Đoan Trang / Người Việt
“Ngày đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ, nhân viên phi trường nói gì, tôi không hiểu. Sau 18 năm, giờ đây tôi có thể truyền đạt kinh nghiệm trong nghề cho mấy chục quân nhân Mỹ một cách trôi chảy. Tôi mua được nhà, có công việc ổn định, lương cao, sống khỏe ru!” cô hạ sĩ quan Hải Quân Lê Thu Phương tâm sự với nhật báo Người Việt.
Đi lính Mỹ chỉ vì muốn giỏi… Anh ngữ
Cô Phương, 38 tuổi, có 13 năm phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ, cho biết quân đội chính là “ngôi trường” tốt nhất dạy cho cô sử dụng sinh ngữ thứ hai không thua gì tiếng mẹ đẻ.
Năm 2006, cô cùng cha mẹ sang Mỹ định cư do ông bà bảo lãnh. Lúc đó cô mới 20 tuổi và đang còn học dở dang năm thứ hai Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn.
“Trước khi đi, mình có học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, cứ nghĩ là biết nhiều lắm,” cô Phương kể. “Nhưng khi qua đây, người ta nói gì mình cứ ngớ người ra, mà mình nói gì người ta cũng không hiểu. Tôi chán nản vô cùng!”
Thời gian đầu, cô nộp đơn vào đại học Cal State Fullerton và được nhận, vì cô có điểm của trường đại học bên Việt Nam. Cô buộc phải học chương trình ESL (English As a Second Language) trước, vì tiếng Anh của cô không đủ để hiểu bài.
Ở trong khuôn viên nhà trường, ngay cả các bảng hiệu giao thông, cô cũng không hiểu lúc nào được đi, lúc nào phải dừng lại.
Gia đình mới qua, không có tiền cho Phương đi học, mà học phí ở đại học lại quá cao, trong khi cô chưa ở California đủ một năm để được tính là cư dân tiểu bang, nên vẫn phải đóng tiền học như du học sinh. Cô quyết định chuyển qua Golden West College ở Huntington Beach, học phí rẻ hơn, mà chương trình cũng nhẹ.
Tuy vậy, cô Phương vẫn phải làm thêm ở nhà hàng phở để kiếm tiền đóng học phí. Mỗi tuần, cô đi học bốn ngày, đi làm ba ngày. Sau một năm học ESL, cô ghi danh học chuyên ngành.
“Lúc đó, tôi ghi danh học ngành y tá, vì ai cũng nói học y tá dễ kiếm việc làm, lương cao, nhưng vô lớp thầy cô dạy, tôi nghe cứ như ‘vịt nghe sấm’ dù mới chỉ là những môn chuẩn bị, chứ chưa phải vô lớp chuyên ngành chính,” cô Phương cười… đau khổ, kể tiếp.
Cô nói, vì theo không kịp bài giảng, cô phải mua máy ghi âm, đặt lên bàn thầy cô để thu lại bài giảng, tối về mở ra nghe lại. Vậy mà cô vẫn bị “ở lại lớp” vì đạt điểm rất thấp trong các bài kiểm tra hàng tuần.
“Chúi mũi vào học hoài mà tiếng Anh vẫn yếu, học dở, không có thời gian cho bản thân, tôi cảm thấy trong người lúc nào cũng mệt mỏi,” cô Phương nói.
Vào một ngày… u ám, cô mất việc, vì nhà hàng vắng khách nên cho nhân viên nghỉ bớt, trong đó có cô.
Không biết làm gì, cô mở nhật báo Người Việt ra tìm việc ở mục Rao Vặt, thì thấy Hải Quân Mỹ đăng báo tuyển quân nhân. Lúc này, do rớt hết các lớp trong trường, cô chỉ nghĩ đến việc đi lính mà thôi.
“Tôi nhớ lại, là khi còn đi học, có một anh lính Hải Quân vô các lớp giới thiệu về những phúc lợi trong Hải Quân với mục đích tuyển dụng,” cô Phương kể. “Lúc đó tôi thấy thích, nhưng chưa quyết định. Mà anh lính đi tuyển dụng lại là người Mỹ, tôi nghe chữ đực chữ cái. Còn tin đăng trên nhật báo Người Việt là liên lạc với anh lính Việt, thế là tôi bốc máy gọi luôn cho anh.”
Cô hạ sĩ quan cũng nhớ lại những ngày đầu tiên định cư tại Mỹ, gia đình ở Orange County rất đông người Việt, nên các dịch vụ trong cộng đồng đều có người Việt phụ trách, như chợ, ngân hàng, thậm chí DMV. Cô không muốn như vậy, và quyết tâm phải thật giỏi tiếng Anh.
Anh lính Hải Quân đi tuyển dụng, đến tận nhà cô để giải thích và giúp cô làm bài kiểm tra thử.
“Anh nói, đi lính được nhiều ưu đãi, lương cao, có nhiều ngày nghỉ phép… nhưng lúc đó tôi còn trẻ, không ham về lương lậu, chỉ nghĩ, nếu vô quân đội, lại là quân đội Mỹ, chắc chắn tôi sẽ giỏi tiếng Anh. Vậy thôi!” cô Phương thổ lộ.
Nhưng khi làm bài kiểm tra thử, dù đơn giản và chỉ mất 10-15 phút, vậy mà cô Phương vẫn rớt. Đơn giản là cô… không hiểu trong đó viết cái gì.
Thấy cô rất muốn gia nhập Hải Quân, người tuyển mộ đưa sách cho cô học và cho thử lần nữa. Lần kiểm tra thứ hai, cô đậu, nhưng vẫn chỉ là kiểm tra thử. Cô tiếp tục ôn luyện trong vòng một tháng rồi thi chính thức. Cô đậu và được nhận. Đó là năm 2008.
‘Bánh bèo’ Việt sửa điện thành công trên tàu Mỹ
“Hồi ở Việt Nam, tôi yếu nhất môn thể dục. Lại là đứa ‘bánh bèo’ nên hai tháng đầu tiên học ở quân trường tại Great Lake, Chicago, tôi sụt hết mấy ký lô,” cô hạ sĩ quan Hải Quân nhớ lại. “Ngày nào tôi cũng phải tập thể dục, không biết bơi, tôi phải học bơi, học cứu hỏa trên tàu, học lịch sử Hải Quân, học duyệt binh,…”
Sức khỏe của “cô bé bánh bèo” cũng khá lên rất nhiều, và tốc độ chạy cũng nhanh hơn.
Lúc mới vào Hải Quân, cô chạy 1.5 dặm mất 20 phút để vừa chạy, vừa nghỉ, vừa đi bộ, thì sau hai tháng, cũng 1.5 dặm, cô chạy chỉ mất 13 phút.
Sụt ký, nhưng bù lại, tiếng Anh của cô Phương khá lên hẳn. Cô kể, sáng mở mắt ra là nghe, nói tiếng Anh. Không hiểu cũng phải ráng hiểu, để còn biết họ ra hiệu lệnh gì mà thi hành. Nếu đồng đội ngủ được 7-8 tiếng/đêm, thì cô chỉ ngủ được 4-5 tiếng, vì phải thức để đọc sách và học thêm.
“Sau hai tháng, tiếng Anh của tôi bằng học 10 năm, nếu không phải trong quân ngũ,” cô Phương so sánh.
Kết thúc hai tháng quân trường, cô chuyển sang học nghề. Cô chọn ngành sửa điện trên tàu. Khóa học kéo dài bảy tháng cũng là quãng thời gian cô học và luyện tập được thêm rất nhiều về Anh ngữ, kể cả tiếng lóng, tiếng ẩn dụ, tiếng địa phương, vì đồng đội của cô là người ở khắp nơi tại Hoa Kỳ.
Cuối cùng, mọi nỗ lực của cố “lính mới tò te” được đền đáp.
Sau bảy tháng học nghề, cô Phương nằm trong “Top 10” của khóa. Vì thế, cô được ưu tiên chọn địa điểm đi phục vụ. Ở thời điểm đó, ưu tiên là California, Virginia, và Nhật. Cô chọn ngay California, vì gia đình của cô ở đây. Cô được điều động làm việc trên tàu USS America tại San Diego.
“Công việc sửa điện trên tàu quan trọng, vì nếu điện hư thì tàu không chạy được. Kiến thức trong thời gian ngắn ngủi bảy tháng học nghề rất mỏng, nên tôi phải đọc sách, và học thêm ở những người làm lâu năm trên tàu. Lần đầu tiên tôi sửa thành công, tàu chạy tốt, tôi vui đến độ đêm đó không ngủ được, cứ nằm nghĩ, trời, sao ‘bánh bèo’ này có thể sửa được cái máy trên tàu Mỹ vậy ta!” cô cười vui kể lại.
Tính đến nay, cô Phương đã có 13 năm phục vụ trong Hải Quân, được nhận ba huân chương do đạt thành tích trong thi hành nhiệm vụ.
Kể chuyện đời tư để truyền cảm hứng cho mọi người
Gia nhập quân đội khi chưa tốt nghiệp đại học, đó là lý do Lê Thu Phương không nằm trong diện sĩ quan. Cấp bậc của cô hiện nay là bậc 6/9 của hạ sĩ quan, nhưng cô vẫn vui, vì như cô kể: “Lúc tôi mới vô lính, mẹ tôi khóc quá chừng, sợ tôi đi lính thì chết. Còn bây giờ, thấy con gái nhờ đi Hải Quân mà mua được nhà ở California, lương cao, công việc ổn định, bà tự hào lắm, nên rất thích… quảng cáo cho Hải Quân.”
Với kinh nghiệm trong nghề, theo cô, khi giải ngũ, cô có thể kiếm được việc làm với mức lương trên $120,000/năm, mà không cần phải học thêm.
Trong lính, cô tiếp tục học để lấy bằng đại học. Vì là lính nên cô được học miễn phí.
Cô Phương là người biết “tuốt tuồn tuột” chuyện nhà binh, từ đào tạo, học nghề, đến những phúc lợi của quân nhân mà chính bản thân cô được nhận. Vì thế, hiện nay cô được giao nhiệm vụ đi tuyển mộ cho Hải Quân.
Để vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, cô khuyên mọi người nên xác định mình muốn gì.
“Tiếng Anh là điều cần thiết để hòa nhập xã hội Mỹ, nên hãy tiếp xúc càng nhiều người bản xứ càng tốt. Tiếng Anh giỏi, mình sẽ có nhiều cơ hội,” cô nói.
Cô tự nhận định trình độ Anh ngữ của cô bằng ít nhất là 70-80% so với người bản xứ. Cô tự tin, vì từng đứng trên lớp giảng bài cho gần 30 tân binh người Mỹ, và họ… hiểu tốt.
Chồng của cô là anh Dustin Burgess, đồng đội trong thời gian học nghề, dân Mỹ chính gốc, không biết một chữ tiếng Việt.
Cô Phương kể: “Lúc học chung, anh ấy đã để ý tôi, hay lân la nói chuyện. Khi đó, tôi nói gì cũng thấy anh gật gù lia lịa. Sau này anh ấy mới thú nhận: ‘Thật sự, lúc nói chuyện với em, anh chẳng hiểu gì, em vừa nói ngọng, vừa nói nhanh, anh chỉ đoán ý mà thôi.’ Giờ thì tôi vẫn nói nhanh, vẫn nói ngọng một chút, vì mình là người Á Châu mà, đâu thể nói hoàn toàn giống người bản xứ, nhưng anh hiểu tôi nhiều rồi.”
Sau khi cưới nhau, anh Burgess giải ngũ và trở thành cảnh sát tiểu bang California để được gần gia đình ở Fresno và sống với vợ con trong căn nhà “tậu” năm 2014 ở thành phố Long Beach. Họ có với nhau bé trai 6 tuổi.
“Cu cậu nói được hai thứ tiếng, về bên ngoại thì nói tiếng Việt, sang bên nội thì nói tiếng Anh. Khi đi nhà hàng Việt, cu cậu còn làm thông dịch viên và gọi thức ăn cho ba nó,” cô Phương kể. “Vợ chồng tôi cái gì cũng hòa hợp, trừ món ăn. Anh chỉ thích đồ ăn Mỹ, còn tôi luôn mê món quê hương, nên mỗi người nấu ăn riêng. Tuy vậy, thỉnh thoảng anh vẫn lên YouTube học làm khô bò, hoặc mấy món ăn Việt mà tôi thích.”
Có rất nhiều người Việt thành công trên đất Mỹ, nhưng không phải ai cũng rút ruột rút gan, và không ngại kể chuyện đời tư cho mọi người biết, như cô Phương.
“Vì sao?” chúng tôi hỏi.
Cô trả lời không do dự: “Mình muốn truyền cảm hứng cho mọi người. Mình muốn qua câu chuyện thật của đời mình, khẳng định là con gái cũng đi lính được, người dốt tiếng Anh vẫn có cơ hội hòa nhập rất tốt trên đất Mỹ.”
Tất nhiên, nếu chỉ nói mà không cố gắng vượt qua mọi khó khăn thì không bao giờ đặt chân đến mức thành công.
“Tôi muốn mọi người đừng có cái nhìn không đúng về quân đội nói chung, Hải Quân nói riêng. Nhiều người nghĩ con gái vào quân đội thì hay bị hiếp dâm, cuộc sống cực khổ,… Chỉ có người trong quân đội mới hiểu rõ,” cô Phương tâm tình. “Và chắc chắn một điều, vô lính chừng một, hai năm là tiếng Anh giỏi lên liền. Chính đây là môi trường tốt để mình vừa học ngôn ngữ, vừa học nghề, lấy bằng cấp này nọ không tốn tiền, đi làm lương cao. Như tôi đây, nhận lương $4,500/tháng, lại còn được Hải Quân trả thêm tiền nhà và tiền ăn mỗi tháng $3,900, mà hai khoản này không bị đánh thuế.”
Ai cũng có con đường riêng cho mình, nhưng câu chuyện của hạ sĩ quan Lê Thu Phương có thể truyền cảm hứng cho nhiều người, nhất là những ai đang mệt mỏi, chán nản khi cảm thấy chưa hòa nhập được với cộng đồng người bản xứ. [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: doantrang@nguoi-viet.com
Nguồn: nguoi-viet.com