“Ít nhất 20% thành viên thuộc các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã phải chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác, vì các biện pháp giãn cách xã hội trong nước.”
Thông tin vừa nói được nêu trong bức thư chung gởi nhà nước của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài bao gồm Thương mại Mỹ (Amcham), Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN… Thư đồng ký gởi đến Chính phủ Việt Nam bày tỏ lo ngại về các biện pháp kéo dài giãn cách xã hội được áp dụng trên khắp đất nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng Việt Nam sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế chậm mở cửa trở lại.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 21/9, xác định:
“Việc Việt Nam phong tỏa, giãn cách xã hội theo công thức vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước cũng bị thiệt hại rất nặng nề. Bởi vì họ phải đóng cửa, có doanh nghiệp phải cho công nhân ăn uống, ngủ nghỉ ngay trong doanh nghiệp rất tốn kém. Vì vậy các doanh nghiệp đề nghị Việt Nam nên thay đổi cách phong tỏa, giãn cách… để tạo điều kiện cho họ sản xuất, nếu không họ sẽ ra đi.”
Theo tôi thì công thức giãn cách vừa qua là quá nghiêm ngặt, so với châu Âu thì rất nhiều nước vẫn cho đi lại sản xuất bình thường. Họ chỉ yêu cầu hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang…
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Trong thư gởi Chính phủ, các Hiệp hội cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không để tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Ngoài ra, các Hiệp hội cũng đề xuất một chiến lược về ‘phòng ngừa và kiểm soát đại dịch tại địa phương’, nhằm khôi phục các hoạt động sản xuất và kinh doanh an toàn trong một ‘bình thường mới.’
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đây là thông điệp hết sức nghiêm túc của giới doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam cần phải xem xét. Ông nói tiếp:
“Theo tôi thì công thức giãn cách vừa qua là quá nghiêm ngặt, so với châu Âu thì rất nhiều nước vẫn cho đi lại sản xuất bình thường. Họ chỉ yêu cầu hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang… Có lẽ việc này Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Tôi hy vọng sẽ có các biện pháp kịp thời trước khi quá muộn, trước khi các nhà đầu tư nước ngoài ra đi.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng khuyến nghị Việt Nam nên tiêm vắc-xin ngay lập tức cho công nhân, và người lao động của doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài… để họ có thể khôi phục sản xuất ngay. Đồng thời các biện pháp của các tỉnh như chặn xe, đòi giấy tờ… cần bãi bỏ, để nền kinh tế lại được hoạt động lưu thông bình thường, mà không tăng thêm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, họ cần biết một lộ trình rõ ràng và một ngày chính xác để mở cửa trở lại. Vì một khi quy trình sản xuất đã thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác. Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại, và đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế.
Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho biết, các thành viên doanh nghiệp hiện tại đang tạm ngừng hầu hết các kế hoạch đầu tư do những bất ổn tại Việt Nam. Trong khi các nhà đầu tư tiềm năng từ nước ngoài không thể đến thăm Việt Nam nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.
Nhận định về các biện pháp giãn cách ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 21/9, cho biết:
“Nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài muốn Chính phủ mở cửa nền kinh tế là chính đáng. Tôi đã theo dõi tình hình của các công ty FDI trong các khu công nghiệp ở trong Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Long An… thì tình hình rất thê thảm. Có hai vấn đề họ gặp phải, thứ nhất chuỗi cung ứng bị ‘đứt gãy’, đây là từ trong nước hay dùng chứng tỏ tình hình cung cầu bị gián đoạn một cách trầm trọng, khi không có đầu vào nguyên liệu sản xuất. Còn đầu ra cũng đứt gãy khi những công ty vận tải, logistic (hậu cần), cũng như đem hàng hóa ra ngoài thị trường trong và ngoài nước gặp khó khăn vì dịch bệnh.”
Phải dùng các nhà nghiên cứu, các bác sĩ, các nhà dịch tễ học, tất cả đội ngũ y tế phải là đội ngũ đứng ở tiền tuyến chống COVID-19… Chứ không phải là các nhà chính trị cũng như các nhà quân sự có thể đứng ở đầu tuyến được.
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Thứ hai theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các biện pháp giãn cách của chính quyền như việc buộc doanh nghiệp phải tuân thủ ‘hai điểm đến một cung đường’ hay ‘ba tại chỗ’ là ăn ngủ làm việc tại chỗ, đã khó khăn cho doanh nghiệp. Ông nói thêm:
“Hai điểm đến một cung đường là người lao động không được về nhà mà chỉ đi từ nhà nghỉ đến nhà máy… Những biện pháp đó làm tăng chi phí doanh nghiệp, làm tăng áp lực với người lao động khi không thể về gia đình, gây bức xúc tâm lý rất mạnh. Từ đó nhiều công xưởng mất người lao động, kéo họ trở lại rất khó. Các doanh nghiệp nước ngoài khi thấy mất người, chuỗi cung ứng đứt gãy, không thể đáp ứng đơn hàng… dẫn đến rủi ro mất khách hàng… Chính vì vậy có đến 20% doanh nghiệp nước ngoài di chuyển công xưởng sang nước khác.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là tình trạng khẩn cấp cho Việt Nam và Chính phủ cần phải có những biện pháp để mở cửa lại nền kinh tế, để các doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh của họ. Tuy nhiên ông Hiếu vẫn đưa ra cảnh báo:
“Công bằng mà nói thì chuyện mở cửa nền kinh tế không phải dễ, khi tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng, số ca nhiễm và tử vong vẫn cao… Nếu mở cửa một cách mạnh mẽ thì vấn đề lây nhiễm sẽ càng nguy hiểm, là điều không ai muốn. Thành ra giữa hai cái mở cửa mà vẫn đảm bào an toàn cho cả nước là bài toán rất khó. Nhưng tôi cũng đồng ý với các nhà đầu tư nước ngoài là mở cửa từng phần, và phải có kế hoạch… Tuy nhiên trong kế hoạch đó không thể chỉ dựa vào ý chí chính trị, hoặc những kế hoạch quân sự như ngày xưa Việt Nam đã dùng… Mà phải dùng các nhà nghiên cứu, các bác sĩ, các nhà dịch tễ học, tất cả đội ngũ y tế phải là đội ngũ đứng ở tiền tuyến chống COVID-19. Chứ không phải là các nhà chính trị cũng như các nhà quân sự có thể đứng ở đầu tuyến được.”
Việt Nam đã ghi nhận hơn 700 ngàn trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 17.500 trường hợp tử vong, tính đến chiều ngày 21/9.
Thành phố Hồ Chí Minh, tâm dịch trong đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam, sẽ tiếp tục giãn cách xã hội đến cuối tháng 9.
Trong khi đó, Chính quyền Hà Nội vừa dừng phân vùng kiểm soát chống dịch COVID-19 và bỏ quy định giấy phép đi đường trên toàn thành phố từ 6 giờ ngày 21/9. Tuy nhiên chính quyền Hà Nội chưa có chủ trương mở cửa ngõ để người dân đi lại bình thường. Cụ thể, Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào thành phố và 33 chốt ở các huyện có đường giáp ranh với các tỉnh khác đang giãn cách xã hội.
Nguồn: Đài Á Châu Tự Do