Theo Cục Thống Kê ở Sài Gòn, doanh thu dịch vụ lưu trú Tháng Chín vừa qua của thành phố chỉ đạt 35 tỷ đồng ($1.54 triệu), giảm 93.2% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó, hoạt động du lịch lữ hành không có doanh thu trong suốt bốn tháng giãn cách xã hội.
Tính chung chín tháng đầu 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú của Sài Gòn chỉ đạt 3,166 tỷ đồng ($139.32 triệu), giảm 25.7% so với cùng kỳ 2020. Còn du lịch lữ hành ước đạt 2,490 tỷ đồng ($109.58 triệu), giảm 56.2%.
Theo báo VNExpress, trong tổng số nguồn thu 35 tỷ đồng ($1.54 triệu) nêu trên, phần lớn là nhờ phục vụ đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và tình nguyện viên từ các tỉnh, thành về Sài Gòn hổ trợ chống dịch. Ngoài ra, một số khách là chuyên gia của các doanh nghiệp thực hiện cách ly y tế.
Tuy nhiên sau bốn tháng ở nhà, nhu cầu du lịch tại chỗ (staycation) của nhiều người dân thành phố đang có dấu hiệu tăng mạnh, kỳ vọng vực dậy ngành khách sạn ở Sài Gòn hiện tại.
Theo bà Huỳnh Thị Mai Thy, giám đốc Traveloka Việt Nam, những ngày cuối tuần của Tháng Mười, công ty ghi nhận lượng đặt phòng khách sạn tăng lên đáng kể nhờ vào lượng khách lựa chọn nghỉ dưỡng tại chỗ (staycation). Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch và lữ hành trong thời gian tới, trong khi việc du lịch đến những nơi xa còn khó khăn.
“Chúng tôi dự đoán xu hướng ‘staycation’ sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt tại các thành phố lớn, khi khách hàng có xu hướng tìm kiếm sự an toàn, cũng như những lựa chọn kỳ nghỉ ngay tại thành phố hoặc gần nhà trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay,” bà Thy nói.
Thế nhưng, ông Nguyễn Trung Công, giám đốc công ty iVIVU.com, cho biết mặc dù nhu cầu du lịch tại chỗ (staycation) có tăng, song để phục hồi lâu dài, ngành khách sạn và du lịch nói chung cần nhiều hơn staycation, vì đây vẫn là trào lưu ngắn hạn, không đáp ứng trọn vẹn cho một kỳ du lịch đúng nghĩa.
Khách hàng muốn đi du lịch là muốn có một trải nghiệm ở một không gian hoàn toàn mới, khí hậu khác biệt, trải nghiệm những điều mới mẻ. Do đó, staycation có thể giải tỏa cho mong muốn đi du lịch đang bị kìm nén hiện tại, nhưng khi thị trường du lịch quay lại, người dân sẽ tiếp tục chọn những chuyến du lịch xa hơn.
Do vậy, nếu muốn vực dậy ngành du lịch và khách sạn, điều doanh nghiệp đang rất cần chính là các chính sách hỗ trợ của nhà nước liên quan đến dòng tiền/ vốn vay ưu đãi, để có thực lực có thể khôi phục kinh doanh, tạo tiền đề cho việc phục hồi ngành du lịch nội địa, cũng như thu hút được khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
“Sau một thời gian dài chống chọi với đại dịch, các doanh nghiệp trong ngành đều đang rất khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để có thể phục hồi, tiếp tục phục vụ khách hàng,” ông Công cho biết. (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com