Tác giả: Lưu Á Châu (Trung Quốc)[1] | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành.
Sách chép sử một thời đại thì không gián đoạn. Thông sử [sách chép sử nhiều thời đại kế tiếp nhau] thì gián đoạn không thông. Quá nửa các nhà sử học là nhà văn hạng hai, nhà tư tưởng hạng ba. Hiển nhiên họ chưa phát hiện quy luật đáng sợ này: Trên chính trường Trung Quốc, “Người cầm lái số hai” xưa nay bao giờ cũng có cuộc đời bi đát. Giở lịch sử các thời đại của Trung Quốc, rất ít vị Thừa tướng nào có kết cục tốt đẹp. “Làm bạn với vua như làm bạn với cọp” – tin rằng kinh nghiệm quý giá đánh đổi bằng xương máu này chủ yếu là do các vị Thừa tướng tổng kết được. Đây là lời tố cáo bằng máu và nước mắt của họ.
Lịch sử phát triển tới thế kỷ 20, phát triển đến tay Đảng Cộng sản Trung Quốc, quy luật này trở nên vững vàng không gì lay chuyển nổi.
Hôm nay tôi không nói về ai khác mà nói về Lưu Thiếu Kỳ. Ông là tấm gương tốt trong số những “Người cầm lái số hai”.
Trương Quốc Đào[2] sau khi làm cuộc phản cách mạng bèn trốn ra Hong Kong, chửi bới tất cả các lãnh tụ Đảng Cộng sản. Khi chửi đến Lưu Thiếu Kỳ, ông nói: “Lưu Thiếu Kỳ là ‘công cẩu’ [con chó có công] của Mao Trạch Đông.” Trương Quốc Đào nói đúng. Mao Trạch Đông sở dĩ có ngày nay, Lưu Thiếu Kỳ là người lập công lớn nhất.
Còn nhớ, sau khi Hồng quân làm cuộc trường chinh đến được Diên An, có một lần mọi người cùng đi xem kịch, nội dung vở diễn là chuyện Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh. Đang xem bỗng Mao Trạch Đông quay lại nói với một vị nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng: “Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh, trong đoàn ấy ai là người kiên định nhất? Đường Tăng. Ai giao động nhất? Trư Bát Giới.” Rồi Mao Trạch Đông chỉ tay vào Trương Quốc Đào ngồi bên trái chỉ cách một ghế và nói: “Anh này là Trư Bát Giới trên đường trường chinh.”
Trương Quốc Đào nghe thế cả giận, ầm ầm xô ghế đứng dậy bỏ ra ngoài, chửi đổng: “Đồ vô liêm sỉ.” Sắc mặt Mao Trạch Đông không thay đổi. Tôi lại nghe thấy một tiếng xô ghế, nhìn lên, chỉ thấy một người cao dong dỏng đứng phắt dậy. Đó là Lưu Thiếu Kỳ. Ông nghiêm giọng bảo Trương Quốc Đào: “Anh im mồm đi!”. Người xem kịch rất đông nhưng chẳng ai ra tay phản ứng giúp Mao, ngay cả Mao Trạch Đông cũng không đốp lại Trương Quốc Đào. Lưu Thiếu Kỳ lại khảng khái ra tay giúp Mao. Xét riêng một chuyện tối hôm ấy, tôi mơ hồ cảm thấy Lưu Thiếu Kỳ có phần quá đáng.
Đúng là Trương Quốc Đào có rủa người, nhưng Mao Trạch Đông cũng nói xấu người ta, mà lại ra đòn trước. Miệng lưỡi Trương Quốc Đào mỏng như tờ giấy, miệng lưỡi Mao Trạch Đông còn mỏng hơn giấy. Sao mà Lưu Thiếu Kỳ lại có thể nhảy một bước vào hàng ngũ của Mao Trạch Đông như vậy?
Nhờ có sự giúp đỡ to lớn của Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông thắng áp đảo Trương Quốc Đào. Thấy tình thế bất lợi, Trương cúp đuôi bỏ trốn. Ngày nay xem lại sự việc đó mới thấy Trương Quốc Đào quả là thông minh. Tuy rằng cuối cùng ông ta ốm chết ở tuổi 80 trong một nhà dưỡng lão tại Toronto xứ Canada, nhưng so với Lưu Thiếu Kỳ thì ông chết đẹp hơn nhiều, chết trong nhiều tình thương hơn. Lại còn thọ hơn Lưu Thiếu Kỳ 10 tuổi nữa kia.
Công lao vĩ đại nhất của Lưu Thiếu Kỳ là đã thực hiện được một phát minh sáng tạo: đưa ra “Tư tưởng Mao Trạch Đông”.
Năm 1945, Trung ương Đảng họp Đại hội Bảy. Trong kỳ họp này, Lưu Thiếu Kỳ ra sức nhiệt tình ca ngợi Mao Trạch Đông. Mấy lần đọc báo cáo ở Đại hội, lần nào ông cũng nhắc đến Mao Trạch Đông. Trong một bản báo cáo, Lưu Thiếu Kỳ tổng cộng 105 lần nhắc đến tên Mao Trạch Đông. Đây là con số thống kê của tôi. Hôm ấy tôi ngồi dưới hội trường, hết sức để ý quan sát vẻ mặt các vị lãnh tụ trên Đoàn Chủ tịch. Họ đều gật đầu. Chu Ân Lai, Nhiệm Bật Thời gật rất nhẹ, cùng lắm là cúi đầu mà thôi. Lâm Bưu tỏ vẻ xúc động và gật hăng lắm, như gà con mổ thóc ấy. Tôi lấy làm lạ là Mao Trạch Đông cũng gật đầu như họ. Khuôn mặt ông nở nụ cười tự tin. Ông buông thả bản thân, bỏ mặc cho người khác ca ngợi mình.
Khi Lưu Thiếu Kỳ đọc Báo cáo Sửa đổi Điều lệ Đảng, Mao Trạch Đông được Lưu biểu dương không dưới một trăm lần; nếu kể cả từ ngữ “Tư tưởng Mao Trạch Đông” thì không đếm xuể. Có mấy lần ông nói ra ngoài báo cáo, giải thích thêm về cái từ ngữ vừa mới đẻ ra ấy. Mỗi lần làm như thế, giọng nói của ông mạnh thêm 80 phần trăm. Khi đọc văn bản đôi lúc ông còn nói lắp, nhưng khi nói ra ngoài đề thì lại trôi chảy như nước. Lưu Thiếu Kỳ liên tiếp vung tay chém vào bầu không khí phía trước ngực, đặc biệt xức động. Trong lần giải thích cuối cùng, ông nói lên một danh ngôn sau này người ta nhắc đi nhắc lại hàng chục triệu lần, khi nói câu ấy, giọng ông khàn khàn: “Mao Trạch Đông vĩ đại của chúng ta đã dùng tư tưởng của mình để nâng cao tư tưởng toàn dân tộc ta lên tới độ cao chưa từng thấy. Đó là Tư tưởng Mao Trạch Đông!”
Tiếng vỗ tay vang lên như sấm, tưởng chừng làm bung mái nhà Hội trường lớn Dương Gia Lĩnh. “Tư tưởng Mao Trạch Đông” do bà mẹ có tên Lưu Thiếu Kỳ đẻ ra. Đứa trẻ sơ sinh ấy vừa ra đời đã được khẳng định sẽ vạn tuế [muôn năm].
Ngày nay Mao Trạch Đông đã không còn nói gì, Lưu Thiếu Kỳ cũng vậy. Nhưng tư tưởng Mao Trạch Đông thì vẫn không ngừng phát ngôn. Chúng ta dùng nó để đấu trời, đấu đất, đấu người khác. Người khác cũng dùng nó để đấu chúng ta. Ai lên cầm quyền thì người đó đều tuyên bố mình nắm được tư tưởng Mao Trạch Đông; ai bị hạ bệ thì bị kẻ khác tuyên bố là đã phản bội nó. Lên hoặc xuống, bánh xe lịch sử quay lộc cộc, chỉ cái bánh xe ấy lừng lững không lên không xuống.
Mao Trạch Đông trước tiên nên cảm ơn Lưu Thiếu Kỳ. Quả thật Mao đã làm thế. Ông từng không chỉ một lần nói với người khác: “Qua chỉnh phong ở Diên An, tôi làm quen được mấy người bạn thân. Có Lưu Thiếu Kỳ, Trần Bá Đạt, Hồ Kiều Mộc, Cao Cương, Lục Định Nhất, Bành Chân. Còn có Châu Dương nữa.” Bỗng dưng Lưu Thiếu Kỳ được xếp lên vị trí thứ nhất. Ông đã lập công lớn cho Mao Trạch Đông.
Mao bình công xét thưởng, đền đáp cực kỳ hậu hĩnh: ông chuẩn bị giao nhà nước này cho Lưu Thiếu Kỳ. Nguyên soái Anh Quốc Montgomery khi thăm Trung Quốc có hỏi Mao Trạch Đông ai sẽ kế vị ông. Mao nói: “Rất rõ ràng, đó là Lưu Thiếu Kỳ. Ông ấy là Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng chúng tôi. Sau khi tôi chết thì đến ông ấy.”
Lưu Thiếu Kỳ sắp được cả một quốc gia, dĩ nhiên dương dương đắc ý lắm. Đại hỷ. Ông quy công lao cho bản thân. Người quy công cho mình bao giờ cũng khí thế ngút trời. Trong nhiều trường hợp tôi từng nghe thấy ông nói câu này: “Trước Đại hội Bảy, chưa dựng được uy quyền tuyệt đối của Mao Chủ tịch, [thế là tôi] dốc hết sức mình tạo dựng. Sau Đại hội Bảy, cảm thấy không nói tới thì mọi người cũng đều đã biết cả rồi, vì thế không nhắc tới nữa.” Ông ta hoàn toàn coi sứ mệnh thiêng liêng ấy là công việc của mình. Muốn dựng thì dựng, không muốn dựng thì không dựng. Quy công lao cho mình đến mức như thế thì sao mà không thất bại? Nếu đã dựng rồi thì phải dựng đến cùng chứ. Trong cái ngõ cụt ấy không có đường thoái lui đâu.
Sau khi bước vào thập niên 1960, Lưu Thiếu Kỳ càng khí thế bừng bừng.
Đặc biệt sau khi Mao Trạch Đông phát động Đại Nhảy Vọt thất bại, buộc phải lui về tuyến hai, để Lưu Thiếu Kỳ thay ông làm Chủ tịch nước cộng hòa, Lưu Thiếu Kỳ cũng trở thành một vầng mặt trời nóng rừng rực. Ngày thứ hai sau khi ông ta lên chức Chủ tịch nước, tôi nhìn thấy tờ “Nhân dân Nhật báo” in chữ đỏ. Ảnh Lưu Thiếu Kỳ và ảnh Mao Trạch Đông xếp ngang hàng đứng cao vót trên trang nhất. Ông ta còn mỉm cười hệt như Mao Trạch Đông. Đó là nụ cười tôn quý của bậc đế vương. Điều đó khiến tôi không tránh được tiếng thở dài. Lẽ ra vào thời điểm ấy ông nên nghiêm nét mặt mới đúng. Cho dù trong lòng có vui như mở cờ thì cũng nên buộc mình nghiêm nghị, tỏ vẻ khiêm tốn thận trọng chứ. Sao ông lại nhanh chóng học được nụ cười kiểu lãnh tụ thế nhỉ? Công lao làm cho đầu óc ông mụ mị. Ông đã coi nhẹ câu cách ngôn “Công cao chấn chủ” [công lao quá lớn làm chúa thượng kinh động sinh lòng lo ngại] mà các vị công thần nhiều đời trước đã viết nên bằng tính mạng họ. Vì thế ông cũng đành như các vị công thần ấy, chịu kết cục chết thảm.
Mao Trạch Đông, vị chúa anh minh một thời đại sao có thể cho phép một “Người cầm lái số hai” hung hăng như thế nằm ngủ bên cạnh mình. Ông thay đổi thái độ đối với Lưu Thiếu Kỳ. Mùa hè năm 1965, De Gaule cử đặc sứ sang thăm Trung Quốc, khi gặp Mao Trạch Đông, ông này lại hỏi về vấn đề người kế vị. Mao Trạch Đông nói: “Những người như ngài De Gaule và tôi thì không có người kế vị.” Hôm ấy tôi không có mặt trong buổi hội kiến, nhưng biên bản ghi chép cuộc gặp trước tiên đưa về Cục Thư ký. Vừa nhìn thấy câu ấy, tôi biết ngay: kèn xung trận đã nổi lên rồi.
Mấy tháng sau, Đại Cách mạng văn hóa nổ ra, đem lại cái chết cho Lưu Thiếu Kỳ. Ông bị bất ngờ, không kịp đề phòng. Từ lâu Mao Trạch Đông đã đưa ông vào vòng ngắm bắn mà ông hoàn toàn chẳng hay biết gì hết. Cách mạng Văn hóa vừa bắt đầu, tôi được cử đi làm việc ở Tổ công tác đặc biệt chuyên thẩm tra vấn đề Lưu Thiếu Kỳ, cho đến khi ông chết tôi mới trở về đơn vị cũ. Vì thế tôi biết rất rõ tâm trạng ông.
Trong những ngày đầu, mỗi khi rảnh rỗi, Lưu Thiếu Kỳ đều đến chỗ gần nhà ở của Mao Trạch Đông, đi đi lại lại. Ông muốn gặp Mao. Nhưng Mao tránh mặt. Dường như Mao Trạch Đông cảm thấy mình có điều gì không phải, nếu không thì vì sao lại sợ Lưu như sợ cọp. Về sau rốt cuộc Lưu Thiếu Kỳ cũng gặp Mao Trạch Đông được một lần. Câu đầu tiên ông nói với Mao là: “Tôi xin từ chức Chủ nhiệm Ban Biên tập ‘Tuyển tập Mao Trạch Đông’…” Mao cúi đầu ra sức rít thuốc, cứ như người câm.
Hôm sau gần chục nghìn tiểu tướng cách mạng xông vào Trung Nam Hải lôi Lưu Thiếu Kỳ đi đấu tố, phê phán. Ông bị chúng đánh đập. Khi đại hội phê đấu kết thúc, mấy gã to xác điên cuồng vặn tay giúi đầu ông xuống bắt ông phải quỳ trước đám đông. Ông bị chúng quật ngã trên đất.
Ít lâu sau ông bị mất tự do. Trong thời gian ấy ông chỉ làm một việc: học tập “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Suốt ngày suốt đêm ông nâng cuốn sách đọc không nghỉ. Trước kia ông đọc sách ấy với tâm trạng đắc ý hài lòng, hăng hái say sưa. Đeo kính lão, hiền từ như bà cụ, mái tóc bạc chải mượt. Bây giờ ông đọc nó trong tình thế khác trước một trời một vực. Không còn sự yên tĩnh, lòng dạ sục sôi không yên, mái tóc bạc rối bời như tổ quạ, bộ ngực phập phồng. Khi giở sách, tay ông run lập cập. Nhiều lần tôi nhìn thấy ông đọc sách mà nước mắt lặng lẽ ứa ra hòa cùng nước mũi rơi xuống, ông chẳng buồn lau mà cứ để chúng rớt xuống trang sách.
Sau đấy phê đấu được nâng cấp. Lưu Thiếu Kỳ bị đánh đập, khắp người đầy thương tích. Các tiểu tướng cách mạng lôi ông ra, quẳng ông vào như con chó chết. Nhưng ông vẫn không cúi đầu. Tôi hiểu, chính là cái khí phách bất phục trong trái tim đã nâng đỡ ông không suy sụp. Ông không phục. Sao ông có thể chịu phục? Ông đã lập công lớn như trời biển mà lại phải chịu nỗi khổ cũng lớn như trời biển, đây chẳng phải là nỗi oan lớn như trời biển đó sao?
Nhưng cuối cùng ông đành phải nuốt nỗi nhục đó. Còn nhớ ngày mồng 5 tháng 10 năm 1968, ông bị đấu tố xong về nhà nằm dài trên giường, thoi thóp thở. Ông còn nhận được tin con trai lớn của mình đã chết. Ông bảo tôi: “Anh giúp tôi nhắn Chủ tịch một câu…… Tôi xin đi khỏi Bắc Kinh, cùng vợ con về Diên An làm ruộng. Về quê cũng được…… Tôi muốn làm người dân bình thường……”
Chao ôi, cuối cùng ông đã quy thuận. Ông đang cầu xin. Ông triệt để nhận sai lầm. Ông đầu hàng. Tôi nhận ra bây giờ ông chỉ muốn giữ lấy mạng sống.
Điều không may là ông còn ấu trĩ. Sao mà ông biết được rằng khi ông ốm nặng suýt chết, người ta không chữa bệnh cho ông, thế nhưng khi Hội nghị Trung ương khóa VIII lần thứ 12 sắp họp, họ lại cử người đến chữa bệnh cho ông, không cho ông chết, nhằm “giữ lại tấm bia sống cho Hội nghị Trung ương [đấu tố]”? Ông làm sao biết rằng hôm nay, khi Hội nghị Trung ương họp xong đã hai chục ngày, người ta còn giấu chưa cho ông biết nghị quyết khai trừ đảng tịch ông, mà khăng khăng chờ tới cái ngày huy hoàng 24 tháng 11 sinh nhật ông lần thứ 70 mới tuyên đọc cho ông nghe bản nghị quyết ấy? Tất cả những chuyện đó đều nhằm để cho ông chết. Nực cười là ông vẫn còn cầu xin đi làm ruộng. Chín triệu sáu trăm nghìn cây số vuông đất nước này đâu còn tấc đất nào dung được cái thân ông?
Ôi chao, công thần – lòng tôi than thở. Công thần bi kịch muôn thủa, công thần không nơi nương tựa, công thần cô độc thê lương, công thần cuối đời bất trung, ông đang lặp lại vở kịch Tôn Tẫn, Ngũ Tử Tư từng diễn. Các vị đều muốn làm Thượng Đế cảm động. Hòn đá còn bị làm cho cảm động, nhưng con người thì không.
Lưu Thiếu Kỳ bị tước đoạt tất cả. Ông chết trong tình trạng trần truồng đến cái quần lót cũng không có. Trên tờ phiếu khai tử của ông có ghi thế này: Họ tên: Lưu Vệ Hoàng; Nghề nghiệp: Không nghề nghiệp; Nguyên nhân chết: Ốm chết.
* Nguyễn Hải Hoành dịch và ghi chú.
[ Nguồn: Ba bài viết của Thượng tướng Lưu Á Châu làm rung chuyển lòng người Trung Quốc – 刘亚洲上将令人震撼的三篇文章《“二把手”刘少奇; http://nghiencuuquocte.org/2016/10/31/luu-thieu-ky-bi-kich-nguoi-cam-lai-hai/]
——————–——————————————————-
[1] Trong bài này, người xưng “tôi” là một đồng chí lão thành làm công tác hơn 40 năm tại Cục Thư ký thuộc Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
[2] Trương Quốc Đào, 1897-1979, đại biểu Đại hội I Đảng CSTQ, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Chính ủy Hồng quân, phản đối trường chinh, lập ra Trung ương Đảng thứ hai, tháng 4/1938 trốn ra Hong Kong.