(NV) – Corey Cao Nguyễn, cháu ngoại của nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang, đang thu thập tài liệu để thực hiện cuốn phim phóng sự về ông mình có tựa đề “Son of Vietnam: Nguyễn Đức Quang.”
Nguyễn Đức Quang là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam Việt Nam trước 1975, đặc biệt là các bản nhạc về Phong Trào Du Ca, mà nhạc phẩm nổi tiếng nhất là “Việt Nam Quê hương Ngạo Nghễ.”
Corey tốt nghiệp ngành làm phim tại đại học UCI năm 2020, vì vậy “Son of Vietnam: Nguyễn Đức Quang” sẽ là cuốn phim tài liệu đầu tay nên anh muốn nó phải có một ý nghĩa hết sức sâu xa.
Được hỏi về lý do muốn thực hiện cuốn phim này, Corey thận trọng trả lời: “Có ba mục đích để tôi quyết định bắt tay làm ‘project’ này. Mục đích đầu tiên là tôi muốn tìm hiểu nhiều thêm về ông tôi.”
Năm 2011, khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang qua đời, Corey chỉ mới 13 tuổi cho nên ký ức của anh về ông ngoại không có bao nhiêu. Thêm nữa, ở nhà, Nguyễn Đức Quang rất kín tiếng và không hay nói về mình nên con người xã hội của ông vẫn là một bí ẩn đối với người thân.”
Corey chia sẻ: “Nhắc đến ông tôi, tôi hình dung ra ngay một ông ngoại thật khả kính, ít nói, hay cười và thể hiện tình cảm với các cháu bằng sự săn sóc, chăm lo chứ không bằng lời nói.”
Corey nhấn mạnh: “Ông không bao giờ nói là ông thương tôi, nhưng ngay từ hồi đó, tôi đã cảm nhận được điều này rồi. Sự ấm áp toát ra từ ánh nhìn của ông rất rõ ràng.”
Anh nhớ nhất là hàm râu cạo không sát của ông ngoại và mỗi lần “bị” ông hôn, anh em Corey thường tránh né vì nhột. Lớn lên trong tình thương gia đình, Corey vẫn nghĩ ông mình cũng chỉ như bao ông ngoại khác.
Một lần mà Corey không thể quên về ông là chuyến đi Đà Lạt với ông và bà. “Tôi nhớ mãi lúc ngồi trên thuyền, tự nhiên ông tôi trở nên tư lự và trầm mặc, ít nói hơn bình thường. Bây giờ tôi muốn biết ông nghĩ gì lúc đó,” anh thắc mắc. “Nhất là khi tôi biết ông tôi có thời gian sống ở Đà Lạt.”
Anh hồi tưởng: “Bà ngoại tôi mất trước ông tôi một năm. Đám tang bà là một buổi lễ thân mật trong khuôn khổ gia đình. Khi ông tôi qua đời, tôi tưởng đám tang ông cũng giống như vậy.”
Và Corey gặp một sự ngạc nhiên mà anh không bao giờ quên được.
Anh cười: “Cho đến khi thấy bao nhiêu người có mặt ở đám tang, ngoài gia đình tôi còn có nhiều người lạ, bạn bè của ông, khán giả của ông, cũng như những phóng viên cùng đoàn phim, tôi mới biết ông tôi không phải là người bình thường. Ông tôi là người quan trọng đối với cộng đồng.”
Hôm ấy, không phải chỉ mình đứa cháu 13 tuổi ngạc nhiên về ông mình mà cả hai người con ông, một trai, một gái là Tường và Nhiên cũng không ngờ cha mình lại được yêu mến như vậy.
“Dĩ nhiên mẹ tôi và bác Tường biết ông tôi là nhạc sĩ Du Ca nhưng số người đến dự tang lễ nhiều hơn họ nghĩ,” Corey kể.
Và những gì ông Tường và bà Nhiên biết về Nguyễn Đức Quang không đủ để giải đáp thắc mắc cho Corey.
Anh tiếp: “Từ đó, ý muốn được tìm hiểu về ông ngoại tôi cứ ám ảnh tôi hoài. Bởi vậy, tôi muốn được nghe những người quen biết ông tôi chia sẻ những gì họ biết về Nguyễn Đức Quang với tôi. Những chia sẻ đó sẽ là vô giá đối với tôi và giúp cho bộ phim hoàn hảo hơn.”
Nhất là khi Corey biết được tầm ảnh hưởng lớn mạnh của phong trào Du Ca do ông mình khai sinh, anh càng muốn biết thêm về ông.
Về mục đích thứ hai để thực hiện bộ phim, Corey tiếp: “Biết thêm về những suy nghĩ cũng như việc làm của ông tôi cũng giúp cho tôi tìm lại chính con người gốc Việt của mình.”
Anh tiếp: “Tôi vô cùng hãnh diện về ông ngoại, về những đóng góp của ông đối với tinh thần yêu nước của người Việt từ thời 1960.”
Theo Wikipedia, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944 ở Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Tháng Tư, 1954, cha ông, một viên chức ngành giáo dục, được điều động vào Sài Gòn. Nguyễn Đức Quang, lúc đó mới 10 tuổi, theo cha mẹ vào Nam. Sau Hiệp Ðịnh Genève, vào Tháng Bảy, 1954, đất nước bị chia đôi, gia đình ông Quang cũng bị chia cắt và người anh cả cùng ba người chị gái ông ở lại miền Bắc, chỉ có ông và đứa em trai út sống ở miền Nam.
Từ 1959, gia đình ông định cư tại Đà Lạt. Ông nhập học và tốt nghiệp trường Đại Học Đà Lạt phân khoa chính trị kinh doanh.
Bắt đầu từ thập niên 1960 ông được biết đến qua nhiều nhạc phẩm với chủ đề thanh niên, tranh đấu, và cộng đồng. Tác phẩm đầu tay của ông là “Gươm Thiêng Hào Kiệt,” viết năm 1961 cho phong trào Hướng Đạo.
Mùa Hè 1965, Nguyễn Đức Quang thành lập Ban Trầm Ca, một ban nhạc không chuyên nghiệp. Trong hai đêm 19 và 20 Tháng Mười Hai, 1965, ban nhạc này đã chính thức ra mắt tại giảng đường Spellman của Viện Đại Học Đà Lạt cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Phương Oanh, giọng hát dân ca tài năng nhất miền Nam thời đó.
Năm 1966, Ban Trầm Ca đã cùng với nhạc sĩ Phạm Duy đi lưu diễn ở một số tỉnh thành ở miền Nam.
Được sự hỗ trợ của một số huynh trưởng hoạt động thanh niên tại Sài Gòn, Nguyễn Đức Quang và Ban Trầm Ca đã tổ chức tám khóa thanh ca để phát triển phong trào. Cuối năm 1966, Phong Trào Du Ca Việt Nam được chính thức có tiếng nói ở Nam Việt Nam.
Những tác phẩm quan trọng của Nguyễn Đức Quang là “Chiều Qua Tuy Hòa,” “Việt Nam Quê hương Ngạo Nghễ,” “Về Với Mẹ Cha,” “Bên Kia sông,” “Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương.”
Ông còn là một hướng đạo sinh và một trưởng hướng đạo.
Năm 1979 ông vượt biên sang Hoa Kỳ tị nạn và định cư ở Little Saigon, California. Ông hợp tác với các nhật báo Người Việt, Viễn Đông rồi sau đó đứng ra lập tuần báo Chí Linh và nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn.
Ông cũng đóng góp cho chương trình truyền thanh và truyền hình VOC. Hướng đạo Việt Nam đã tặng ông giải thưởng cao quý nhất: Bắc Đẩu Huân Chương.
Bị tai biến mạch máu não, sau một thời gian lâm trọng bệnh, ông qua đời lúc 4 giờ sáng ngày 27 Tháng Ba, 2011 tại California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 68 tuổi.”
Chín năm sau ngày Nguyễn Đức Quang qua đời, Corey muốn gây quỹ để thực hiện bộ phim về ông.
Anh nói: “Tốn kém nặng nề nhất là về Việt Nam để tìm về cội nguồn, gốc rễ ông tôi. Phí tổn để cắt ráp cũng rất cao. Nhưng tôi tin những người yêu nhạc Nguyễn Đức Quang sẽ ủng hộ và giúp đỡ tôi.”
“Tôi muốn hoàn tất ‘Son of Vietnam: Nguyễn Đức Quang’ càng sớm càng tốt nhưng phải trì hoãn vì đại dịch. Nếu được trình chiếu bộ phim này vào ngày 27 Tháng Ba năm tới, ngày giỗ ông tôi, thì tuyệt vời quá,” Corey ao ước nói.
“’Son of Vietnam: Nguyễn Đức Quang’ là cách để tôi tìm hiểu về ông mình và tìm hiểu về chính tôi cũng như cội rễ Việt Nam của mình.”
Corey cũng muốn “Son of Vietnam: Nguyễn Đức Quang” sẽ giới thiệu phong trào Du Ca cho giới trẻ Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại. Đó là mục đích thứ ba của anh.
Anh tiếp: “Nhạc Nguyễn Đức Quang nhắc người ta biết tự hào về quê hương, dân tộc. Đó chính là điều tuổi trẻ gốc Việt đang cần.”
Để đến website của Corey Cao Nguyễn, vào: www.sonofvietnam.com.
Ghi danh nhận thư (newsletter) của Corey Cao Nguyễn để được gởi những mẩu chuyện lý thú về vua Du Ca Nguyễn Đức Quang, vào: http://eepurl.com/hpWK-D.
Hiện thời, Corey ước lượng tổng chi phí thực hiện “Son of Vietnam: Nguyễn Đức Quang” là $250,000 và kêu gọi cộng đồng đóng góp tùy khả năng giúp anh thực hiện cuốn phim tài liệu về ông ngoại mình, người khai sinh phong trào Du Ca, hát lên nỗi lòng bất khuất yêu nước và niềm tự hào được làm con dân một đất nước ngạo nghễ.
Đóng góp cho cuốn phim bằng “PayPal,” vào: https://www.paypal.com/donate?hosted_button_id=ACDW84YVRYDN4
Hay: https://www.sonofvietnam.com/donate/
Những công ty muốn đóng góp nhiều để trở thành mạnh thường quân, vào: https://www.sonofvietnam.com/donate/donation-tier-credits/
Ai muốn có tên đóng góp cho cuốn phim, xin liên lạc Corey: coreycaonguyen@gmail.com.
—
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com