Nhiều địa phương ở miền Tây đã nâng cấp độ dịch, xuất hiện thêm nhiều vùng cam và vùng đỏ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tăng cao.
Tỉnh Bạc Liêu có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay
Theo Sở Y tế Bạc Liêu, số ca mắc COVID-19 tại đây vẫn đang tăng nhanh, nhất là thêm nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây.
Trong ngày 31/10, tỉnh ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay với 414 trường hợp. Đây cũng là địa phương thực hiện nghị quyết 128 nhưng đến nay vẫn duy trì chốt kiểm soát liên tỉnh.
Các chốt kiểm soát này có nhiệm vụ chủ yếu là hướng dẫn người dân khai báo y tế, phân loại và hướng dẫn áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với cấp độ dịch ở địa phương của người vào tỉnh và được yêu cầu không gây ách tắc giao thông.
Tỉnh Bạc Liêu đã thiết lập thêm 3 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại huyện Hồng Dân và TP. Bạc Liêu. Trong đó, 2 cơ sở tại thị trấn Ngan Dừa có quy mô 100 và 500 giường. Cơ sở tại TP. Bạc Liêu có quy mô 200 giường bệnh. Trước đó, tỉnh đã thiết lập cơ sở có quy mô 500 giường bệnh tại xã Phong Thạnh A (thị xã Giá Rai).
An Giang ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục
Tại An Giang, trong ngày 31/10, tỉnh ghi nhận thêm 342 trường hợp dương tính với COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm từ ngày 15/4 đến nay lên 10.978 ca. Đây cũng là ngày An Giang ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay.
Nhiều địa phương đang bùng phát dịch mạnh và có số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao hiện nay là: TP. Long Xuyên, Châu Đốc, Chợ Mới và huyện Tri Tôn.
Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – cho biết, giải pháp của tỉnh là khi phát hiện chuỗi lây nhiễm mới thì thực hiện truy vết nhanh, xét nghiệm rộng nhưng phong tỏa hẹp.
Theo phân loại cấp độ dịch, hiện toàn tỉnh An Giang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Có 110 xã, phường thuộc cấp 1; 31 xã, phường cấp 2; 13 xã thuộc cấp 3 và 2 xã thuộc cấp 4 (là xã Hoà Lạc và Long Hoà đều thuộc huyện Phú Tân).
Vĩnh Long: 5/8 địa phương vùng đỏ (cấp độ 4)
Tại Vĩnh Long, toàn tỉnh ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) từ 0h ngày 31/10. Tuy nhiên, có 5/8 huyện, thị, thành phố có khu vực ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) và 12 xã, phường ở 3 huyện, thành phố ở cấp độ 3 (nguy cơ cao).
Chính quyền tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các địa phương nhanh chóng điều tra, truy vết nguồn lây, xét nghiệm tầm soát đánh giá cấp độ dịch. Tuỳ tình hình cụ thể mà mỗi địa phương có phương án thu hẹp (hoặc mở rộng) phạm vi thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp.
Tỉnh Vĩnh Long cũng tiếp tục quản lý chặt chẽ tất cả các trường hợp về từ các tỉnh, thành có số ca mắc COVID-19 cao như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…; các trường hợp có nguy cơ cao (nhất là những điểm có người về từ các khu vực trên và các khu vực cấp độ 3, 4).
Sóc Trăng: Vượt mốc 5.000 ca mắc COVID-19
Theo Bác sĩ Trần Văn Khải – Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, số ca mắc tại địa phương đang tiếp tục tăng nhanh. Đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Sóc Trăng đã vượt mốc hơn 5.000 ca. Các địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất là: huyện Trần Đề (1.869 ca), thị xã Vĩnh Châu (969 ca), huyện Mỹ Xuyên (668 ca)…
Trong tối 30/10, tỉnh ghi nhận thêm 4 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 48 ca.
Từ 12h giờ ngày 2/11, tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển cấp độ dịch từ cấp độ 1 (vùng xanh) sang cấp độ 2 (vùng vàng). Cũng từ ngày 2/11, Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh bắt đầu hoạt động để thu dung và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.
Hậu Giang: Nhiều xã, thị trấn nâng cấp độ dịch
Tính đến 12h ngày 31/10, toàn tỉnh Hậu Giang ở cấp độ 2, không có huyện, thị, thành phố nào ở cấp 1.
Tại từng địa phương, nhiều xã, thị trấn của tỉnh Hậu Giang đã chuyển từ cấp độ 2 (vùng vàng) sang cấp độ 3 (vùng cam – nguy cơ cao) và cấp 4 (vùng đỏ – nguy cơ rất cao).
Ngày 31/10, ông Đồng Hoàng Dũng – Chánh văn phòng UBND tỉnh – cho biết, tỉnh tái lập các chốt kiểm soát dịch COVID-19 chủ động và “dễ thở” hơn trước. Theo đó, các chốt kiểm soát ra vào huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được tái lập, nhưng không tái lập chốt kiểm soát tuyến quốc lộ.
Cụ thể, chốt kiểm soát vào nội tỉnh cho xe ô tô đi qua và hướng dẫn khai báo tại trạm y tế. Người dân đi xe máy thì dừng xe, hướng dẫn khai báo y tế, được nhắc nhở nếu đi đến nơi có dịch COVID-19 thì khi quay về thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm.
Lực lượng trực chốt sẽ sàng lọc, phân nhóm các trường hợp, hướng dẫn khai báo y tế nhanh không để ùn tắc giao thông, hạn chế tập trung đông người.
Hiện, toàn tỉnh Hậu Giang đang có 11 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Tính từ ngày 27/4 đến 30/10, địa phương này đã ghi nhận tổng số 1.375 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 876 người đã được xuất viện, 3 trường hợp tử vong.
Số người đang cách ly tập trung là 1.682 người; cách ly tại nhà và nơi cư trú: 1.751 người; tự theo dõi sức khỏe tại nhà: 8.523 người.
Cần Thơ nâng cấp độ dịch từ 9h ngày 1/11
Từ 9h ngày 1/11, TP. Cần Thơ nâng cấp độ dịch lên cấp 2.
Về cấp độ của từng địa phương, thành phố có 8 quận, huyện ở cấp độ 2 và quận Cái Răng ở cấp độ 1. Theo đánh giá của Sở Y tế, thành phố có:
- 29 phường/xã/thị trấn có dịch ở cấp độ 1.
- 43 đơn vị ở cấp độ 2.
- 10 đơn vị ở cấp độ 3.
- Phường An Nghiệp (quận Ninh Kiều) ở cấp độ 4.
Theo hướng dẫn cụ thể các hoạt động ở từng cấp độ dịch được thực hiện từ 9h ngày 1/11:
Ở cấp độ 1: các hoạt động diễn ra theo trạng thái “bình thường mới”, đảm bảo các yêu cầu về phòng dịch.
Ở cấp độ 2: người dân không tập trung quá 30 người. Cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống chỉ được phép bán mang về hoặc tại chỗ nhưng không quá 50% công suất. Mỗi bàn cách nhau tối thiểu 2 m, không phục vụ rượu bia và các loại đồ uống có cồn.
Cơ sở cắt tóc, gội đầu và hoạt động thể thao, bơi lội được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất tại cùng thời điểm. Tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí, karaoke, quán bar, massage, vũ trường…
Ở cấp độ 3: yêu cầu không tập trung quá 10 người và cấp 4 không quá 2 người. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang đi hoặc tại chỗ nhưng không quá 30% công suất ở cùng thời điểm và không phục vụ đồ uống có cồn.
Minh Nguyệt – Mạnh Hùng
Nguồn: NTDVN