Vào cuối thế kỷ 20, khi nhắc đến những người giàu có nhất của đất Việt, người dân thường truyền miệng nhau câu nói “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”. Nhân vật thứ tư được nhắc đến trong câu nói này là Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, tuy đứng cuối cùng trong bốn người Việt Nam giàu nhất, nhưng Bạch Thái Bưởi luôn được người dân, các học giả, các nhà sử học, thậm chí là được vua Khải Định ca ngợi, kính trọng.
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).
Nhà nghèo nhưng ông vẫn được cha mẹ cố gắng cho học chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Hằng ngày, chàng trai Bạch Thái Bưởi thường đi vớt củi trầm hương ở sông Nhuệ. Tiền bán cây trầm hương vớt được trên sông, chính là những khoản vốn liếng đầu tiên để ông khởi nghiệp. Thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán, anh nghỉ học làm thư ký cho Công sứ Bonnet – người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Vì thế người đời đã gọi ông là “cậu ký Bưởi”.
Xuất thân là một thư ký cho viên công sứ Pháp Bonnet, đến năm 20 tuổi, Bạch Thái Bưởi bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh.
Nhờ tư chất thông minh, năm 21 tuổi, Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ cử ông sang Pháp dự hội chợ Bordeaux. Trong những ngày ở Pháp, không như những người khác dành thời gian du hí đây đó, Bạch Thái Bưởi nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lý sản xuất, nghệ thuật khuếch trương thương nghiệp…
Ông đi đâu, đến chỗ nào, cũng hí hoáy ghi chép. Trên chuyến tàu trở về nước, trong đầu Bạch Thái Bưởi đã định hình rõ con đường phía trước mà ông sẽ đi. Đó là con đường kinh doanh. Và quyết định nghỉ việc tại hãng thầu công chánh được xem là điểm khởi đầu cho sự nghiệp của Bạch Thái Bưởi.
Ông nhìn ra cơ hội kiếm tiền bằng cách trở thành đối tác chính cung cấp tà vẹt cho dự án xây dựng đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ là đường sắt xuyên Việt Bắc – Trung – Nam và chiếc cầu bắc qua sông Cái (sông Hồng) là cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay).
Bạch Thái Bưởi đã dồn tất cả vốn liếng, trong suốt 3 năm, ông lặn lội khắp núi rừng tìm gỗ tốt làm tà-vẹt bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương. Năm 1902, cầu Doumer được khánh thành, thiên hạ khắp nơi đổ về xem cầu như đi trẩy hội. Khi ấy, Bạch Thái Bưởi đã trở nên rất giàu có.
Không để đồng tiền trong túi mình ngủ yên, khoảng năm 1908 – 1909, Bạch Thái Bưởi đã quyết định chuyển hướng sang kinh doanh vận tải đường thủy, nơi mà những thương nhân Hoa Kiều gần như đang độc quyền chiếm lĩnh.
Ông lập công ty hàng hải mang tên mình là Bạch Thái Bưởi, thuê lại 3 chiếc Phenix, Dragron và Fai Tsi Long. Ông đổi tên chúng thành: Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long để kinh doanh vận tải đường thủy trên hai tuyến Nam Định – Bến Thủy (Nghệ An) và Nam Định – Hà Nội.
Dù vấp phải sự cạnh tranh không khoan nhượng đến từ các đối thủ là các công ty người Pháp và người Hoa, nhưng với ý chí quật cường, sự tài trí kết hợp khôn khéo, khách đi tàu của Bạch Thái Bưởi mỗi ngày một đông hơn. Đội tàu của ông ngày càng mạnh, các tuyến đường khai thác ngày càng vươn tới nhiều miền đất mới.
Năm Kỷ Mùi (1919), nhân chuyến ngự giá ra Bắc, vua Khải Định đã được nghe tiếng về Công ty Bạch Thái Bưởi. Trong buổi họp triều, vua Khải Định đã bàn với quần thần về công ty của ông. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 4, điều 442 còn ghi chép lại như sau: “Trẫm Bắc tuần thấy thành phố Hà Nội chỉ có hai công ty Bạch Thái Bưởi và Nam Sinh đáng gọi là buôn bán lớn, ngoài ra cũng nhiều người nghèo khổ, việc sinh sống lại không bằng Trung Kỳ phần đông đều được bình thường”.
Lại trong một buổi thiết triều khác vào giữa tháng 11.1920, vua Khải Định đã phê bảo quan Bộ Lại, Sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 6, có viết: “Các nước khác sở dĩ trở nên giàu có, hùng mạnh đều là nhờ họ có được nhân tài để phát minh ra những máy móc tinh xảo, văn minh. Nước ta thì thuần chất quá, ít kiến thức, việc gì cũng chỉ làm theo sau các nước. Trẫm luôn coi đó là một mối lo ngại sâu sắc. May nhờ được quý bảo hộ dẫn dắt nên tình trạng dân ta cũng khá lên được một hai phần, trẫm rất lấy làm mừng, đáng nêu khen thưởng để khuyến khích.
Xem như việc Bạch Thái Bưởi ở Bắc kỳ mới chế tạo được chiếc tàu thủy gọi là Bình Chuẩn rất khéo, tốt không thua kém gì công nghệ bên châu Âu. Chiếc tàu này là do tay thợ nổi tiếng Nguyễn Văn Phúc làm ra, cả chủ và thợ đều là người Nam ta cả. Ngày 23 tháng 7 vừa qua, khi trẫm tới thăm Quý Toàn quyền và tham quan tàu chiến ở Đà Nẵng thì vừa gặp lúc tàu này cũng vừa cập bến vào cảng nên có may mắn được ngắm xem, quả nhiên tàu ấy là do chủ ta, thợ ta đồng lòng hợp sức mà chế tạo ra.
Nước ta vốn dĩ của ít thợ vụng. Nếu không có Bưởi dám bỏ tiền của ra thì đâu có việc cho Phúc thi thố, mà không có tài khéo của Phúc thì tiền của Bưởi cũng thành uổng phí mà thôi. Hai người này đã nêu cao tấm gương về sự tiến bộ văn minh cho người nước ta mai sau soi vào. Vậy truyền chuẩn thưởng cho Bạch Thái Bưởi hàm Thị độc Hàn Lâm viện, Nguyễn Văn Phúc hàm Kiểm thảo Hàn Lâm viện, để hai người được đội ơn mà càng thêm khích lệ phấn đấu hơn”.
Việc Bạch Thái Bưởi được vị vua thứ 12 của triều Nguyễn ban hàm Thị độc Hàn Lâm viện, cũng được sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 5, điều 640 chép rằng: “Tháng 11, chuẩn thưởng cho người Bắc Kỳ là Bạch Thái Bưởi hàm Thị độc Hàn Lâm viện, Nguyễn Văn Phúc hàm Kiểm thảo Hàn Lâm viện vì chế tạo được tàu máy Bình Chuẩn (tên tàu). Chủ tàu là Thái Bưởi tự xuất tiền bạc cùng thợ dưới tàu là Văn Phúc vận dụng trí tuệ chế ra chiếc tàu máy mới, so với tài khéo của người Âu xem ra không thua kém bao nhiêu. Lúc đầu, vua ngự giá tới Đà Nẵng ngự lãm chiến thuyền, gặp lúc tàu của Thái Bưởi neo ở vụng Trà Sơn, vua nhân xuống xem, nên đặc biệt khen thưởng ban cho hàm ấy để tỏ ý khuyến khích”.
Con tàu Bình Chuẩn được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi. Con tàu này dài 42m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực, được hạ thủy vào 7.9.1919 tại Cửa Cấm (Hải Phòng).
Không chỉ nổi tiếng là doanh nhân giàu có, gia đình Bạch Thái Bưởi còn rất siêng năng làm từ thiện. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 4, điều 632 cho biết: “Ngày 21, vua coi triều. Thượng thư Bộ Lại kiêm Bộ Hộ Nguyễn Hữu Bài tâu: “Khánh Hòa bị bão, nhà bị tốc mái rất nhiều, Thanh Hóa cũng bị lụt lớn, các phủ huyện đều bị tổn hại mà Thiệu Hóa là nặng nhất… Vua nói: “Quảng Nam thế nào?”. Nguyễn Hữu Bài tâu: “Quảng Nam chỉ có Tiên Phước đói lớn, duyên do là vì hạt ấy trước nay chỉ dựa vào mối lợi lớn của trà và quế. Nay những sản vật ấy không bán được, không có gì tư cấp nên như thế”. Vua nói: “tiền quyên góp ở Quảng Nam hiện còn 3.000 đồng, cùng số nguyên trích 5.000 đồng và mẹ Bạch Thái Bưởi quyên 1.000 đồng, nên lập tức tư cho tỉnh ấy mau lẹ tiến hành cấp phát”.
Có thể nói, Bạch Thái Bưởi là người có gan làm giàu, từ hai bàn tay trắng đã làm nên nghiệp lớn. Gần 100 năm trôi qua, nhưng bài học mà Bạch Thái Bưởi để lại về sự nhạy bén trong kinh doanh, ý chí vượt khó, tự tin giong buồm ra biển lớn vẫn còn nguyên giá trị. Ông xứng đáng là ngọn cờ đầu trong ngành thương nghiệp nước nhà để các hậu bối noi theo.
Thơm Quang