Một bản tin trên báo VnExpress hôm 18 Tháng Chín tiết lộ, còn hơn 500 hũ cốt vẫn đang được lực lượng quân đội bảo quản, chưa bàn giao được cho thân nhân “vì nhiều lý do khác nhau.” Tuy vậy, VnExpress không làm rõ các lý do khiến những hũ cốt chưa được trả về gia đình người quá cố.
Cũng theo báo này, hơn 300 binh sĩ thuộc Bộ Tư Lệnh ở Sài Gòn được điều động tham gia lo việc hậu sự cho những người chết vì COVID-19. Lực lượng này đã tiếp nhận gần 10,000 thi hài, tổ chức khâm liệm, hỏa táng, thực hiện các nghỉ lễ tâm linh, thờ cúng và trao hũ cốt cho người thân.
Đáng lưu ý, việc binh sĩ lo hậu sự cho người dân chỉ diễn ra sau khi một bài đăng trên mạng xã hội hồi đầu Tháng Tám, tiết lộ cảnh một shipper giao hũ cốt người chết vì COVID-19 “để chất đống trên xe gắn máy giống như giao rau.”
Sau khi bài đăng gây rúng động công luận, Facebooker Nguyễn Văn Lân ở quận Tân Phú đã bị công an quận này xử phạt hành chánh 7.5 triệu đồng ($328) với cáo buộc “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.”
Theo báo Zing, những người chết vì COVID-19 ở Sài Gòn đều được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. Các hũ cốt sau đó được đem về Nhà Tang Lễ Thành Phố ở quận Bình Tân trước khi được chuyển về từng quận, huyện.
Trong một diễn biến khác, tờ Tuổi Trẻ hôm 18 Tháng Chín dẫn ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty FPT về việc mở trường nuôi dạy 1,000 trẻ em có cha mẹ chết vì COVID-19. Ông Bình cho biết trường này “sẽ được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân, giúp các em hòa đồng với các bạn và rèn luyện kỷ luật.” Vị này cũng cam kết nuôi dạy các trẻ mồ côi “liên tục trong 20 năm.”
Trong lúc các báo ở Việt Nam ca ngợi “nghĩa cử” của vị chủ tịch FPT, ông Lương Thế Huy, giám đốc Viện Nghiên Cứu Xã Hội, Kinh Tế và Môi Trường (iSEE) bình luận trên trang cá nhân rằng trường nuôi dạy trẻ mồ côi “chỉ nên là lựa chọn cuối cùng, mang tính tạm thời và trong thời gian ngắn nhất có thể.”
Ông Huy lập luận: “Môi trường gia đình, tại cộng đồng chính là môi trường tốt nhất để trẻ tiếp tục cuộc sống của mình sau mất mát cha mẹ. Và nếu muốn giúp trẻ, hãy giúp cho gia đình, họ hàng, nơi trẻ sinh sống. Các nguồn lực cộng đồng, tư nhân nên phối hợp cùng nhà nước, các tổ chức/nhân viên công tác xã hội để kết nối các nguồn hỗ trợ lại với nhau, lấy từng trẻ làm trung tâm của chăm sóc.”
Nguồn: nguoi-viet.com