(NV) – Hàng loạt các chợ như chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ, Kim Biên, Hoà Hưng… phải tạm ngưng hoạt động do phát giác nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2, khiến giá cả nhiều mặt hàng biến động tăng cao.
Để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn đã ra lệnh chợ đầu mối Hóc Môn- một trong ba chợ đầu mối lớn nhất ở Sài Gòn, với 350 sạp, hơn 4,000 tiểu thương, người lao động “ngưng hoạt động tập trung hàng trực tiếp từ 0 giờ ngày 28 Tháng Sáu đến 4 Tháng Bảy, để phòng chống dịch.”
Các tiểu thương được yêu cầu “thay đổi hình thức vận chuyển, giao dịch trực tuyến và đưa hàng tận nơi cho khách mà không mua bán trực tiếp tại chợ.”
Theo báo VNExpress, động thái đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn do nơi đây xuất hiện 19 ca nhiễm và nhiều ca bệnh liên quan đến các chợ khác.
Tại chợ Sơn Kỳ, hôm 19 Tháng Sáu, ba tiểu thương ở đây đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng, sau đó xét nghiệm kết quả nhiễm SARS-CoV-2. Tiến hành truy vết những người liên quan, cơ quan y tế phát giác 93 tiểu thương, người nhà và người sống gần chợ nhiễm dịch. Chợ đã bị phong tỏa và hơn 22,000 cư dân sống ở khu vực chợ được lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, chuỗi lây nhiễm chín ca là các tiểu thương chợ Kim Biên (quận 5) phát hiện ngày 16 Tháng Sáu. Sau đó cơ quan y tế phong tỏa chợ và các khu vực xung quanh. Chợ Hoà Hưng (quận 10), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)… cũng bị ngưng hoạt động do liên quan các ca COVID-19.
Hôm qua 27 Tháng Sáu, toàn bộ chợ đầu mối Bình Điền-nơi cung cấp 70% hàng hóa, thực phẩm cho Sài Gòn cũng đã phải tạm ngưng để phun khử khuẩn khu chợ, do ghi nhận 32 ca nhiễm liên quan. Hiện, chợ đã hoạt động trở lại với sự giám sát của chính quyền và cơ quan y tế.
Do nhiều chợ đầu mối bị tạm ngưng đã khiến giá cả một số hàng hóa tăng mạnh. Theo báo Zing, sáng 28 Tháng Sáu, tại một số chợ như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Xóm Chiếu (quận 4)… lượng khách hàng đến chợ giảm mạnh so với trước do sợ bị lây bệnh và hàng hóa tăng giá bán khá cao.
Chị Lan, tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Xóm Chiếu (quận 4), cho biết do dịch bệnh nên việc vận chuyển khó khăn, tài xế chở hàng về đều bị cách ly khiến chi phí thuê xe cao hơn, hàng hóa vì thế đều tăng giá nhất là hàng rau xanh vốn được dùng hằng ngày tăng từ 25% đến 50% tùy loại.
Trong khi đó nói với báo Zing, ông Bùi Thế, phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, cho biết số lượng rau củ quả ở Lâm Đồng cung cấp về thị trường Sài Gòn chủ yếu ở chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Thủ Đức, còn chợ Hóc Môn chỉ chiếm số lượng ít.
“Việc đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung rau, củ từ Lâm Đồng về thành phố. Hiện lượng nông sản về thành phố vẫn ổn định,” ông Thế cho biết.
Sài Gòn hiện có 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1,636 cửa hàng tiện lợi. Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2,175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn, 1,100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản.
Lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn trung bình trước dịch khoảng 2,600 đến 2,700 tấn/đêm, gồm thịt gia súc, rau củ quả, trái cây, được cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị ở Sài Gòn các tỉnh lân cận.
Còn chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3,300 đến 3,500 tấn/đêm. Tổng lượng hàng tại ba chợ đầu mối đáp ứng 70% thị trường thành phố.
Theo Bộ Y Tế CSVN, trong ngày 28 Tháng Sáu, Việt Nam ghi nhận thêm 391 ca COVID-19 mới, trong đó riêng Sài Gòn chiếm đến 218 ca, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại thành phố này lên 3,436 trường hợp. (Tr.N)