Nguyên Dũng –
Ngày nay, lễ ma qủy Halloween vào ngày cuối cùng của tháng 10 không chỉ diễn ra ở Mỹ, Úc, châu Âu mà còn lan sang Á châu – trong đó có Việt Nam – và một số quốc gia châu Phi.
Ở Mỹ, mỗi mùa lễ đều được biểu hiện bằng những màu sắc riêng biệt. Cam, Vàng, Nâu là ba màu đặc biệt của Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) cuối tháng 11. Giáng Sinh đã có màu đỏ và xanh lá cây làm chuẩn. Sang đến tháng hai đầu năm dương lịch, khi thấy quả tim màu đỏ trên nền hồng có mũi tên xuyên ngang thì…nhắm mắt lại cũng biết là sắp đến ngày Lễ Tình Yêu Valentine. Ngày 17 tháng 3 là Lễ Thánh Saint Patrick, vị Thánh Bổn Mạng cuả dân Irish (Ái Nhĩ Lan) với lá tam diệp Shamrock ☘️ màu xanh lục là biểu tượng chính. Riêng Lễ Halloween vào ngày 31 tháng 10 mỗi năm là một ngày lễ đầu mùa thu (ở Bắc Bán Cầu) mang nhiều màu sắc, ý nghĩa và được xem như dịp lễ mở đầu cho hai mùa lễ lớn vào cuối năm là Thanksgiving và Christmas.
Bắt đầu từ cuối tháng 9 hay đầu tháng 10, các cửa tiệm, các văn phòng công, tư sở, ngân hàng, trường học…v.v… đều đồng loạt tràn ngập các hình ảnh và vật trang hoàng màu Đen và Cam – hai màu chủ yếu của Halloween – (Đen: tượng trưng cho sự chết. Cam: lá úa mùa thu) – cùng với những mặt nạ ma qủy, bộ xương người (giả) treo lủng lẳng, mụ phù thủy áo đen mũi khoằm vác chổi, những quả bí rợ khoét mặt người nhe răng lởm chởm, mèo mun giương móng vuốt gầm gừ, mạng nhện giăng tứ tung…Ở Mỹ có nhà còn chơi trội bằng cách dựng nguyên một nghĩa trang (giả) trên sân cỏ trước nhà – “ngổn ngang gò đống kéo lên” * – vớiđầy đủ bia mộ, bóng ma lấp ló dưới gốc cây cùng vài con chim cú đậu trên cành. Cảnh tượng trông rất ấn tượng và rùng rợn trong cảnh “trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn” (!) **
Dĩ nhiên hầu hết những thứ lỉnh kỉnh này đều làm bằng nhựa “Made-in-China”. Mà thời buổi này bất cứ thứ gì mà chẳng… “chính gốc hồng-kông-bên-hông-chợ-lớn” (!). Phải không?
Bài viết dưới đây nhằm mục đích tìm hiểu gốc gác và ý nghĩa cuả ngày lễ ngộ nghĩnh và lạ lùng này.
Trước hết, từ Halloween bắt nguồn từ nhóm chữ “All Hallows Eve” tức “Đêm Vọng Các Thánh” (tương tự như Đêm Vọng Giáng Sinh là đêm 24 tháng 12 hàng năm) ***
Ngày Lễ Các Thánh – All Saints Day – là ngày 1 tháng 11 mỗi năm và đêm 31 tháng 10 là đêm “Eve of All Hallows” hay “Eve of All Saints”. Theo thời gian, dần dà nhóm chữ “All Hallows Eve” được đọc trại thành Halloween.
Ngày lễ này có một xuất xứ rất lâu đời khi người Celts, một giống dân cổ sống ở miền Trung và Tây châu Âu trước Thiên Chúa, đã kéo tới xâm chiếm phía Tây Bắc Âu mà ngày nay là nước Pháp và Anh quốc. Những người Celts theo đạo Druidism, một tôn giáo của ba xứ cổ là Anh, Ái Nhĩ Lan (Ireland) và Pháp thời đó. Ngày đầu năm mới của họ, The New Year Day, là ngày 1 tháng 11 và đêm 31 tháng 10 là đêm giao thừa, The New Year Eve. Dân Celts cũng lấy ngày 31 tháng 10 làm ngày lễ vinh danh Thần Chết Samhain.
Những người theo đạo Druidism thời đó thờThần Mặt Trời và sợ rằng khi mùa đông tới mặt trời sẽ bị đêm tối che phủ nên trong đêm giao thừa 31 tháng 10 mỗi năm, họ có tục lệ mặc đồ hoá trang thành phù thủy, mang mặt nạ ma qủy, yêu tinh và nhảy múa hò reo quanh những đống lửa thật lớn cháy ngùn ngụt trên đỉnh đồi để vinh danh Thần Mặt Trời và xua đuổi tà ma. Người đạo Druids (theo giáo phái Druidism) tin rằng vào đêm “trừ tịch” những hồn ma bóng quế hay phù thủy sẽ hiện ra để hại người. Họ còn tin rằng mèo đen là hiện thân của ma qủy vì cho rằng ngày xưa mèo từng là người nhưng vì làm nhiều chuyện gian ác nên bị biến thành mèo (?!)
Sự tích lồng đèn trái bí
Lồng đèn trái bí (pumpkin lantern) còn có tên là Jack-O’-Lantern là một trong các vật trang trí rất phổ biến trong mùa Halloween. Sở dĩ lồng-đèn-bí có tên như thế là do một sự tích gốc Ái Nhĩ Lan. Chuyện xưa kể rằng có một anh chàng Irish tối ngày say xỉn, tên Stingy Jack, rất keo kiệt, bủn xỉn mà lại có tính hay trêu chọc ma qủy (!). Chàng Jack bị Thượng Đế “bác đơn” không được lên thiên đàng và chịu hình phạt là phải đi lang thang khắp nơi trên mặt địa cầu – không lên thiên đàng mà cũng chẳng xuống địa ngục – với một chiếc đèn lồng lủng lẳng trên tay. Cứ thế chú Jack phải đi bộ… vòng quanh thế giới (không phải chỉ vỏn vẹn trong 80 ngày như trong truyện giả tưởng của Jules Verne) mà cho đến ngày Phán Xét Cuối tức ngày Tận Thế!
Cùng với những hình nộm yêu tinh, phù thủy, mèo mun, dơi đen, chim cú…những tục lệ của lễ Halloween vẫn tồn tại và lưu truyền qua nhiều thời đại. Vào đêm này, trẻ em và cả người lớn thường mặc đồ hoá trang thành thiên thần, ác qủy, người hành tinh hoặc mặt nạ cuả các nhân vật đang nổi tiếng….thôi thì đủ trò đủ kiểu…để đi gõ cửa từng nhà hay vào các khu thương xá shopping malls, đồng loạt hô câu “Trick or Treat!” để xin kẹo bánh. Tục lệ “Trick-or-Treat” này trong tiếng Anh có nghĩa là các trẻ nhỏ sẽ không lừa hay phá bạn (Trick) nếu bạn cư xử tốt với chúng (Treat) tức là cho kẹo bánh ngon.
Tóm lại đêm vui Halloween ở hầu hết mọi nơi trên thế giới ngày nay đều có một xuất xứ lâu đời hơn bất kỳ ngày lễ cổ truyền nào khác. Nó là một tập hợp của lòng tin và tập tục của giống dân cổ theo đạo Druidism đã sinh sống ở miền Tây Bắc châu Âu thời kỳ Trước Thiên Chúa.
Happy Halloween 🎃 👻
Nguyên Dũng
• Chú thích theo thứ tự những dấu asterisk * trong bài:
* Truyện Kiều, Nguyễn Du.
** Thơ Bà Huyện Thanh Quan.
*** “Đêm Vọng” là một từ rất quen thuộc với giáo dân Công Giáo. Đêm Vọng là đêm trước ngày lễ chính như đêm Vọng Giáng Sinh, Vọng Phục Sinh.