(Miên Du Dalat)
Thật bất ngờ khi nhận được tin anh Phạm Kim là Chủ bút của báo Người Việt Tây Bắc đóng đô ở Seattle, tiểu bang Washington. Tôi với anh Phạm Kim nhờ duyên văn chương mà trở thành bạn hữu. Chúng tôi thường đàm luận về văn chương, thi ca, âm nhạc. Tôi đã tìm thấy anh là một người có tâm huyết với giới trẻ Mỹ gốc Việt trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, điều này này giúp chúng tôi cùng chung chí hướng. Anh vẫn thường tâm sự, “anh làm báo không phải để kinh doanh, kiếm lợi nhuận cho cuộc sống, nếu chỉ vì lợi nhuận kinh doanh thì toà báo của anh đã đóng cửa từ lâu rồi, vì cũng có rất nhiều tờ báo ra đời cạnh tranh với tờ báo Người Việt Tây Bắc“.
Anh cho biết có nhiều khi gia đình anh phải bỏ tiền túi ra để chi phí cho sự sống còn của tờ báo, nhưng anh không hề nản chí. Làm báo là niềm đam mê mà anh đã mong muốn dành trọn cả đời này cho lý tưởng của anh, đó là đem tiếng nói trung thực của người Việt trên đất Mỹ. Nếu không có tờ báo thì sẽ không có tiếng nói của người Việt, nhất là giới trẻ, chúng ta cần phải khuyến khích giới trẻ học tiếng Việt, giúp họ biết rỏ về cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ, và giúp giới trẻ biết tại sao cha mẹ họ phải rời bỏ quê hương, sống lưu vong khắp nơi trên thế giới.” Trong giới văn chương, báo chí, nhiều người viết lách cũng có lắm kẻ là bồi bút, chỉ viết vì lợi nhuận trước mắt. Nhưng với anh người cầm viết phải trung thực, biết phân biệt trắng đen, không vì nguồn lợi mà viết bài làm hại người khác, hay vì hư danh của riêng mình. Anh muốn làm một người lặng lẽ, đứng phía sau nhẫn nại để giúp đỡ tất cả mọi người. Anh muốn là một người cầm viết chân thật, chân thật với lòng mình, và chân thật với nhân gian. Những điều tâm sự của anh nhắc tôi nhớ đến nhà thơ Phùng Quán, Phùng Quán cũng đã từng có tâm sự:
“… Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá…”
(Phùng Quán:Lời Mẹ dặn)
*
Anh có một gia đình hạnh phúc, một người vợ hiền thục là chị Hằng Nga, người phụ nữ đảm đang, hoạt bát, luôn luôn ở bên cạnh anh, nhiệt tình giúp đỡ anh trong ngày đầu xây dựng toà báo, và ba người con, một gái, hai trai là Hoài Hương, Hồng Ân, Bảo Đôn. Khi nhắc đến các con, anh đã cho tôi thấy được niềm tự hào của anh về các con, đặc biệt là Hoài Hương (Julie), Hoài Hương là một cô gái thông minh, rất tháo vát, đơn giản, chân thật giống như anh. Hoài Hương được du học tại London, học về văn chương, lịch sử, và đã lấy được bằng Ph.D. Tuy được sanh ra lớn lên tại Mỹ, nhưng Hoài Hương đã cố gắng học tiếng Việt, và rất yêu thích tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Anh khuyến khích Hoài Hương ghi lại và biên soạn cuốn sách “Their War”, để giới trẻ Mỹ gốc Việt có cơ hội được đọc để biết về cha ông của họ đã gian nan như thế nào khi đến định cư trên đất Mỹ. Hai con trai Hồng Ân và Bảo Đôn cũng vậy, vừa học, vừa làm, giúp anh trong việc điều hành cho tờ báo của gia đình. Các cháu đều là những đứa trẻ được dạy dỗ bằng tấm chân tình của một người cha đôn hậu, chân thật. Tôi đồng quan điểm với anh về việc học và công việc của con cái. Anh chỉ mong các con học nghành nào mà chúng thích, làm việc gì mà chúng thấy vui, không cần phải làm lương cao, kiếm nhiều tiền mà không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tôi cũng đã từng nói với anh “hạnh phúc của đời người là mỗi sớm mai thức dậy, nhìn thấy bình minh, nhìn thấy người thân ở chung quanh mình, chiều về vợ chồng con cái được quây quần bên bữa cơm tối, cuối đời nếu mình có được điều này thì đó mới là hạnh phúc thực sự”. Anh đồng ý với tôi và nói, “đến tuổi này mình cần nghỉ ngơi và cần phải viết hồi ký, ghi lại những thăng trầm của cuộc đời vô thường này”. Và anh cho biết anh đang biên soạn cuốn hồi ký, hy vọng khi nào hoàn thành thì tôi sẽ có dịp tham dự buổi ra mắt sách của anh.
*
Khi nhận được tin căn bệnh quái ác viếng thăm, anh cười nói với tôi, “rồi một ngày mình chờ cũng phải đến thôi, tất cả nhân loại không ai qua khỏi chiếc cầu định mệnh này, nhưng Miên Du phải nhớ làm thơ tống biệt tôi trở về KHÔNG nhé!“. Và anh cũng nói rất thích bài “Nắng Từ Đâu Gọi Bình Minh” của tôi, “vì giờ phút này đúng là ” ta ngồi đọc lại trang kinh Lăng Già”. Anh chỉ mong thời gian kéo dài thêm chút nữa, để anh thực hiện xong cuốn hồi ký, đó là tâm nguyện cuối cùng của anh. Anh tâm sự, “chưa bao giờ mình cảm nhận hạnh phúc thật sự, tuổi trẻ mình đã bôn ba nhiều rồi, mình nên trân trọng những ngày tháng còn lại bên gia đình, sống thật vui vẻ. Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn thấy ánh nắng bình minh, mình cảm thấy vui, bình an, nhìn quanh thấy vợ và các con luôn ở bên cạnh mình, còn gì hạnh phúc hơn khi có được tình yêu gia đình”. Tôi hỏi anh có sợ chết không ? anh nói, “sợ hay không, rồi cũng phải đến thôi, Miên Du vẫn thường làm thơ và đã thường ca “trần gian này là cõi tạm”, thì tại sao lại sợ chết, cứ sống vui vẻ, chấp nhận khi nào đến thì đi “Về Không Điểm hẹn”, Phạm Kim chỉ mong đi trong bình an, nằm ngủ rồi đi luôn, đó mới là hạnh phúc nhất”. (và anh đã được như ý, anh đã ra đi trong giấc ngủ sâu!)
Nghe những lời tâm sự của anh, tôi đã cảm xúc đọc cho anh nghe, ý thơ của Lý Bạch, được nhà thơ Việt Trang phỏng dịch:
“Trần gian là quán trọ
Tạo hoá lẽ huyền vi
Thế nhân là lữ khách
Dừng lại rồi ra đi …”
….
Anh Phạm Kim, đây là một thoáng hoài niệm của Miên Du viết về anh, và cũng là tâm nguyện cuối cùng mà Miên Du đã hứa với anh. Nhận được tin anh rời bỏ cõi tạm này, Miên Du thấy lòng mình chùng xuống, không khóc, bởi vì như đã biết, rồi một ngày sẽ đến, chỉ vô cùng thương tiếc vì anh ra đi quá sớm, vì tâm nguyện của anh chưa hoàn thành. Nhưng anh yên tâm, các con của anh, Hoài Hương, Hồng Ân và Bảo Đôn sẽ hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của anh để lại trần gian này, những bôn ba, những kinh nghiệm, những đắng cay, phiền não, chua chát, và ngọt bùi … Anh ra đi không mang theo hành trang, bỏ lại hết, cho nhẹ gánh trần gian, mong anh được thanh thản, bình an về chốn quê xưa …!
Đã biết đời vô thường, nhưng sao vẫn tiếc thương, hành trang chưa sắp sẳn, cõi tạm vẫn luyến lưu, Phạm Kim, hỡi Phạm Kim, trần gian thôi giã từ!
Miên Du Dalat
CA 04/01/2021
Leave a Reply