp, họ nói.
Luật sư chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, ông John C. Eastman đến từ Anaheim, California, nói với The Epoch Times trong một email rằng ông không hài lòng với việc Tối cao Pháp viện quyết định không xúc tiến vụ kiện ‘Donald J. Trump for President v. Boockvar.’ Đơn xin lệnh xét xử lại và bản kiến nghị xúc tiến vụ kiện đã được nộp vào ngày 21/12.
“Bằng cách không thực hiện kiến nghị xúc tiến của chúng tôi trong hơn ba tuần, họ đã từ chối kiến nghị xúc tiến đó một cách hiệu quả,” ông Eastman nói, đồng thời cho biết thêm rằng câu trả lời cho vấn đề liệu bản kiến nghị có bị vô hiệu hóa hay không là chưa biết.
“Có một ngoại lệ được công nhận rộng rãi đối với việc vô hiệu hóa [các tranh tụng] được coi là ‘có khả năng lặp lại nhưng tránh xem xét.’ Nó được viện dẫn khá thường xuyên trong các vụ kiện tranh cử, vì các vấn đề như thế này thường được áp dụng cho cả cuộc bầu cử tiếp theo lẫn cuộc bầu cử hiện tại. Câu hỏi pháp lý của chúng tôi là liệu các quan chức tư pháp và các quan chức bầu cử không nằm trong nhánh lập pháp của tiểu bang có khả năng bỏ qua hoặc thay đổi luật bầu cử tiểu bang về ‘cách thức’ lựa chọn các đại cử tri có vi phạm Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ hay không. Đây vẫn là vấn đề quan trọng cần được Tòa án xem xét lại.”
Bản kiến nghị tuyên bố rằng tính toàn quyền “và các quy định pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành để thực hiện nghĩa vụ được giao theo hiến pháp không thể bị các quan chức bầu cử tiểu bang bỏ qua hoặc bị thay đổi bởi các tòa án tiểu bang,” trích dẫn phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2000 của Tối cao Pháp viện trong án lệ Bush kiện Gore, đôi khi còn được gọi là “Bush II.” “Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đó là những gì Tòa án Tối cao Pennsylvania đã làm trong bốn vụ kiện.”
Một vụ kiện khác của Dân biểu Mike Kelly (Cộng Hòa-Pennsylvania) chống lại tiểu bang Pennsylvania được đệ trình vào ngày 03/12 như một lời thỉnh cầu khẩn cấp nhằm ngăn cản các quan chức tiểu bang “thực hiện thêm bất kỳ hành động nào để hoàn thiện việc chứng nhận các kết quả” của cuộc bầu cử. Tối cao Pháp viện đã bác bỏ đơn kiện khẩn cấp đó vào cùng ngày.
Sau đó, trong một bản kiến nghị nộp vào ngày 11/12, ông Kelly đã yêu cầu Tối cao Pháp viện vô hiệu hóa Đạo luật 77 mà Thống đốc Pennsylvania Tom Wolf, một thành viên Đảng Dân Chủ, đã ký thành luật vào ngày 30/10/2019. “Hệ thống bỏ phiếu qua thư vô lý được thi hành theo Đạo luật 77 về cơ bản là vi hiến và vi phạm tiền lệ pháp lý đã tồn tại 158 năm,” ông Kelly lập luận.
Thẩm phán Patricia A. McCullough của Tòa án Khối thịnh vượng chung Pennsylvania đã đưa ra phán quyết vào ngày 27/11 kết luận rằng các nguyên đơn đã đạt đến, theo lời của ông Kelly, “toàn bộ sáu yêu cầu của một lệnh dừng khẩn cấp.”
“Các nguyên đơn dường như có một khiếu nại khả thi rằng các thủ tục bỏ phiếu qua thư được quy định trong Đạo luật 77 là trái với Điều VII Mục 14 của Hiến pháp Pennsylvania, vì ngôn ngữ đơn giản của điều khoản hiến pháp đó xung đột với các điều khoản về bỏ phiếu qua thư của Đạo luật 77,” ông McCullough viết.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Pennsylvania không đồng ý và đảo ngược phán quyết của thẩm phán McCullough. Hôm 11/01, Tối cao Pháp viện của Hoa Kỳ đã từ chối xúc tiến việc kháng cáo.
Đơn kiến nghị của chiến dịch tranh cử của ông Trump, được nộp vào ngày 29/12/2020, chất vấn các kết quả ở Wisconsin đã đề cập đến luận điểm của Điều II.
Vụ kiện của luật sư L. Lin Wood, người ủng hộ Tổng thống Trump, chống lại Tổng thư ký Brad Raffensperger về cuộc bầu cử ở tiểu bang Georgia đã lập luận trong đơn kiện được đệ trình vào ngày 08/12 rằng vị thư ký tiểu bang của Đảng Cộng Hòa này đã “chiếm” “toàn quyền” của Cơ quan lập pháp Georgia “bằng cách tham gia vào một Thỏa thuận Dàn xếp với Đảng Dân Chủ hồi đầu năm nay và phát hành một ‘Bảng tin Bầu cử Chính thức’ (Official Election Bulletin) mà sửa đổi các thủ tục rõ ràng để xác minh danh tính các cử tri qua thư của Cơ quan lập pháp.”
Thỏa thuận hồi tháng 03/2020 với Đảng Dân Chủ Georgia, Ủy ban Chiến dịch Thượng viện của Đảng Dân Chủ, và Ủy ban Chiến dịch Quốc hội của Đảng Dân Chủ đã vi phạm quyền của cử tri bằng cách đặt ra “những tiêu chuẩn hoàn toàn khác mà một nhân viên phòng phiếu xử lý các lá phiếu khiếm diện ở Georgia phải tuân theo.”
Một đơn kiện liên quan đến cuộc bầu cử ở Georgia do luật sư Sidney Powell đệ trình trong một vụ án được gọi là ‘In Re Coreco J. Pearson’ cũng chỉ đích danh ông Raffensperger là bị đơn.
Một đơn kiện khác cũng do bà LS Powell đệ trình trong vụ King kiện Whitmer nói rõ rằng có “những bất thường và gian lận cử tri phổ biến ở tiểu bang Michigan trong quá trình xử lý và kiểm đếm các lá phiếu và các lá phiếu khiếm diện,” và rằng tòa án sơ thẩm đã “hoàn toàn và triệt để bỏ qua hàng chục bản khai hữu thệ, lời chứng, ý kiến chuyên gia, các biểu đồ và hình ảnh hỗ trợ cho khiếu nại của nguyên đơn.”
Một đơn kiến nghị và đề nghị xem xét khẩn cấp được trình lên vào ngày 11/12/2020 bởi bà Kelli Ward, người đứng đầu Đảng Cộng Hòa Arizona, đã yêu cầu Tối cao Pháp viện “tuyên bố các ngày/ hạn chót là ngày 08/12/2020 và ngày 14/12/2020 được áp dụng với việc kiện tụng tại tòa án cấp tiểu bang về các đại cử tri tổng thống là vi hiến” ở Arizona.
Matthew Vadum
Cẩm An biên dịch – etviet