Ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng CSVN, thừa nhận “nhiều cán bộ bảo kê buôn lậu, sản xuất hàng giả là việc hết sức nghiêm trọng.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Bình Minh tại buổi khai mạc “Hội nghị giao ban quý 3 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới” của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Chống Buôn Lậu, Gian Lận Thương Mại và Hàng Giả (Ban Chỉ Đạo 389 Quốc Gia), sáng 14 Tháng Mười, cho biết thêm chín tháng qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn “hết sức phức tạp,” gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nêu phúc trình chi tiết về tình trạng trên, ông Lê Thanh Hải, chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ Đạo 389 Quốc Gia, cho biết các lực lượng hữu trách Việt Nam đã phát giác và xử phạt hơn 100,000 vụ vi phạm, khởi tố 1,615 vụ với 2,148 bị can.
Điển hình là vụ sản xuất 2.7 triệu tấn xăng, dầu giả bị Công An tỉnh Đồng Nai phát hiện và truy bắt hồi Tháng Hai vừa qua.
Ngoài ra, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, que test COVID-19… được các cá nhân, tổ chức buôn lậu, làm giả rầm rộ với phương thức, thủ đoạn “ngày càng tinh vi.” Đặc biệt, việc lợi dụng bán hàng qua các trang thương mại điện tử (online) gia tăng.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận “vẫn phức tạp,” nhất là một số vụ lớn, ông Hải cho rằng “có tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát để cán bộ tiếp tay cho buôn lậu.”
Qua giải quyết nhiều vụ, các lực lượng hữu trách đã phát hiện một số cán bộ, sĩ quan “có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.”
Theo Ban Chỉ Đạo 389 Quốc Gia, trong thời gian tới khi Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa nền kinh tế, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả sẽ vẫn “diễn biến phức tạp,” nhất là những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. (Tr.N)