Không cần nói về những lý do khiến người dân gốc tỉnh lên TP mưu sinh phải chạy chết trở về quê những ngày này nữa. Đã có quá nhiều phân tích từ đợt bỏ chạy đầu tiên cách đây vài tháng rồi. Cho đến nay, những nguyên nhân ấy chỉ càng sâu sắc và gây tác động trên nhiều người hơn, chứ không hề thay đổi.
Nhưng nếu ở vị trí người quản lý xã hội, quý vị sẽ làm gì?
Hàng chục ngàn con người tứ tán bỏ chạy trong chỉ vài chục giờ, mang theo vô số nguy cơ về tai nạn giao thông, về những sự cố bất ngờ gặp trên đường đi như bệnh hoạn, đẻ rớt, đột tử, và hiển hiện nhất là mang theo mầm dịch về những vùng quê đã căng thẳng che mưa trốn gió mấy tháng nay.
Theo nguyên tắc chống dịch, phải cách ly người có nguy cơ. Nhưng chỉ riêng Bến Tre trong hai ngày có đến 30.000 người tràn về như thủy triều, đảm bảo không có khu cách ly nào chuẩn bị sẵn nhân lực và cơ sở vật chất để đón nhận.
Nếu không ngăn chặn kịp thời, một người F0 về quê vui mừng đi gặp gỡ bà con bạn bè bốn phương, chính là cách nhanh nhất đưa người thân của mình lên đường đoàn tụ ông bà. Vì ở tỉnh chưa hề được tiêm nhiều vắc-xin như ở Sài Gòn.
Việt Nam không so sánh được với Mỹ. Tập tục sinh hoạt của người ở quê là tứ đại đồng đường, vườn rộng rào thưa, hàng xóm qua lại như cơm bữa. Cán bộ cơ sở thò tay ra sau gáy bứt sợi lông biến thành trăm ngàn Tôn Hành Giả cũng không đủ người đi canh kè kè hàng giờ để nhắc nhở, xử phạt từng người. Người dân cũng không có tiền để tăng cường mua sắm online, hạn chế giao tiếp, ở yên trong nhà. Thậm chí, nhiều người còn không có cả nỗi sợ bệnh dịch.
Nhưng cũng không có cách nào ngăn nổi biển người sôi trào muốn thoát ra khỏi những phòng trọ tối tăm, ẩm thấp, thiếu không khí và ánh sáng, 10 người nhét vô 15 m2 diện tích ở, mấy tháng trời chứng kiến cái chết nhe nanh chung quanh.
Nếu là người quản lý của các địa phương, quý vị sẽ làm gì?
“Bàn tay ta làm nên tất cả”
Vài hôm nay, từ “cát cứ” xuất hiện công khai trong vài bài phát biểu của cấp lãnh đạo cao nhất Việt Nam. Căn cứ vào truyền thống nói giảm, nói tránh, nói chung chung trong văn hóa phát biểu của lãnh đạo Việt Nam thì khi dùng đến từ này công khai tức là mức độ tức giận đã cực kỳ cao.
Tình hình người dân có quê gốc ở các tỉnh vào miền Nam làm ăn và chạy dịch trở về một cách nháo nhào đã diễn ra từ cách đây mấy tháng. Khi TP HCM mở cửa nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn tái khởi động nhận toàn bộ công nhân trở lại làm việc, các ngành dịch vụ đều mới he hé (ví dụ hàng quán chỉ bán thức ăn mang đi; các điểm dịch vụ công cộng đông người như rạp hát, gym, spa… vẫn đóng…), công trình xây dựng ngừng trệ… thì vẫn còn có rất nhiều người, đặc biệt là lao động tự do chưa tìm lại được công việc. Hết tiền thì về quê chứ đi đâu bây giờ?
Điều này chắc chắn lãnh đạo các địa phương, đầu tiên là TP HCM phải dự liệu. Trong những ngày còn giới nghiêm, hoàn toàn có thời gian để các cấp chính quyền tìm hiểu nguyện vọng ở lại hay trở về của người dân, thông qua các nhóm Zalo của tổ dân phố hay con đường trực tiếp phát phiếu điền tên. Khi nắm nguyện vọng rồi thì việc động viên ở lại để chờ doanh nghiệp mở cửa, hay việc phối hợp với các địa phương đích, với hệ thống giao thông công cộng máy bay, tàu lửa, xe đò… đều có thể tính toán kỹ và lên kế hoạch cụ thể để lần lượt đón về. Nếu tính toán trước, việc đón về này đã được thực hiện tuần tự và an toàn cho cả người dân và các địa phương đích, vì hầu hết người dân bất kể thường trú hay tạm trú tại TP HCM đều đã tiêm vắc-xin. Chờ đủ 14 ngày sau khi tiêm thì căn cứ tình hình khu cách ly ở tỉnh mà đón hay cho về tiếp tục cách ly ở tại nhà đều thong dong.
Thế nhưng, chẳng ai làm cả.
Nói như góc nhìn từ phía các lãnh đạo Việt Nam, giống như “có bàn tay chống phá” kịch liệt hình ảnh một đất nước luôn hô to khẩu hiệu do dân, vì dân. Chỉ có điều, bàn tay này chính là bàn tay của những người đang điều hành chính quyền. Dạ, “bàn tay ta làm nên tất cả”, như nhà thơ cách mạng Hoàng Trung Thông đã viết.
Hình ảnh những bà mẹ mang thai hay địu đứa con nhỏ mới mấy tháng sau lưng, quyết một hành trình vạn dặm đi bộ từ Sài Gòn về tận Hà Giang-con đường hơn 2.000 km. Hình ảnh đoàn người nam phụ lão ấu lếch thếch rã rời trong đêm đen gió mưa rời bỏ miền Nam… đều đã bước vào lịch sử, ghi dấu một giai đoạn tang thương của đất nước, đặc biệt chứng nhận tình trạng quan liêu, vô trách nhiệm tận cùng của một bộ máy chính quyền thời điểm này.
Họ có cơ hội sửa sai hay không?
Chắc chắn có.
Hiện giờ dương lịch là gần giữa tháng 10/2021. Âm lịch là mùng 3 tháng 9 năm Tân Sửu. Tối đa hai tháng nữa thôi là bắt đầu mùa sản xuất, kinh doanh rộn ràng cho tết. Những thị trường lớn nhất Việt Nam là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… với số dân chích vắc-xin cao, đều sẽ mở cửa toàn bộ trong vài tuần nữa thôi. Hàng không cũng sẽ mở lại. Các đơn hàng xuất khẩu sẽ phải tranh cướp thời gian và thị trường để bù lại những tháng đóng băng. Các công ty đều phải chạy bứt tốc để đạt kế hoạch năm đã lên, hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Dự án đầu tư tiếp tục. Dân có tiền tiếp tục đi du lịch, thăm thân. Tóm lại, cái lò xo sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đã nén hết mức từ tháng 5 đến nay sẽ bung lại kịch liệt để bù lại những gì đã mất.
Tức là dòng nhân lực sẽ lại phải chảy ngược cuồn cuộn trở về TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, những nơi mà một tuần nay họ hối hả rời đi. Quy luật này chưa có bất cứ biến số nào làm thay đổi cả.
Chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất nào, doanh nghiệp thu hút lao động nào mở ra ở Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Sóc Trăng, Bến Tre, Đắc Nông… để nhận số nhân lực này vào làm việc kiếm tiền cả.
Về quê để chôn hũ cốt người thân, để đưa lên chùa nương tựa lòng Phật, để nhờ tình yêu thương ruột rà trấn tĩnh lại cảm xúc đã quá trồi sụt trong bốn năm tháng qua, để có thêm trí tuệ cùng bàn tính cuộc mưu sinh tiếp tục, để gởi đứa con còn nhỏ mà mẹ nó đã qua đời vì nhiễm dịch cho ông bà lo giùm… chứ ở quê luôn thì lấy gì ăn?
Và đó chính là cơ hội để chính quyền, đặc biệt là TP HCM sửa sai.
Kể ra cái gì cũng trút lên đầu TP HCM thì cũng oan và tội. Họ mang tiếng quản lý một địa phương lớn nhất nước, nhưng về bộ máy, cơ cấu và quyền lực cũng không khác mấy một tỉnh lẻ xứ chắc cà đao cả. Vài chục năm nay thành phố này ráo nước miếng năn nỉ cơ chế quản lý đô thị đặc biệt nhưng ngoài vài điểm hình thức ra thì chưa được thêm quyền lực gì.
Nhưng, mặc kệ. Trách nhiệm sẽ phải tiếp tục trút lên vai họ. TP HCM sẽ phải đón nhận trở lại vài triệu người quay trở lại làm việc. Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai… cũng thế.
Những điểm yếu chí mạng trong chống dịch vừa qua đã được chính các lãnh đạo chính quyền và ngành y tế Việt Nam tổng kết:
-Điều kiện sống trong các nhà trọ công nhân và người nghèo lao động tự do quá chật hẹp, yếm khí, thiếu nắng gió, thiếu vệ sinh, là nguyên nhân chính gây lây lan và bùng phát dịch. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP PHCM cho hay nhiều phòng trọ chỉ 10 m2 có 10 người chung sống (trước dịch, công nhân chia ca ngày/đêm, chỉ về nhà để ngủ nên số người thường xuyên trong nhà ít hơn 10 người). Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi nói trong đợt đi khảo sát vừa rồi, ông gặp trường hợp có gia đình 5-6 người sống trong căn phòng chỉ 7m2.
-Nhận thức kém, ý thức tuân thủ điều kiện chống dịch kém, trong cao điểm dịch vẫn tụ tập nhậu nhẹt, ăn uống chung, hát karaoke, coi khẩu trang là vật đối phó công an.
WHO từ năm ngoái đã nhắc mỏi miệng “vắc-xin không phải là viên đạn bạc” (vũ khí vô địch. Trong truyền thuyết phương Tây chỉ viên đạn bằng bạc mới giết được người sói). Việt Nam chưa đủ vắc-xin để bao phủ dân số, chính vì vậy hai điểm cốt tử trên càng phải để tâm.
Thay đổi nhận thức không thể một sớm một chiều. Nhưng ban hành các quy định nâng cao về điều kiện nhà trọ và kiểm soát nó chặt chẽ thì chính quyền làm được.
Nhà trọ sờ sờ ra đấy, công an khu vực nào cũng nắm chặt mọi tình hình của họ được cả. Nếu nhồi nhét, thiếu vệ sinh thì phạt. Mắc gì không phạt được?
Nếu giá thuê trọ vì thế mà tăng cao so với trước kia (một phòng 15 m2 có thể ở đến chục người) thì đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp. Họ phải lo được khu lưu trú đủ điều kiện cho công nhân, hoặc dùng các biện pháp khác để tăng tiền công cho công nhân đủ sức sinh sống an toàn tại các địa phương trọng điểm công nghiệp.
Đó là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại với tình hình mới. Nhà nước Việt Nam- nếu muốn – dư sức hỗ trợ chính sách tài chính và đất đai của nhà nước cho doanh nghiệp.
Nguồn: RFA
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.