Đoàn Xuân Thu
Những năm đầu thập niên 1860s, khi người Pháp đặt chân lên đất Sài Gòn chỉ có 26 con đường bắt đầu từ số 1. Ngày 1-2-1865, Phó Ðô đốc Pierre Paul Marie de la Grandière (1807 – 1876) đặt tên cho 26 con đường nầy. Như ở quận Ba, đường Legrand de la Liraye thời Tây, thời VNCH của mình là Phan Thanh Giản và thời CS là Ðiện Biên Phủ.
Trải qua hơn 300 năm, thương hải tang điền, biển xanh hóa thành nương dâu, Sài Gòn hiện có hơn 1,500 con đường lớn, nhỏ. Tên đường trùng lắp nhau, làm thiên hạ không biết đâu mà rờ. Giao thông Sài Gòn rối như canh hẹ. Vì đứa nào cướp được chánh quyền là đòi làm cha, muốn làm gì thì làm.Tên đường muốn giữ hay loại bỏ là tuỳ hỉ, vui buồn mưa nắng.
Sau 1975, hầu hết những con đường mang tên các nhân vật lịch sử có liên quan đến triều đình nhà Nguyễn (Chúa Nguyễn Ánh), từ các vị vua như: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức… đến các quan văn võ như: Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Trương Tấn Bửu, Trương Minh Giảng, Ðỗ Thành Nhân, Petrus Ký, thậm chí cả Phan Ðình Phùng, Trần Quý Cáp đều bị gỡ xuống. Thay vào đó là những cha căng chú kiết, công trạng với nước Việt Nam như thế nào thì không ai biết.
Hồi VNCH, vùng Tân Ðịnh, có đường Hiền Vương (thời Tây là Mayer) sau CS đổi tên thành Võ Thị Sáu. Hiền Vương là Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền, 1648-1687); là người có công rất lớn trong việc cho người Minh Hương nhập cư, chung sức khai khẩn miền Nam. Nhưng chúa Hiền vẫn bị CS kêu đi chỗ khác chơi. So với công trạng của Hiền Vương, Võ Thị Sáu chỉ là một thiếu nữ khủng bố giết người.
Nhưng đường Paul Blanchy, thời VNCH là đường Hai Bà Trưng chạy ngang qua mặt tiền chợ Tân Ðịnh và đường Mã Lộ phía sau chợ, CS không dám đụng tới. Vì chúng sợ Hai Bà hiện về vặn cổ từ trước ra sau, và chúng sợ ngựa đá cái bụp, không còn cái răng mà ăn cháo bào ngư hay chăng?
Mà nhắc tới đường Mã Lộ là buộc tui phải đề cập tới chợ Tân Ðịnh trước. Vì hai cái đó, nó xà nẹo với nhau. Chợ Tân Ðịnh là một trong 5 ngôi chợ xưa nhất tại Sài Gòn: Bến Thành, Tân Ðịnh, Bình Tây, An Ðông và Bà Chiểu.
Khởi công năm 1926, năm Bính Dần. ‘Khai thị’ năm 1927, năm Ðinh Mão. Năm sau, Mậu Thìn 1928, là năm chào đời của tía tui. Như vậy tui phải kêu chợ Tân Ðịnh bằng “bác”.
Chợ Tân Ðịnh xây sau chợ mới Bến Thành 13 năm, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse đã đến dự lễ ‘khai thị’.
Tờ Công Luận Báo ngày 25.7.1927 đưa tin: “Sớm mai ngày 26 Juillet vừa rồi, lối 9 giờ Sở Ðốc lý thành phố Saigon có bày cuộc lễ khai thị ở Tân-dinh. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được. Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm. Các quan và Sở Ðốc lý phải đến bày cuộc lễ này, đứng nơi trong, đợi quan Nguyên soái Nam kỳ, chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm-banh, mấy người nấu ăn đứng xung quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một dàn (sic) máy chớp bóng. Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên-soái Nam kỳ đến, đậu trước chợ, gần hàng rào. Quan Nguyên soái Nam kỳ bước xuống bắt tay quan Ðốc lý (thị trưởng) thành phố Saigon, Lefebvre và ông Héraud Hội trưởng Hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ. Kế, quan Ðốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan Nguyên soái Nam kỳ, sau các chức việc biết rằng cái chợ nầy mà cất thành đây là nhờ Sở Ðốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Saigon nầy có nhiều nơi tốt đẹp. Bởi vậy Sở Ðốc lý không dụ dự chút (sic) nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan Nguyên soái Nam kỳ dự vào nữa. Ông Hội trưởng Hội đồng quản hạt đã ở Saigon lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Saigon này đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi Viễn Ðông nầy vậy. Rốt hết quan Ðốc lý mời quan Nguyên soái Nam kỳ dùng rượu và chúc cho thành Saigon nầy sung thạnh…”.
Bản tin nầy, xin chép lại nguyên văn, cách đây gần một thế kỷ, mà ông phóng viên tường thuật một cách gọn gàng nhưng đầy đủ và dễ hiểu.
o O o Từ đó, chợ Tân Ðịnh bán đồ tươi ngon, giá có cao hơn các chợ khác một chút, nên gọi là chợ nhà giàu. Trong chợ Tân Ðịnh, sạp thịt, chỗ bán cá ở giữa. Xung quanh là sạp bán rau cải, sạp bán giày dép. Sạp bán trái cây thì nằm ngay mặt tiền, số 336 đường Hai Bà Trưng. Ai có sạp cố định trong chợ thì đóng tiền mỗi tháng. Ai ngồi quanh chợ phía ngoài thì đóng hoa chi, ngày mua một vé, y như vé xe buýt.
Mỗi sạp rộng chừng 1.5 mét. Người bán vải tệ lắm phải mướn tới 2 sạp mới đủ chỗ. Thời CS, Ban Quản lý chợ Tân Ðịnh chơi láu cá, rút chiều ngang mỗi sạp chỉ còn 1.2 mét. Diện tích chợ vẫn thế nhưng số sạp tăng lên để bọn chúng hốt thêm tiền.
Bên tay trái chợ là đường Bà Lê Chân, thời Tây là đường Alexandre Frostin. Bà Lê Chân (20-43) là nữ tướng của Hai Bà Trưng thì đặt tên đường có dính với đường Hai Bà Trưng thì cũng có lý.
Bên tay phải chợ thời VNCH là đường Trần Văn Thạch (1905-1945), thời Pháp là Vassoigne. Thời CS đổi tên là đường Nguyễn Hữu Cầu (1712 – 1751), thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Ðàng Ngoài vào giữa thế kỷ 18.
Ông Trần Văn Thạch là ai? Tội gì mà bị CS đuổi nhà? Té ra ông Trần Văn Thạch chỉ có cái tội là yêu nước nhưng ông không phải là Việt Minh. Ðậu tú tài Pháp hạng ưu ở Sài Gòn năm 1925, ông Trần Văn Thạch qua Pháp du học năm 1926. Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Văn chương Ðại học Sorbone (Paris) ngày 2-11-1929. Về nước đầu năm 1930, ông Trần Văn Thạch không làm quan cho Pháp, mà chỉ đi dạy tư thục, xuất bản và viết cho tờ “La Lutte” (Tranh đấu) bằng Tiếng Pháp.
Sau khi cướp được chánh quyền vào tháng 8, năm 1945, Việt Minh bắt giết hết các nhà hoạt động chính trị khác tổ chức. Và ông Trần Văn Thạch bị giết ngày 23-10-1945 tại Bến Súc, Thủ Dầu Một.
Ðường Trần Văn Thạch ngày xưa (đường Nguyễn Hữu Cầu ngày nay), có xe đẩy bán sâm bổ lượng và hủ tiếu, có rạp chiếu bóng Mô-đẹc. Sau 75, chợ trời bán thuốc Tây ì xèo trên đường Nguyễn Hữu Cầu, kéo dài tới đường Trần Quang Khải. Sáng mang ra sạp bán, chiều lại dọn vô. Sau, CS cho xây sạp có mái tôn rộng chừng 1 mét. Ðược một thời gian, thằng khác lên dẹp. Những sạp này bị đập đi để trả lại đường cho xe cộ.
Mặt sau chợ Tân Ðịnh là đường Mã Lộ ngang chừng 14m, dài chừng 120m, bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Cầu đến đường Bà Lê Chân. Thời Pháp thuộc, đường này tên Lê Văn Duyệt. Từ ngày 16-10-1955, chánh quyền Ðệ Nhứt Cộng Hoà đổi là đường Mã Lộ cho đến ngày nay.
Tại sao gọi là Mã Lộ? Vì hồi xưa lúc chưa có xe lam, xe xích lô máy, xe ba gác (gắn máy Sachs), bà con mình chở hàng hóa toàn bằng xe ngựa. Sáng sớm từ vùng ngoại ô: Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình… lóc cóc, “xe nhịp đằm khơi” ngừng sau chợ để xuống hàng bông. Nhiều xe ngựa đi nên được gọi là Mã Lộ (đường của ngựa).
Nghe không nên thơ chút nào, nhưng Mã Lộ là con đường tình sử của một người sa cơ thất thế như tui. Tù cải tạo ở Suối Máu được thả về,tui đi làm khu khuân vác.Rồi tui “chớp chớp” được em bán hàng bông quê ở Hóc Môn cám cảnh người lỡ vận. Tình yêu thời mất nước. Duyên tình cháo đậu nước cốt dừa, tép rang, hột vịt muối mỗi ngày. Vô mánh thì đôi ta rượu đế, rau răm hột vịt lộn có nhau. Ðời dẫu thiếu điều muốn mạt nhưng nên thơ hết biết.
Nhưng rồi “gió đưa cây cải về trời; rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, tui nỡ lòng ngựa phi, ngựa phi đường xa, dông thuyền ra biển, dông luôn; bỏ em lại bên kia trời lận đận tới tận bây giờ?
Ôi em Hai ơi, chỉ vì CS ác tâm, chớ lòng “qua” nào có muốn phụ em đâu!