Mở cửa trở lại, phục hồi sản xuất nhằm bình thường trở lại đời sống kinh tế xã hội đầy khó khăn đang ở trước mặt khi hàng triệu người bỏ chạy.
Ngày cuối Tháng Chín sang đầu Tháng Mười, hàng đoàn người ở Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Đồng Nai rùng rùng chồng chất đồ đạc tức những gì có thể gom góp được, leo lên xe máy về quê. Cuộc “di tản” không tiền khoáng hậu trong thời bình tại Việt Nam ngày nay gây xúc động và xót xa.
Nhìn những hình ảnh, video clips, bài viết trên mạng xã hội về bi kịch của người người vừa được “tháo cũi xổ lồng”, nhiều người nói không cầm được nước mắt. Họ là những nạn nhân của chính sách chống dịch COVID-19 của nhà cầm quyền. Họ thấy phải tự cứu lấy mạng mình và người thân của mình, không thể ngồi đó khi mà nhà cầm quyền tuyên truyền thì thật quyến rũ nhưng thực hiện thì chẳng được bao nhiêu.
Theo các con số được đề cập trên báo chí nhà nước, khoảng 3.5 triệu người từ các địa phương, từ Cà Mau đến các tỉnh miền núi phía bắc, bỏ ruộng rẫy theo nhau về làm ở các xưởng thợ. Họ hy vọng đời sống kinh tế đỡ khổ hơn những ngày tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng đại dịch ập đến, họ bị nhà cầm quyền nhốt chặt trong nhà, phát nhỏ giọt ít gạo, ít rau, nhiều khi đã hư nát.
Vừa đói, vừa thấy quá nhiều người chết chung quanh, khi cái lệnh phong tỏa vừa gở bỏ là người ta vội vàng phóng chạy. Người có xe đi xe, người không có xe thì đành đi bộ. Báo chí trong nước ước lượng khoảng 2.3 triệu người đã bỏ chạy.
Nhà cầm quyền CSVN khi bãi bỏ lệnh phong tỏa, cho các xí nghiệp mở của trở lại, tưởng là đời sống xã hội, kinh tế dần dần trở lại bình thường, không dè người ta lại bỏ chạy. Ngày 8 Tháng Mười, báo chí trong nước nhất loạt đưa tin mấy ông cầm đầu thành phố Sài Gòn kêu gọi “trân trọng mời người lao động ở lại làm việc”.
Dù vậy, người ta vẫn theo nhau cắm đầu bỏ chạy. Hôm Thứ Hai 11 Tháng Mười, người ta lại thấy ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lớn tiếng “Giữ chân người lao động không để đứt gãy chuỗi sản xuất” khi ông đến Hóc Môn gặp “cử tri”. Lời ông ám chỉ tín hiệu thúc các địa phương tìm cách đẩy đám người bỏ chạy quay lại, bằng cách nào đó.
Công nghệ lắp ráp hàng hóa tiêu dùng và kỹ nghệ may mặc thu dụng hàng triệu công nhân tại Việt Nam hiện đang đối diện với khủng hoảng nhân sự. Rất nhiều người bỏ chạy không muốn trở lại. Tin tức nói, riêng công ty da giày Pouyuen (vốn đầu tư Đài Loan) ở Sài Gòn chỉ có 30% nhân công làm việc khi mở cửa trở lại vào ngày 6 Tháng Mười. Khoảng 40,000 công nhân của công ty này chưa thấy xuất hiện.
Vì mấy tháng đóng cửa hoàn toàn khi mà các công ty bán lẻ ở Mỹ cũng như Âu Châu chuẩn bị hàng bán tết, Giáng Sinh, họ đã phải chuyển sản xuất sang các nơi khác gồm cả Trung Quốc. Từ quần áo, giày đép đến hàng điện tử. Quần áo giày dép sản xuất tại Việt Nam cung cấp cho thị trường Mỹ nhiều chỉ đứng sau Trung Quốc.
Tin tức cũng nói vì ảnh hưởng dịch bệnh, điện thoại thông minh và hàng điện, điện tử của Samsung sản xuất tại Việt Nam không thể đạt được số lượng dự trù sản xuất năm nay nếu không phục hồi nhanh chóng hoạt động của các dây chuyền sản xuất.
Một số nhà phân tích cho rằng hoạt động sản xuất hàng hóa tiêu dùng tại Việt Nam khó lòng trở lại bình thường đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, còn phải xem dịch COVID-19 có kềm chế được tốt hay không. Việc này lại cũng còn tùy việc chích ngừa dịch có được gấp rút thực hiện trên cả nước hay không.
Cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa đề nghị “8 giải pháp” để phục hồi kinh tế. Một chỉ dấu người ta thấy phấn khởi là số ca nhiễm dịch có vẻ chậm hẳn lại. Từ hơn 16,000 người nhiễu COVID-19 vào ngày 26 Tháng Tám, hôm 11 Tháng Mười, Bộ Y tế loan báo trong ngày này chỉ còn hơn 3,600 ca mà nhà cầm quyền CSVN khoe là “cơ bản đang được kiểm soát”.
Nhưng phục hồi được mọi sản xuất khi hàng triệu người vẫn còn sợ hãi khủng khiếp về cách chống dịch của nhà cầm quyền, sẽ không phải là bài toán dễ giải quyết. Đã vậy theo hãng tin CNBC, nhiều nhà đầu tư ngoại quốc đang nghĩ lại về việc coi Việt Nam như địa điểm đầu tư sản xuất lý tưởng.(TN)
Nguồn: nguoi-viet.com