Các hãng hàng không ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng sắp phá sản khi doanh thu giảm mạnh, gây thiếu hụt dòng tiền, trong khi nợ gốc và lãi suất ngân hàng tăng cao.
Ngày 30 Tháng Tám, Cục Hàng Không Việt Nam đã ra văn bản gửi các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines yêu cầu các hãng “dừng việc bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới,” nhằm tiếp tục thực hiện việc hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành đang thực hiện phong tỏa theo “Chỉ Thị 16.” Đây là nguồn thu cuối cùng giúp các hãng “phấn đấu duy trì hoạt động.”
Trước đó hôm 24 Tháng Tám, báo Thanh Niên cho biết Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hàng Không Việt Nam (VABA) đã có văn bản gửi thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không đang kiệt sức vì ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài.
Theo ông Bùi Doãn Nề, tổng thư ký VABA, từ khi bùng phát dịch lần thứ tư ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm từ 80% đến 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện, cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn…
Cụ thể, phúc trình của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết “Vietnam Airlines đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản,” lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines âm gần 5,000 tỷ đồng ($220.25 triệu) trong quý 1, 2021, và là khoản lỗ theo quý “lớn nhất từ trước đến nay.”
Các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng “tối ưu hóa” hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, song dự báo hoạt động của hai hãng bay tư nhân này “tiếp tục khó khăn trong năm 2021, do các hãng đem hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không.” Ước tính, VietJet Air thiếu hụt khoảng 10,000 tỷ đồng ($440.45 triệu) để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để hỗ trợ các hãng hàng không, VABA kiến nghị Ngân Hàng Nhà Nước “mở rộng đối tượng, các khoản nợ được cơ cấu lại, cụ thể là áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát cho cả các khoản giải ngân cả trước và sau ngày 10 Tháng Sáu, 2020.”
VABA cho rằng, việc quy định chỉ tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trước thời điểm trên, khiến cho các khoản vay ngắn hạn gần như không nằm trong diện tái cơ cấu theo “Thông Tư 03.” Điều này gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, từ đó phát sinh nợ xấu khiến không thể vay mới để duy trì hoạt động.
Ngoài ra, VABA cũng kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi; giữ nguyên nhóm nợ; việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí… giúp các hãng tới lúc có doanh thu trở lại để có tiền trả nợ ngân hàng.
“Doanh nghiệp rất khó có thể bảo đảm duy trì dòng tiền để vừa hoạt động sản xuất, vừa trả nợ trong vòng 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả thời gian gia hạn nợ) như quy định tại ‘Thông Tư 03.’ Do đó, cần kéo dài thời gian cơ cấu lên từ 18 đến 24 tháng, ít nhất là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay,” ông Nề lo lắng cho biết. (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com