Hơn 1,000 công nhân công ty Nobland Việt Nam ở quận 12, đình công để phản đối cách tính lương mới của doanh nghiệp này, vì cho rằng họ bị thiệt hai, lương bị giảm một nửa so với trước đây.
Tuy nhiên, bản tin của báo VNExpress hôm 25 Tháng Mười Hai tránh né khái niệm đình công và mô tả rằng đây là “cuộc ngừng việc.”
Công ty Nobland Việt Nam, 100% vốn Nam Hàn, hoạt động tại Sài Gòn từ năm 2003, chuyên ngành may mặc với hơn 2,600 lao động. Nhà xưởng xảy ra cuộc đình công có khoảng 1,800 công nhân.
Sự việc được ghi nhận xảy ra sau khi quản lý nhà máy gọi từng nhóm khoảng năm công nhân lên văn phòng, ký vào biên bản thỏa thuận cách tính lương mới.
Theo đó, thay vì trả lương theo thời gian thỏa thuận trên hợp đồng (mỗi ngày làm tám giờ), thì từ đầu năm 2022, doanh nghiệp sẽ tính theo sản phẩm. Với cách này, tất cả lao động sẽ nhận lương cơ bản như nhau, gần 5 triệu đồng ($219) mỗi tháng.
Sau đó, tùy số lượng sản phẩm hoàn thành, mức độ chỉ tiêu, công nhân nhận thêm thu nhập. Các tính lương mới được cho là sẽ thiệt thòi đối với lao động thâm niên, vì hằng năm công ty tăng lương cơ bản lên 5%.
“Như vậy là không công bằng với những người đã theo công ty nhiều năm qua. Những công nhân làm trên 10 năm, giờ đã lớn tuổi nếu tính lương theo sản phẩm sẽ không ‘chạy’ nổi sản lượng, không đạt chỉ tiêu dễ bị đào thải. Ngoài ra nếu nhà máy đưa ra đơn giá thấp, chỉ tiêu sản lượng cao, công nhân không hoàn thành thì mỗi người chỉ nhận gần 5 triệu đồng ($219) thì không đủ trả tiền phòng trọ, gửi con,” VNExpress dẫn lời một nữ công nhân ẩn danh.
Cuộc đình công nêu trên diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp tại Việt Nam không có công đoàn độc lập, và giới hoạt động công đoàn đều đã bị triệt tiêu hoặc phạt tù.
Tuy vậy, dường như cuộc đình công đã đạt được mục tiêu. Báo VNExpress cho biết thêm, ông Kim Shin Young, tổng giám đốc công ty Nobland Việt Nam, đã đối thoại với công nhân, chấp nhận duy trì việc chi trả lương tính theo thời gian.
Bên cạnh đó, nhà máy này sẽ thí điểm thực hiện cách tính lương theo sản phẩm với những người đồng ý. Những công nhân cho rằng họ “bị ép ký vào biên bản thỏa thuận,” được quyền rút lại nguyện vọng và tiếp tục làm việc như cũ. (N.H.K)
Nguồn: nguoi-viet.com