[https://vi.wikipedia.org/wiki/Christine_H%C3%A0]
Cũng đã gần 10 năm, ngày mà Hà Huyền Trân – cô gái mù gốc Việt đứng trên bục vinh quang, nhận giải quán quân trong cuộc thi truyền hình thực tế Vua đầu bếp “MasterChef”. Cho đến giờ, mỗi lần nhắc đến tên “Vua Đầu Bếp”mùa thứ ba của hệ thống truyền hình FOX-Christine Ha (tên Mỹ của cô), khó mà hình dung nổi, làm cách nào một cô gái mù lòa như Hà lại có thể làm được những điều tuyệt vời đến thế.
Sự khởi đầu từ một dấu chấm hết:
Năm 1975, gia đình Hà Huyền Trân di tản từ Sài Gòn sang Mỹ. Bốn năm sau Hà ra đời, tại Los Angeles County, California. Trước khi định cư tại thành phố Houston, Texas cho đến nay, Hà chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà ở Lakewood, sau khi chuyển từ Long Beach, California.
Sinh ra ở Mỹ, nên chắc Hà sẽ chẳng bao giờ đụng đến chén nước mắm, dĩa cá kho, nếu không được cha mẹ nấu cho ăn khi còn nhỏ. Nhưng khi ấy, cô bé chưa cảm nhận giá trị của những món ăn truyền thống quê hương là như thế nào. Hà tâm sự: “Hồi nhỏ, nhiều lúc mình còn cảm thấy xấu hổ khi bị cha mẹ bắt ăn những món của Việt Nam, nấu bằng thịt heo, cá da trơn. Mình nghĩ, ủa, tại sao cứ phải ăn những món này, thay vì xúc xích, thịt nguội, pho-mát cơ chứ!”
Mọi thứ thay đổi khi gia đình Hà gặp biến cố lớn: mẹ của cô – một nhân viên xã hội, phát hiện mắc bệnh ung thư. Bà phải chịu đựng đau đớn trong những đợt hóa trị và chống chọi với căn bệnh không thuốc chữa, để cuối cùng cũng không thoát được bàn tay tử thần. Lúc đó, Hà mới chỉ là cô bé 14 tuổi, chưa đủ khôn lớn để nhận ra rằng mình không chỉ mất mẹ, mà còn mất cả “gia tài của mẹ” là những công thức nấu món Việt, chưa kịp được mẹ trao cho. Giỗ mẹ được vài năm, Hà chịu thêm một biến cố nữa, làm thay đổi cuộc đời cô.
Vào một buổi sáng khi thức dậy thấy mọi vật như nằm dưới lớp sương mù, Hà bực bội đổ lỗi cho cặp kính sát tròng, tưởng rằng nó bị bẩn. Nhưng các triệu chứng khác dần dần xuất hiện như tê tay, ngứa ran một bên chân phải, tệ hơn nữa bị mất luôn cảm giác có khi từ cổ trở xuống. Cô được chẩn đoán bị viêm dây thần kinh thị giác. Hà phải chịu đựng căn bệnh này suốt quãng đời sinh viên.
Khả năng nhận ra cảnh vật và con người trước mặt cứ dần dần thu hẹp. “Thật là khủng khiếp khi mắt của mình cứ ngày càng mờ đi”,Hà tâm sự.Ở tuổi đôi mươi, ai cũng nghĩ mình phải là người bất khả chiến bại, nhưng trong khi bạn bè đang hớn hở trên bước đầu tạo dựng sự nghiệp,Hà lại rơi vào khủng hoảng trước tương lai là một bầu trời đen tối. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bốn năm kể từ khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu, các bác sĩ thần kinh xác định được NMO-IgG trong dịch não tủy của cô, và chính thức chẩn đoán Hà bị bệnh Neuromyelitis optical-NMO (Viêm tủy thị thần kinh). Bi kịch ở chỗ, không có phương pháp nào để chữa trị NMO và không có loại thuốc nào có thể phục hồi được thị lực và các dây thần kinh thị giác sẽ cứ ngày càng teo lại. Những tưởng, Hà sẽ không còn thiết tha và hy vọng về cuộc sống nữa. Nhưng thay vì đặt dấu chấm hết từ đây, với Hà, nó lại là một sự khởi đầu.
Một bình thường mới:
Năm 2001, Hà tốt nghiệp ngành tài chính và quản lý hệ thống thông tin ở Đại học Texas tại Austin, nhưng cô không thể đi làm vì thị lực khi đó đã quá yếu. Cô quyết định tiếp tục theo đuổi sự học, ghi danh học Cao học về sáng tác văn chương tại Đại học Houston. Hà cũng bắt đầu học chữ nổi, vì khả năng lấy lại nguồn ánh sáng là vô vọng.
Năm 2007, Hà bị mù hẳn. Cô kể lại: “Mình nhớ mình đã đứng trong gian bếp để cố gắng làm một chiếc bánh sandwich bơ đậu phộng. Kết quả là nó ra một mớ hỗn độn. Trời ơi, mình không thể làm được một chiếc bánh sandwich nữa hay sao! Lúc ấy, mình nghĩ thôi rồi, kiểu này còn nấu nướng gì được.”
Nhưng nỗi tủi thân của Hà không kéo dài. Nấu ăn phải là bước quan trọng đầu tiên cần vượt qua, Hà bắt đầu với cách dùng các dụng cụ nhà bếp. “Từng bước một, mình học cách dùng dao nhỏ, rồi dao lớn hơn, sắc hơn, làm cách nào để đun ấm nước sôi, cách áp chảo, chiên xào một món gì đó. Mình tự điều chỉnh cuộc sống bằng những bước nhỏ như thế,” Hà nói.
Quyếtđịnh đương đầu với số phận,Hà chọn ẩmthực là con đường duy nhất mà cô có thể làm được,khi bị mất thị giác,nhưng thính giác và vị giác vẫn…làm việc tốt.Tự dưng lúc này, những món ăn Việt của mẹ cứ hiện lên trong trí óc Hà. Ký ức về những món ăn cha làm và cảm giác ngon miệng cứ thôi thúc Hà phải vào bếp.
Hà sử dụng sách dạy nấu ăn Việt Nam, và chế biến lại các món ăn mà mẹ nấu cho khi còn nhỏ. Lúc này, cô mới nghiệm ra rằng, chính những món ăn của mẹ đã giúp cô có được nguồn cảm hứng nấu ăn. Hà có thể nấu nếu chuẩn bị sẵn mọi thứ, biết trước dụng cụ nấu nướng hay vật liệu để ở đâu. Hà dùng tai để nghe tiếng nước sôi, tiếng hành tỏi tí tách trong chảo dầu, dùng mũi để ngửi mùi thơm của món ăn và dùng lưỡi để nêm nếm cho đến khi món ăn thật sự hoàn hảo.
Với đôi mắt mù lòa mà vẫn tự nấu ăn được, Hà cảm thấy mình đang dần trở lại cuộc sống bình thường mới.
MasterChef 2012:
Không chấp nhận số phận của một người khiếm thị, Hà nhất quyết phải làm một điều gì đó để chứng tỏ cô là người bình thường. Và “điều gì đó” là ghi danh tham dự cuộc thi truyền hình thực tế Vua đầu bếp “MasterChef” mùa thứ ba, năm 2012, của hệ thống truyền hình FOX.
Cuộc thi Vua đầu bếp MasterChef mùa ba được tổ chức tại thành phố Los Angeles, California, có 30,000 người dự thi, và chỉ có 100 người được chọn vào vòng chung kết. Cuộc thi kéo dài từ ngày 4 Tháng Sáu đến ngày 10 Tháng Chín năm 2012.
Trong 19 lần phát sóng, thì sáu lần, “đầu bếp Christine Hà” chiến thắng ở cả thử thách cá nhân lẫn đồng đội, ba lần nằm trong top ba thí sinh xuất sắc nhất tập. Suốt ba tháng thi đấu, Hà trải qua những giây phút hạnh phúc và cả đau khổ: Hạnh phúc, hãnh diện vì đứng top đầu cũng có, buồn bã vì những lời nhận xét khó nghe của ban giám khảo cũng có và kiệt sức vì những lần bị đối thủ “làm khó” cũng có.
Trong vòng thi món ăn tự chọn, Hà làm những món ăn đơn giản nhưng mang đậm hương vị Việt và Á châu như: Cá kho tộ, gỏi đu đủ Thái, cơm tấm sườn, sò điệp xào, kem dừa. Đó là sự chọn chính xác, vì chính giám khảo của cuộc thi, đầu bếp danh tiếng Gordon Ramsay, nói với Hà rằng, cô đã biết tận dụng thế mạnh nguồn gốc Việt của mình với những gia vị đặc thù Việt Nam, như nước mắm để làm nên những món ăn ngon. Hà cũng được khen ngợi về độ cân bằng dinh dưỡng và chế biến những món ăn hoàn hảo.
Kết quả, Hà giành chiến thắng, đoạt chức quán quân của cuộc thi vào ngày 10 Tháng Chín, 2012. Giải thưởng cho Hà là $250,000 và hợp đồng xuất bản sách nấu ăn của chính mình.
Hôm nhận giải thưởng, Hà xúc động chia sẻ: “Tôi không thể tin rằng mình đã chiến thắng. Với tôi, được tham dự MasterChef đã là một kinh nghiệm đáng nhớ nhất trong đời. Bằng tất cả nghị lực, tôi đã cố gắng vượt qua những trở ngại để đi lên và may mắn vượt qua những đầu bếp tuyệt vời nhất nước Mỹ. Tôi đang đứng ở đây với chiến thắng trong tay như một minh chứng rằng mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực”.
Sóng gió trên đỉnh vinh quang:
Christine Hà là một người khiếm thị đầu tiên tham dự chương trình tranh tài Vua Đầu bếp MasterChef này. Trong vòng đầu tiên, Hà tham gia với sự hỗ trợ của chồng, anh John Suh. Khi bước ra với chiếc gậy trên tay, Hà đã khiến ban giám khảo bất ngờ, và một chút nghi ngờ, rằng người khiếm thị sao lại có thể tham gia chương trình về ẩm thực. Ít lâu sau, người cùng vào chung kết cuộc thi năm ấy với cô, Josh Marks, đã tự sát vì bệnh trầm cảm nặng. Cái chết của Marks tưởng như không liên quan gì đến người đoạt giải quán quân, nhưng bất ngờ thay, mọi chỉ trích dồn vào cái tên “Christine Hà”.
Hà bị mang ra so sánh với Marks, những lời đàm tiếu cho rằng cô không xứng đáng với ngôi vị quán quân, rằng chiến thắng của cô đầu bếp khiếm thị chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất để câu rating. Kinh khủng hơn, người ta đổ tội cho Hà, rằng cái chết của Marks là do chính đôi mắt mù lòa kia gây nên. Thậm chí người ác ý còn cho rằng cô giả mù để thu hút sự chú ý. Mọi chuyện cứ dồn dập xảy ra, khiến đôi lúc Hà bị khủng hoảng tinh thần, cho dù cuộc chiến năm ấy hoàn toàn công bằng.
Không chỉ là hư danh:
Bỏ qua những lời đàm tiếu, Christine Hà quyết tâm mở nhà hàng đầu tiên tại khu Bravery Chef Hall ở Houston, Texas. Đó cũng là niềm mơ ước của Hà từ bấy lâu nay, và cũng để chứng minh cho mọi người, rằng “Vua Đầu Bếp” không chỉ là hư danh. Trước khi được là “Vua Đầu Bếp”, Hà còn nhận được giải thưởng biên tập thơ từ ScissorTale Review. Hiện nay, Hà cũng là biên tập viên tiểu thuyết cho Gulf Coast – một tạp chí văn học và nghệ thuật Mỹ – và làm việc cho các tạp chí Fire Point, The ScissorTale Review…
Hà cho ra đời blog theblindcook.com. Bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói và các chương trình đọc văn bản, cô bắt đầu chia sẻ công thức nấu ăn. Lượng khán thính giả của Hà ngày càng đông – những người không chỉ đánh giá cao nghệ thuật nấu ăn của cô đầu bếp đặc biệt, mà còn cả bài học cuộc sống của cô, mặc cho những cơn đau bệnh không hề từ bỏ cô. Đến giờ vẫn chưa có phương pháp điều trị nào hiệu quả cho căn bệnh NMO mà cô đang phải sống chung.
Cô tâm sự: “Là người Việt Nam, tôi rất thích phương pháp điều trị Đông y như thảo dược và châm cứu. Bệnh của tôi sẽ nặng hơn nếu cứ bị căng thẳng. Trước đây tôi dễ bị stress lắm, nhưng bây giờ tôi đặt sức khỏe lên hàng đầu. Khi bị ngứa ran hoặc đau sau mắt, tôi nằm nghỉ một chút, nghĩ từ từ sẽ hết thôi”. Ngoài hai chú chó cưng, người chồng tận tụy, thương yêu, và bằng các tập yoga, thiền, Hà cũng tìm lại được cảm giác thư thái, bình yên trong tâm hồn”.
Một món ăn tại nhà hàng Xin Chao (khai trương vào Tháng Chín 2020 tại Houston) của Christine Ha.
Mấy năm qua, cùng chồng, Hà làm những video khám phá ẩm thực trên YouTube *. Cô dạy kỹ năng làm bếp cho người khiếm thị và được trao giải thưởng thành tựu cá nhân “American Foundation for the Blind’s Helen Keller Personal Achievement Award” năm 2014.
Cô còn vận động cho những người khiếm thị, phụ nữ và người Mỹ gốc Á vươn lên, và theo đuổi những gì họ muốn mong muốn. Cô thường xuyên nhận được thư của người hâm mộ trẻ, và cả những em bé. Các em nói rằng câu chuyện của cô đã mang lại cho chúng sự mạnh mẽ để chơi thể thao hoặc can đảm đứng lên chống lại những kẻ bắt nạt. Với gương mặt tràn đầy niềm vui, và nụ cười thật tươi, Hà nói: “Có người còn gửi thư cho tôi, nói rằng họ bị trầm cảm nặng, và khi xem chương trình của tôi, họ rời khỏi giường, vào bếp, nấu ăn cho cả nhà. Chứng trầm cảm của họ dần dần biến mất.”
Hiện Hà đang thực hiện một cuốn hồi ký. Chắc chắn một điều, ký ức của quá khứ, và hiện tại sẽ được kết nối bằng chính những món ăn Việt do Hà thực hiện, để tô điểm thêm cho chuyến hành trình tiếp nối ở tương lai phía trước. Đó là một tương lai mà Hà sẽ chỉ nhìn thấy mảng tối trước mắt, nhưng luôn được thắp sáng bởi không chỉ ánh hào quang của một “Vua Đầu Bếp” mà còn là nghị lực phi thường của một phụ nữ không đầu hàng sự bất hạnh của số phận./.
*https://www.youtube.com/watch?v=tWmjHn6mfjc&t=161s;