Bắc Kinh cố kéo đối tác ASEAN ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ nhân dịp tổ chức cuộc họp thượng đỉnh hầu nâng cao mối quan hệ.
Ngày Thứ Hai 22 Tháng Mười Một, cuộc họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN sẽ diễn ra trực tuyến nhân dịp đôi bên kỷ niệm 30 năm quan hệ “đối tác đối thoại” mà Bắc Kinh mới đây đạt được thỏa thuận nâng lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Cuộc họp chuẩn bị diễn ra sau cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà thiên hạ theo dõi nhằm lượng định chiều hướng cục diện bàn cờ thế giới xoay chuyển theo chiều hướng nào.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới chỉ thấy loan báo có cuộc họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc với ASEAN, nhưng Hoàn Cầu thời báo, cái loa tuyên truyền bán chính thức của họ, nói rằng Bắc Kinh dự trù “tạo ra một thí dụ về hợp tác thành công nhất ở khu vực Á châu – Thái bình dương” dù một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam vẫn đang tranh chấp Biển Đông với họ.
Tháng Tám vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam thăm viếng. Tin tức truyền thông quốc tế tiết lộ rằng bà Harris ngỏ ý muốn đôi bên nâng cấp thành quan hệ “đối tác chiến lược” từ “đối tác toàn diện”, đồng thời cũng muốn giúp Hà Nội đối phó với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
Không thấy truyền thông trong và ngoài nước có tin tức gì về lời đề nghị đó được Hà Nội trả lời ra sao. Cùng ngày bà Harris đến Hà Nội, thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính đã phải tiếp đại sứ Trung Quốc Hùng Ba mà báo chí trong nước thuật lời ông Chính lập lại lời cả quyết của đám lãnh tụ Hà Nội trước đây là CSVN “không liên kết với nước này để chống nước khác”.
Dịp này, ông Chính còn được dẫn lời nói “Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, theo trang mạng chinhphu.vn ngày 24 Tháng Mười 2021.
Tháng Chín trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Hà Nội thúc giục CSVN “kềm chế các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, tránh làm phức tạp thêm tình hình” và nhắc nhở “Việt Nam nên cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài”, theo bản thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11 Tháng Chín 2021.
Ông Vương Nghị đã tới hầu hết các nước ASEAN vận động tranh thủ ảnh hưởng địa chính trị với Hoa Thịnh Đốn, tuyên truyền “chia sẻ tương lai thịnh vượng chung” trong khi Bắc Kinh ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông, nắt nạt các nước nhỏ phía nam.
Suốt những năm qua, lực lượng Hải cảnh và đoàn tàu dân quân biển của Trung Quốc thường xuyên quấy rối các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia vì nằm trong cái phạm vi “Lưỡi bò” mà Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm, ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Dù vấn đề Biển Đông vẫn là cái gai trong mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, mậu dịch hai chiều giữa các nước ASEAN với Trung Quốc năm ngoái đạt $732 tỉ USD, đứng đầu các đối tác thương mại của Bắc Kinh, bên trên cả Liên Âu, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.
Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc sắp sửa diễn ra sẽ vào lúc các cuộc đấu tranh trên nhiều mặt giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn ngày càng gay gắt trong khi các nước ASEAN không muốn bị chết kẹt ở giữa.(TN)
Nguồn: nguoi-viet.com