Tổng thống Joe Biden đã hứa rằng ông sẽ tăng cường quan hệ ngoại giao và tìm kiếm một cách tiếp cận mang tính phối hợp hơn với các đồng minh của Hoa Kỳ để giải quyết các thách thức thương mại do Trung Quốc đặt ra.
Tuy nhiên, chiến lược đoàn kết các quốc gia thân thiện để gây áp lực với Bắc Kinh của Tổng thống Biden đang đối mặt với sự ran nứt khi các đối tác như Đức và Pháp báo hiệu rằng họ không cùng chung quan điểm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước đã phản đối ý tưởng xây dựng một khối chống lại Trung Quốc và gọi liên minh là “phản tác dụng”.
“Đây là một tình huống xung đột cao nhất có thể xảy ra”, ông Macron nói vào 4/2 trong một cuộc phỏng vấn với Viện chiến lược Hội đồng Atlantic (Atlantic Council).
“Đối với tôi, điều này phản tác dụng vì nó sẽ thúc đẩy Trung Quốc gia tăng chiến lược trong khu vực”, ông nói và nói thêm rằng nó cũng sẽ không khuyến khích Bắc Kinh hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Bình luận của Tổng thống Macron được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối đứng về phía Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc.
Bà Merkel phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào ngày 26/1: “Tôi rất muốn tránh việc xây dựng các khối. Tôi nghĩ rằng nó sẽ không công bằng và không tốt cho nhiều xã hội nếu chúng ta nói rằng đây là Hoa Kỳ và kia là Trung Quốc và chúng tôi đang thuộc khối này hay khối kia. Đây không phải là hiểu biết của tôi về vấn đề này”.
Làm việc với các đồng minh là nền tảng trong chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc trong việc giải quyết một loạt các vấn đề hóc búa, từ thương mại đến nhân quyền và Hong Kong.
Theo các nhà phê bình, những người ủng hộ nhân quyền ở Đức đã thúc đẩy chính phủ của bà Merkel có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) trong các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Tân Cương, nhưng họ đã bị các lợi ích kinh tế đã cản trở.
Philip Stephens, một cây chuyên mục của tờ Financial Times cho thấy Đức không phải là đối tác tin cậy của Hoa Kỳ do các lợi ích kinh doanh của quốc gia này ở Trung Quốc và Nga.
“Không thể chờ đợi Berlin lựa chọn giữa vấn đề nhân quyền và doanh số bán hàng ở nước ngoài, chẳng hạn như của các hãng như Volkswagen, BMW hay Mercedes,” ông viết trong bài viết gần đây của mình.
Bà Merkel đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ký kết thỏa thuận đầu tư kinh doanh giữa EU và Trung Quốc vào ngày 30/12/2020, một vài tuần trước lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Biden.
Thỏa thuận toàn diện kéo dài bảy năm này cho phép các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn. Bắc Kinh cũng đã đồng ý đảm bảo chính sách đối xử công bằng với các công ty EU và giải quyết các vấn đề lao động cưỡng bức như một phần của thỏa thuận. Thỏa thuận đã thu hút sự chỉ trích từ nhóm của Tổng thống Biden, những người đã kêu gọi “tham vấn sớm” với chính quyền mới.
Không rõ Nhà Trắng sẽ làm việc với các đồng minh của Mỹ như thế nào để đối phó với thách thức Trung Quốc.
Clete Willems, nhà đàm phán thương mại chủ chốt và là Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, đã ủng hộ chiến lược hợp tác với các đồng minh của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, ông cũng nhận ra mối quan hệ kinh doanh của châu Âu với Trung Quốc là một trở ngại lớn.
Ông nói với The Epoch Times: “Nếu chiến lược đó thành công, thì nó thực sự sẽ có nhiều tham vọng ra khỏi châu Âu hơn.
Ông cho rằng EU nên quyết tâm hơn trong việc đấu tranh cho các chính sách thương mại theo định hướng thị trường, bất chấp sức ép từ các doanh nghiệp và chính quyền Trung Quốc.
Ngày 5/2, sau những bình luận của Tổng thống Pháp Macron, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã tránh trả lời câu hỏi của báo giới về việc liệu chính quyền Tổng thống Biden có thể dựa vào châu Âu hay không.
“Chính quyền này coi Hoa Kỳ đang tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và công nghệ là lĩnh vực trọng tâm của cuộc cạnh tranh đó”, bà trả lời và nói thêm rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ không cho phép Bắc Kinh chiếm vị trí hàng đầu của Mỹ về công nghệ và nghiên cứu.
“Đó chắc chắn là thông điệp Tổng thống truyền đạt trong các cuộc trò chuyện của mình với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ”, bà nói.
Bà Psaki cũng cho biết vào ngày 11/2 rằng chính quyền “không vội vàng” và đang “thực hiện một cách tiếp cận mang tính chiến lược” để đối phó với Trung Quốc.
Bình luận của bà được đưa ra sau khi Tổng thống Biden có cuộc điện đàm đầu tiên [kể từ khi nhậm chức] với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/2. Trong cuộc gọi kéo dài hai giờ, Tổng thống Biden bày tỏ “những quan ngại cơ bản của ông về các hoạt động kinh tế cưỡng bức và không công bằng của Bắc Kinh, cuộc đàn áp ở Hong Kong, vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và các hành động ngày càng quyết đoán trong khu vực, bao gồm với Đài Loan”, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.
Nguyên Hương
Theo The Epoch Times