- Phan Lạc Đông Quân
Bầu trời xanh và nắng vàng bắt đầu muà xuân của Seattle, vùng Tây Bắc tiểu bang Washington của nước Mỹ đang về. Những con đường về South, ngược North của thành phố tràn ngập bông hoa anh đào. Cái nắng xen một chút lạnh dịu dàng vào buổi sáng đã tạo nên một cảm giác khoan khoái cho mọi người, và đặc biệt đối với tôi, một người tỵ nạn CS Việt Nam.
Rảo bước về South Seattle , qua đường Jackson, Beacon Hill, rồi Rainier … tôi đã nhìn thấy các cơ sở thương mại mang bảng hiệu bằng tiếng Việt xen tiếng Anh, cùng với những tiếng gọi nhau, chào nhau có khi vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt, tôi mừng thầm. Oh! Tôi đang đi trong mùa xuân của “Quê hương thứ 2” của tôi rồi còn gì!!!!. Gặp vài người bạn thân quen, rủ nhau vào quán cà phê Bên Đường, cà phê phin đang nhỏ giọt trong tách, tôi tưởng mình đang ngồi uống ly cà phê ở một nơi nào đó trên một phố nào đó của quê hương Việt Nam. Thật thú vị và một niềm vui xen với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mà tôi đã bỏ đi …. tỵ nạn cũng đã hơn 30 năm rồi!!!! Thời gian đi quá mau!!!!
Seattle, một trong những thành phố có đông người Việt định cư nhất, chỉ đứng sau California và Texas mà thôi. Sau biến cố đau thương “Tháng Tư Đen” 30/4/1975, hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước, bỏ quê hương, bỏ lại tất cả tài sản v.v.. để vuợt biên bằng đủ mọi cách, bằng đường biển với những chiếc ghe, thuyền bé nhỏ, họ cố tìm tự do, tránh sống chung với cộng sản. Họ vượt qua mọi đau thương bị cướp bóc trên biển Đông vào những năm 1977 đến 1988, và sau đó để làm sao đến được bến bờ tự do của nước Mỹ như ngày hôm nay.
Những câu chuyện về vượt biên bằng đường thủy hay đường bộ vẫn đầy nước mắt, đau đớn và ngay cả đòi hỏi hy sinh tính mạng trên Biển Đông, dường như vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí của thế hệ cha, anh (thế hệ cuả các cựu quân nhân, công chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4/1975). Họ là những người đã liều mình đánh đổi “cái sống từ cõi chết) để đến được bến bờ tự do của Hoa Kỳ hôm nay. Những làn sóng ra đi tỵ nạn cộng sản sau 1990 vẫn tiếp tục qua các chương trình H.O hay ODP, nhân đạo … đã đến mảnh đất Seattle cũng như các tiểu bang khác của nước Mỹ đã và đang tạo ra một cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản ngày càng rộng lớn và ngày càng phát triển về mọi phương diện: kinh tế, chính trị và văn hóa trên đất nước Hoa Kỳ nói chung, và tại Seattle, tiểu bang Washington nói riêng. Đó là một niềm hãnh diện và đầy tự hào của tất cả những ai đã và đang là “Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản!!!”….
Từ con số 0 năm 1975 đến nay, 2021 – sau 46 năm đầy vất vả, đầy nước mắt, đau thương, bỏ nước ra đi, đến nay, 30/4/2021, sau 46 năm, người Việt đã có thể hãnh diện với những thành công đáng kể trong quá trình hội nhập vào một xã hội đa văn hoá của Hoa Kỳ. Chúng ta đã có những dân biểu tiểu bang và liên bang trong Quốc Hội Mỹ. Thế hệ thứ 1 và thứ hai của VNCH đã có mặt trong các binh chủng của Quân Đội Mỹ, từ cấp lính cho đến cấp tướng. Thế hệ hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa đã và đang nối tiếp tinh thần chiến đấu vì tự do, dân chủ, và nhân quyền. Họ hiểu và rất hiểu những sự cống hiến quý báu và sự hy sinh, gian khổ cuả thế hệ cha, anh của họ và họ cũng đã chúng minh một cách hùng hồn. Những bác sĩ, kỹ sư, nhà báo .v.v… cuả Người Việt Tỵ Nạn đã và đang làm cho uy tín cũng như sự ngưỡng mộ quý báu cuả các cộng đồng khác trong xã hội đa văn hoá Hoa Kỳ đối với Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn tại Hoa Kỳ cho tới hôm nay.
Báo chí, truyền thông của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản sau 46 năm cũng đã và đang đóng góp rất tích cực trên mặt trận truyền thông như báo Người Việt Tây Bắc, Phương Đông, v.v.. cũng đã hình thành từ những năm 1986 cho đến hôm nay sau 46 năm. Họ đã và đang đồng hành từng giờ, từng ngày, từng năm theo nhịp sống đi lên, vươn tới của chung cả cộng đồng Việt Nam tại vùng Tây Bắc, tiểu bang Washington. Có thể tự hào về những đóng góp, làm việc không biết mệt mỏi của tất cả những người Việt Nam tại Seattle vào sự sự đi lên, vươn tới và thành công của cả Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản sau 46 năm. Mỗi bài báo của báo Người Việt Tây Bắc đã và đang phản ánh trung thực về bức tranh cuả chúng ta, bức tranh từ màu “Đen” của 30/4/1975 đến màu hồng như màu hoa anh đào đang nở rộ những ngày tháng Tư 2021.
Những ngôi chùa, nhà thờ, cơ sở văn hóa như đền thờ các vị danh nhân, anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Quang Trung và các anh hùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng đã được dựng xây khang trang và trang nghiêm tại thành phố Seattle suốt 46 năm qua, đã và đang chứng tỏ một cách hùng hồn rằng: “Chúng ta, tất cả người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản sau 30/4/1975 vẫn không quên tổ tiên, vẫn không quên tổ quốc Việt Nam” và các giá trị văn hoá dân tộc truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Chúng ta không quên nguồn cội và chúng ta vẫn tiếp tục sống, làm việc để xứng đáng là ” Người Việt mang dòng máu của Đinh, Lê, Lý, Trần… và để xứng đáng là công dân Mỹ gốc Việt (Vietnamese- American people). Điều đó, sau 46 năm, chúng ta đã làm được và chứng minh được.
Sau 46 năm, tôi nhìn lá quốc kỳ màu Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hòa vẫn phất phới tung bay tại các kỳ đài, nhà thờ, cơ sở thương mại lớn nhỏ tại Seattle này mà cảm thấy rưng rưng nước mắt đầy hạnh phúc xen lẫn với quá khứ đau thương của miền nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Tự hào và hạnh phúc của tôi khi còn được nghe âm thanh của bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa mà tôi đã được nghe từ thuở cắp sách đến trường trước năm 1975, được bố tôi tập cho hát từ lúc tôi lên 6 tuổi. Hạnh phúc vì tôi còn được may mắn hơn các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước khi còn được nhìn lại và tự do cầm lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của VNCH trong các dịp lễ, Tết .v.v..
Sau 46 năm, kể từ “Tháng Tư Đen” 1975, tất cả những ai còn mang căn cước Việt Nam Cộng Hoà và căn cước Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản, xin hãy tự hào và tiếp tục đi tới để mong một ngày mang lý tưởng tự do, dân chủ, và nhân quyền cho Việt Nam còn đang bị chế độ cộng sản hà khắc cai trị.
Phan Lạc Đông Quân
Seattle, mùa Quốc Hận 2021