(NV) – Bên cạnh 31 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer, Việt Nam cũng đã có hàng chục triệu liều vaccine từ AstraZeneca và chương trình COVAX.
Theo Bloomberg ngày 14 Tháng Năm, Bộ Y Tế cho biết Việt Nam sẽ nhận 31 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer của Mỹ trong năm nay.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn cho hay trong thời gian qua, Bộ Y Tế đã “khẩn trương đàm phán,” làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vaccine “cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021.”
Cụ thể, số vaccine trên gồm 38.9 triệu liều từ chương trình COVAX facility-cơ chế do Liên Hiệp Quốc thành lập nhằm “bảo đảm công bằng vaccine cho các nước nghèo,” 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ hãng Pfizer của Mỹ. Ngoài ra, Bộ Y Tế đã ghi danh với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế “chia sẻ chi phí.”
Các nguồn vaccine khác của Moderna, Johnson & Johnson (Mỹ) và của các nước khác như: Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) vẫn đang được Bộ Y Tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất, nhằm “đa dạng hóa nguồn vaccine” để chích cho người dân.
Trong một động thái liên quan, hôm 12 Tháng Năm, ông Kidong Park, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết WHO đang xem xét đề nghị chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 cho Việt Nam.
“Nhà sản xuất vaccine tại Việt Nam bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA. WHO hy vọng Việt Nam sẽ ghi danh ‘sản xuất quy mô lớn.’ Hiện nay, WHO đang tìm cách mở rộng năng lực và quy mô sản xuất vaccine tại các nước thu nhập thấp, trung bình nhằm ‘kiểm soát đại dịch.’”
Theo ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y Tế, hồi đầu Tháng Năm, một số quốc gia trong đó có Nhật đã xác nhận “sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam.”
Hai loại vaccine mRNA được WHO phê duyệt “khẩn cấp” thuộc về Moderna và Pfizer của Mỹ. Thay vì dùng protein SARS-CoV-2, loại vaccine này chỉ mang thông tin di truyền của virus vào cơ thể. Vật chủ sau đó tự sản xuất protein và đào tạo hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là không cần nuôi protein virus tinh khiết, giúp tiết kiệm nhiều thời gian chuẩn hóa và đẩy mạnh sản xuất vaccine, đặc biệt phù hợp trong tình hình dịch bệnh leo thang nhanh chóng như hiện nay.
Tính đến ngày 14 Tháng Năm, Bộ Y Tế cho biết đã có 959,182 người Việt Nam được chích vaccine phòng COVID-19. Dự kiến ngày 16 Tháng Năm, Việt Nam sẽ có thêm gần 1.7 triệu liều vaccine qua nguồn của COVAX. (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com