CUỐI TRỜI MÙ SƯƠNG
Ngày mai chừng mấy giờ thì anh đi!”
“Bảy giờ anh phải có mặt ở bến xe Văn Thánh rồi có người dẫn đi. Họ dặn đi, dặn lại, là nhớ phải đến đúng giờ. Hình như họ chia ra làm nhiều đợt thì phải! Tuy họ không nói
ra, nhưng anh cũng có thể suy đoán được như thế. Mỗi đợt theo như anh nghĩ, độ chừng
mười người là cùng. Họ còn nhắc khéo, mình nên ăn mặc giản dị, giống như người đi
buôn bán, làm ăn thì tốt nhất.
Sở dĩ họ muốn mình làm như vậy, là để tránh sự chú ý của dân chúng địa phương.
Nói như thế, có nghĩa là họ không muốn mình tỏ ra quá ngang nhiên, quá lộ liễu. Họ muốn mình phải cải trang. Phải làm thế nào cho hợp với màu sắc lam lũ của người dân ở dưới đấy. Phải dè dặt trong khi đi đứng. Phải đề cao cảnh giác. Phải nhìn trước, ngó sau để phòng ngừa những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào! Nói tóm lại, họ bảo
mình làm thế nào, thì mình cứ làm đúng y như lời người ta dặn là được rồi.”
“Thế họ có đề cập đến vấn đề ăn ở không anh! Dù muốn dù không, xuống dưới đấy, anh cũng phải nằm chờ ít nhất là đôi ba ngày, chứ đâu có lý nào mà đánh liền ngay trong đêm mai được!”
“Chuyện đó thì bà chủ tàu có nói với mẹ anh ngay từ buổi đầu tiên mới gặp mặt ở tại nhà.
Anh vẫn còn nhớ, hôm ấy, hai người có vẻ tương đắc và nói chuyện với nhau đến gần cả tiếng đồng hồ. Cách đây không lâu, nhân tiện có dịp xuống thăm một người bạn thân ở
dưới khu ông Tạ, anh có nghe người ta xầm xì, bàn tán rất nhiều về cái tổ chức này.
Chẳng cứ gì ở khu ông Tạ, mà ngay đến cả bên Xóm Chiếu cũng thế. Đâu đâu người ta cũng khen nức, khen nở, cho đấy là chỗ đàng hoàng, tử tế, chứ không giống như mấy tổ chức xa lạ khác!
Cứ mỗi lần nhắc đến người bạn thân ở trong xóm và bà hiện đang sinh sống ở nước ngoài, mẹ anh thường tỏ ra xúc động, rồi quay sang nói với anh bằng câu hết sức là thấm thía, buồn vô hạn:
“Lúc nào mẹ cũng muốn cho con đi, chứ chẳng phải là mẹ không muốn đâu! Mẹ vẫn để tâm nghe ngóng từ đầu này sang đến đầu khác! Nhưng! Khổ nỗi, mẹ chẳng biết chỗ nào
là chỗ khả dĩ mà mình có thể trông cậy, phó thác và tin tưởng vào người ta được! Nhìn vào thực trạng của gia đình mình hiện giờ cũng đâu có giàu có, dư giả gì! Lỡ gẫy một
chuyến thì kể như không còn có chuyến thứ hai! Nhìn vào bức tranh của đời sống xã hội hôm nay, chúng ta khỏi cần đề cập tới miền Trung hoặc miền Bắc làm gì, mà ngay đến cả
ở trong Nam mình cũng còn phải rơi vào tình trạng tồi tệ, bấp bênh nữa là đằng khác!
Mẹ con mình sống được ngày nào thì biết ngày nấy, chứ đâu có biết được ngày mai sẽ ra sao!”
“Ngày nào mẹ cũng tất bật. Ngày nào mẹ cũng chạy đôn, chạy đảo. Ngày nào mẹ cũng phải xông xáo, bươn trải. Phải trầy vi, tróc vẩy ra mới kiếm được đồng tiền. Phải quần
quật, ngược xuôi hết chợ này sang đến chợ khác! Chưa khi nào mẹ dám hở môi, than vãn với bất cứ một người nào ở trong họ, về những tủi nhục, đắng cay, chua chát mà mẹ đã
phải hứng chịu cả hằng bao nhiêu năm nay. Chung qui cũng chỉ vì hai chữ gia đình!
Cũng chỉ vì chồng, vì các con, nên mẹ mới phải cắn răng, cắn lợi để chịu đựng. Ngày nào mẹ cũng phải thức khuya, dậy sớm. Phải đầu tắt, mặt tối. Phải vã cả mồ hôi hột ra mới có được miếng ăn cho gia đình. Bây giờ là thời buổi bao cấp. Thời buổi gạo châu, củi quế. Thời buổi đi đâu cũng nghe thấy người ta ca thán, oán trách về tình trạng khốn đốn hiện nay. Về chính sách be bờ, o ép của nhà nước. Về nền kinh tế què quặt đã xô đẩy người dân phải lâm vào tình trạng nghèo đói, khó khăn. Đi đâu cũng nghe người ta than vãn. Đi đâu cũng nghe người ta kêu ca, bình phẩm, chê bai về chế độ độc tài, thối nát hiện giờ. Chỗ nào cũng nghe người ta xầm xì, rỉ tai với nhau. Nào là, miền Nam đang bước vào thời kỳ đổi đời. Thời kỳ bị đảo lộn từ ở dưới lên trên. Thời kỳ của thằng khôn đi học và thằng ngu dạy đời. Chưa khi nào người dân ở miền Nam lại phải lâm vào hoàn cảnh lao đao, đói khổ, hụt hẫng như ngày hôm nay! Từ trước đến giờ, có thể nòi, đây là lần đầu tiên, người dân ở miền Nam mới lâm vào hoàn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như ngày hôm nay. Từ Bắc chí Nam đều phải ăn bo bo để trừ cơm. Đều phải khắc phục mọi hậu quả chiến tranh, để tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa.
Xét cho cùng, thì Xã Hội Chủ Nghĩa cũng chẳng có đẹp đẽ gì! Nhìn vào thực trạng của
đời sống hôm nay, nhà nước chỉ biết o ép, bóp nghẹt và chẳng khi nào quan tâm đến
những nguyện vọng thiết tha của toàn đân! Còn về mặt xã hội thì càng ngày càng xuống cấp, tụt hậu về tất cả mọi phương diện. Cái xã hội chỉ thấy toàn là những bất công,
những thối nát cùng mọi thủ đoạn thâm độc, xảo trá để lừa lọc, cạnh tranh lẫn nhau.”
“Ngày nay, chúng ta chẳng còn nghe ai nhắc đến hai chữ nhân phẩm cũng như hai chữ sĩ diện nữa! Chung qui cũng chỉ vì cái bao tử! Cũng chỉ vì đồng tiền! Cũng chỉ vì miếng ăn mà thôi! Nói tóm lại, mẹ con mình đang sống trong một xã hội đầy nham hiểm, đầy nghi kỵ lẫn nhau. Chính vì thế, chúng ta chẳng còn biết tin tưởng vào nơi ai bây giờ!
Ngày nào, ở trên chợ, mẹ anh cũng nghe người ta bàn tán đến nhiều tổ chức vượt biên khác nhau. Tổ chức nào thì cũng nói ngon, nói ngọt. Đường dây nào cũng vỗ ngực,
xưng tên, cho mình là chỗ đáng tin cậy, là nơi rất uy tín. Nhưng! Khổ nỗi! Làm sao mẹ có thể biết được! Chỗ nào là thực và ở chỗ nào là giả!”
“Cũng may, bà chủ tàu lại là chỗ quen biết, đi lại với dì anh ở dưới Lam Sơn. Cứ theo như lời của dì anh, thì bà chủ tàu được mô tả là mẫu người hiền lành, đạo đức. Mẫu người chỉ biết nghĩ sao, nói vậy. Có thế, trong suốt gần cả tiếng đồng hồ, bà ta cứ say sưa kể cho mẹ anh nghe, lan man từ chuyện này sang tới chuyện khác! Thậm chí ngay đến chuyện bãi bến, bà ta cũng còn lôi ra, thổ lộ hết từng chi tiết tỉ mỉ, khúc mắc ở trong đấy.
“Em chẳng nói dấu gì chị! Lỡ rơi vào cái nghề này, thì điều kiện tiên quyết là phải có tiền để trang trải. Có tiền thì mọi chuyện mới êm thắm được. Giả dụ, nếu mình muốn cho chuyến đi được an toàn, thì điều kiện trước tiên là phải có tiền để mua bãi bến. Nói vậy, chứ bãi bến cũng đều có cái giá riêng của nó hết chị ạ. Mình muốn nói chuyện trực tiếp với mấy ông này, thì phải nói bằng vàng, chứ không thể nói bằng tiền như chúng ta vẫn thường giao dịch, buôn bán với nhau ở bên ngoài được! Năm nay, họ đưa cái giá có phần hơi cao so với mấy năm trước. Nhưng em vẫn phải gồng minh, ráng sức để mua
cho bằng được. Em luôn luôn nghĩ rằng: Chẳng thà tốn thì tốn, nhưng ngược lại, mình
đỡ phải hồi hộp, lo lắng. Phải không chị! Chính vì thế, từ trước cho tới giờ, chẳng xót chuyến nào mà em không lưu tâm đến sự an toàn cho từng người khách của mình.”
Thắc mắc, mẹ anh liền lên tiếng hỏi:
“Làm thế nào mà chị có thể luồn lỏi, móc nối, lung lạc được mấy ông chính quyền ở dưới đó!”
Nghe đến đấy, bà chủ tàu chỉ cười xòa rồi điềm nhiên, chậm rãi:
“Chị quên rồi à! Chẳng có thứ gì mà qua được đồng tiền, và nhất lại là vàng, thì còn gì mà quí cho bằng! Chị cứ thử ngẫm nghĩ lại xem: Ở trên đời này, chẳng có ai mà không muốn sung sướng, hở chị! Ai thấy vàng mà lại không nổi lòng tham! Ai mà chẳng muốn quơ vào để làm của riêng cho chính bản thân mình! Thế mới biết, lòng tham của con
người ta ghê thật. Nó chẳng khác nào như cái túi không đáy, phải không chị! Mấy ông này thì cũng chẳng có ngoại lệ! Bề ngoài thì mấy ông ấy cứ ra vẻ, ta đây là con người trong sạch, liêm chính. Nhưng! Sự thật ở bên trong thì trái hẳn. Cỗ đã dâng lên tới tận miệng, thì dễ gì mấy ông ấy bỏ qua. Nhất là trong thời buổi gạo châu, củi quế này, ông nào mà chẳng ham hở chị! Ông nào thấy vàng mà không sáng mắt lên! Ông nào cũng móc ngoặc. Ông nào cũng nham nhúa như nhau. Đạo đức cách mạng là một chuyện, còn tiền bạc thì lại là chuyện khác nữa! Chẳng có ông nào mà không nhờ vào đồng tiền tham ô, bất chánh, nên mới có được nhà cao cửa rộng. Thời buổi nào thì cũng vậy. Có vàng là có tất cả. Chị chỉ cần có vàng để lót đường thì mọi chuyện đều trơn tru, xong xuôi đâu vào đấy hết. Nhưng có điều, đi đêm thì mình phải biết ngóc ngách từng nơi, từng chỗ. Phải biết khôn khéo. Phải kín đáo, đồng thời phải biết gõ đúng tần số thì mới được việc chị ạ. Em nói vắn tắt, ngắn gọn như thế. Chắc chị cũng hiểu được cái ý chính của nó nằm ở trong đấy. Rất tiếc là em không có rộng thì giờ để nói chuyện với chị! Còn có rất nhiều chuyện kinh thiên động địa hơn nữa! Những chuyện rất khó tin, nhưng lại là có thật. Quanh năm suốt tháng, chị cứ quanh quẩn với công việc làm ăn ở trên đây, nên chị đâu có biết được chuyện gì xảy ra ở bên ngoài! Chị đâu có ngờ rằng: Có chuyến, người ta còn thuê cả công an đứng ra để giải quyết các vụ căn me, đi hôi vào những giờ phút chót. Giả dụ, nếu chị có mặt ở ngay tại bãi bến vào lúc ấy, chị sẽ chứng kiến tận mắt, cảnh người ta xô đẩy, giành giựt, chen lấn nhau để xuống tàu. Người ta kéo xuống không phải là vài ba người đâu chị! Có khi, con số còn lên đến cả hằng chục mạng nữa là đằng khác! Đứng trước tình trạng hỗn tạp như thế, nói dại, nếu không có sự can thiệp của công an, thì thử hỏi, số phận của chiếc ghe khi ra đến ngoài khơi rồi sẽ ra sao! Nói tóm lại, tất cả những gì em vừa kể cho chị nghe đều là sự thật. Sự thật một trăm phần trăm, chứ em không hề thêm mắm, thêm muối gì ở trong đấy! Xuyên qua mấy câu chuyện vừa kể, chị em mình mới thấy rõ được cái bề trái nhơ nhớp của mấy ông này. Từ đó, chúng ta mới nhìn thấu được, thế nào là cái mãnh lực ghê gớm của đồng tiền! Chỉ có đồng tiền mới làm cho người ta mờ mắt rồi quên đi cả lý trí. Có phải đúng như vậy, không hở chị!”
“Sau khi xuống tới Lam Sơn thì có người luôn luôn túc trực, chờ sẵn, chở thẳng vào địa điểm ấn định bằng phương tiện xe đạp. Kể ra thì họ tổ chức thật chu đáo. Xem ra, chỗ này cũng rất uy tín. Theo như lời của dì anh cho biết, thì đây là chuyến thứ ba hoặc thứ tư gì đó. Tất cả các chuyến trước họ tổ chức đều trót lọt. Anh không biết đến chuyến này thì ra sao! Hơn nữa, chuyến này lại là chuyến cuối, đặc biệt dành riêng cho gia đình. Vì thế, họ chỉ bốc khách lấy lệ, để trám vào các mục như bãi bến chẳng hạn. Đặc biệt nhất, khách đi trong chuyến này đều là chỗ quen biết, thân tình.”
“Còn về vấn đề tiền bạc thì sao hở anh!”
“Khi nào người nhà mình ở bên đây nhận được điện tín đánh về từ bên đảo, báo tin thân nhân mình đến bến bình an thì lúc đó mình mới chung tiền. Còn bây giờ, mình chỉ đưa trước cho họ hai chỉ tượng trưng, để chi phí cho việc dầu, mỡ, thực phẩm cùng mấy thứ lặt vặt, linh tinh khác!”
“Nhưng gia đình họ đi hết trong chuyến này, như vậy thì mình sẽ chung tiền cho ai!” “Em rõ thật ngây thơ. Họ còn người thân ở bên đây chứ. Giả tỷ, nếu như mình có khả năng, hay nói một cách khác, mình có thân nhân hoặc bạn bè hiện đang sinh sống ở nước ngoài mà mình có thể mượn trước được, thì trả thẳng chọ họ ở bên đấy. Bằng không thì gia đình mình sẽ thu xếp rồi trả cho người thân của họ ở bên đây.”
Khánh ngừng lại suy nghĩ. Lát sau anh mới hạ thấp giọng buồn buồn:
“Rất tiếc là không có em đi chung với anh trong chuyến này. Đấy là điều làm cho anh cứ phân vân, đắn đo và khổ tâm vô cùng.”
Nga ngắt ngang, giọng nàng đanh lại:
“Anh phải đi! Không đắn đo, chần chờ gì hết! Bác gái còn đủ sức chạy đầu này, vay đầu
kia thì anh phải đi. Đừng lo lắng gì cho em mà bỏ lỡ cơ hội hiếm có. Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng biệt khác nhau! Bên anh khác! Còn nhà em khác! Mẹ em thì bệnh hoạn, đâu có thể so bì với bác gái được! Thậm chí, ngay đến bản thân em đây cũng còn phải nghỉ học, nhảy ra để chạy chợ, cáng đáng cho mẹ em, thì thử hỏi, làm gì mà có khả
năng! Nói dại, ngộ nhỡ, nếu em đi rồi, thì ở nhà lấy ai ra để mà lo cho mẹ cùng các em!
Nói thì nói như thế, chứ thực ra cũng chẳng biết trông cậy, nhờ vả vào nơi ai bây giờ! Vì thế, mình chỉ biết trông cậy vào đôi bàn tay của chính mình. Bao nhiêu họ hàng, thân thích đều tìm cách lẩn trốn, xa lánh. Họ sợ mình đến để quấy rầy, để vay tiền. Chưa chi
họ đã rào trước, đón sau, nào là, thời buổi này chẳng biết lấy gì để xoay sở làm ăn! Nào là, hoàn cảnh trong gia đình hiện giờ rất túng thiếu nên chẳng có tiền để lo cho cháu lớn
vượt biên! Họ viện ra đủ mọi lý do này sang đến lý do khác! Quanh đi, quẩn lại cũng chỉ thấy toàn là những lời giả tạo. Những lời bịa đặt, gượng gạo, sượng sùng nghe chẳng suông tai chút nào! Càng nghe, mẹ em càng cảm thấy ngao ngán, chán ngấy về mấy chữ họ hàng, thân tộc. Ở đây, em chỉ đề cập tới mấy gia đình ruột thịt, kề cận với nhà em.
Mấy gia đình từng thọ ơn mưa móc của nhà em trước kia. Từng được bố mẹ em cưu mang, giúp đỡ họ trong những lúc hoạn nạn, sa cơ, thất thế. Có khi, đến cả hai, ba năm trời, họ cũng chẳng ghé qua nhà em tới một lần! Đôi khi lỡ chạm mặt mẹ em ở ngoài đường, họ tỏ ra săn đón, quấn quit rồi đon đả:
“ Lâu lắm vì quá bận rộn làm ăn, nên em không tiện ghé thăm chị được! Mong chị thông cảm cho em.”
Hoặc:
“Lâu nay chị có tin tức gì về anh không!”
Họ chỉ nói qua loa vài câu lấy lệ rồi rút êm. Anh thấy họ đối xử với nhà em như vậy có tệ lắm không!”
Nói xong, Nga đột nhiên bật khóc. Giọng nàng đổi thành rung rung:
“Anh đi rồi, có lẽ em phải mất một thời gian khá lâu, thì họa may mới mong lấy lại được bình thường. Em không biết, rồi đây chúng mình có còn cơ hội gặp lại nhau nữa hay không!”
Khánh vừa khom người đạp chiếc xe, vừa dỗ dành:
“Nín đi em! Kẻo người ta nhìn thấy cười cho bây giờ. Em chỉ hay nói dại. Gặp chứ sao lại không! Anh tin là như thế. Ngay đến bà thầy bói cũng còn quả quyết với anh rằng:
Chúng mình sẽ gặp lại nhau cơ mà.”
Nga phì cười, dơ tay đập nhẹ lên vai Khánh:
“Hơi đâu mà anh cứ tin vào mấy bà ấy làm gì cho mệt. Bói ra ma, quét nhà ra rác. Theo em thì khó lắm. Chuyện đời khó có thể nào mà lường trước được!”
Chiếc xe chạy bon bon trên mặt đường Nguyễn Huệ. Trời nóng, mồ hôi rịn đầy trên trán hai người. Khánh liếc mắt nhìn sang hai bên, rồi trước mặt. Chung quanh anh, là cả một cánh rừng xích lô cùng xe đạp trùng điệp. Tiếng máy nổ ì ạch, ngắt quãng của chiếc xe lam cọc cạch, già nua, quyện theo mùi xăng, nhớt khét lẹt, pha lẫn với mùi ngai ngái, tanh hôi của cá và nước mắm. Ai nấy đều đăm chiêu, tư lự. Chẳng một nụ cười nào dấy lên! Chân dung Sài Gòn mất hẳn đi tính chất hồn nhiên, vô tư như trước đây.
Nó chìm theo ánh lửa đạn bức tử của những ngày tháng tư oan nghiệt năm nào. Sài Gòn hôm nay khác hẳn với Sài Gòn ngày xưa. Một Sài Gòn chói lọi, vàng son, lấp lánh không còn nữa! Nó tuần tự ngả màu, úa dần rồi chìm theo bóng tối của thời gian.
Nguyên nhân xuất phát cũng từ cái khúc quanh nghiệt ngã, đắng cay của lịch sử. Nỗi oan khiên cùng cuộc thay ngôi, đổi chủ đã diễn ra ở tại nơi này. Có nhiều người thường tỏ ra
ngây ngô, hỏi nhau với luận điệu đầy mỉa mai, chua chát ẩn chứa ở trong đấy:
“Tôi hỏi thật! Anh thấy được những gì đặc sắc và nổi bật nhất trong bức tranh hòa bình của đất nước hôm nay!”
Người kia liền cau mày thở dài:
“Tôi chẳng nói dấu gì anh! Tôi chỉ thấy toàn là những ánh mắt ủ rũ, phiền não, buồn muôn thuở. Những nếp nhăn chằng chịt lên ngôi, cùng các khuôn mặt cằn cỗi, gầy gò,
hốc hác, đen đúa, già nua đi trước tuổi.”
Ngày nào cũng giống như mọi ngày. Ngày nào người ta cũng quần quật, bươn trải, lăn lộn với cuộc sống. Ngày nào người ta cũng lo lắng, ngao ngán về chén cơm độn hẩm hiu chiều nay. Về bóng tối đen kịt đang đè nặng, trùm kín xuống thành phố này. Thành phố được mệnh danh là thủ đô của miền Nam trước đây. Người ta chán ghét Cách Mạng.
Cách Mạng làm cho người ta khổ. Cách Mạng đẩy họ vào đời sống cơ cực, túng quẩn.
Từ ngữ giải phóng bỗng nhiên trở thành mỉa mai, chua chát. Nhãn hiệu giải phóng hầu như chẳng còn ngự trị ở trong lòng của người dân tại thành phố này nữa! Người ta không
muốn nghe những luận điệu khoe khoang, lâp đi, lập lại về hai chữ giải phóng. Họ đề cao, ca tụng chủ nghĩa xã hội. Họ hô hào cải tạo xã hội, kêu gọi mọi người dân phải đẩy
mạnh công cuộc xây dựng, kiến tạo xã hội chủ nghĩa tại miền Nam lên ngang hàng với xã hội miền Bắc. Miền Bắc là cái nôi, là thiên đường của xã hội chủ nghĩa. Vậy xã hội chủ
nghĩa là gì! Là kéo cho người giàu tụt xuống, ngang hàng với giới nghèo hèn thấp nhất.
Giới chân lấm tay bùn, và lúc ấy, xã hội chỉ còn lại có mỗi giai cấp duy nhất là vô sản.
Là buổi sáng, mọi người phải hối hả, chầu chực, xếp hàng ngay từ lúc còn sáng sớm để chờ mua thực phẩm. Người ta kêu gọi mọi người dân phải thắt lưng, buộc bụng. Phải đi
đúng theo tinh thần của xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều phải đi lao động không công. Phải đào kinh, vét mương. Phải lao mình vào các nông trường xa xôi, hẻo lánh. Người ta còn
hô hào, khuyến khích người dân nên về sinh sống, lập nghiệp tại các vùng kinh tế mới.
Thoạt đầu, có nhiều người nghe bùi tai, mềm lòng, bán cả nhà cửa rồi bồng bế nhau ra đi.
Đến khi sực tỉnh, mới thấy mình dại dột, lếch thếch, dắt díu nhau thành từng đoàn, từng lũ, quay về sống lang thang, tạm bợ trên các vỉa hè thành phố. Buổi chiều, sau khi mặt trời xế bóng, người ta sẽ thấy nồi bếp được dọn ra, đồng thời ánh lửa chập chờn ngún lên và khói lam bắt đầu cuồn cuộn tỏa ra mù mịt. Lát sau, cả nhà đều quây quần, chen chúc bên nhau trên chiếc chiếu manh nhàu nát, cũ mèm, phơi trần những tấm thân gầy gò, đen đúa, trong bữa cơm về chiều tẻ nhạt, ngao ngán. Đó là hậu quả tệ hại, ê chề nằm trong chính sách phát triển của nền kinh tế mới. Người ta quen với đời sống thành thị. Người ta quen với ánh sáng lâu rồi. Cuộc đời họ gắn liền với thành phố này cũng giống như đáp số của bài toán cộng không bao giờ thay đổi! Người ta không thích tối tăm! Người ta không chịu nổi cảnh lầy lội về mùa mưa phải ngồi trên chiếc xe máy cầy cả hằng mấy tiếng đồng hồ trên con đường nhầy nhụa, trơn trợt. Người ta đâm ra sợ. Sợ từng lũ đom đóm lập lòe về đêm. Sợ từng đàn muỗi vo ve khi màn đêm xụp xuống. Người ta ngán ngẫm về hai chữ hòa bình. Hòa bình có, nhưng tự do thì không! Hòa bình trong đói khổ,
lầm than. Hòa bình trong chiếc bánh vẽ về một tương lai chói ngời, chập chờn ở phía trước. Tương lai đó chẳng bao giờ có thực! Nó chẳng khác nào như cái bong bóng nổi
phập phồng trong ngày mưa dầm dề, dai dẳng. Trước đây, mọi người đều khao khát, mong đợi hòa bình. Hòa bình để nối lại tình tự dân tộc. Hòa bình để cho người hai miền được nhìn nhau, giao hòa cùng nhịp thở. Hòa bình để hàn gắn, băng bó lại vết thương chiến tranh cho lành lặn, bình phục. Hòa bình để cho mọi người cùng chung lưng, sát cánh với nhau, hầu bắt tay đi vào công cuộc tái thiết, phát triển và xây dựng một tương lai hứa hẹn, ngời sáng đến với đất nước.
Thường thường, bất cứ quốc gia nào sau chiến tranh, họ đều có cái nhìn lạc quan về tương lai đất nước họ. Nhưng! Đặc biệt trên giải đất thân yêu, gấm vóc này thì trái hẳn! Thảm nắng hòa bình đã trải xuống từ lâu, nhưng người dân vẫn còn cảm thấy khe khắt, chật vật nơi cuộc sống. Người ta chẳng thấy tia sáng hy vọng nào, le lói, báo hiệu ở dưới cuối đường hầm! Chính sách bóp nghẹt của nhà nước càng ngày càng làm cho người dân nghẹt thở. Người ta đâm ra liều lĩnh, kéo nhau, đổ xô đi buôn lậu. Tât cả đều lậu. Nếu ai có dịp đứng trên xa cảng miền Tây hoặc ngã tư Hàng Xanh vào buổi chiều nào đó, sẽ chứng kiến tận mắt, cảnh người ta chạy gạo lậu, thịt lậu, trà lậu, cà phê lậu từ khắp nơi đổ về thành phố. Sài Gòn là chỗ tiêu thụ, cho nên mọi thứ đều đổ dồn về thành
phố này. Dọc đường, con buôn đều phải đóng thuế cho mấy trạm kiểm soát kinh tế. Nhiều người bị rơi vào hoàn cảnh sạch vốn, trắng tay, khóc sướt mướt cũng chỉ vì không có tiền để đội gạo nuôi chồng, hiện đang nằm khắc khoải trong các trại tù được mệnh danh là cải tạo. Đường lối trả thù thâm độc của nhà nước, đã làm cho biết bao nhiêu gia
đình đều lâm vào tình trạng điêu đứng, tan nát. Người ta chán Cách Mạng. Chán chủ
nghĩa xã hội. Họ đâm ra thù ghét công an. Căm thù kiểm soát kinh tế. Họ không còn thiết tha gì về hai chữ hòa bình! Họ muốn có chiến tranh trở lại. Người ta đánh bóng lại hào quang về một thời chinh chiến ở quá khứ. Quá khứ là quá khứ. Lịch sử sẽ chẳng bao giờ ngừng lại! Lịch sử vẫn tiếp tục quay đều vào chuỗi không gian lẫn thời gian bất tận.
Đấy là điều hiển nhiên, chăc chắn. Người ta mong đợi trang sử mới được lật sang. Một
năm. Hai năm. Ba năm. Rồi sáu năm vẫn chẳng thấy động tịnh gì! Thời gian cứ lạnh
lùng, thờ ơ đi qua. Buổi sáng, thức dậy, vẫn còn bị ám ảnh, quấy rầy bởi những bản nhạc mang nặng sắc thái tuyên truyền, của Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, của Cô Gái Vót Chông chẳng hạn. Người Sài Gòn không thích loại nhạc này, mà ngay đến tất cả người miền Nam cũng thế. Người ta thích trữ tình, thích ướt át, thích những dòng nhạc nhẹ nhàng, êm dịu. Người ta không khi nào quên được Nghìn Trùng Xa Cách, Nha Trang Ngày Về, Bên Cầu Biên Giới, Diễm Xưa, Áo Lụa Hà Đông, Lá Đổ Muôn Chiều, Thu Quyến Rũ….. Người ta thích nghệ thuật trong giá trị cao quí của nó. Đó là món ăn tinh thần hầu như đã ăn sâu vào tận cốt tủy của người dân miền Nam. Nếu đem ra đối chiếu hoặc so sánh giữa hai dòng nghệ thuật của miền Nam với miền Băc, thì hầu hết ai nấy cũng đều phải công nhận rằng: Sự chênh lệch quá xa đã nghiêng hẳn về miền Nam.
Con đường nghệ thuật tại miền Nam được thăng hoa, kết trái và phát triển không ngừng, biểu hiện đầy tính chất sáng tạo, đa dạng ở trong đấy. Trong khi đó, tại miền Bắc, nghệ
thuật bị ép vào quĩ đạo của nhà nước, cũng giống như con đường độc đạo, chỉ có mỗi mục đích duy nhất là phục vụ, ca ngợi cuộc đấu tranh. Chính vì thế, nghệ thuật bị mất hẳn đi tính chất thuần túy và cao quí của nó. Thoáng chợt, có tiếng còi xe nổi lên inh ỏi ở phía trước. Nga giật mình lên tiếng hỏi:
“Có chuyện gì đó hở anh!”
Khánh đáp chẳng cần suy nghĩ:
“Anh cũng không biết! Hình như đụng xe thì phải.”
Ngoái cổ lại sau lưng, Khánh buột miệng:
“Mình đi đâu bây giờ hở em!”
“Em cũng chẳng biết đi đâu bây giờ!”
Khánh đề nghị:
“Hay mình đi xem chiếu bóng đi em. Nghe đâu ở rạp Đồng Tháp, có phim của Cộng Hòa
Dân Chủ Đức hay lắm.”
Lưỡng lự trong giây lát, Nga đột nhiên đổi giọng buồn buồn:
“Bây giờ mình còn tâm trí đâu để mà coi phim nữa, hở anh! Hay mình về nhà đi anh, kẻo bác gái đợi. Nhiều khi bác còn muốn căn dặn anh thêm điều gì nữa cũng không biết chừng!”
Khánh bẻ gi đông cho chiếc xe rẽ sang phải, trực chỉ xuống đường Lê thánh Tôn. Con đường trầm mặc, râm mát, gợi cho anh nhớ đến những năm tháng tươi vui thuở nào.
Những năm tháng mà người ta rạo rực, nhộn nhịp dẫn nhau đi mua sắm, để chuẩn bị cho
mùa giáng sinh bừng đến. Giáng sinh là mùa tràn trề hy vọng. Mùa của yêu thương.
Mùa mà thiên chúa trước đây được sinh ra trong máng cỏ thấp hèn, nơi hang Bê Lem hoang vắng. Mùa mà ai nấy cũng đều cảm thấy hân hoan, rạo rực trước những âm điệu
nồng nàn, thôi thúc của những bản thánh ca bất hủ. Những mùa giáng sinh tuần tự chìm khuất ở trong anh từ lâu. Nó mất hẳn đi tính chất hồn nhiên, vô tư như trước đây. Khánh thoáng chợt nghĩ đến bố, đến mọi kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu dật dờ hiện về.
Khánh nhớ đến từng đôi xăng đan nhỏ nhắn, xinh xắn mà bố thường sắm cho anh vào
những dịp giáng sinh. Từng cây kem ngọt lịm, thơm phức mà anh đã có dịp đi xem chiếu
bóng với bố cùng mẹ ở rạp Rex. Từng tô phở bò viên còn bốc khói, ngạt ngào với những
lát hành Tây trông thật hấp dẫn ở góc chợ Bến Thành. Khánh mường tượng ra từng nụ cười hiền từ cho đến mọi cử chỉ cùng lời nói dịu dàng, trầm ấm mà bố thường nói với anh. Âm thanh đó hình như vẫn còn vất vưởng, luẩn quất ở quanh đây. Chuỗi ngày tháng mộng mị, hồn nhiên ấy, lần lượt tan loãng theo tuổi thơ, rồi lịm ngấm, khoanh tròn, ngủ say ở tận vùng yên tĩnh của ký ức. Anh bùi ngùi, luyến tiếc. Khánh ném niềm suy tư về bố, về nhà tù, về tiếng thở dài triền miên, bất tận. Về những mệt mỏi, đăm chiêu, phiền toái, hằn lên rõ nét ở trên khuôn mặt người. Anh nghĩ đến ngày về của bố thật mơ
hồ, thăm thẳm, cùng nỗi xót xa, tuyệt vọng mà bố thường thố lộ với mẹ vào các dịp thăm nuôi gặp mặt. Anh nghĩ đến cái gánh nặng, mà mẹ đã phải đưa vai ra gồng gánh, liên tiếp suốt cả hằng bao nhiêu năm trường nhọc nhằn, ròng rã. Khánh không biết, rồi đây mẹ sẽ còn phải chịu đựng cho đến chừng nào nữa! Một khi mà tình trạng sức khỏe cứ từ từ bước vào thời kỳ hao mòn, suy yếu. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh thấy dơm dớm nước mắt. Con đường chạy dài hun hút, hàm chứa với biết bao nhiêu nỗi rã rời đương bành trướng, đục khoét ở trong anh. Ngày mai anh đi rồi. Xa rời khỏi thành phố này. Thành
phố gắn liền với anh kể từ khi anh mở mắt, cất tiếng khóc đầu tiên để chào đời. Thành
phố mà trước đây anh cứ ngỡ rằng, chẳng bao giờ anh phải rời xa nó! Ngày mai anh đi.
Rời xa tất cả mọi người trong gia đình cùng họ hàng thân thuộc. Giã từ Nga cùng bạn bè.
Ra đi là để xây dựng nền móng hứa hẹn cho tương lai. Khánh không biết, rồi đây đời mình sẽ ra sao! Tương lai là cả những dấu chấm, dấu hỏi to lớn, chập chờn, mờ ảo, lunh linh ở phía trước. Khánh miên man suy nghĩ. Câu nói mẹ dặn đi, dặn lại vẫn còn văng vẳng ở bên tai:“Nếu Chúa thương mà cho con sang đến bên đấy được bình an, thì con phải ráng chịu khó học hành để nên người. Con phải ra sức cố gắng. Phải nỗ lực phấn đấu, bởi vì, chỉ
có mình con cô thân độc mã nơi xứ lạ quê người. Mẹ biết rằng: Cho mình con đi là mẹ phải đau lòng, đứt ra từng khúc ruột, nhưng vì hoàn cảnh oái oăm, trớ trêu ở trong đó!
Giả thử, nếu con có ở lại, thì cũng chẳng bao giờ ngóc đầu lên được! Bây giờ là thời buổi của người ta. Bởi thế, mẹ nhận thấy, chỉ có mỗi con đường duy nhất là lo cho con
đi. Chỉ có ra đi là thượng sách, là còn có tương lai. Chứ mẹ cũng đâu có còn cách nào
khác hơn! Lo cho con đi, là mẹ phải chạy đôn, chạy đảo, vay đầu này, nợ đầu kia, chứ mẹ đâu có thể lo thêm được nữa! Hiện giờ bố con còn nằm ở trong tù. Các em con còn
nhỏ dại. Mẹ không biết, rồi đây mẹ sẽ còn lo được như thế này nữa hay không! Mẹ chỉ sợ, đến một ngày nào đó, tình trạng sức khỏe của mẹ sẽ từ từ yếu đi. Chính vì thế, mẹ chỉ
biết trông cậy, đặt hết sự tin tưởng vào nơi con. Bởi vì, con là đứa con lớn ở trong gia đình. Nói dại, nếu con không biết suy nghĩ, rồi đâm ra hư hỏng, thì hậu quả sẽ mang đến cho gia đình mình, hết sức là tệ hại và không thể nào mà tả xiết được! Mẹ tin chắc rằng, con sẽ hiểu được điều đó. Mẹ không muốn cắt nghĩa thêm cho nó dài dòng văn tự ra để làm gì! Bao nhiêu năm mẹ cho con ăn học, con phải biết nghĩ đến bổn phận, nghĩa vụ và
trách nhiệm đối với gia đình. Chớ dại mà đua đòi, tập tành theo chúng bạn ăn chơi rồi
sao lãng việc học hành thì phí cả một đời con ạ! Con nên nhớ rằng: Mọi người trong gia đình đều đặt hết sự tin tưởng ở nơi con. Nếu con biết thương mẹ, thì đừng bao giờ để cho mẹ phải thất vọng!”
“Con hiểu! Hiểu tất cả mọi điều mà mẹ thường nói với con. Phải phấn đấu. Phải nỗ lực.
Phải kiên trì để vươn lên. Có phải đúng như vậy, không mẹ!”
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông.”
Mẹ vẫn thường mượn câu nói bất hủ này của nhà văn Nguyễn Bá Học để khuyên bảo, dạy dỗ cho con nên người. Con xin hứa với mẹ. Con biết gia đình mình đang đứng trước thảm cảnh đen tối và bi đát nhất. Con thấy rõ điều đó. Thấy mà con chẳng làm được việc gì để giúp đỡ cho mẹ! Đấy là điều làm cho con khổ tâm và chua xót vô cùng.”
Thoáng chợt, Khánh bật lên tiếng thở dài. Nga rót nhẹ vào tai anh:
“Anh buồn à!”
Khánh gật đầu, không nói. Nga lấy giọng bình tĩnh:
“Ngày mai em phải thay mẹ để đi thăm nuôi bố, nên em không thể nào tiễn chân anh được! Mong anh thông cảm cho em. Tiện đây, em không biết nói gì hơn, là cầu chúc
cho anh được mọi sự bình an trong chuyến đi này, đồng thời gặt hái được những thành
quả rực rỡ ở tương lai.”
Ngừng lại để thấm giọng, nàng thỏ thẻ nói tiếp:
“Em có mua cho anh ít thuốc say sóng. Chút lương thực cùng mấy bọc chanh nhào đường. Anh nhớ, ráng giữ để mà đi đường. Đừng có hoang phí rồi đem cho người này, người khác, đến lúc mình cần tới, thì không có để mà dùng! Em nghe nói, có nhiều chuyến bị trục trặc, phải lênh đênh ở trên biển đến cả tháng trời. Anh nên nhớ kỹ những điều em căn dặn. Anh cứ yên tâm mà đi, đừng lo lắng gì cho em hết cả! Nếu may mắn
mà anh thoát được đến bên đảo, thì lập tức, anh phải đánh điện tín về cho gia đình và em biết tin, để mọi người khỏi phải sốt ruột, lo lắng về anh! Anh nên nhớ rằng, anh đi rồi, thì mọi người ở trong gia đình, đều trông ngóng tin tức về anh từng giờ từng phút. Còn về chuyện riêng của hai đứa mình, thì chúng ta hãy phó thác cho định mệnh đưa đẩy. Anh thì em không biết sau này sẽ ra sao! Còn riêng em, thì lúc nào cũng trước sau nhưmột. Tình yêu em sẽ đi theo anh, còn thể xác, em sẽ ở lại với lòng người tại thành phố này, để ấp ủ mọi kỷ niệm bóng bẩy, tươi đẹp của chúng mình.”
“Anh thành thật cảm ơn em về những gì mà em đã lo cho anh. Thực ra thì hai chữ cảm
ơn, nó có vẻ gượng gạo, khách sáo đối với chúng ta kể từ lâu lắm rồi. Nhưng! Anh
không biết phải dùng từ ngữ nào cho nó thật chính xác, hợp lý và sát nghĩa hơn.”
Ngừng lại vài giây, anh chậm rãi:
“Quả thật! Em lo cho anh quá đầy đủ, quá chu đáo. Chính vì thế, nó đã gây ở trong anh một sự xúc động vô biên. Làm sao anh có thể quên được những ân tình mà em đã dành trọn vẹn cho anh! Những ân tình đó hầu như đã thấm sâu vào huyết quản, vào tim não, vào từng thớ thịt ở trong anh kể từ lâu lắm rồi. Không bao giờ anh quên! Không bao giờ! Anh có thể khẳng định với em là như thế.”
Khánh quay sang hỏi cậu bé có thân hình gầy gò, mảnh khảnh ở bên cạnh:
“Em tên gì!”
“ Em tên Bình. Còn anh!”
Khánh đáp cụt ngủn:
“Khánh.”
“Hình như suốt từ tối đến giờ anh không ngủ thì phải!”
Khánh lắc đầu:
“Anh ngủ không được!”
“Chắc anh nhớ nhà phải không!”
Khánh gật đầu:
“Ừ.”
Cậu ta trở nên liến thoắng:
“Nếu em đoán không lầm, thì trong đó có cả người yêu của anh nữa!”
Khánh tròn xoe đôi mắt:
“Đúng! Em nói chẳng sai! Nhưng! Tại sao em biết được!”
Đứa bé trạc độ mười lăm, mười sáu, có gương mặt láu lỉnh chợt reo lên:
“Em biết ngay mà! Thảo nào, em cứ thấy anh buồn buồn. Sao anh không đem chị ấy đi
theo!”
Ngần ngừ trong giây lát, Khánh nhỏ giọng:
“Chung qui cũng chỉ vì hoàn cảnh cùng điều kiện không cho phép!”
“Kể ra thì cũng buồn anh nhỉ!”
Khánh nghiêm nghị không nói. Lát sau anh mới lại lên tiếng hỏi:
“Còn em thì sao!”
Nó nhe răng cười hồn nhiên:
“Em thì chỉ có cu ki một thân, một mình. Sao cũng được! Thật ra, em mồ côi cha mẹ ngay từ hồi còn nhỏ. Sống với gia đình người bác ruột kể từ năm em vừa lên tám. Gia đình bác em thì nghèo khổ cũng giống như mọi gia đình khác ở tại vùng này. Người dân ở đây chỉ biết lam lũ, quần quật với công việc đồng áng, kiếm củi mà vẫn chẳng đủ ăn!
Từ ngày có mấy tổ chức vượt biên nổi lên, nên đời sống ở nơi đây cũng đỡ được phần nào anh ạ. Nay, thì chỗ này gọi đi chuyển dầu cũng như thức ăn. Mai, thì đám khác đứng ra thuê chỗ để làm địa điêm nhốt gà. Nhờ đó, mọi người mới có công ăn, việc làm, rồi dôi ra được chút đỉnh. Còn riêng về phần em, trong mấy năm gần đây, em chỉ làm có mỗi một chỗ này mà thôi. Ngoài mấy việc lặt vặt ở trong nhà, thỉnh thoảng, em cũng được đi theo mấy người lớn để chuyển dầu, hoặc chuyển lương thực chẳng hạn. Bà chủ tàu thấy em siêng năng, cần mẫn, nên bà cũng thương tình, cho em đi không với gia đình
bà trong chuyến đi đặc biệt này. Thú thật với anh! Sau khi nghe được cái tin này, em chẳng khác nào như người ở trên trời rớt xuống. Chưa bao giờ em mừng rỡ đến như vậy!
Mừng không thể nào tả xiết! Mừng đến nỗi em không thể nào cầm được nước mắt anh ạ!
Em chỉ mong rằng: Nếu may mắn sang được đến bên đấy, em sẽ cố gắng làm lụng, dành
dụm để đền ơn cho bà chủ tàu được phần nào. Sau đó, em se gửi về cho gia đình bác em ở bên đây. Gia đình bác em đã nghèo, mà lại còn phải lo cho em suốt cả hằng bao nhiêu năm trời. Em chỉ mong có bằng đấy thôi. Ngoài ra, em chẳng dám mơ ước tới bất cứ chuyện viển vông, hão huyền nào khác anh ạ.”
Bất chơt, cậu ta ngồi bật dậy, khoát tay, ra dấu cho Khánh ngừng lại, rồi ghé sát vào tai anh nói nhỏ:
“Em nghe có tiếng động ở bên ngoài. Hình như có người nào đang đi đến phía mình thì phải!”
Khánh cố lắng tai nghe. Có ánh đèn pin quét ngang rồi vụt tắt. Tiếng chân người dẵm nhẹ trên lá khô, gây liền ở trong anh thứ cảm giác hồi hộp, lo lắng.
“Ai mà đến giờ này vậy kìa!”
Có tiếng người nào đó phát ra tận ở dẫy bên kia. Tiếp đến là giọng nói khàn khàn, lí nhí nổi lên :
“Làm sao mà biết được!”
Không khí đột nhiên trở nên căng thẳng tột cùng. Có chuyện gì xảy ra bất thường chăng! Có phải là tất cả mọi người đang có mặt ở tại nơi đây, đều trở thành vật hy sinh, lót đường cho chuyến đi đặc biệt này chăng! Khánh thường nghe loáng thoáng
về số trường hợp xảy ra tương tự như vậy. Không bao giờ anh tin! Không bao giờ! Bà chủ tàu là mẫu người hiền lành, đạo đức. Đâu có lý nào lại như vậy! Tiếng chân mỗi lúc một gần và cuối cùng thì dừng lại ở bên ngoài. Tấm liếp được mở ra. Mọi người đều hồi hộp, lo lắng. Có tiếng người đàn bà cất lên vừa đủ nghe:
“Chú đứng ở ngoài này trông chừng dùm chị.”
Tiếp đến, là giọng của gã đàn ông:
“Vâng! Em biết rồi chị.”
Người đàn bà có thân hình đồ sộ, dềnh dàng bước vào. Ai nấy đều thở phào ra nhẹ nhõm, tươi tỉnh trở lại. Thì ra là bà chủ tàu. Bà đến để làm gì! Để nhắc nhở vài điều quan trọng liên quan đến chuyến đi này chăng! Bà ta liền dơ hai tay vỗ nhẹ vào nhau:
“Tất cả hãy thức dạy. Tới giờ rồi.”
Một người nào đó chợt buột miệng lên tiếng:
“Từ tối đến giờ, đâu có ai chợp mắt được tý nào đâu chị!”
Bà chủ tàu liền cất giọng nhỏ nhẹ:
“Chỉ còn mươi mười lăm phút nữa thì chúng ta sẽ rời khỏi nơi này, di chuyển đến địa điểm khác để lên tàu. Vậy trước khi đi, tôi chỉ yêu cầu mọi người phải tuyệt đối giữ im
lặng trong khi di chuyển, đồng thời tuân theo sự hướng dẫn của mấy chú trật tự. Có như thế, chúng ta mới mong đạt được cái kết quả mỹ mãn như ý chúng ta hằng mong muốn.
Nếu rủi ro có trường hợp bất trắc xảy ra. Tôi nói đây là giả dụ thôi nhé. Lúc ấy, chúng ta hãy êm thắm, rút ngay ra con đường nhựa mà hôm qua chúng ta đã xuống xe, tìm một
chỗ ẩn nấp thật kín đáo, chờ sáng để đón xe về thành phố. Bây giờ thì chúng ta bắt đầu.
Dẫy bên này đi trước. Nên nhớ, là chỉ di chuyển có một hàng dọc và phải đi sát vào với nhau để tránh khỏi bị thất lạc.”
Ngoái cổ nhìn ra bên ngoài, bà ta căn dặn gã đàn ông:
“Chú Hùng chịu khó đi sau chót dùm chị. Đằng trước có chú Thắng. Còn ở giữa thì có chú Bằng rồi.”
Gã đàn ông đáp:
“Việc đấy chị cứ yên tâm để cho em lo.”
Mọi người đều lục tục bước xuống nền đất trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị. Khánh ghé sát vào tai Bình nói nhỏ:
“Nhớ theo sát người đi trước, nghe em!”
“Vâng! Anh cứ yên chí. Em sẽ không rời họ nửa bước!”
Đoàn người lặng lẽ, âm thầm đi trên con đường mòn nhỏ hẹp. Hai bên, lũ đom đóm lập lòe, chập chờn trên các hàng dậu, giống như những bóng ma chơi, mà anh vẫn thường được bà nội kể cho anh nghe hồi còn nhỏ. Đêm tối đen như mực tàu. Đàn chó đã bắt đầu đánh hơi, gầm gừ, rần rật đuổi theo sau, rồi đột nhiên rống lên, đua nhau sủa ầm ĩ, phá tan sự tĩnh mịch của đêm buồn. Khánh thả trôi niềm suy tư về với gia đình. Về Nga.
Bạn bè cùng thành phố thân yêu mà anh đã đành đoạn bỏ lại ở sau lưng. Giờ này, mẹ cùng mấy em đương làm gì! Còn Nga! Chắc mọi người đang trằn trọc, thao thức, nằm chờ sáng để trông ngóng tin tức về anh, về kết quả sơ khởi của chuyến đi này. Khánh ngước mắt nhìn lên cõi không gian lồng lộng, bất tận. Trên cao, bầu trời tĩnh lặng, lấp lánh rừng sao đêm, chập chùng, lung linh lạ. Anh muốn gửi về Nga nỗi xót xa thầm kín, chất ngất ở trong anh hiện giờ. Nỗi trống vắng cùng mọi luyến tiếc về khoảng trời mộng mị ở quá khứ. Cuộc đời được ví bằng hai chữ thật dí dỏm, là “tan” rồi lại “hợp.” Vậy thì chừng nào chúng mình mới hợp lại hở em! Chắc ngày đó còn xa lắm em nhỉ!
Bây giờ thì anh đương di chuyển đến địa điểm khác để lên tàu. Rồi đây, con tàu sẽ
đưa anh ra khơi và khoảng cách sẽ càng ngày càng dãn ra thành nghìn trùng cách trở.
Con tàu dù có đưa anh đến bến bờ xa xôi nào đi chăng nữa, thì quê hương vẫn là tiếng gọi thiêng liêng, trung thực và thiết tha nhất. Với anh! Quê hương, gia đình, tình yêu cùng bạn bè là những món hành trang cao quí nhất, hiên diện thường xuyên nơi đầu óc
anh. Tình yêu cũng giống như sợi mưa đầu mùa, rơi xuống cho cuộc đời thêm tươi mát, có màu sắc, có thi vị cùng mọi ý nghĩa đặc biệt, thầm kín của nó. Màu xanh là màu của hy vọng. Màu của tình yêu. Anh muốn màu xanh ấy cứ tô đậm mãi mãi cho nó thành mượt mà, óng ả nhiều hơn nữa nơi tâm khảm của mỗi người trong chúng ta, và đừng khi nào ngả màu, nhạt phai theo thời gian! Anh đặt hết niềm tin trọn vẹn vào mai sau. Vào chuỗi ngày tháng xa xăm ở trước mặt. Anh tin chăc rằng:
Ngày đó sẽ đến và phải đến. Ngày mà anh vẫn thường nói với em về hai chữ trùng phùng. Chắc ngày đó vui lắm em nhỉ! Đến khi ấy, anh sẽ chở em trên chuyến xe đi vào cuộc đời, vào những năm tháng rạng ngời, bất tận của tương lai, của hứa hẹn, của ngà ngọc hạnh phúc./.
TRANG LUÂN
tháng 10 / 86