* NGUYỄN VĂN HÓA
Cho đến hôm nay thì hầu như đồng hương vùng Tây Bắc – cũng như nhiều nơi khác ở Hoa Kỳ, đều đã biết tin về ông Phạm Kim, Chủ nhiệm sáng lập kiêm Chủ bút tờ tuần báo Người Việt Tây Bắc (NVTB) có trụ sở ở Seattle, đã từ giã cõi đời mà trở về với nơi ông đã được tạo dựng. Hơn bảy mươi năm sinh ra, lớn lên và sinh hoạt nơi cõi thế này, ngày 30 tháng Ba năm 2021 vừa qua, ông đã chính thức chào vĩnh biệt mọi người để ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản…
Xin được chia sẻ nỗi buồn lớn lao này cùng bà quả phụ Phạm Kim, đã phải gạt những giọt nước mắt vĩnh biệt người chồng thân yêu của mình từng ăn đời ở kiếp với nhau từ nhiều chục năm qua, một người bạn đời đã cùng nhau đồng cam cộng khổ, có nhau trong mọi biến cố của của cuộc sống. Bây giờ thì chắc không khỏi nhớ thương vô vàn: “Chàng ơi cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam” (ca dao)…
Xin gửi lời an ủi đến các cháu Hoài Hương, Hồng Ân, và Bảo Đôn Phạm đã mất đi một báu vật của đời mình: người cha vô cùng thân yêu, người đã từng sát cánh, nâng đỡ các con trong suốt nhiều chục năm trời với tình yêu thương vô bờ bến, như câu hát được nhiều người thuộc nằm lòng: ‘…Tình cha ấm áp như vầng thái dương’ (Ngọc Sơn)…
Là những người cộng tác trong công việc của một tờ báo, anh chị em chúng tôi đón nhận cái tang này trong sự ngỡ ngàng, bàng hoàng, và xin cúi đầu trước linh cữu vị chủ nhiệm/chủ bút, cũng là người sáng lập tờ báo, từng cộng tác với nhau trong nhiều chục năm qua.
Trước sự ra đi vội vã không một lời từ biệt của ông chủ nhiệm Phạm Kim, chúng tôi cảm nhận một sự tiếc nuối và một tâm trạng trống trải, dĩ nhiên cũng không thể nào quên được những kỷ niệm trong nhiều năm cùng làm việc với nhau, những ưu điểm và cả những thiếu xót không thể tránh khỏi của con người.
Thiết tưởng cũng nhân dịp này, xin được nêu lên những điểm nổi bật của người quá cố, hầu mọi người có thể nhận thấy và coi đó như một tấm gương sáng, cũng như để nhớ mãi đến những di sản mà ông An Tôn Phạm Kim còn để lại mãi cho đời và cho người:
1.- Điều trước tiên cần đề cập đến, đó là một ý chí, một lập trường sắt son mà ông Phạm Kim đã kiên định và giữ vững suốt cuộc đời mình, đó là một tinh thần quốc gia vững chắc, một sự khẳng định rõ ràng khi đứng hẳn về một phía trong làn ranh quốc-cộng: Không chấp nhận ý thức hệ cộng sản và không đội trời chung với chế độ này. Chứng minh rõ ràng nhất là ông đã đầu quân vào quân đội VNCH, đã từng là một sĩ quan báo chí dùng ngòi bút chống lại kẻ thù, ông cũng đã từng bị bắt phải vào trại tù khổ sai của cộng sản sau năm 1975, nhất là sau khi ra tù đã thề quyết không sống chung với chế độ vô nhân ấy, mà sẵn sàng liều chết cùng vợ con ra đi tìm đến bến bờ tự do. Ở nơi đất mới, này, ông bà đã cố công gầy dựng bằng được một cơ sở báo chí nhằm phục vụ đồng hương với một lập trường quốc gia vững chắc. Rời nước hơn 40 năm qua, ông bà cũng chưa một lần trở về thăm quê cũ, cho dù lòng nhớ cố hương khôn nguôi, giản dị vì đất nước vẫn chưa có tự do dân chủ, vẫn còn chìm đắm trong bàn tay những người CSVN bán nước hại dân.
2.- Có thể nói trong toàn thời gian sinh sống và làm việc ở tiểu bang này, dù với cương vị là một chủ nhiệm/chủ bút một tờ báo, hay chỉ là một người tị nạn gốc Việt bình thường, ông Phạm Kim vẫn luôn sẵn sàng dồn hết tâm trí, sức lực của đời mình cho công việc truyền thông, cho sự tồn vong và phát triển của cộng đồng người Việt trong vùng, hầu như lúc nào người ta cũng thấy ông tha thiết và chú tâm vào những sinh hoạt của đồng hương trong vùng dù là những sinh hoạt nhỏ, lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi phương cách mình có thể để kết hợp được các sinh hoạt của các hội đoàn, đoàn thể được kết quả hơn. Điều chứng tỏ thiết thực nhất là hầu như trong tất cả các sinh hoạt của đồng hương trong vùng, từ những cuộc đấu tranh chống cộng sản, những buổi lễ kỷ niệm của người quốc gia, đến những cuộc tranh đấu của người gốc Việt trong vùng trong việc bảo vệ chính nghĩa quốc gia, nêu cao lá cờ Vàng, chống Trung Cộng xâm lược, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của đồng hương, những buổi sinh hoạt mang tính chất văn hóa, họp mặt… của các hội đoàn, các tôn giáo, người ta đều thấy ông Phạm Kim hầu như rất ít khi vắng mặt tham dự, ngoài ra ông còn có sự cổ vũ nhiệt tình qua các bài báo tường thuật trên mặt báo NVTB… Ông cũng rất năng nổ trong việc liên hệ các dân cử trong vùng và chính quyền tiểu bang để “làm được gì cho bà con thì làm” như ông thường nói…
3.- Một điểm son nữa cần nêu ra ở đây, đó là ông chủ nhiệm Phạm Kim nhận thức được tầm quan trọng của giới trẻ Việt ở Hoa Kỳ, nên luôn chủ trương và tìm cách sát cánh cùng giới trẻ gốc Việt trong vùng, khuyến khích họ tham dự các sinh hoạt cộng đồng, hăng hái tích cực ủng hộ họ tham gia vào dòng chính (main stream) để có tương lai cho chính mình và cộng đồng gốc Việt… Những sinh hoạt của các bạn trẻ Việt trong vùng luôn được ông khuyến khích, tán dương từ nỗ lực cá nhân của ông cho đến những bài viết trên mặt báo…
3.- Không những tích cực trên bình diện báo chí, nhà báo Phạm Kim còn “dấn thân” rất mạnh mẽ cho công cuộc phát triển văn hóa văn nghệ, từng tổ chức nhiều cuộc họp mặt văn hóa như các buổi nói chuyện về chính trị, văn học, ra mắt sách… nhất là những buổi trình diễn văn nghệ vào những thời kỳ của thập niên 80, 90 cuối thế kỷ trước, khi sinh hoạt văn nghệ của người gốc Việt trong vùng chưa khởi sắc lắm… Như một nhà duy mỹ, ông rất yêu chuộng những vần thơ, những bức họa của mọi người và của cả chính mình, ông trân quý những bài hát hay, những áng văn đẹp…, Thời gian qua, nhiều cố gắng của ông trong việc phát hiện, khuyến khích, và giới thiệu các tài năng văn nghệ cho các trung tâm ca nhạc lớn như Paris by Night, Asia, Hollywood Night… đồng thời với vô số bài viết về văn nghệ trong nhiều năm qua, chứng tỏ được những cố gắng và tâm huyết của ông trong các lãnh vực mà ông hằng chú tâm này.
4.- Cũng chính vì đứng ở cương vị một chủ báo, một nhà hoạt động cộng đồng, hàng ngày phải tiếp xúc và sinh hoạt với bà con gốc Việt hầu như trong tất cả mọi lãnh vực và hoạt động của đồng hương, cả trong môi trường chính trị lẫn doanh thương, cho nên chắc chắn cũng không tránh khỏi những thiếu sót, những dị nghị, đến những giận dữ, mất lòng của những người không đồng ý về chính kiến, về lập trường, về cách giải quyết sự việc, đôi khi chỉ là những liên can nhỏ về quyền lợi, cũng vì thế mà có khi còn bị đả phá, bị chụp mũ một cách đáng tiếc… Công việc làm báo giống như làm dâu trăm họ, làm sao có thể vừa lòng tất cả mọi người được? Có lẽ những ngày cuối cùng trên giường bệnh trước khi giã từ cõi tạm này, chủ nhiệm Phạm Kim chắc cũng đã có giây phút nghĩ đến và mong đồng hương, bạn đọc, các đoàn thể hội đoàn, các cơ quan cộng đôàng bỏ qua cho những thiếu sót hoặc những lầm lỗi nếu có.
5.- Có lẽ sẽ không thể kể ra hết ở đây những điểm đặc biệt nơi nhà báo Phạm Kim trong suốt thời gian ông sinh hoạt cùng với đồng hương, với thân hữu trong vùng. Ai từng biết đến nhà báo Phạm Kim cũng đều tưởng tượng ra hình ảnh của một anh nhà báo luôn mang một phong cách giản dị, khiêm tốn, không hề kiểu cách trong sinh hoạt hàng ngày, từ việc ăn uống, trang phục đến tiếp xúc với mọi người, thậm chí có nhiều đồng hương mới gặp ông đều không nghĩ rằng ông là một ông chủ báo…
***
Như còn nghe văng vẳng đâu đây vài câu hát mà chủ nhiệm Phạm Kim vẫn thường nghêu ngao hàng ngày tại tòa soạn khiến cho mọi người hầu như cũng thuộc lòng: “Về đây nghe em, về đây mặc áo the đi guốc mộc…” (Trần Quang Lộc), để chứng tỏ nhà báo của chúng ta yêu quê hương và mong được trở lại quê mẹ như thế nào. Cũng thế, một câu hát khác ông vẫn thường thốt lên: “Ô hay, tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi hoài, có gì vui?” (Vũ Thành An), mang một tâm trạng suy tư đầy tính triết học. (Vũ Thành An).
Cuộc đời con người chỉ là thoảng qua như cơn gió, có đấy mà cũng không đấy, nhà báo Phạm Kim của chúng ta chắc chắn cũng có nhiều suy tư về cuộc đời này là phù du, chóng qua, trong khi những công việc của đời vẫn còn đầy trước mắt, những con người mà mình hằng yêu thương, những bạn bè hàng ngày mình trao đổi và an ủi nhau, khích lệ nhau, tất cả rồi cũng sẽ qua đi và không có gì tồn tại. Chẳng thế, chắc là tâm đắc với câu hát “Thôi về đi, đường trần đâu có gì..” (TCS), ông vẫn thường cất lên mỗi khi cao hứng tại nơi làm việc.
Đúng vậy, ai rồi cũng phải đi về một cõi nào đó… Hôm nay, nhà báo Phạm Kim đã lấy được tấm vé để bước lên con tàu vĩnh cửu về với Thượng đế, trong niềm tin của một người theo đạo Chúa từ tấm bé như ông, từng được trau dồi trong trường dòng Tabert, cũng như gia đình ông vốn là một gia đình có nền tảng đạo đức và tôn giáo mạnh mẽ. Ngày 30 tháng Ba vừa qua, ông Antôn Phạm Kim đã từ giã cõi đời tạm bợ này, từ giã mọi người thân thuộc để đi về quê, về nhà Cha của mình theo quan niệm của những người tin vào Chúa như ông, cuộc sống trên đời này chỉ là tạm gửi, mà phải là “sinh ký, tử quy” – sống gửi thác về, về nơi quê thật của mình.
Trong một cuộc hành trình dài để “về nhà Cha” như thế, chắc chắn khi đến nơi, ông Anton của chúng ta sẽ phải được nghỉ ngơi, được tắm gội sạch sẽ, được mang giày mới, đội mũ mới, mặc áo đẹp, thắt đai lưng sẵn sàng để được đưa đến cùng ngồi chung bàn với Thượng Đế trong bữa tiệc vinh phúc. Vị được gọi là Thượng Đế ở đây chính là Đức Chúa mà ông Antôn Kim hằng xác tín từ khi được chịu bí tích rửa tội và tuyên xưng Ngài là Chúa của mình, là đấng Thánh vô cùng cao cả, đấng mà trong một thị kiến được viết trong sách Cựu Ước, Tiên Tri Isaia đã thấy cả triều thần thánh trên trời phủ phục xuống mà tung hô: “Thánh, chí thánh, ngàn trùng chí thánh” (Is. 6,3), vì thế, trong niềm tin vào Chúa thì những người đã qua khỏi đời này đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng hầu có thể xứng đáng được ngồi vào bàn tiệc với vị gọi là Thượng đế chí tôn.
Vậy nên, khi tưởng niệm nhà báo Phạm Kim của chúng ta hôm nay, thiết nghĩ ngoài những việc ôn lại những kỷ niệm với ông trong thời gian chung sống, sinh hoạt cùng với mọi người, có lẽ điều mà ai cũng có thể làm được, đó là – tùy theo niềm tin vào tín ngưỡng của mình – hãy thành tâm với những lời cầu nguyện theo cách riêng của tôn giáo mình, mà mỗi khi có người thân quen qua đời, người ta thường tiễn biệt nhau bằng những lời thường đọc thấy trong những bản phân ưu trên báo chí: “Cầu cho hương hồn người quá cố sớm phiêu diêu miền cực lạc” hay “sớm về hưởng nhan Thánh Chúa”… hoặc nên có một hành dộng chia sẻ với tha nhân bằng khả năng mỗi người. Thiết nghĩ, đó chính là một cách giao hòa cùng người đã khuất, như một giọt sương mát để giúp cho người này được thanh tẩy hầu có một hình hài mới phù hợp với tấm thẻ thông hành tiến vào cõi vĩnh hằng.
Vĩnh biệt ông Antôn Phạm Kim, cùng cầu mong cho ông sớm được hưởng phúc đời đời trên Thiên Quốc. “Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…” (TCS)
Nguyễn Văn Hóa