Tác giả: Tiền Giang (1) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành.
Bất ngờ gặp lại bạn chiến đấu cũ Hồng Thủy[Nguyễn Sơn]
Khi biết tin Hồ Chí Minh đã đến đất TQ, ngày 27/1/1950 Lưu Thiếu Kỳ điện cho Lâm Bưu và Đặng Tử Khôi ở Cục Trung Nam, nói họ báo cho La Quý Ba quay trở về Bắc Kinh để gặp Hồ Chí Minh. Nhưng lúc đó La Quý Ba đang ở trên đoàn tàu rời Vũ Hán đi Quảng Châu.Ngày 5/2,La Quý Ba đến Quảng Châu mới thấy bức điện nói trên của Lưu Thiếu Kỳ. Nhưng từ hôm 3/2, Hồ Chí Minh đã lên đường đi Liên Xô rồi, La Quý Ba có về Bắc Kinh cũng không thể gặp Hồ Chí Minh. Nhận được báo cáo của La Quý Ba, Lưu Thiếu Kỳ đành ra lệnh cho La Quý Ba tiếp tục đi Việt Nam, không cần trở lại Bắc Kinh nữa.
Tại Quảng Châu, La Quý Ba đến thăm Diệp Kiếm Anh, Bí thư thứ nhất Phân cục Hoa Nam của ĐCSTQ,kiêm Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông.Diệp Kiếm Anh rất quen biết Hồ Chí Minh, đã kể lại cho La Quý Ba biết về tình hình Việt Nam và còn điều động thêm cho La Quý Ba một cán bộ là Mạc Dương để làm Thư ký kiêm phiên dịch tiếng Việt. Cũng tại Quảng Châu,Lý Ban chia tay với đoàn La Quý Ba để đi qua Hồng Kông về Việt Nam báo cáo lãnh đạo.Ngày 27/2,Lý Ban về đến căn cứ địa ở Việt Bắc.
Vì lý do an toàn, đoàn La Quý Ba quay về Hoành Dương tỉnh Hồ Nam rồi qua Quảng Tây đi Việt Nam. Đến Quế Lâm, vì đoạn đường sắt đi Nam Ninh bị bọn thổ phỉ phá hoại chưa sửa xong nên đoàn phải đi đường bộ đến Nam Ninh, được một đại đội Giải phóng quân hộ tống. Tại Nam Ninh, Trương Vân Dật, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây, tiếp đón đoàn La Quý Ba và giữ đoàn ở lại ăn Tết Canh Dần, đến mồng 5 Tết (tức 21/2/1950) mới lên đường đi Việt Nam.
Ngày 26/2/1950 đoàn La Quý Ba đến huyện lỵ Tĩnh Tây gần biên giới Trung- Việt. Do trước đó Nguyễn Đức Thụy đã vượt biên giới về nước báo cáo, phía Việt Nam đã cử Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ Tân Bộ Ngoại giao, sang Tĩnh Tây chờ sẵn để đón đoàn La Quý Ba.
Trên đường đi về phía Việt Nam, La Quý Ba trong lòng ngổn ngang trăm mối suy nghĩ. Đây là lần đầu tiên ông rời Tổ quốc mình đặt chân lên một đất nước xa lạ, mà sứ mệnh mình gánh vác lại gắn chặt với vận mệnh của đất nước này… Cùng ngày 26/2, La Quý Ba đặt chân tới biên giới Trung-Việt.
Phía Việt Nam cử một đoàn cán bộ quân sự cấp cao tới đón, dẫn đầu là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương ĐCSĐD, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh Liên khu 4 và 5 Hồng Thuỷ. La Quý Ba nhận ra Hồng Thuỷ là bạn chiến đấu cũ của mình.
Hồng Thuỷ người Hà Nội, sinh năm 1906, vốn tên là Vũ Văn Bác [theo tài liệu Việt Nam là Vũ Nguyên Bác, tức Thiếu tướng Nguyễn Sơn,1908– 1956], thời trẻ từng du học ở Pháp và quen Hồ Chí Minh tại đó. Năm 1925 Vũ Văn Bác từ Pháp về nước rồi sang TQ, đến Quảng Châu thi vào trường Quân chính Hoàng Phố khi mới 19 tuổi. Sau đó ông gia nhập Quốc Dân Đảng TQ.Tại đây Văn Bác dự lớp Huấn luyện cán bộ thanh niên Việt Nam do Hồ Chí Minh mở, và là thành viên “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” do Hồ Chí Minh sáng lập,tổ chức này được coi là tiền thân của ĐCS ĐD.Mùa xuân năm 1927,Đại cách mạng TQ thất bại, Vũ Văn Bác gia nhập ĐCSTQ, đổi tên là Hồng Thuỷ (洪水), tham gia cuộc Khởi nghĩa Quảng Châu. Khởi nghĩa thất bại, ông chuyển đến Tứ Phương rồi đến Khu Xô Viết Giang Tây,chiến đấu trong bộ đội của ĐCSTQ, trở thành cán bộ chỉ huy Hồng quân, làm Chủ nhiệm Ban Chính trị sư đoàn 34 Hồng quân, Trưởng phòng kiêm giáo viên văn hoá Phòng Tuyên truyền Trường Hồng quân. Hồng Thuỷ từng tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh 25 nghìn dặm. Khi Kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông làm cán bộ Ban Dân vận thuộc Tổng bộ Bát Lộ Quân,ít lâu sau đến công tác tại Biên khu Tấn Tuy.Hồng Thuỷ từng cùng làm việc với La Quý Ba, lúc đó là trưởng ban Tuyên truyền Địa uỷ Tấn Tây Bắc.Mùa xuân 1938, Hồng Thuỷ kết hôn với cô gái TQ Trần Ngọc Anh(tức Trần Kiện Qua).Năm 1945,Hồ Chí Minh đề nghị Trung ương ĐCSTQ cho Hồng Thuỷ về Việt Nam công tác. Sau đó Hồng Thuỷ về nước làm Tư lệnh Liên khu 4 và 5, từng lập chiến công lẫy lừng (2).
Lần này hai lão chiến sĩ Hồng quân TQ Hồng Thuỷ và La Quý Ba tay bắt mặt mừng gặp nhau tại Việt Nam.
La Quý Ba được đoàn cán bộ Việt Nam dẫn đi chừng 10 dặm đến một xóm nhỏ ở chân núi. Tại đây, khách được phía Việt Nam bố trí nghỉ trong một nhà sàn nhỏ tranh tre nứa lá. Đêm hôm ấy nhóm Võ Nguyên Giáp và đoàn 9 người của La Quý Ba cùng ngủ trong căn nhà này. Tại Việt Nam, nhà sàn thường bố trí người ở tầng trên, còn tầng dưới là nơi nhốt trâu bò lợn gà. Để đón đoàn La Quý Ba, chủ nhà đã quét dọn sạch sẽ ngôi nhà, phủ một lớp đất khô lên sàn tầng dưới. Tuy thế đoàn khách TQ vẫn cảm thấy mùi hôi thối từ tầng dưới bốc lên làm họ khó ngủ.
Sáng hôm sau Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Hồng Thuỷ lên đường rất sớm. Đoàn La Quý Ba được một tiểu đoàn quân đội Việt Nam bảo vệ chờ trời tối hẳn mới xuất phát.
Hành quân đêm đi rất chậm, mỗi hôm chỉ đi được chừng 20 km. Phía Việt Nam cho biết đó là quy định của lãnh đạo, nhằm để các vị khách không quá mệt và cũng để bảo đảm an toàn.
Chiều ngày 10/3/1950, sau khi đi được hơn 200 km, đoàn La Quý Ba đến nơi đặt cơ quan Trung ương ĐCSĐD,một địa điểm có rừng núi bao quanh tại tỉnh Thái Nguyên.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam người đi ngựa, người đi bộ tập trung đến “Nhà khách” để đón tiếp các vị khách TQ. Phía chủ nhà có Tổng Bí thư Trung ương Đảng Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Văn Đồng, Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng phụ trách kinh tế tài chính Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Liêm, ngoài ra còn có Lý Ban.
Sau khi hàn huyên, chủ và khách vào trong nhà toạ đàm, Lý Ban làm phiên dịch. Trường Chinh giới thiệu cho La Quý Ba biết về tình hình chiến sự ở VN, tỏ ý mong muốn La Quý Ba trước tiên nắm tình hình quân sự và các vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan tới quân sự, nhằm có thể bàn bạc cụ thể vấn đề TQ sẽ viện trợ VN như thế nào.
Phía Việt Nam nêu ra một số phương án đề nghị TQ viện trợ về quân sự và kinh tế, nhấn mạnh việc cấp thiết trước mắt là tổ chức một chiến dịch mở đột phá khẩu trên tuyến biên giới Việt–Trung đang bị quân Pháp phong toả, mở một tuyến giao thông vận tải thông từ TQ tới Việt Nam để chuyên chở hàng viện trợ. Muốn vậy phía Việt Nam đã chuẩn bị hai phương án tác chiến: một phương án tấn công Lào Cai, đánh thông tuyến biên giới Vân Nam, tranh thủ lợi dụng đường sắt Việt – Điền để chở hàng viện trợ; một phương án là trước hết đánh Cao Bằng, mở thông tuyến biên giới với Quảng Tây.
Toàn bộ kế hoạch viện trợ tương đối lớn. Hồi thượng tuần tháng 1/1950 khi hai Đảng vừa mới nối liên lạc với nhau, phía VN từng nêu ra với Trung ương ĐCSTQ yêu cầu gấp rút viện trợ 1.200 đạn pháo, 30 khẩu súng bộ binh kiểu Mỹ, 420 nghìn viên đạn súng máy, 91 nghìn viên đạn súng máy kiểu Anh 30 và cho mượn 20 xe ô tô. Lưu Thiếu Kỳ đã duyệt toàn bộ yêu cầu trên. Sau khi vào VN, La Quý Ba phát hiện thấy đơn hàng như vậy thực ra còn xa mới đáp ứng nhu cầu của phía VN.
Phía Việt Nam lập tức tập trung mười mấy thanh niên Hoa kiều gấp rút làm công tác phiên dịch, cung cấp cho La Quý Ba các số liệu phía Việt Nam nêu ra. Rừng núi vùng nhiệt đới nóng hầm hập, khi trời tối là hàng đàn muỗi bâu đến. Tuy là người Giang Tây nhưng La Quý Ba sống ở miền Bắc TQ đã mười mấy năm qua, cho nên không quen với khí hậu miền Nam, lần này sang Việt Nam, ông bất giác cảm thấy khó mà chịu nổi cái nóng xứ này. Tối đến ông phải cởi trần chui vào màn, thắp ngọn đèn dầu đọc tài liệu, thảo điện văn tới khuya.
Ngày 19/3/1950, sau khi đến Việt Nam được 10 hôm, La Quý Ba gửi điện cho Trung ương ĐCSTQ, báo cáo kết quả thương thảo với Trung ương ĐCS ĐD. La Quý Ba cho rằng cần tranh thủ mở chiến dịch vào tháng 5 tới, đầu tiên tiêu diệt quân Pháp đóng ở Cao Bằng, Lào Cai dọc biên giới phía Bắc Việt Nam, và tranh thủ giải phóng tỉnh Thái Bình ở phía Nam Hà Nội. La Quý Ba chuyển về TQ các yêu cầu phía Việt Nam nêu ra: đề nghị phía TQ trước tiên trang bị cho hai tỉnh Cao Bằng, Lào Cai mỗi tỉnh 2 trung đoàn quân đội Việt Nam, ngoài ra trang bị 2 tiểu đoàn pháo binh, hoặc phía TQ phái 2 tiểu đoàn pháo binh sang Việt Nam hiệp đồng tác chiến.
Từ ngày La Quý Ba sang đây, các cán bộ phía Việt Nam rất phấn khởi, ai nấy hăng hái quyết tâm đọ sức với quân đội Pháp. Ngày 20/3/1950, La Quý Ba lại gửi điện cho Trung ương ĐCSTQ báo cáo vừa thảo luận với phía Việt Nam vấn đề “Tranh thủ trước mùa mưa (tháng 6 hoặc 7) hoàn toàn giải quyết cuộc chiến đấu ở hai tỉnh Cao Bằng, Lào Cai”.
Ngày 21,La Quý Ba lại gửi điện cho Trung ương và Lâm Bưu,Diệp Kiếm Anh,Trương Vân Dật,Trần Canh, báo cáo ông đã tìm hiểu tình hình hiện nay và tương lai của tuyến đường sắt Việt- Điền[tức tuyến đường xe lửa 800 km Hải Phòng–Côn Minh], hy vọng phía TQ sẽ phục hồi tuyến đường này để chuyên chở hàng viện trợ Việt Nam trên đất TQ. Cùng hôm đó, Trung ương ĐCS ĐD mời La Quý Ba bàn tiếp, và tỏ ý họ đã quyết tâm lên kế hoạch mở hai chiến dịch Lào Cai và Cao Bằng. Trong đó, khu vực chiến dịch Lào Cai sẽ gồm Lào Cai, Lai Châu,Sơn La, Nghĩa Lộ,chiến dịch Cao Bằng sẽ gồm Cao Bằng,Đông Khê,Thất Khê.Vì vùng hai chiến dịch này chủ yếu nằm trong khu vực biên giới Việt-Trung, cho nên gọi chung là “Chiến dịch biên giới”.
La Quý Ba báo cáo Bắc Kinh: Nếu đánh Lào Cai trước thì sẽ mở thông được biên giới phía Vân Nam, nhưng vì về địa lý, Vân Nam xa Trung ương ĐCSTQ, điều kiện cung ứng hàng hoá và điều kiện giao thông không đủ để đáp ứng nhu cầu của phía Việt Nam. Còn tuyến đường sắt Việt Điền thì trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, phía TQ đã dỡ bỏ đoạn đường từ Khai Viễn đi Hà Khẩu,hiện nay trong thời gian ngắn khó có thể khôi phục đoạn đường này.Vì thế La Quý Ba báo cáo trước hết nên đánh Cao Bằng, lấy Quảng Tây–Cao Bằng làm tuyến giao thông chủ yếu phục vụ công tác chở hàng viện trợ Việt Nam kháng chiến chống Pháp. (còn nữa)
————————————————————————
(1) Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ tài liệu có tên là “Cuộc chiến tranh bí mật ở Việt Nam: Ghi chép thực về việc Trung Quốc giúp đỡ cuộc chiến tranh 1950-1954 của Việt Nam”do Tiền Giang viết bằng Trung ngữ. Sơ lược tiểu sử tác giả: Tiền Giang (钱江) sinh 1954 tại Bắc Kinh, lớn lên tại Thượng Hải. Thời kỳ Cách mạng văn hoá là thanh niên trí thức trong Binh đoàn xây dựng Nội Mông Cổ.1977 học Khoa Trung văn Học viện Sư phạm Nội Mông Cổ, ra trường làm phóng viên thể thao, biên tập viên. 1987 nhận học vị Thạc sĩ Pháp lý Học viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Từng làm Phó Tổng biên tập “Nhân dân Nhật báo” bản Hải ngoại (phát hành ra ngoài TQ).Tác giả các sách “Phía sau Ngoại giao bóng bàn”, “Washington Thủ đô nước Mỹ”, “Đặng Tiểu Bình với sự kiện Trung Quốc-Mỹ lập quan hệ ngoại giao”, “Chu Ân Lai với Hội nghị Geneva”. Hiện là phóng viên “Nhân dân nhật báo”. Có tin nói từng là phiên dịch tiếng Việt Nam làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
(2) Muốn biết rõ về nhân vật Nguyễn Sơn, xin đọc thêm ”HỒI KÝ: 2 Thời Cách Mạng-Kháng Chiến” của Phạm Duy, 1990.
[ Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2021/07/26/viet-nam-mat-chien-phan-5/]
Bài 2:
Cuộc chiến các giá trị với Nga
Anders Fogh Rasmussen.Biên dịch:Trần Anh Phúc |Hiệu đính:Lê Hồng Hiệp.
Giới chức Nga gần đây đã đe dọa nhắm tên lửa hạt nhân vào các tàu chiến Đan Mạch nếu Đan Mạch tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Đây rõ ràng là một mối đe dọa gây phẫn nộ nhằm vào một đất nước không có ý định tấn công Nga.Nhưng nó cũng phản ánh một yếu tố cơ bản hơn trong chính sách đối ngoại của Kremlin: sự tuyệt vọng trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng chiến lược của Nga tại một thời điểm xuất hiện những thách thức chưa từng có đối với quyền lực của nó. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo của Nga biết rất rõ rằng phòng thủ tên lửa của NATO không nhằm trực tiếp vào đất nước của họ.
Khi tôi giữ chức Tổng thư ký NATO từ năm 2009 đến năm 2014, chúng tôi liên tục nhấn mạnh rằng mục đích của phòng thủ tên lửa là để bảo vệ các thành viên thuộc Liên minh khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài khu vực châu Âu- Đại Tây Dương. Bất cứ ai chỉ với một kiến thức sơ đẳng về vật lý và kỹ thuật- hai chủ đề mà người Nga vốn vượt trội- đều có thể thấy rằng hệ thống được thiết kế để thực hiện chính mục đích đó.
Những đe dọa hạt nhân của Nga đối với Đan Mạch và những nước khác là những dấu hiệu của một quốc gia đang suy yếu về kinh tế, nhân khẩu học và chính trị. NATO đã không đối xử một cách hung hăn đối với Nga giống như tuyên truyền của Kremlin. Cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và phương Tây – tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine – về bản chất là một cuộc đụng độ của các giá trị.
Hãy nhớ lại cách cuộc xung đột Ukraine bắt đầu: Hàng chục nghìn người dân Ukraine thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các cuộc biểu tình chủ yếu ôn hòa, đã yêu cầu việc ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu. Không ai kêu gọi một cuộc tàn sát chống lại những người nói tiếng Nga ở Ukraine, bất chấp những tuyên bố trái ngược của Kremlin. Và vai trò thành viên NATO (của Ukraine) không phải là một phần của thỏa thuận này.
Tuy nhiên, Nga đã phản ứng một cách nhanh chóng và gay gắt. Rất lâu trước khi bạo lực nhấn chìm các cuộc biểu tình, các quan chức Nga đã bắt đầu buộc tội những người biểu tình là những phần tử phát xít mới, những kẻ cực đoan và khích động. Ngay khi Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovych trốn chạy khỏi Kiev, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu khởi động quá trình sáp nhập Crimea.
Đây không chỉ là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế mà còn trái ngược rõ ràng với lời tuyên bố khăng khăng của Nga rằng không nước nào có quyền bảo đảm an ninh của mình mà làm phương hại an ninh của nước khác. Những người biểu tình Ukraine đã tuần hành chống chính phủ của họ, không phải chính phủ của Nga. Thật vậy, quan niệm cho rằng Ukraine có thể gây ra mối đe dọa quân sự cho Nga hoàn toàn vô lý. Thậm chí nếu Ukraine là một thành viên NATO, một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Nga cũng sẽ là một kịch bản vô lý, vì nó sẽ không phục vụ bất cứ lợi ích gì của các đồng minh.
Đối với Nga, mối đe dọa do những người biểu tình Ukraine gây ra là mang tính sống còn. Với việc yêu cầu thay đổi, tự do và dân chủ – ngay ở khu vực tiếp giáp với Nga – những người biểu tình đã thách thức mô hình “dân chủ tập quyền” (sovereign democracy) của Putin, trong đó Tổng thống loại bỏ tất cả các phe đối lập, hạn chế tự do truyền thông và rồi nói với người dân rằng họ có thể lựa chọn các nhà lãnh đạo của mình. Kremlin lo sợ rằng nếu người Ukraine đạt được những gì họ muốn, người Nga có thể được truyền cảm hứng để đi theo những tấm gương đó.
Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo của Nga đã quá say sưa với việc “gắn mác” cho các nhà lãnh đạo của Ukraine là phát xít và những người ghét Nga. Đó là lý do tại sao trong nhiều năm họ đã miêu tả các nước vùng Baltic là những kẻ đàn áp bất thường các công dân Nga. Và đó là lý do tại sao bây giờ họ đang mô tả chân dung EU là suy đồi, vô đạo đức và tham nhũng. Kremlin đang cố gắng hết sức để thuyết phục người Nga rằng dân chủ tự do là xấu và rằng cuộc sống dưới thời Putin là tốt. Điều đó đòi hỏi không chỉ lan truyền những lời dối trá gây tác động xấu ở trong nước, mà còn cần gieo rắc bạo lực và bất ổn ở các nước láng giềng. Đối mặt với một cuộc tấn công tuyên truyền ồ ạt của Nga, phương Tây phải tiếp tục đứng lên ủng hộ Ukraine, cũng như Gruzia và các thành viên NATO như Estonia, Latvia và Litva. Dù có hứng chịu bất cứ thương đau nào, chúng ta vẫn phải duy trì – và nếu cần thiết, làm sâu sắc hơn – các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và củng cố tiền tuyến của NATO. Và chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng, sau cùng, chúng ta có thể phải trả giá cho sự phòng thủ của chúng ta.
Sức mạnh lớn nhất của phương Tây là dân chủ; đó là những gì đã cho phép chúng ta có thể đảm bảo hòa bình cho hai thế hệ và chấm dứt chế độ cộng sản ở châu Âu gần như không phải bắn một phát súng nào. Mặc dù nền dân chủ tự do còn chưa hoàn hảo, nó vẫn là sự bảo vệ tốt nhất chống lại chủ nghĩa cực đoan và tính không khoan dung – và là người bảo vệ quyền lực nhất cho sự tiến bộ của con người.
Nếu phương Tây cho phép Nga tấn công các nước láng giềng đơn giản vì họ có thể truyền cảm hứng cho người Nga để theo đuổi sự cải cách, nó sẽ gửi đi thông điệp rằng các giá trị dân chủ là không đáng để bảo vệ. Nó sẽ làm suy yếu vai trò của phương Tây như là một mô hình của sự thịnh vượng và tự do mà các xã hội trên toàn thế giới muốn noi theo. Và nó sẽ loại bỏ không chỉ uy tín đạo đức còn lại của phương Tây, mà cả ý nghĩa mục đích làm nên sinh khí cho NATO.
Cách tiếp cận như vậy sẽ khiến phương Tây dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của Putin và những kẻ xâm lược tương tự. Và nó sẽ là một cái tát vào mặt đối với tất cả những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm trên toàn thế giới dám đánh liều mạng sống của mình mỗi ngày để theo đuổi sự tự do và dân chủ.
Không ai nên bị đánh lừa bởi các nhà tuyên truyền của Kremlin. Các cuộc xung đột ở Ukraine không phải là về Ukraine. Nó cũng không phải là về Nga, hoặc thậm chí là về NATO. Nó là về dân chủ. Phương Tây phải phản ứng phù hợp./.
Anders Fogh Rasmussen,“A War of Values with Russia”, Project Syndicate, 20/04/2015. cựu Thủ tướng Đan Mạch và Tổng thư ký NATO, là người sáng lập và Chủ tịch của hãng Rasmussen Global.
[ Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2015/04/27/cuoc-chien-cac-gia-tri-voi-nga/]
Bài 3:
Cờ Đảng theo chân công dân Trung Quốc ra nước ngoài
( “As Chinese citizens head overseas, the party does likewise”, The Economist, 23/6/2021. )
Nguyễn Thanh Hải dịch.
Khi Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng ra khắp nơi trên thế giới thì tại những nơi nó đi qua đều để lại dấu ấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy vậy, điều này không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách công khai.
“Sự mở rộng của Đảng là không có biên giới”. Với tuyên bố đó, các công ty Trung Quốc được khuyến khích thành lập chi bộ ở nước ngoài. Một khẩu hiệu khác là “Dự án được triển khai ở quốc gia nào thì nơi đó sẽ có tổ chức của Đảng”. Việc Trung Quốc trỗi dậy đã giúp ảnh hưởng của Đảng Cộng sản vượt ra khỏi biên giới nước này. Khi công dân Trung Quốc đi nước ngoài để học tập và làm việc thì các chi bộ cũng theo đó mà lan rộng.
Nhiệm vụ của các cơ quan Đảng ở Bắc Kinh là buộc phương Tây phải dành sự tôn trọng cho Trung Quốc. Bộ Ngoại giao chỉ là cơ quan thực thi những chính sách do Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đứng đầu bởi ông Tập, vạch ra. Cơ quan phụ trách tuyên truyền – Ban Tuyên truyền Trung ương – làm nhiệm vụ của mình thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước như Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) hay hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương được giao quản lý những tổ chức có hoạt động nhằm tăng cường ảnh hưởng của Đảng ở ngoại quốc, đặc biệt là đối với cộng đồng người gốc Hoa. Theo Viện Chính sách Chiến lược Australia, Hệ thống các Viện Khổng Tử, những trung tâm văn hóa do nhà nước Trung Quốc tài trợ đặt trong khuôn viên các trường đại học ở nước ngoài, cũng nằm dưới sự quản lý của ban này.
Giới chức biết rõ ở phương Tây, người ta không mấy hào hứng trước cái tên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do vậy, khi hoạt động ở nước ngoài, các cơ quan Đảng thường sẽ che dấu thân phận của mình. Ở quê nhà, ông Tập nói rằng phương tiện truyền thông nhà nước “phải lấy họ của Đảng”, phục vụ lợi ích của Đảng. Tuy vậy, các chương trình phát sóng của CGTN không hề đề cập đến mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đài truyền hình này có những lúc sử dụng phóng viên không phải là người Trung Quốc và đã từng làm việc cho các hãng truyền thông phương Tây như BBC hoặc CNN.(Hoa Kỳ đã liệt CGTN và Tân Hoa Xã vào danh sách “đại diện nước ngoài”;còn Anh Quốc cấm các chương trình phát sóng của CGTN).
Đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài cũng đồng thời giữ chức Bí thư Đảng, mặc dù điều đó hiếm khi được đề cập. Với chức vụ này, họ có quyền chỉ đạo người đứng đầu chi bộ Đảng trong các công ty quốc doanh Trung Quốc đang hoạt động ở nước sở tại. Khi gặp gỡ người dân địa phương họ là Đại sứ, nhưng khi nói chuyện với những nhân sự người Trung Quốc ra nước ngoài làm việc, họ là Bí thư. Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), nhà ngoại giao đào tẩu năm 2005, cho biết các công ty Trung Quốc thường tổ chức họp chi bộ tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước này. Và Đảng đang muốn phát triển thêm các cơ sở ở nước ngoài.Mục đích dường như là để giám sát các Đảng viên,đảm bảo họ không bị tư tưởng chính trị phương Tây quyến rũ. Đảng không cho phép có sự lệch lạc về tư tưởng, vì vậy khi các Đảng viên về nước, bằng chứng về lòng trung thành sẽ quyết định liệu họ có được trọng dụng nữa hay không.
Trước đại dịch, số người Trung Quốc ra nước ngoài với mục đích học tập là 1,6 triệu và để làm việc cho các công ty đa quốc gia của Trung Quốc là 1,5 triệu. Sinh viên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số Đảng viên: nhiều người đi du học ngay từ thời phổ thông, ở độ tuổi mà ít ai được kết nạp Đảng. Tuy nhiên, đối với sinh viên diện trao đổi hoặc hoàn thành xong bậc đại học thì nhiều người đã gia nhập Đảng trước khi rời Trung Quốc. Trong các công ty quốc doanh thì Đảng viên chiếm tỷ lệ cao: lên đến hơn 40% nhân viên trong những doanh nghiệp do trung ương quản lý. Vì vậy, số lượng Đảng viên ở nước ngoài có thể tới hàng chục ngàn.
Đảng khá kín tiếng về vấn đề này. Năm 2017, một tờ báo tiết lộ rằng các công ty Trung Quốc ở nước ngoài cần tuân theo một nguyên tắc gọi là “năm điều không hé lộ”: giữ im lặng về sự tồn tại của tổ chức Đảng bên trong công ty cùng những hoạt động của nó, không tiết lộ chức vụ mà các nhân viên nắm giữ trong Đảng, hay thậm chí là mối liên hệ giữa họ với tổ chức Đảng, và không công khai bất kỳ tài liệu nào của Đảng ra bên nào. Tuy vậy, dưới thời ông Tập, những công ty quốc doanh ở nước ngoài được yêu cầu phải thành lập các chi bộ Đảng, và họ dường như đang tuân thủ điều đó. Truyền thông nhà nước tuyên bố: “Lá cờ Đảng sẽ tung bay dọc theo vành đai và con đường”, ý muốn nói về sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc.
Liên hiệp hội Công Thương nghiệp toàn Trung Hoa cũng đã kêu gọi thành lập tổ chức Đảng trong những cơ sở hoạt động ở nước ngoài của các công ty tư nhân. Hiện đang có hàng nghìn Đảng viên đang làm việc cho gã khổng lồ công nghệ Huawei, doanh nghiệp từng khiến phương Tây lo ngại vì sợ rằng thiết bị mạng của họ có thể bị Trung Quốc khai thác phục vụ mục đích gián điệp. Theo chính sách của công ty, việc thành lập tổ chức Đảng trong các cơ sở ở nước ngoài sẽ “tùy thuộc vào tình hình địa phương”.
Tại các cơ sở giáo dục ở nước ngoài, nhận thức được mức độ nhạy cảm của Phương Tây, Đảng dường như không cố thành lập các chi bộ công khai trong cộng đồng sinh viên và học giả người Trung Quốc. Tuy vậy, sinh viên nước này thường mong muốn duy trì mối liên hệ với Đảng trong thời gian ở nước ngoài để có thể dễ dàng khôi phục lại các mối liên hệ đó khi họ về nước. Một cách để thể hiện sự cam kết chính trị là tổ chức các buổi họp nghiên cứu những bài phát biểu của ông Tập. Một số sinh viên ở nước ngoài lập nên các tiểu tổ để thực hiện mục đích trên. Website của các đại học và mạng xã hội ở Trung Quốc cho biết có những tiểu tổ đã xuất hiện tại Đại học Nottingham ở Anh, Đại học Kyung Hee ở Hàn Quốc, và Đại học Bang Missouri ở Hoa Kỳ. Năm 2017, các học giả Trung Quốc đã thành lập một chi bộ tại Viện Đại học California ở thành phố Davis, nhưng sớm giải thể vì luật pháp Mỹ yêu cầu những người hoạt động cho một đảng chính trị nước ngoài phải đăng ký với chính quyền.
Nếu các Đảng viên thành lập những tổ chức Đảng công khai trong khuôn viên các cơ sở giáo dục, họ có thể thấy quyền tự do của bản thân bị hạn chế bởi phải báo cáo về hoạt động của nhau. Nhưng Trung Quốc có thể giám sát hành vi ở nước ngoài của những người cả trong và ngoài Đảng mà không cần đến sự hiện diện của các tổ chức Đảng. Với sự hậu thuẫn của nhà nước, Hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) được thành lập ở hầu hết những cơ sở giáo dục có nhiều sinh viên Trung Quốc theo học, các hiệp hội này không có mối liên hệ trực tiếp với Đảng, nhưng người đứng đầu các hội này vẫn báo cáo tình hình cho cơ quan ngoại giao Trung Quốc.
Cánh tay đáng sợ nhất của Đảng ở hải ngoại là bộ máy an ninh Trung Quốc. Không giống như lượng lượng quân đội, cảnh sát và tình báo dân sự, nó không nằm trong cơ cấu tổ chức chính thức của Đảng nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng. Gián điệp Trung Quốc ra nước ngoài để theo dõi những nhân vật bất đồng chính kiến chuyên gây rối. Dù ở bất cứ đâu, họ cũng có thể đọc trộm tin nhắn của công dân trên mạng xã hội. Người Trung Quốc ở nước ngoài phát ngôn chống Đảng sẽ đối mặt với nguy cơ: người thân của họ ở Trung Quốc có thể phải gánh chịu hậu quả. Không cần phải có sự hiện diện của tổ chức Đảng để răn đe những ai chống đối. Các phương thức đã được sử dụng và kiểm chứng bởi các nhà độc tài trên toàn thế giới là đã đủ cho Đảng thực hiện tốt mục tiêu này rồi./.
[ Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2021/07/29/co-dang-theo-chan-cong-dan-trung-quoc-ra-nuoc-ngoai/]