Nhiều nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang… treo bảng sang tiệm, trả nhà, hay bị dán thông báo “cắt điện, ngưng nước” không thể gượng dậy sau 18 ngày Sài Gòn mở cửa “bình thường mới.”
Theo báo Thanh Niên, trưa 18 Tháng Mười “con phố thời trang” Nguyễn Trãi, quận 5, đã nườm nượp xe cộ trở lại, nhiều cửa hàng thời trang dọn dẹp để kinh doanh trở lại. Song, không ít tiệm dán thông báo “sang shop” dỡ luôn bảng hiệu, treo bảng “cho thuê mặt bằng.” Thậm chí, phía ngoài cửa nhiều tiệm chi chít những tờ thông báo “cắt điện,” hoặc đòi tiền của công ty nước do đã quá hạn trong nhiều tháng.
Một chủ tiệm thời trang ở khu này cho biết giá thuê trung bình một mặt sàn để kinh doanh trước dịch có thể trên 40 triệu đồng ($1,755)/tháng. Mặc dù trong những tháng Sài Gòn giãn cách xã hội, nhiều chủ nhà đã giảm giá thuê từ 50% tới 70%, nhưng nhiều người đã trụ không nổi vì bị ngưng kinh doanh, trong khi vẫn phải trả số tiền lớn nhiều tháng. Chưa kể chi phí trong mùa dịch ở Sài Gòn quá đắt đỏ.
Tương tự trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, “thiên đường ăn uống, giải trí” của giới trẻ, nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê lớn vẫn đóng cửa. Nhiều tiệm dán thông báo “cho thuê nhà.”
Ngay như các tiệm cà phê, nước trái cây, hoa tươi, đồ ăn nhanh… ở ngay vị trí “đất vàng” trung tâm thành phố như khu vực Ngã Sáu Phù Đổng, hoặc trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, cũng đóng cửa im ỉm, trả mặt bằng, phía ngoài dán chi chít thông báo “cho thuê nhà,” “sang tiệm,” vì người kinh doanh trụ không nổi sau khi “cơn bão” COVID-19 quét qua.
Nói với báo Thanh Niên, anh Phạm Anh Việt, chủ thương hiệu đồ ăn vặt Yaourt Showbiz, cho biết: “Bức tranh tổng quát về Sài Gòn sau dịch không hẳn là một màu xám, nhưng vẫn là sự la liệt. Hàng loạt hàng quán sang lại mặt bằng. Quán nhậu, tiệm karaoke trở thành nơi… bán rau, bán trứng.”
Theo anh Việt, nguyên nhân thực tế là trong lúc dịch bùng phát kinh doanh khó một, thì sau dịch khởi động khó đến mười. Nào là chi phí mặt bằng trở lại như cũ, chi phí vận chuyển tăng, nhân viên người thì về quê, người thôi việc nên nguồn nhân lực không đủ. Khách hàng thì lại thay đổi cách tiêu dùng để phù hợp tình hình kinh tế hiện tại…
Trong khi đó anh Lê Quốc Thạch, người sáng lập chuỗi thức ăn nhanh Torki Food, cho rằng: “Tôi nghĩ tình hình kinh doanh ở Sài Gòn có thể phải mất từ sáu tháng đến một năm sau mới ổn định trở lại. Thời gian này không nên đầu tư quá lớn, nên chọn con đường an toàn, chậm mà chắc,” anh Việt nhận định. (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com