Bố Thân yêu!
Thực tình, có những người con cũng đã từng vắn dài nước mắt khi nhắc nhớ về cha mình, qua ký ức có chất chồng của trên 60 năm có bố.., thế nhưng thi thoảng vẫn có ít nhiều kỷ niệm như áng mây cô đọng nổi bật nhất vẫn thoáng hiện. Mình thường hay nhớ lại một vài hình ảnh cha con đi với nhau từ xa xưa lắm, như: Một lần nào đó bố đã cõng mình trên vai, băng qua đường đê giữa 2 bên ruộng lúa (lúc ấy là mùa ruộng, khô, phơi trơ cuống rạ ruộng khô) và một vài hình ảnh khác nữa (dĩ nhiên), một lần hai bố con đến ngủ lại một căn nhà đối diện nhà thờ Huyện Sĩ, hay một lần mới vào Nam, đi thăm trại Di Cư Biên Hòa, đất đỏ, mưa làm trơn trợt phải lội bì bõm… .
Năm đầu mới di cư vào Nam – 1954
Những hình ảnh tạm cư ngoài Bắc, vài ngày ở trường các Frère Dòng Lasan chờ có chuyến máy bay vào Nam… Nơi sân trường có những cây sấu, trái xanh chua chát, mà lũ trẻ chờ di cư cố tìm cách hái tráiở sân trường vài ngày trước khi vào Nam bằng máy bay, chở chen chúc người lớn, cụ già, trẻ bé vào Nam, được cấp giấy riêng cho những người được đón ưu tiên…
Hình như khi vào đến Sài Gòn, gia đình mình có ghé qua bệnh viện Bình Dân?, hình như cả nhà có ghé qua Phú Thọ lều, nơi gia đình của ông Chánh Chấn (anh của của ông Nội). Hình như gia đình mình có ghé qua ấp Di Cư An Lạc, có gia đình ông Giáp – người em kế của ông Nội. Tên trong nhà để có thứ tự: Ông Chánh đến ông Đôi, người thứ ba là ông Giáp. Thứ tự này như: anh cả, anh Hai, Anh Ba… .. mà đến giờ cũng chẳng biết Cụ tên gì trong khai sanh. Ông Đôi thì có tên là Phạm Quang Nhân, trưởng nam là Phạm Ngọc Hóa, sau này đi tu có tên Adrien Minh – Phạm Ngọc Hóa (ông sinh ngày 29-2 … lớn hơn Bố 2 tuổi. Mỗi năm vào dịp Tết, bác vẫn cho chở nhiều thứ về chúc Tết gia đình… Phần lớn là các chậu hoa Tết. Trong họ hàng, cũng đúng vào mỗi Mùng Một Tết, là cả nhà đón Taxi đi lên nhà thờ Thăng Long- Phú Thọ, chúc Tết và chung vui bữa cơm bao nhiêu năm liên tiếp vẫn giống nhau cách bày biện… đẹp mắt mà ăn rất ngon.
Bác Hóa và Bố mồ côi Mẹ từ nhỏ. Bác Hóa được gia đình anh ruột của Mẹ, là ông Bố chính tỉnh Thái Bình Nguyễn Lập Lễ mang về nuôi, và sẵn lòng cho đi tu khi có sư huynh tên Nghiêm và phái đoàn đến nhà tuyển người đi tu dòng các Frère Dòng La San.. Một phần có lẽ vì nuôi cháu đến thế là đủ, và nghe theo lời mời gọi của các tu sĩ rất “Francais” chăng?. Cứ mỗi lúc nhớ đến hoàn cảnh ấy, tôi nghĩ rằng bố thì khổ lắm , còn anh của bố chắc được sung sướng hơn, từ tấm bé khi được nuôi trong nhà bác ruột?
Chỉ nghe kể rất vắn tắt là người ăn người làm của Bác Bố chính Nguyễn Lập Lễ chẳng mấy khi cho Bố của mình được thăm anh ruột hay Bác Bố chính.
Cho đến bây giờ mình mới hiểu ra ngày xưa họ cũng môn đăng hộ đối, Bố của Ông Nội làm đến chức gì đó, rồi bị huyền chức. Nhà mỗi ngày mỗi nghèo (khánh tận) đến nỗi phải lần lượt gỡ từng viên gạch lớn ngoài sân bán. (Thăng quan, rồi thất chức!)
Nuôi bằng cách nào mà Cụ vẫn sống với con trai, cùng vợ là Mẹ của đám chị em chúng tôi cho đến ngày ngày ông mất (năm 1969). Hồi tưởng lại giai đoạn này tôi chỉ hay nghe bố kể về lúc bị Việt Minh mang ra đấu tố, may mắn thay, người đứng đầu phiên xử của nhân dân, người chánh án, chính là ông Hội Hoan, thân sinh của ca sĩ Phan Ngọc Hà, tìm cách cứu gỡ, và báo động cần đi trốn lánh cho nhanh…
Vẫn là nhớ về Bố, khi mới vào Nam, ông dắt tôi đi vào vài căn nhà trống mới dựng, mái tôn và vài cây cột trống trên khu đất đỏ, những lầy lội – bì bõm – trơn trợt dành chia lô cho các gia đình di cư.
Mẹ chúng tôi, thời con gái nhà ông ngoại là cụ Trần Trung Tín, cuối nhà chung dậu với nhà Bác Trùm Mùi, thân mẫu của các anh Trần Khải, Trần Thăng, Trần Minh – mà bác Trùm Khi về Lâm Đồng, ông cụ là nghị viên thành phố) gia đình khai thác và trồng trà Lâm Đồng. Blao, và vựa ngũ cốc. Bác vẫn nhắc đến, trong những buổi ăn cơm với gia đình bà đôi lần khi mới định cư. Cũng là gia đình Bác Mùi đã giúp thuê căn phòng của bác Ngô Lân, thân mẫu của BS/NS Trung, cho vợ chồng và bé Hoài Hương lúc ấy mới 8-9 tháng tuổi (vượt biển năm 2 tháng tuổi) Khi ấy bố và mẹ tôi bị tịch thu nhà và phải đi vùng kinh tế mới, Các người con ở lại cố làm đơn từ, xoay sở để ông được về lại ….
Cám ơn Bác Hóa đã phải nhờ vả, một trong các học trò thân thiết của ông để chúng tôi được tá túc trong một căn của dãy nhà sau (nơi có cây vú sữa già cổ thụ) và cũng từ đó bắt đầu là công dân của USAID cho đến hết năm 1964 (sau Cách Mạng 1963)
Để cật lực làm ăn, mở tiệm bán cây gỗ cũ, và thêm vật liệu xây cất, sắt thép, tôn lợp nhà.v.v.. cho người mua sửa nhà, kể cả những thợ làm guitar, banjo cũng mua những miếng gỗ thông cũ từ Sở Văn Hóa Thông Tin USAID cho không ..
Ký ức của tôi lại nhớ về những năm 1955-1956, Bố ngoài những cuốn sách Phượng Giang in giấy bìa giấy trắng, với logo chim phụng đỏ, còn rất nhiều hình Cụ Ngô mà Sở Văn Hóa Thông Tin Hoa Kỳ in tới hàng triệu tấm, mà không biết làm thế nào để phân phát.
Ký ức còn lại lãng đãng về những chiến đèn măng xông Hoa Kỳ, và nhiều món khác, từ sở được lệnh, đập hỏng, móp méo trước khi chở ra sông đổ (thay vì cho hay bán đồ cũ) mà nhà tôi cũng xin được vài chiếc để dùng và để dành cho lại – họ hàng ở ấp An Lạc, ở khu nhà thờ Phú Thọ (tôi phỏng đoán là sở Mỹ được lệnh hủy bỏ những đồ văn phòng cũ, nhwung ông xếp trực tiếp (tên Trìu) được lệnh lén cho mỗi người một ít đem về dùng.
Mình vẫn tiếc khi Bố còn sống, một vài tháng giúp lập văn phòng báo quán, mình quên không hỏi nhiều về kỷ niệm thời Bố mới vào Nam, lúc ấy không có một câu tiếng Anh mà tận tụy đến thế ít ra cũng là 10 năm Sở Mỹ… mỗi ngày rời nhà với chiếc Mobylet chuyên cần .. chỉ có thế … Trong lúc Bác Hóa âm thầm ở Taberd sau lần du học Pháp về với Nguyễn Xuân Qánh, Nguyễn Tường Tam. Là bạn cùng thời với Frère Bernard Bường, từng làm phó hiệu trưởng trường, cho đến lúc Frère Bường lên Giám Tỉnh, thì Frère Hóa lên giữ chức hiệu trưởng. Ông là sư huyng đầu tiên gốc Miền Bắc. Chính ông cũng không quên nhắc nhở gia đình phải thường xuyên ủng hộ trường Taberd, ủng hộ tiền trọn bàn dự tiệc của Trường, luôn cho may tặng các thứ trường cần, có lúc may cả ngàn cờ xí, treo từ cổng vào đến khán đài, ủng hộ tiền cho phong trào trẻ phục vụ xã hội COMITA do bác Hóa sáng lập… (Cựu học sinh của bác như: La Thành Nghệ, Trương Kế An, Lâm Ngươn Tánh, Lưu Vĩnh Lữ, BS Nhảy Dù Trần Đức Tường, Trương Kế Nhơn v.v…. Cả hai anh em đều hiểu; những gì mình được nhận, và những gì phải “đền bù”…
Tôi thương Bố, rồi nối tiếp đến các con
Ngày mùng 1 hay mùng 2 tháng 5-1975, sau khi từ giã bộ quần áo xám nhà binh, bước về đến căn nhà vùng Ông Tạ … Ông khóc và trách: “Thôi rồi! Sao bây giờ mà còn ở đây! Trời ơi!”
Và cho đến bây giờ cũng có những lúc nhớ ông, tôi cũng nghẹn ngào gọi “Bố ơi” .. hoặc khi nghe các con tíu tít “thơ dại” thân thiết gọi “Bố ơi! Bố ơi bằng tiếng Việt .. và cũng có chút giọt nước mắt của người lính thất trận, sa cơ chờ ngày tù đày.
* * *
Bố Ơi, Giờ thì bố ở đâu, mình xa nhau đã 10 năm rồi… !!
(PK) Source Nguoi Viet NW