SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một công văn bị rò rỉ qua mạng xã hội hôm 23 Tháng Bảy cho thấy tập đoàn Vingroup được Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật CDC Sài Gòn ưu ái “cho mượn” 5,000 liều vaccine Moderna trong lúc lượng vaccine về thành phố “nhỏ giọt.”
Moderna cùng với Pfizer là hai loại vaccine của Mỹ, thuộc “hàng hiếm” ở Việt Nam hiện nay và theo công luận, chỉ giới đảng viên hoặc “quen biết” giới chức y tế mới được chích do số lượng rất hạn chế.
Theo văn bản có đóng dấu và chữ ký phê duyệt của bà Lê Hồng Nga, phó giám đốc CDC Sài Gòn, 5,000 liều vaccine Moderna được dùng để “chích cho người lao động của tập đoàn Vingroup.”
Đổi lại, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được lưu ý hoàn trả lượng vaccine đã mượn cho CDC Sài Gòn khi doanh nghiệp đến lượt được phân bổ vaccine sau các nhóm ưu tiên.
Việc chích lượng vaccine nêu trên được diễn ra tại bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec Central Park thuộc sở hữu của Vingroup.
Hành động của CDC Sài Gòn diễn ra trong lúc Sài Gòn bắt đầu đợt chích 930,000 liều vaccine ngừa COVID-19, gồm các loại AstraZenenca, Moderna, Pfizer và Sinopharm.
Theo báo Tuổi Trẻ, đợt chích ngừa này chủ yếu nhắm đến người cao niên và người nghèo, công an, quân đội… Trong danh sách 15 nhóm ưu tiên chích vaccine tại Sài Gòn, không thấy đề cập doanh nghiệp, tập đoàn và bệnh viện tư nhân như Vingroup, Vinmec.
Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng này, công luận dấy lên bất bình liên quan phát ngôn của một sinh viên trong đoàn 300 tình nguyện viên y khoa Hải Dương vào Sài Gòn do tập đoàn Vingroup thuê làm dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho cư dân tại các khu chung cư của họ.
Phát ngôn gợi lại biến cố 1975 khiến mạng xã hội tranh cãi về việc tình nguyện viên vào Sài Gòn chủ yếu là để tuyên truyền chính trị hơn là trợ giúp chống dịch COVID-19.
Thời điểm đó, báo VietNamNet bình luận: “Trong đại dịch, các doanh nghiệp muốn làm công tác xã hội là đáng trân quý. Nhưng cũng không nên tranh thủ quá những việc thiện nguyện ấy để làm truyền thông thương hiệu, khoe thành tích lúc này. Làm truyền thông trên đau thương, dịch bệnh là thứ truyền thông vô cảm. Để những bài viết khoa trương, đại ngôn, thiếu sự nhạy cảm về lịch sử, văn hóa được đăng lên chỉ khiến lòng dân thêm bất bình.” (N.H.K)
Nguồn: nguoi-viet.com