Theo số liệu thống kê trên Worldometers ngày 31 Tháng Tám và 1 Tháng Chín, số ca tử vong do COVID-19 ở Việt Nam lên đến 804 ca, riêng tại Sài Gòn là 658 ca, đưa Việt Nam lên vị trí số 1 Châu Á và hạng nhì thế giới.
Tuy nhiên, các báo đài ở Việt Nam không hề đưa thông tin này. Thay vào đó, báo Zing loan tin trong cuộc họp với làm việc với 70 nhà khoa học, các giáo sư, bác sĩ, lãnh đạo, cựu lãnh đạo ngành y tế, các vị đại sứ, đại diện, trưởng đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam…, vào chiều 1 Tháng Chín, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, thừa nhận đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong gần hai năm qua đã đưa Việt Nam “đứng trước những cơ hội không nhỏ, nhưng đi liền là những thách thức đan xen và ngày càng phức tạp, khó lường.”
“Đại dịch sẽ còn kéo dài, ‘diễn biến phức tạp và biến đổi khó lường,’ quốc tế hãy cùng chung tay, góp sức đẩy lùi đại dịch,” ông Chính nói.
Trong bài phát biểu, theo báo Chính Phủ, ông Chính cho rằng hiện nay nhiều nước trên thế giới đã xác định quan điểm “sống chung, thích ứng với dịch bệnh,” do đó vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài.
Ông Chính đề nghị các quốc gia và tổ chức quốc tế trong thời gian tới tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ về vaccine, đồng thời kêu gọi quốc tế “giúp đỡ cho chúng tôi [Việt Nam] về vaccine một cách nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể, vì với chúng tôi, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.”
Cùng ngày, trả lời báo VNExpress về việc sau 20 ngày người dân “ở yên trong nhà,” nhưng dịch bệnh vẫn còn, trong khi thành phố Đà Nẵng đang tính nối lại một số hoạt động từ ngày 5 Tháng Chín, ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành Ủy, cho biết lãnh đạo thành phố đã tính đến kịch bản về lâu dài “sống chung với dịch,” do biến chủng SARS-CoV-2 lần này rất phức tạp, nhiều trường hợp ghi nhận dương tính khi đã cách ly 21 ngày.
Theo ông Quảng, khi kiểm soát được dịch, Đà Nẵng mở lại một số hoạt động sẽ tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát mới.
“Trường hợp thành phố nới lỏng thì cũng phải có kịch bản chuyển ngay về trạng thái báo động. Nghĩa là người dân và chính quyền phải sẵn sàng cho tình huống quay lại ‘ở yên trong nhà’ khi dịch bệnh trên địa bàn mức độ nguy cơ cao. Đó là cách “sống chung với dịch,” ông Quảng nói và cho rằng 20 ngày tạm dừng hoạt động mà thành phố đang áp dụng là thời gian để “chuẩn hóa các quy trình chống dịch cần thiết.”
Trước đó từ 11 Tháng Tám, Đà Nẵng đưa ra biện pháp “chưa có tiền lệ” là phong tỏa toàn thành phố để chống dịch. Lúc này, lãnh đạo thành phố muốn tạo ra “bảy ngày vàng” xét nghiệm toàn diện các gia đình, nhằm kiểm soát được ổ dịch liên quan đến cảng cá Thọ Quang (879 ca dương tính trong 17 ngày).
Trong khi ngành y tế đang tập trung truy vết những khu vực phong tỏa cứng ở quận Sơn Trà thì ổ dịch mới bùng phát ở chợ đầu mối. Hết bảy ngày người dân “không ra khỏi nhà,” đến 23 Tháng Tám, chuỗi lây nhiễm ở chợ đầu mối đã ghi nhận 901 bệnh nhân, chuỗi Thọ Quang lên 1,152 người và chưa dừng lại, buộc thành phố phải gia hạn thời gian cách ly lên 10 ngày và sau đó là 20 ngày, đến 5 Tháng Chín.
Sau 17 ngày tạm dừng mọi hoạt động, thành phố ghi nhận tổng cộng 2,229 bệnh nhân mắc COVID-19. Số ca dương tính SARS-CoV-2 những ngày qua vẫn còn nhiều và liên tục biến động, để rồi buộc bí thư thành phố phải thừa nhận sắp tới “thành phố đáng sống” này phải “sống chung với COVID-19.” (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com