Bạn hãy tạm ngừng đọc trong giây lát và nhìn xung quanh mình. Tôi cũng sẽ làm tương tự.
Tôi đang ngồi trong phòng ăn của con gái tôi, nhưng giờ tôi đã chuyển thành phòng làm việc của mình. Bên phải của tôi là một chiếc tủ kệ cổ cỡ lớn có gương, ngăn kéo, ngăn để đựng chén đĩa và đồ dùng, chân tủ có hình bàn chân con sư tử gắn bánh lăn. Gần tôi hơn là chiếc đèn đứng một bóng. Kế khuỷu tay của tôi là một chiếc điện thoại gấp loại bỏ túi và tôi đang soạn thảo bằng một chiếc MacBook Pro 7 năm tuổi, chiếc cốc uống cà phê có hình đồng hồ Big Ben của London. Trên sàn nhà xung quanh tôi là rải rác 10 hoặc 12 cuốn sách cần được xếp lên giá.
Thế là đủ.
Mọi đồ vật trong căn phòng này – hai thanh kẹo gum trên chiếc bàn gỗ bên cạnh tôi, kính lúp, chai nước suối, mọi thứ – đều là tác phẩm của bàn tay và khối óc do “con người sáng tạo”, “con người tạo ra”.
Tôi không biết tên hay khuôn mặt của những người đã tạo ra hầu hết các đồ vật này. Thomas Edison và những người khác chịu trách nhiệm về chiếc bóng đèn, Steve Jobs cùng nhóm cộng sự của mình đã mang lại cho tôi chiếc máy tính xách tay, còn những thứ khác tôi đều không biết người làm ra chúng. Chúng được thiết kế bởi ai đó ở những nơi như Allentown, Pennsylvania (chai nước) và Trung Quốc (cây đèn).
Nhưng tôi hiểu rằng tất cả những đồ dùng này đều bắt nguồn từ: sự sáng tạo của con người.
Người Hoa Kỳ như chiếc bánh táo
Nếu chúng ta tìm kiếm trên Google “Sự sáng tạo của người Hoa Kỳ” (American ingenuity), sẽ thấy ngay rất nhiều kết quả về chủ đề này, sự sáng tạo và những phát minh, đặc biệt là của người Hoa Kỳ, đó là nét văn hóa đặc trưng của chúng ta so với phần còn lại của thế giới mà cho đến gần đây mới nổi bật hẳn lên.
Từ những ngày đầu thời kỳ thuộc địa, chúng ta đã là một quốc gia của những người thợ sửa chữa, một dân tộc bị hoàn cảnh ép buộc phải tự tìm đường vươn lên với rất ít sự trợ giúp từ bên ngoài. “Rễ cây, heo thiến, hoặc chết” là câu cửa miệng phổ biến của người Hoa Kỳ xưa dùng để tóm gọn cho quan điểm này. Những người đàn ông, phụ nữ và người đi theo định cư ở đây đã xây dựng nhà cửa, nhà thờ, đường xá và thành phố, sửa chữa mọi thứ từ cây súng trường cho đến bộ yên cương ngựa và còn tạo ra nhiều các loại công cụ và máy móc để cuộc sống bớt vất vả hơn.
Bằng chứng lịch sử của sự sáng tạo và những phát minh đó là tất cả những thứ xung quanh chúng ta. Ví như, trong vòng hai giờ lái xe từ nhà tôi, khách du lịch có thể ghé thăm các điểm tham quan như: ngôi nhà của Cyrus McCormick, Walnut Grove, là nơi McCormick đã phát minh ra máy gặt cơ khí, một thiết bị đã cách mạng hóa nông nghiệp. Ngay phía bắc Staunton là Bảo tàng Văn hóa Biên giới, nơi trưng bày các bối cảnh tái hiện hoạt động của đời sống, thể hiện sự khéo léo của người dân Hoa Kỳ trong công việc, cùng với những ngôi nhà có thiết kế Âu Châu cho thấy quá trình phát triển nhà cửa. Gần hơn là Hoa Thịnh Đốn, với nhiều bảo tàng và khu trưng bày hàng hóa và sản phẩm của Hoa Kỳ.
Cũng như các thế hệ cha ông, một số tổ phụ của chúng ta là những người thợ sửa chữa và nhà phát minh hạng nhất. Ben Franklin phát minh cho chúng ta cột thu lôi, mắt kính hai tròng, bếp lò Franklin, chân vịt và thậm chí cả ống thông tiểu dùng trong y tế. Thomas Jefferson đã phát minh ra chiếc máy làm mì ống, chiếc ghế xoay với bàn viết, mật mã bánh xe để gửi tin nhắn mã hóa và chiếc máy cày phù hợp hơn cho vùng đồi núi Charlottesville. Sở thích nông nghiệp của George Washington đã khiến ông phát minh ra chiếc nhà kho dùng để tuốt lúa, giúp cho công việc này nhanh hơn và vệ sinh hơn.
Cái khó ló cái khôn và sự mày mò sáng tạo
Đôi khi, các trường hợp khẩn cấp buộc ngay cả những người vụng về trong chúng ta phải trở thành kẻ mày mò.
Tôi và một số anh chị em đã dành cả mùa thu năm 1982 để làm việc trong một căn nhà trọ cũ nát hơn 100 năm tuổi mà vợ chồng tôi đã mua. Vào tháng 12, chúng tôi tắt nguồn nước để tránh đóng băng đường ống, nhưng lại làm không đúng cách. Nên khi chúng tôi mở lại nguồn nước vào mùa xuân năm sau, đường ống rò rỉ nước từ tầng ba xuống tầng hầm. Người thợ sửa ống nước lúc đó là một người đàn ông tốt bụng mà sau này là người bạn thân thiết của chúng tôi, anh không thể khắc phục sự cố trong 3 ngày và đã để lại cho chúng tôi hộp dụng cụ dự phòng của anh. Tôi không có tâm trí để nói với anh ấy rằng những gì tôi biết về hệ thống ống nước chỉ vỏn vẹn trong mấy dòng chữ có thể ghi trên tờ giấy ghi chú loại nhỏ.
Chúng tôi bắt đầu việc sửa chữa ở khu tầng hầm, bốn ống nước nối với nhau tạo thành hình một cây thánh giá. Ở giữa cây thánh giá là một vết rò rỉ. Tôi nhìn vào cái lỗ nhỏ xíu đó, suy nghĩ trong vài phút, tôi nhờ anh trai đến cửa hàng tiện lợi mua một ít kẹo cao su, loại có thể thổi thành bong bóng. Chúng tôi nhai một ít kẹo và cắt một dải cao su từ chiếc săm xe tìm thấy ở tầng hầm. Tôi dán kẹo cao su đã nhai vào lỗ thủng bé xíu đó, dùng dải cao su bịt lại và cố định chúng bằng bằng hai chiếc kẹp ống xả xe ô tô.
23 năm sau, khi tôi bán nhà, miếng dán đó vẫn còn nguyên.
Cái khó ló cái khôn, điều này không phải lúc nào cũng đúng nhưng ở hoàn cảnh của chúng tôi thì nó hoàn toàn phù hợp.
Công ty Liquid Paper và sự giàu sang
Sự khéo léo và sáng tạo có giá trị nhiều hơn là chỉ sửa một đường ống bị rò rỉ. Sự giàu sang sẽ đến với những người chịu mày mò sáng tạo.
Vào đầu những năm 1950, Bette Nesmith Graham rất chán nản, cô là thư ký ngân hàng nhưng khả năng đánh máy lại không tốt, và mắc nhiều lỗi hơn khi sử dụng những chiếc máy đánh chữ chạy bằng điện loại mới ở ngân hàng. Khi biết các họa sĩ thường dùng sơn phủ lên các nét lỗi, Graham bắt đầu thử nghiệm với sơn nền màu trắng và một chiếc cọ nhỏ, phủ hỗn hợp này lên giấy, để khô trong vài phút, sau đó tiếp tục gõ chữ lên khoảng trắng đó.
Nhà bếp của cô đầu tiên được sử dụng làm phòng thí nghiệm, nhưng sau khi các thư ký khác đều muốn thử sản phẩm xóa lỗi của Graham, nơi đây đã trở thành công ty thứ nhất của cô. Khi mới phát triển sản phẩm, Graham được con trai tên là Michael hỗ trợ. Anh sau này là thành viên của ban nhạc rock Monkees và là người làm ra một trong những video âm nhạc đầu tiên. Ban đầu, Graham gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm. Nhưng dần dần, công ty của cô “Mistake Out”, sau này đổi tên thành “Liquid Paper”, đã sử dụng tới 200 công nhân để trộn và vận chuyển những chai chất tẩy thần kỳ này.
Vào cuối những năm 1970, công ty Liquid Paper đã sản xuất ra hàng triệu sản phẩm mỗi năm. Năm 1979, Graham bán công ty cho Gillette Corporation với giá 47.5 triệu USD, đến nay giá trị của Liquid Paper còn đạt tới con số hơn 100 triệu USD trên thị trường.
Bắt đầu từ một tầm nhìn
Vài năm trước, tôi phỏng vấn một người bạn, anh là Aaron Voigt, chồng của Joy, cha của hai con trai, một cựu chiến binh Hải quân và là chuyên viên giám định bảo hiểm. Và, tôi có thể nói thêm, Voigt cũng là một nhà phát minh.
Khi đảm nhiệm chuyên môn giám định bảo hiểm, Aaron thấy mình có khá nhiều thời gian rảnh rỗi vào buổi tối. Yêu thích súng cầm tay và đam mê bắn súng từ khi còn trẻ, Voigt bắt đầu phác thảo các thiết kế cho một khẩu súng ngắn thu nhỏ.
Sau rất nhiều thử nghiệm và ngụp lặn trong hàng đống tài liệu về luật cấp bằng sáng chế cũng như các quy định liên quan của chính phủ, Aaron đã tạo ra một loại súng lục siêu nhỏ, có chiều cao và chiều dài bằng kích thước của chiếc thẻ tín dụng, dày 1.27 cm, nặng 198 g và bắn được một viên đạn cỡ nòng 0.22 duy nhất, tại hộp chứa ở tay súng bỏ thêm được ba viên đạn nữa. Aaron đặt tên cho loại súng đó là LifeCard và thành lập công ty riêng của mình, Trailblazer Firearms, để sản xuất và bán loại súng này.
Khi tôi hỏi về khẩu súng chỉ bắn được một viên đạn, Aaron trả lời: “Bắn ra được một viên đạn vẫn còn tốt hơn nếu như anh không có súng”.
Một quan điểm sáng suốt của một người đàn ông có tầm nhìn.
Loài người có nền văn minh vượt trội
Ben Carson, bác sĩ giải phẫu thần kinh nhi khoa có tay nghề cao, từng viết: “Trước khi đất nước này ra đời, hàng ngàn năm trước, con người làm mọi việc theo những cách tương tự. Trong vòng 200 năm kể từ khi đất nước này hình thành, con người đã đặt chân lên mặt trăng, và tôi muốn chúng ta hiểu rằng đó mới chính là loài người chúng ta. Chúng ta sáng tạo với sự mày mò và tràn đầy năng lượng”.
Từng lặp lại nhiều lần trong lịch sử, người dân Hoa Kỳ chúng ta đã vận dụng sự mày mò sáng tạo và nguồn năng lượng dồi dào để cải thiện cuộc sống cho những người xung quanh. Chúng ta đã chế tạo ra máy bay và ô tô, cung cấp cho phần còn lại của thế giới máy tính và công nghệ thông tin, chúng ta đã phát minh ra các loại thuốc đặc trị và dụng cụ phẫu thuật. Kể tiếp nữa, danh sách sẽ còn dài vô tận. Chỉ cần nhìn vào những thành tựu đó, chúng ta sẽ thấy được bằng chứng về sự vượt trội của Hoa Kỳ.
Yếu tố quan trọng
Có nhiều yếu tố mang lại những thành tựu này, bao gồm: hệ thống luật sáng chế để bảo vệ các nhà phát minh, sự hỗ trợ và khuyến khích của chính phủ, sự góp sức của những người nhập cư như Alexander Graham Bell, hệ thống giáo dục hoạt động hiệu quả, truyền thống mày mò sáng tạo, luôn cố gắng tạo ra các công cụ để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một số phần của bộ khung này hiện cần được sửa chữa. Vai trò của chính phủ ngày nay thường cản trở hơn là trợ giúp, và hệ thống giáo dục đang khiến giới trẻ của chúng ta thất bại.
Để duy trì những thành tựu này, yếu tố lớn nhất và quan trọng nhất mà chúng ta cần phải bảo vệ chặt chẽ chính là sự tự do của chúng ta. Không có tự do, sức sáng tạo và sự phát triển sẽ bị kìm hãm.
Quyền tự do, cùng với sự tự do kinh doanh, ý chí học hỏi và tâm hồn nhân văn, đã cải thiện cuộc sống của chúng ta trong hai thế kỷ qua. Những đức tính này sẽ còn phát huy tác dụng nếu chúng ta tiếp tục để chúng đơm hoa kết trái.
Tác giả: Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt. Trong 20 năm qua, ông đã dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh qua các buổi hội thảo cho học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Hiện ông cộng tác viết bài trên Front Royal, Va. Hãy truy cập trang JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Minh Vi biên dịch
Nguồn: ETViet