Cụ bà Diêu Đại Ni Nhi (cụ đội mũ đỏ)đoàn tụ cùng em gái và đại gia đình sau 80 năm bị bắt cóc
Cụ bà tên Diêu Đại Ni Nhi, 93 tuổi, không biết chữ. Cụ Diêu bị bắt cóc khi còn là một bé gái 13 tuổi. Sau 80 năm lưu lạc xứ người, từng nhiều lần trốn chạy vì bị bạo hành, cụ luôn đau đáu tìm lại người thân và quê nhà. May mắn thay ở tuổi 93, cuối cùng cụ đã hoàn thành tâm nguyện của mình.
Hành trình tìm về nguồn cội
Được biết, bà ngoại cô Vương Hải Liên năm nay đã 93 tuổi, cụ bà bị bắt cóc khi mới chỉ là một bé gái 13 tuổi. Cụ bà tên là Diêu Đại Ni Nhi, sinh năm 1927, ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).
Vào năm 1940 cha mẹ cụ Diêu qua đời, cụ Diêu lúc đó 13 tuổi phải đi xin ăn và bị bắt cóc rồi bán đến Sơn Tây. Cụ bị những kẻ buôn người bán cho một gia đình, sống cuộc sống thiếu ăn, bị đánh đập và mắng mỏ, sau đó cụ bị bán lại cho một số gia đình khác.
Sau nhiều lần trốn chạy không thành, cụ Diêu bị bán cho gia đình hiện tại làm dâu và sống từ đó tới nay. Khi bị bắt cóc, cụ Diêu còn nhỏ, sau đó lại không được đi học nên cụ không biết chữ. Cụ chỉ nhớ rằng, ngôi làng mình sinh ra có tên là “Hạnh Hoa Doanh” ở tỉnh Hà Bắc.
Dù ở tuổi gần đất xa trời, nhưng 80 năm nay, cụ Diêu luôn đau đáu nỗi nhớ nhà và nói với con cháu: “Nếu lúc còn sống mà không tìm thấy quê thì chết đi sẽ biến thành làn khói, nhờ gió thổi bay về quê hương”.
Chớp mắt 80 năm đã trôi qua. Vào ngày 10/4/2020, cháu ngoại của cụ là Vương Hải Liên đã liên lạc với các tình nguyện viên của chương trình “Bảo bối mau về nhà” để giúp cụ tìm lại thân nhân và nơi chôn rau cắt rốn.
Với chút thông tin ít ỏi, những nhân viên đã làm một video tìm ngôi làng có tên là “Hạnh Hoa Doanh” nhưng không có kết quả, bởi sau 80 năm, mọi thứ dường như đã thay đổi hoàn toàn.
Nhưng bất ngờ là sau khi video được lan truyền, có một độc giả đã để lại bình luận phía dưới video với dòng viết: “Có một ngôi làng có tên gần giống như vậy ở huyện Hình Đài, tỉnh Hà Bắc”.
Không bỏ lỡ dù là hy vọng nhỏ nhất, nhóm tình nguyện viên đã liên lạc về địa phương này và xác nhận có một ngôi làng mang tên “Hương Hoa Doanh”, trùng hợp hơn nữa là đầu làng có gia đình họ “Diêu” sinh sống.
Ngay lập tức, nhân viên của chương trình gọi điện cho cô Vương và nhờ cô xác nhận với bà ngoại thêm vài thông tin mà bà cụ có thể nhớ về nơi mình được sinh ra.
Cụ Diêu nhớ gia đình mình là ngôi nhà thứ nhất ở đầu làng, trong sân có cây xuân đại thụ, hàng xóm có một người địa chủ họ Hồ, và có ba ngôi đền ở cạnh nhà.
Giây phút đoàn tụ sau 80 năm xa cách
Cụ Diêu nay đã 93 tuổi, cụ được con cháu yêu thương và coi như “bảo bối” trong nhà (Ảnh: tổng hợp)
Cuối cùng các tình nguyện viên cũng đối chiếu được thông tin và xác nhận nhiều khả năng đây chính là cố hương của cụ bà Diêu Đại Ni Nhi.
Cụ Diêu còn có một người em gái nay 91 tuổi, lấy chồng ở làng bên. Nghe tin chị gái còn sống và tìm về, em gái cụ Diêu nghẹn ngào. “Chúng tôi không gặp nhau 80 năm nay rồi. Tưởng kiếp này sẽ chẳng còn cơ hội nữa”.
Cụ Diêu sau đó đã được cháu gái và các tình nguyện viên đưa trở về quê hương. Trên xe, cụ hứa với mọi người sẽ không khóc. Nhưng khi vừa gặp lại em gái, cụ bỗng òa khóc nức nở. Hai chị em tuổi cao nên khi nói chuyện phải thì thào sát vào tai nhau.
Khi trở về quê hương, nhìn thấy quần áo và phong tục tập quán nơi đây, con cháu cụ Diêu mới hiểu tại sao cụ luôn thích quấn khăn trùm đầu và đốt rơm lúa mì. Cụ thích vùng đất bằng phẳng hơn so với các triền núi nơi cụ sống. Cụ Diêu cũng bị chồng đánh đập và dân làng chế giễu vì điều này, nhưng suốt 80 năm qua cụ không thay đổi những thói quen này, bởi cụ nhớ quê nhưng không thể về nhà nên đã dùng cách này để hồi tưởng lại mỗi ngày.
Được trở về quê nhà, cụ Diêu muốn xuống mộ cha mẹ thắp hương. Khi đến nơi, cụ vỡ òa cảm xúc và khóc như một đứa trẻ. Người cháu ngoại cho hay, vì cụ là con dâu mua về, tính tình bướng bỉnh nên thường xuyên bị chồng đánh đập. “Những lúc như vậy tôi chỉ thấy bà nhỏ nước mắt chứ chưa bao giờ thấy khóc như thế này. Có lẽ được về quê hương bà mới sống hết mình”.
Nhìn cụ khóc, mọi người như nhìn thấy cả quá trình một bé gái 13 tuổi bị bắt đi khỏi nhà từ khi còn nhỏ.
Cụ Diêu có hai con gái, hai con trai, cả gia đình có 50 người. Gia đình cụ Diêu có tài chính tốt và mọi người bây giờ coi cụ như “bảo bối” trong nhà, mọi người đều cố gắng đáp ứng yêu cầu cho cụ. Cụ Diêu giờ không cần lo cơm áo, cụ cũng đã hoàn thành tâm nguyện tìm lại gia đình và cuối cùng đã có thể nhẹ lòng.
Cô Vương, cháu ngoại cụ Diêu xúc động nói:
“Nhiều thập kỷ trước, bà của tôi bị bắt cóc và bán đến làng Miêu Trang, xã Dư Trang, huyện Ninh Vũ, thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Tây. Kể từ khi tôi có thể nhớ được sự việc, tôi thường thấy bà tôi lén lau nước mắt”.
Cuộc đời của cụ Diêu trải qua nhiều thăng trầm và đau khổ. Ngay cả cái tên của cụ cũng do cha mẹ ngẫu nhiên lựa chọn. Cụ là chị cả trong nhà, nên tên cụ là Diêu Đại Ni Nhi.
Cháu gái cụ cho biết: “Từ khi gặp lại người thân và trở về thăm quê nhà, cụ Diêu vui vẻ và hoạt bát hơn. Cụ thường cười nói nhiều hơn trước”.
“Tôi luôn muốn tìm đường về nhà, nhưng vì kinh tế khó khăn nên chẳng thể trở về dù lúc nào cũng muốn một lần tìm lại gia đình mình” – cụ Diêu nói.
Sợ tuổi cao không nhớ được chính xác tên làng, lại không biết chữ nên mấy năm trước cụ dùng điện thoại, ghi âm lại những chi tiết còn lưu lại trong đầu về đặc điểm ngôi nhà, thậm chí tên hàng xóm.
Thiên Cầm
Nguồn: NTDVN