Julie Phạm
– Làm thế nào để một cộng đồng tị nạn người Việt đạt được nhiều thành tựu khi chúng ta đến Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng?
Bố tôi, ông Phạm Kim, luôn nhấn mạnh rằng sự thành công của cộng đồng bắt nguồn từ sự sẵn sàng hỗ trợ và nâng đỡ lẫn nhau để chúng ta có thể đạt được ước mơ của chính mình. Chúng ta đã có thể làm được nhiều hơn thế với những ít ỏi mà chúng ta có được, bởi vì chúng ta có sự hỗ trợ của nhau, như ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
“Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.”
Nhiều những giấc mơ này đã bắt đầu nhen nhúm từ Việt Nam. Giống như hàng trăm ngàn người miền Nam Việt Nam khác từng chiến đấu chống cộng sản trong Chiến Tranh Việt Nam, bố tôi bị bắt vào trại tù cộng sản trong những năm sau khi mất nước. Trong trại, bố tôi đã mơ ước được thực hiện một tờ báo tại Mỹ. Giấc mơ đã thành hiện thực tại Seattle, nơi mà bố mẹ tôi và tôi đã tìm được nơi nương náu sau khi rời Việt Nam bằng đường biển. Bố mẹ tôi đặt tên cho tờ báo là Người Việt Tây Bắc.
Sau khi bố tôi qua đời, một số người thắc mắc: “Tờ báo sẽ tiếp tục không?” Kể từ khi tờ báo được thành lập vào năm 1986, nó đã được giữ vững bởi nhiều anh hùng ẩn danh và sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong khi tôi cảm thấy ấm lòng trước những cống hiến dành cho bố mình, thì nhiều người khác cũng xứng đáng được công nhận.
Mẹ tôi, bà Phạm Hằng Nga, đã đảm nhận vai trò chủ nhiệm. Mẹ tôi vẫn luôn luôn tập trung vào việc thực hiện tờ báo. Trong trại cải tạo, bố tôi mơ về việc làm báo cùng với một số bạn tù. Hai người trong số đó là bác Nguyễn Văn Hóa và chú Nguyễn Văn Khoa, từng trải qua sáu năm trong trại, tham gia vào tờ báo khi họ đến Mỹ vào những năm 1990. Hiện tại, bác Hoá vẫn là biên tập viên tin tức. Chị Lê Đông Phương gia nhập vào đội ngũ nhân viên năm 2007, đầu tiên là trợ lý hành chính. Trong vài năm qua, chị đã trở thành trợ lý đáng tin cậy nhất của bố tôi và quản lý hầu hết các hoạt động hàng ngày. Chị ấy thường là người duy nhất có thể đọc được nét chữ nguệch ngoạc viết vội của bố tôi.
Mặc dù ba chị em chúng tôi không ai làm việc toàn thời gian cho tờ báo, nhưng chúng tôi vẫn luôn dành thời gian để hỗ trợ. Andy, em trai kế tôi vẫn là người sắp xếp các trang báo và gửi đến nhà in vào thứ Năm hàng tuần, cũng như lo luôn việc quản lý phân phối báo vào sáng thứ Sáu. Don, em trai út của tôi hỗ trợ về kỹ thuật. Còn tôi thì giúp lo quảng cáo của chính phủ và quảng cáo của các cơ sở thương mại lớn của người Mỹ.
Có những cựu nhân viên của tờ báo, như người trong gia đình, vẫn góp phần giúp đỡ khi cần thiết nhất. Chị Trần Quỳnh Dao đã thiết kế lại logo hiện đại cho tờ báo vào năm 2008. Hiện tại chị đã làm chủ cơ sở kinh doanh Pearl Studio chuyên về làm hoa và trang trí sự kiện. Chị đã tình nguyện lo việc trang trí hoa trong tang lễ của bố tôi.
Nhiều doanh nhân mơ ước tạo ra sự khác biệt trên thế giới thông qua công việc kinh doanh của họ. Tờ báo của chúng tôi phụ thuộc vào những người có ước mơ này. Tờ báo chủ yếu tồn tại nhờ vào cộng đồng của chúng ta có những sự việc để chia sẻ. Chúng tôi đặc biệt tự hào khi đưa tin tức mà chỉ những người Việt Nam khác mới quan tâm, như những sự kiện văn hóa và chính trị do người Mỹ gốc Việt tổ chức. Các thành viên cộng đồng thường gửi hình ảnh sự kiện do chính họ chụp để chúng tôi có thể tường thuật lên báo. Bố mẹ tôi đã nhắc nhở chúng tôi về tầm quan trọng của sự có đi có lại. Bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ mang hóa đơn trực tiếp đến thân chủ, đồng thời ủng hộ việc kinh doanh của họ, ví dụ như mua hàng hóa, ẩm thực, sử dụng dịch vụ của thân chủ mình.
Tờ báo đã trở nên phù hợp với vai trò như một diễn đàn tiếp nối để kêu gọi người Việt trong vùng hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.
Năm 2016, khi Tommy Lê bị cảnh sát King County bắn tử vong, cô Trần Linda là một luật sư 29 tuổi – đã tìm đến một người bạn có liên hệ với gia đình của Tommy Lê và nhận thấy rằng gia đình này cần được bảo vệ. Gia đình họ Lê đã liên lạc với cô và Linda đã đưa luật sư mà cô làm việc vào thời điểm đó đến gặp gia đình. Linda yêu cầu bố tôi vận động độc giả của tờ báo ký vào bản kiến nghị “Công Lý cho Tommy Lê”. Liệu gia đình của Tommy Le có thể đòi được công lý nếu không có một luật sư nói cùng ngôn ngữ đứng bên họ trong những năm đầu quan trọng, và báo chí Việt ngữ vận động cộng đồng hỗ trợ?
Từ mức độ loan tin dành cho bất cứ người Mỹ gốc Việt nào đang tranh cử, như Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Federal Way – Trần Hoàng, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang WA – Nguyễn Joe, và Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Renton – Văn Kim Khánh, bạn sẽ nghĩ rằng họ đang tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Nguyễn Thế Anh chia sẻ: “Khi tôi quyết định tranh cử Ủy Viên Port of Seattle, tờ báo [này] là tờ báo duy nhất trực tiếp tán thành tôi, dù thắng hay không.” Nếu chúng ta không quảng bá các ứng cử viên từ chính cộng đồng của chúng ta, làm sao các tờ báo khác lại tán thành họ?
Tờ báo hiện diện nơi đây vì chúng ta là một cộng đồng có mong muốn kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Mỹ Tâm Nguyễn chia sẻ: “Từ khi tôi chuyển đến Seattle năm 8 tuổi, báo Người Việt Tây Bắc đã luôn là thứ thường trực trong cuộc sống của tôi – ở phòng mạch bác sĩ, tiệm tạp hóa, tiệm thuốc… Khi một cộng đồng di cư xa xứ, chúng tôi rất am hiểu và nắm bắt mọi cách để kết nối và xây dựng.”
Tờ báo đã trở thành một nền tảng cho người Việt địa phương chia sẻ những mong muốn của họ và kêu gọi sự ủng hộ của nhiều người khác. Chúng ta chỉ có thể đạt được ước mơ của mình khi sẵn sàng giúp đỡ người khác hoàn thành ước mơ của họ. Đó là cách một cộng đồng vượt trội hơn so với phương tiện vật chất của nó.
Trong những tháng cuối đời của bố tôi, ông bắt đầu viết hồi ký. Chúng tôi đã ủng hộ việc chia sẻ câu chuyện của bố tôi, chúng ta có thể kể lại cách người Việt phát triển ở Seattle. Tờ báo sẽ dẫn đầu nỗ lực chung này để vinh danh bố tôi và vinh danh cộng đồng của chúng ta.
Và tôi sẽ kêu gọi những người khác giúp tôi thực hiện ước mơ này bởi vì làm như vậy là chúng ta đang nâng đỡ lẫn nhau.
Julie Phạm, PhD