Đằng sau vụ án trục lợi, tham nhũng từ Kit xét nghiệm Covid-19 đình đám của Công ty CP Công nghệ Việt Á là câu chuyện đau lòng hơn: Sự vô đạo đức khi kinh doanh trên sinh mạng của người Việt và sự bất cẩn trong quản lý nhà nước cũng như truyền thông…
Sự kiện
Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) cho biết, đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hải Dương) và các đơn vị liên quan; đồng thời, khởi tố bị can đối với ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á cùng với nhiều người khác là thuộc cấp của ông Việt, gồm: Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc; Hồ Thị Thanh Thảo, Thủ quỹ; Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính… để điều tra về tội danh trên.
Cùng tội danh, C03 khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương – CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương). Ông Tuyến trước đó bị Sở Y tế Hải Dương tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, doanh nghiệp đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty CP Công nghệ Việt Á
Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng chỉ định thầu rút gọn, ông Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Ông Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, nhà chức trách cáo buộc.
Không chỉ tham nhũng mà còn lừa đảo?
Vấn đề ở vụ án này không chỉ ở thông thầu, tham nhũng tiền ngân sách trong dịch bệnh. Câu chuyện về kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á còn đi xa hơn thế: Việt Á nói dối về sản phẩm của họ trong khi các cơ quan quản lý chấp nhận lời nói dối một cách ngây thơ. Nói nghiêm trọng một chút, các cơ quan quản lý nhà nước dường như thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, tìm hiểu các thông tin mà Việt Á cung cấp. Hoặc giả, một khâu nào đó đã thiếu trình độ nghiêm trọng trong việc xác nhận một vấn đề đơn giản như vậy.
Ngày 26/4/2020, Website của Bộ KHCN đã hồ hởi thông báo:
“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.
Trước đó, ngày 21/4, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm này.
Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu bao gồm Vương quốc Anh”.
Nội dung thông báo này, kèm theo thông tin về năng lực sản xuất cung ứng sản phẩm của Việt Á cho thị trường trong nước và thế giới, ngay lập tức đã được hầu hết báo chí, cơ quan truyền thông trong nước loan báo rầm rộ. Ngành y, các cơ sở kiểm soát dịch bệnh của tỉnh và hàng chục triệu người dân cả nước hồ hởi vì trong nước đã tự sản xuất được kit xét nghiệm để phát hiện sớm và đối phó hữu hiệu hơn với Covid -19.
Nghiên cứu và sản xuất trong nước, bộ Kit của Việt Á có giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Trong nguy có cơ, đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam trong việc xuất khẩu thiết bị Y tế ra Thế giới.
Đây chính là cơ sở để danh tiếng của bộ xét nghiệm Covid-19 này bay xa và trục lợi hàng ngàn tỷ đồng như kết luận của cơ quan điều tra.
Vấn đề ở chỗ, công bố về bộ Kit xét nghiệm Covid-19 Việt Á của Bộ Khoa học Công nghệ có một nhầm lẫn khó chấp nhận về chuyên môn; với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước về khoa học.
Sự thật là đến thời điểm 24/4/2020, bộ sản phẩm Kit mà Việt Á gửi đi mới được WHO xác nhận là đã nhận hồ sơ để xem xét. Theo nguyên tắc, khi nhận hồ sơ, WHO sẽ cấp mã số tham chiếu cho tài liệu mà WHO nhận. Đó hoàn toàn không phải là chấp nhận Kit xét nghiệm và cấp mã số thừa nhận cho sản phẩm lưu hành theo tiêu chuẩn của WHO.
Là một công ty nộp đơn lên WHO để xin xác nhận; công ty tư vấn của Việt Á hoặc chính Việt Á phải rõ về điều này.
Là một cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Khoa học Công nghệ phải tìm hiểu kỹ và cần có hiểu biết cơ bản về điều này.
Và giả sử, sau đó WHO chấp thuận Kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á thì mục tiêu lừa đảo và lỗi quản lý đáng trách trên có thể được quên đi. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, 10/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã ra thông báo “Không chấp nhận” (not accepted) đối với bộ sản phẩm LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do công ty Việt Á sản xuất. Hồ sơ sản phẩm của Việt Á bị loại vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm y tế, nghĩa là sản phẩm còn chưa được kiểm định bởi WHO, bị loại ở ngay vòng hồ sơ. Tổ chức Y tế Thế giới đã ra thông báo “Không chấp nhận” (not accepted) đối với bộ sản phẩm LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do công ty Việt Á sản xuất.
Dĩ nhiên, Việt Á ém nhẹm thông tin này.
Không chỉ Bộ Khoa học công nghệ, thông tin về Việt Á và Kit xét nghiệm này cũng được PR bởi các tên tuổi nổi tiếng trong làng báo chí Việt Nam; cả cá nhân và tổ chức. Tất cả góp phần không nhỏ vào câu chuyện đáng phẫn nộ này.
Câu hỏi nhức nhối
Vì Kit xét nghiệm Việt Á này, bao nhiêu người đã bị dương tính giả? Bao nhiêu dương tính thật lại thành âm tính? Bao nhiêu sinh mạng đã trả giá vì sự bất cẩn này? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sai phạm nghiêm trọng này? Bị can Phan Quốc Việt. (Ảnh: Bộ Công an)
Đây là câu hỏi khiến chúng ta khiếp sợ trong đại dịch. Tôi từng nghe một câu chuyện thế này, một người mẹ của bạn tôi (ngoài 70 tuổi) đã bị cảm xúc về đại dịch làm cho khiếp sợ đến mức, bà gần như ngã quỵ ngay lập tức khi ngõ nhỏ vào nhà bà bị phong toả. Bà không mắc Covid-19, nhưng nỗi sợ hãi có thể giết chết bà trong khi con cái không được cách ly cùng bà và hầu như bất lực trước tình trạng khốn khổ của bà.
Đó là một câu chuyện trong hàng trăm ngàn câu chuyện đau thương ở Việt Nam suốt một năm qua. Điều gì xảy ra nếu người dương tính thực sự với Covid-19 không được phát hiện kịp thời? Họ có thể không được hỗ trợ y tế kịp thời và điều đó hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới sinh mạng của họ.
Việt Á đã và đang phải chịu trách nhiệm cho việc kinh doanh thiếu đạo đức của họ. Nhưng cơ quan ban ngành tham gia vào việc công nhận chất lượng của Kit xét nghiệm này thì sao? Các cơ quan ban ngành tham gia vào chỉ định thầu bộ Kit xét nghiệm Covid-19 Việt Á thì sao? Có lẽ họ sẽ phải có trách nhiệm giải trình của họ về vấn đề thẩm định hồ sơ trước pháp luật.
Dù sao vấn đề đã được phát hiện. Các lỗ hổng về quản lý, dù là quy trình hay trình độ cán bộ (con người) ở các cơ quan ban ngành, nên được củng cố sau bài học này.
Thanh Đoàn
Nguồn: NTDVN