Ngay sau khi Tổng Thống Donald Trump vừa rời nhiệm sở, Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố lệnh trừng phạt đối với 28 người, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và cựu Cố vấn Chiến lược Tòa Bạch Ốc Bannon, v.v.
Sáng ngày 20/1, theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống (TT) Trump và phu nhân rời Tòa Bạch Ốc, bay tới Căn cứ chung Andrews (Joint Base Andrews) và tổ chức lễ chia tay tại căn cứ này, sau đó bay tới Florida.
Cùng ngày, Tổng thống đắc cử Biden đã tổ chức lễ nhậm chức và bàn giao tại Washington.
Ngay sau khi chính quyền TT Trump rời nhiệm sở, ngày 21/1 (giờ Bắc Kinh), Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 28 thành viên của chính quyền TT Trump, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Cố vấn Thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger, Bộ trưởng Y tế Alex Azar, Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft, và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cựu Cố vấn Chiến lược chính của Tòa Bạch Ốc Stephen Bannon, v.v.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tuyên bố rằng 28 thành viên của chính quyền TT Trump và các thành viên gia đình của họ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Ma Cao, đồng thời các công ty và tổ chức trực thuộc của họ bị hạn chế giao dịch và kinh doanh với Trung Quốc.
Ngoại giới cho rằng, lý do khiến ĐCSTQ trừng phạt các thành viên quan trọng của chính quyền TT Trump sau khi họ vừa mới rời nhiệm sở, là vì ĐCSTQ lo ngại rằng nếu tiến hành việc này trước khi chính quyền TT Trump hết nhiệm kỳ thì nó sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền TT Trump, vì vậy ĐCSTQ đã nhẫn chịu đợi cho đến thời điểm này.
Nhưng việc được chế độ độc tài ĐCSTQ chế tài luôn được giới chính trị Hoa Kỳ coi như một vinh dự. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và những người khác đã bị ĐCSTQ trừng phạt vì chỉ trích chính quyền này vào năm 2020. Ông Rubio từng nói công khai: “Tôi không có ý định đến Trung Quốc trong tương lai gần. Tôi không mong họ sẽ trải thảm đỏ cho tôi. Thực tế, tôi cảm thấy rất tự hào. Bất cứ lúc nào một chế độ độc tài hoặc chính quyền tà ác chống lại bạn, điều đó có nghĩa là bạn đã đúng”.
Vào ngày 20/1, ông Bannon đã trả lời qua Twitter của phóng viên Josh Rogin của The Washington Post rằng, ông đã bị ĐCSTQ chế tài, đây là một “vinh dự to lớn” mà ĐCSTQ trao cho ông và ông sẽ nỗ lực hơn nữa để đấu tranh và giành lại tự do cho “người dân” Trung Quốc.
Chỉ một ngày trước khi chính quyền TT Trump hết nhiệm kỳ, vào ngày 19/1, Ngoại trưởng Pompeo thông báo rằng chính quyền TT Trump đã xác định ĐCSTQ phạm “tội ác diệt chủng và chống lại loài người” vì đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Năm ngày trước khi rời nhiệm sở, ông Pompeo cũng đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 6 quan chức Trung Quốc và Hong Kong vào ngày 15/1, vì họ phải chịu trách nhiệm về vụ cảnh sát Hong Kong bắt giữ hơn 50 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ hôm 6/1.
Đây cũng là lần thứ ba Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong – những người đàn áp dân chủ và tự do của người dân Hong Kong sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc cưỡng chế thi hành “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong” vào ngày 30/6/2020.
Vào ngày 7/8/2020, Hoa Kỳ đã trừng phạt 11 quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm cả bà Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), v.v.
Vào ngày 7/12/2020, Hoa Kỳ đã trừng phạt toàn bộ 14 Phó Ủy viên trưởng của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ vì đã thông qua “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong” nhằm tước đoạt quyền tự chủ của Hong Kong.
Đông Phương