Đại tá Danielle Ngô, hiện là sĩ quan điều hành của Tổng thanh tra Quân đội Mỹ ở thủ đô Washington, D.C., cô cũng là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được thăng cấp Đại tá trong binh chủng công binh Lục quân Hoa Kỳ.
Đã hơn 46 năm kể từ khi cả nhà cô Danielle rời Sài Gòn. Giờ đây, cô đã quên cách đọc, nói tiếng Việt.
Gia đình cô Danielle sống trong khu nhà do nhà nước bảo trợ trong tám năm từ khi mới sang Mỹ. Khi Danielle lên lớp bảy, gia đình cô chuyển đến vùng ngoại ô Hingham, dọc theo Vịnh Massachusetts. Làm mẹ đơn thân, mẹ cô – bà Thái An, thường không thể ở nhà để chăm sóc con.
Danielle trân trọng cuộc sống của cô ở Mỹ, đến nỗi cô quyết định sẽ vào quân ngũ lúc 17 tuổi để trả món nợ mà cô cảm thấy mình mang ơn.
“Tôi muốn đền đáp một thứ gì đó cho nước Mỹ, đó là quê hương của tôi bây giờ”, Danielle nói.
Lúc đầu, mẹ cô phản đối. Bà không muốn mạo hiểm cho con gái lớn đi tham chiến. Bà muốn Danielle vào đại học.
Cô Danielle quyết tâm nhập ngũ và hứa với mẹ rằng cô sẽ sử dụng những ưu đãi về giáo dục để đi học lại sau thời gian tại ngũ. Với hy vọng làm bác sĩ, cô đã nhập ngũ để làm kỹ thuật viên phòng phẫu thuật vào năm 1989.
Về quê hương thăm người ông đáng kính
Năm 1991, cô Danielle quyết định trở về quê hương một mình sau khi nhập ngũ. Cô về nơi chôn nhau cắt rốn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và cuối cùng cô ngồi lại với ông ngoại trong xưởng nghệ thuật đầy bụi bặm của gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi ngày, ông ngoại cô đều đạp xe đến xưởng. Họ ngồi trong đó và nói chuyện với nhau bằng cách viết các câu hỏi và câu trả lời lên giấy. Ông ngoại của cô, ông Ngô Ngọc Tùng, đã tự học tiếng Anh, nhưng cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện theo cách đó.
Ở Việt Nam, cô đã tìm hiểu về cuộc sống của ông ngoại. Ông kể cho cô nghe ông đã dạy các con cách vẽ và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như thế nào. Ông cho cô xem những tác phẩm tuyệt đẹp mà gia đình đã làm ra trong suốt nhiều năm.
Khoảng một năm sau chuyến thăm đó, ông ngoại cô qua đời.
Trở thành một quân nhân mẫu mực
Chứng kiến những gian khổ của mẹ để sinh tồn trên đất Mỹ đã tác động lớn đến chị em cô. “Mẹ tôi là một phụ nữ phi thường”, cô Danielle nói.
Danielle vẫn nhớ đến lời hứa với mẹ. Cô rời quân ngũ một thời gian ngắn sau hai năm để theo học tại Đại học Massachusetts ở Boston, vào cuối năm 1991 với học bổng học ngành tài chính.
Cô Lan Đình, theo tấm gương của người chị Danielle, đã theo học tại Học viện Quân sự West Point.
Năm 1994, Danielle tốt nghiệp đại học và được biên chế làm sĩ quan công binh.
Là một đại úy trẻ, cô đã chứng kiến cuộc chiến ngoài mặt trận. Cô đến Bosnia vào năm 1998 với tư cách là một sĩ quan điều hành đại đội. Sau đó, 18 tháng sau khi tòa tháp đôi sụp đổ tại New York, cô đã được điều đến Iraq để hỗ trợ Chiến dịch Tự do Iraq.
Là người phụ nữ đơn độc trong các đơn vị toàn là đàn ông, Danielle gặp nhiều thách thức, nhưng điều này đã thúc đẩy cô ấy huấn luyện nhiều hơn.
Con đường binh nghiệp của hai chị em cô giao thoa, khi cả hai cùng nhận nhiệm vụ tại Fort Hood, Texas, vào năm 1998. Họ sống cùng nhau trong ba năm cho đến khi Lan Đình giải ngũ vào năm 2001. Danielle thậm chí còn mời những người lính đến nhà cô ăn tối trong Lễ Tạ ơn.
“Tôi biết họ quý mến chị ấy”, cô Lan Đình nói. “Khi họ đến đó cùng gia đình… Bạn có thể thấy họ hết sức tôn trọng chị ấy”.
Danielle lắng nghe mối quan tâm của binh lính. Cô Lan Đình cho biết cô Danielle coi trọng ý kiến của các hạ sĩ quan dưới quyền.
Danielle đã chọn trở thành nữ kỹ sư, một phần vì cô ấy cảm thấy công việc đó là thử thách khó khăn nhất đối với một nữ quân nhân.
Hồi năm 2001, trước vụ khủng bố ngày 11/9, cô trở thành nữ đại đội trưởng đầu tiên trong tiểu đoàn công binh – trực tiếp được phân về một lữ đoàn chiến đấu là Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 4 Bộ binh. Năm 2003, lữ đoàn đã theo Sư đoàn 3 bộ binh tiến vào Iraq qua ngã Kuwait.
Chiến đấu gian khổ
Cô đã trải qua sáu tháng đầu tiên làm sĩ quan hậu cần của lữ đoàn – giúp trang bị cho một lữ đoàn chiến đấu để nó có thể di chuyển từ Kuwait đến Tikrit, Iraq. Chiều dài của đoàn xe kéo dài hơn 800 km. Đơn vị của cô thường phải ứng biến, vì quân đội Mỹ chưa thiết lập bất kỳ cơ sở nào và phải chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt.
Họ làm vòi tắm dã chiến và đào hố để đốt lửa. Vào ban ngày, cô phải chịu cái nóng oi bức trong khi luôn cảnh giác trước hỏa lực của quân thù.
Các quan chức Mỹ sau đó đã ghi nhận công lao của đơn vị của cô, Sư đoàn 4 Bộ binh, là một trong những đơn vị đã giúp bắt được Saddam Hussein. Danielle tiếp tục được điều đến Afghanistan để chỉ huy một tiểu đoàn công binh tại Fort Carson, Colorado, và làm trợ lý quân sự cho Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO.
Cuối cùng, cô trở thành tư lệnh Lữ đoàn Công binh 130 tại Fort Shafter, Hawaii. Tại đây, cô đã hỗ trợ chiến đấu và xây dựng trên khắp Thái Bình Dương, triển khai binh lính đến 17 quốc gia.
Ngày nay, cô được xem là phụ nữ gốc Việt tại ngũ cấp cao nhất trong Quân đội Mỹ, và cao thứ hai chỉ sau Thiếu tướng Lương Xuân Việt.
“Là một hình mẫu cho những người khác. Cô ấy tự hào về vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con gái và làm bạn đối với người xung quanh”, Trung tướng Leslie Smith, Tổng thanh tra của Quân đội Hoa Kỳ viết. “Điều đó thể hiện trong hành động của cô ấy mỗi ngày”.
Danielle hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người Mỹ gốc Á khác gia nhập quân ngũ. Cô cho biết các gia đình châu Á ưu tiên giáo dục, là một phần lý do tại sao họ ít có đại diện trong quân đội Hoa Kỳ.
“Con đường của nhiều người châu Á là vào đại học, học hành, làm nên điều gì đó thành đạt hơn cha mẹ. Điều đó khá mạnh mẽ trong văn hóa châu Á”, Danielle nói.
Thanh Vân
Theo Army.mil
Nguồn NTDVN