Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết rất nhiều bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh bị di chứng kéo dài, hay còn gọi là “Long COVID” ở cả người lớn lẫn trẻ em.
Theo BBC, bà Janet Diaz, trưởng nhóm Chăm Sóc Lâm Sàng Trong Chương Trình Khẩn Cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về “Long COVID” cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan di chứng hậu COVID-19. Hầu hết triệu chứng thường xảy ra ở người lớn, nhưng không có nghĩa trẻ em sẽ không bị.
Vậy, trẻ em sẽ bị “Long COVID” như thế nào? Theo WHO, “Long COVID” là tình trạng di chứng xảy ra trong khoảng ba tháng kể từ khi nhiễm bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán. Các triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian. Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh (CDC) Châu Âu cho biết phần lớn trẻ em không có các triệu chứng khi bị nhiễm COVID-19, hoặc các triệu chứng rất nhẹ. Nhưng theo nhiều nghiên cứu, trẻ em có thể bị di chứng hậu COVID-19 kéo dài. Tuy vậy, các em có xu hướng hồi phục nhanh hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em nhiễm COVID-19 nhẹ và nặng đều có thể gặp phải các di chứng kéo dài, như mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, khó tập trung, đau cơ và khớp, ho.
Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Úc với 2,000 trẻ em và người lớn nhiễm COVID-19 ở New South Wales, 20% trường hợp có các triệu chứng dai dẳng sau 30 ngày nhiễm virus. Đến ngày thứ 90, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5%. Nhóm tuổi trẻ nhất (0-29 tuổi) có nhiều khả năng phục hồi nhanh hơn các nhóm tuổi lớn hơn. Nghiên cứu khác của đại học Victoria University, Úc, kiểm tra dữ liệu của 151 trẻ em nhiễm bệnh nhẹ, 8% trong số đó gặp di chứng dai dẳng đến tám tuần. Tuy nhiên, tất cả đều đã hồi phục hoàn toàn sau ba đến sáu tháng.
Theo Webmd, nghiên cứu toàn diện nhất cho đến nay là từ đại học King’s College London, Anh, theo dõi dữ liệu ở trẻ em 5-17 tuổi nhiễm COVID-19. Trong số 1,734 trẻ em, 4.4% gặp di chứng kéo dài 28 ngày sau khi khởi phát bệnh. 1.8% trẻ gặp “Long COVID” ở ngày thứ 56.
Các chuyên gia cũng phát hiện trẻ độ tuổi từ 12 đến 17 có nhiều khả năng nhiễm các triệu chứng “Long COVID” hơn so với trẻ 5-11 tuổi. Trẻ em có thể gặp các di chứng kéo dài khác như: khó suy nghĩ hoặc tập trung, tức ngực, ho, trầm cảm hoặc lo lắng, tim đập nhanh, đau khớp hoặc cơ, chóng mặt khi đứng lên, mất mùi hoặc vị, khó thở.
Các triệu chứng cụ thể ở trẻ có thể phụ thuộc vào mức độ bệnh. Nếu phải điều trị chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc sử dụng máy thở, trẻ có thể bị yếu cơ, mệt mỏi, nhịp tim nhanh và hội chứng “sương mù não.” Đây là tất cả tác dụng phụ thường gặp ở những người đã ở trong ICU. Ba phần tư trẻ gặp triệu chứng “Long COVID” cho biết đã hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, dữ liệu về 1/4 trẻ còn lại không có đủ, vì vậy, các nhà nghiên cứu chưa rõ liệu có bao nhiêu trẻ trong nhóm này có thể gặp vấn đề lâu dài hơn.
Mặc dù ít xảy ra và nhẹ, các trường hợp trẻ nhỏ bị “Long COVID” vẫn xảy ra. Một số trẻ bị ho dai dẳng và mệt mỏi kéo dài cả tháng trời.
Theo chla.org, Tiến Sĩ Aaron E. Glatt, trưởng khoa Bệnh Truyền Nhiễm tại Mount Sinai South Nassau ở New York, cho biết một số triệu chứng sẽ biến mất theo thời gian, nhưng không có phương pháp điều trị cụ thể nào đối với “Long COVID” ở trẻ. Theo ông, nếu bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, các bác sĩ lâm sàng sẽ cố gắng tìm ra cách để giảm thiểu nó, giúp bệnh nhân đối phó với vấn đề tốt hơn.
“Chúng tôi không có thuốc, kháng thể đơn dòng hay bất kỳ thứ gì tương tự có hiệu quả giảm ‘Long COVID.’ Tình trạng này hiện vẫn chưa được làm rõ ở người lớn. Vì vậy, nó cũng vẫn là vấn đề đáng quan tâm ở trẻ em,” Tiến Sĩ Glatt nói.
Các triệu chứng “Long COVID” sẽ ảnh hưởng khả năng học tập hoặc hoạt động bình thường của trẻ. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục sau bốn tuần, cha mẹ nên cân nhắc nói chuyện với giáo viên hoặc nhân viên y tế về tình trạng của con.
Lời khuyên của Tiến Sĩ Brad Schlaggar, giám đốc điều hành Kennedy Krieger Institute, Baltimore, Maryland, đưa ra cho các bậc phụ huynh, là nên đưa trẻ đi chích vaccine ngay khi đủ điều kiện. Đồng thời vẫn phải thực hiện các biện pháp ngừa lây nhiễm như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, và chích ngừa cúm hằng năm. (Bảo Khôi)
Nguồn: nguoi-viet.com