Những loại thực phẩm chứa tinh bột nhanh như bánh mì, bánh ngọt, cơm, bún, hủ tiếu… thường bị cho là thủ phạm gây béo phì. Nhưng không phải.
Cô Katrin Davidsdottir, 27 tuổi, một trong những người phụ nữ khỏe nhất hành tinh, cho rằng tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.
“Bài học” từ người phụ nữ khỏe nhất hành tinh
Cô Davidsdottir hai lần đoạt danh hiệu quán quân thế giới giải CrossFit Games Champion 2015, 2016 – một giải thi đấu thể lực bao gồm nhiều bộ môn kết hợp như cử tạ, bật nhảy, thể dục dụng cụ. Là vận động viên chuyên nghiệp có sức mạnh, sự dẻo dai, bền bỉ và nhiều kỹ năng đáng gờm khác, cô Davidsdottir từng hiểu lầm về vai trò của tinh bột.
“Lúc ‘bén duyên’ với thể dục dụng cụ khi còn bé, tôi cứ nghĩ ăn ít là tốt. Hồi mới tham gia CrossFit vào năm 2012, tôi không biết gì về dinh dưỡng, chẳng hiểu cách thức hoạt động và nhu cầu của cơ thể,” cô Davidsdottir nói với Insider.
Vận động viên người Iceland từng tin rằng ăn lúa mì là không tốt và nên tránh thực phẩm chứa gluten – một protein có trong lúa mì, lúa mạch. Vì vậy, từ khi 17 tuổi cho đến nay là 10 năm, cô không ăn bánh mì và rất sợ tinh bột. “Tôi cho rằng tinh bột khiến tôi lên ký. Tôi từng coi tinh bột như kẻ thù,” cô Davidsdottir kể.
Nhưng trong quá trình tập luyện để thi đấu, cô phải đi gặp chuyên gia dinh dưỡng. Từ lúc đó, cô Davidsdottir thay đổi cách nhìn đối với thực phẩm nói chung và tinh bột nói riêng.
Cô nói đã được các chuyên gia cho biết, cơ thể cần tinh bột để chuyển hóa thành năng lượng. “Khi nhịp tim tăng lên 135 nhịp một phút, cơ thể chỉ dùng glycogen, một dạng tinh bột được lưu trữ trong gan và cơ bắp, để tạo năng lượng thay vì dùng chất béo. Nếu không có glycogen, bạn sẽ chẳng có sức tập luyện. Tinh bột thực sự tốt và khiến tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng,” cô Davidsdottir giải thích.
Năm 2020, cô Davidsdottir bắt đầu ăn bánh mì vòng với quế và nho khô vào bữa sáng. Cô nói: “Lâu quá rồi tôi không ‘đụng’ tới món này, đến khi ăn lại, tôi phải thốt lên ‘Wow, sao mà ngon quá vậy ta!’” Giờ đây, bánh mì vòng ăn kèm với bơ, kem phô mai, mật ong và một trái trứng chiên là món không thể thiếu cho bữa sáng của cô Davidsdottir. Cô cũng uống thêm sinh tố rau xanh và protein, cà phê latte kết hợp với sữa yến mạch.
Những bữa ăn của cô Davidsdottir được thiết kế nhằm đáp ứng các bài tập cường độ cao, bao gồm nhiều nhóm thực phẩm khác nhau. Những lúc cần thiết phải nạp năng luộng tức thời, cô “chơi” luôn đường. Cô Davidsdottir tin rằng luôn có thời điểm và hoàn cảnh hợp lý cho mọi loại thực phẩm và ta không nên đặt ra nhiều quy định ngặt nghèo về đồ ăn thức uống.
Giải đáp nghịch lý
Thực phẩm chứa nhiều tinh bột (carb) là nguồn năng lượng quan trọng và cần thiết đối với cơ thể. Tuy nhiên, rất nhiều người lại hiểu sai về chúng, hoàn toàn không ăn tinh bột vì sợ mập.
Thật ra sau khi chúng ta ăn tinh bột xong, chúng được phân hủy thành glucose, nhiên liệu cung cấp năng lượng chính của não, cơ bắp. Ngoài ra, thực phẩm giàu tinh bột còn bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể: vitamin B, sắt, calci, folate… Đồng thời chúng còn cung cấp hàm lượng chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kiểm soát bệnh tiểu đường, ngăn ngừa đột quỵ, ung thư ruột…
Nếu cắt giảm các thực phẩm này trong một thời gian dài, bạn sẽ phải đối diện với các vấn đề sức khỏe như hôi miệng, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh…
Vào năm 2015, Ủy Ban Tư Vấn Khoa Học về Dinh Dưỡng (SACN) của Anh tiến hành đánh giá khoa học và xem xét mối quan hệ giữa carbohydrate và sức khỏe con người. Kết quả, họ không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh ăn nhiều tinh bột thì sẽ lên ký.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại phát hiện ra rằng, các loại thực phẩm giàu tinh bột khi kết hợp với các thành phần chứa nhiều chất béo như bơ, nước xốt, xốt kem… sẽ khiến chúng có lượng calorie nhiều hơn.
Tăng cân là do ăn nhiều calorie hơn mức sử dụng
Như vậy, tinh bột không phải là “thủ phạm” của tăng cân mất kiểm soát. Việc bạn dư cân, béo phì là kết quả của việc ăn nhiều calorie hơn mức sử dụng của cơ thể. Lượng calorie này có thể đến từ bất kỳ nguồn nào, như protein, chất béo, carbohydrate, rượu bia… Có rất nhiều kế hoạch ăn kiêng để giảm cân dựa vào việc cắt giảm tinh bột, nhưng chúng không hiệu quả và không tốt cho sức khỏe. Nhiều người càng kiêng tinh bột, càng tăng ký.
Thật ra nếu bạn ăn ít tinh bột, giảm đường, bạn sẽ có thể giảm cân trong một thời gian ngắn. Điều này có thật. Nhưng theo các nghiên cứu so sánh người ăn ít carb và người ăn ít chất béo, hầu như không tìm thấy sự khác biệt đáng kể. Sự thành công của bất kỳ cách kiêng để giảm cân nào đều phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của cơ thể bạn. Vì thế, không nhất thiết phải “né tránh” hoàn toàn tinh bột để giảm cân, quan trọng là bạn có kiểm soát được lượng calorie cần tiêu thụ mỗi ngày hay không.
Đừng bao giờ phạm sai lầm là thực hiện giảm cân bằng cách loại bỏ tinh bột hay đường ra khỏi thực đơn hằng ngày, bởi chúng sẽ khiến cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng cho hoạt động của cơ thể.
Nếu muốn giảm cân an toàn, tốt hơn bạn nên “nói không” với các thực phẩm giàu chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, kem, bánh kem, bánh quy, các loại bánh ngọt, sôcôla…) vì theo nhiều nghiên cứu, chất béo chứa gấp đôi lượng calorie so với protein hoặc đường trong cùng một khối lượng. Ngoài ra, chúng còn gây ra các triệu chứng cholesterol cao trong máu, gây nguy cơ mắc bệnh về tim mạch. (Đơn Dương)
Nguồn: nguoi-viet.com