Các sắc lệnh về chống dịch COVID-19 mỗi nơi một kiểu làm kỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam sống dở chết dở, các công ty ngoại quốc tính bỏ chạy.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VNEconomy) hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Chín, dẫn báo cáo “Tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19” của “Ban Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Tư Nhân” của chế độ Hà Nội nêu nguyên nhân chính yếu quá nhiều doanh nghiệp chết bất tử.
“Lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất, là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này chiếm tới 35.4%. Dịch vụ vận tải, logistics, “xương sống” của chuỗi cung ứng gặp nhiều ách tắc, mong manh dễ vỡ hơn bao giờ hết.”
Bản tin kể trên thuật lời kêu rên của ông Thân Việt Đức, tổng giám đốc “Tổng Công ty cổ phần May 10”, một công ty quốc doanh có khoảng 12,000 công nhân với cơ sở tại 7 tỉnh thị đang khốn đốn vì các lệnh chống dịch COVID-19 của nhà cầm quyền các nơi, thi hành mỗi nơi một kiểu ngược nhau. Vì vậy, nơi thì cho mở cửa hoạt động theo nguyên tắc “3 tại chỗ”, trong khi nơi thì phải đóng cửa.
Báo chí trong nước mấy ngày gần đây nêu chuyện cấp giấy đi đường ở Hà Nội “nay thế này, mai thế khác” gây khó khăn cho người ta, kể cả các công nhân đi làm, các xe vận chuyển hàng hóa, thật phiền phức và tốn kém.
“Các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau, điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương, địa bàn hiểu một kiểu.” VNEconomy viết.
Ngay giải pháp xí nghiệp hoạt động theo công thức “3 tại chỗ” nhưng kéo dài đã phát sinh nhiều tốn kém và dịch bệnh cũng vẫn xảy ra nên nhiều công ty từng báo động họ không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Hai ngày trước, hãng tin Reuters thuật lời ông Alain Cany, chủ tịch Phòng Thương Mại Âu Châu tại Việt Nam cho hay ngày càng có nhiều công ty Âu Châu đầu tư sản xuất ra dấu hiệu cho biết họ đang tính chuyện bỏ chạy khỏi Việt Nam vì cách chống dịch COVID-19 của nhà cầm quyền khiến họ không thể tiếp tục chịu đựng.
Các biện pháp chống dịch của nhà cầm quyền CSVN từ Tháng Tư tới nay buộc các hãng xưởng đóng cửa, hàng hóa không có để xuất cảng theo đơn đặt hàng. Khi không có hàng hóa cung cấp thì chuỗi kinh doanh bán lẻ khắp nơi cũng bị vạ dây chuyền.
Theo lời ông Cany, giới đầu tư Âu Châu muốn được thấy chế độ Hà Nội có một lộ trình rõ ràng từ giải quyết các trở ngại kinh doanh, cho họ dự trù khi nào mở cửa hoạt động trở lại.
Ông cho hay có khoảng 18% các nhà đầu tư Âu Châu đã chuyển sản xuất của họ sang các nước khác, và khoảng 16% các công ty nữa đang dự tính tương tự. Sản xuất các loại dụng cụ điện tử, quần áo, giày dép được các công ty đa quốc gia đầu tư sản xuất rất nhiều tại Việt Nam.
Đại diện Phòng Thương Mại Âu Châu đã gặp nhà cầm quyền CSVN hôm Thứ Năm vừa qua, thúc hối tăng nhanh việc chích ngừa dịch, bảo đảm việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 4.3% người ở Việt Nam được chích ngừa.
Trước áp lực của giới kinh doanh trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, nhà cầm quyền thành phố Bình Dương bắt đầu nới lỏng phần nào các quy định chống dịch.
Giữa tuần trước, tạp chí tài chính Nhật Bản Nikkei cho hay Việt Nam là nước có khả năng phục hồi sau dịch thấp nhất trên tổng số 121 nước được khảo sát.
Tốc độ chích ngừa dịch chậm nhất là một trong những yếu tố chính bị xếp hạng thấp nhất về khả năng phục hồi, theo nghiên cứu của Nikkei.(TN)
Nguồn: nguoi-viet.com