Sài Gòn yêu cầu ngưng hoạt động kinh doanh vũ trường karaoke, spa, quán bar, massage sau hai ngày cho phép mở cửa ở các “vùng xanh.”
Quyết định trên do ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch thành phố, nêu trong công văn gửi các sở ngành và quận, huyện ngày 18 Tháng Mười Một.
Theo báo Zing, việc này được chính quyền thành phố đưa ra theo đề nghị của Sở Y Tế thành phố trong bối cảnh ca COVID-19 đang “diễn biến phức tạp.”
“Quy định thay đổi quá nhanh, chúng tôi thực sự trở tay không kịp. Từ lao công, bảo vệ, nhân viên cho đến quản lý đều bất ngờ khi dịch vụ karaoke phải tiếp tục đóng cửa,” bà Thùy Dương, đại diện chuỗi karaoke ICool, bất bình nói.
Tương tự, anh Trương Văn Sương, quản lý quán karaoke trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3, đã rất hụt hẫng khi hay tin dịch vụ karaoke phải tiếp tục đóng cửa.
Trong đợt dịch, anh Sương phải làm thời vụ ở một kho hàng để có thu nhập trang trải cuộc sống. Tối 16 Tháng Mười Một, hay tin karaoke được phép hoạt động, anh Sương không ngủ được vì cảm giác vui mừng, háo hức được quay lại với đúng ngành nghề, công việc của mình.
“Lúc đó vui mừng bao nhiêu, thì bây giờ lại lo lắng bấy nhiêu,” anh Sương nói.
Tương tự, các quán bar ở phố Tây Bùi Viện, quận 1, rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi đang dọn dẹp chuẩn bị mở cửa đón khách sau hai ngày được phép hoạt động, thì chiều 18 Tháng Mười Một, thông báo dừng hoạt động bar, vũ trường, karaoke… Nhân viên lại dọn quán trở vào.
Như vậy tính đến nay, các dịch vụ vui chơi tại Sài Gòn đã phải ngưng hoạt động gần bảy tháng để “phòng dịch.”
Trước đó hôm 16 Tháng Mười Một, Sài Gòn ban hành quy định tạm thời các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trên địa bàn.”
Theo báo VNExpress, một loạt dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, bar, vũ trường, khiêu vũ, karaoke, rạp chiếu phim, thư viện, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi điện tử… được phép mở cửa trở lại tại những nơi có cấp độ 1 (vùng an toàn).
Điều kiện là người làm việc phải chích đủ liều vaccine hoặc khỏi COVID-19. Khách hàng cũng tương tự hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.
Ở địa bàn ghi nhận dịch cấp độ 2 và 3 (vùng nguy cơ cao), các dịch vụ này được hoạt động nhưng công suất tối đa lần lượt là 50% và 25%. Địa bàn cấp độ 4 (vùng nguy cơ rất cao), các dịch vụ trên phải dừng hoạt động.
Đến nay, Sài Gòn đã “mở cửa” gần hai tháng rưỡi. Nhiều dịch vụ được kích hoạt khiến không khí thành phố dần sôi động. Chính quyền thành phố nhận định dịch trong tầm kiểm soát, song COVID-19 nguy cơ bùng phát ở một số địa bàn.
Gần đây, trung bình mỗi ngày ca nhiễm ở Sài Gòn dao động bốn con số. Tính đến nay tổng số ca bệnh ở đợt dịch thứ tư ở thành phố hơn 451,000 trường hợp, chiếm gần một nửa số ca nhiễm tại Việt Nam.
Trong khi đó sau khi bị công luận chỉ trích, tối 18 Tháng Mười Một, ông Chu Ngọc Anh, chủ tịch thành phố Hà Nội, đã phải ký ban hành “Công Điện số 24” về việc “giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ địa bàn có dịch trở về thành phố.”
Theo đó, Hà Nội cho dừng quy định cách ly tại nhà bảy ngày với những người đã chích đủ liều vaccine hoặc bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, đi về từ các “nguy cơ” và các tỉnh, thành có số ca nhiễm cao như Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com