Sean Fear, How South Vietnam Defeated Itself, The New York Times, 23/02/2018 –
Nguyễn Thị Kim Phụng dịch.
Rạng sáng ngày 30/01/1968, những quả tên lửa đầu tiên của lực lượng Cộng sản bất ngờ đánh vào các tỉnh lỵ trên khắp miền Nam Việt Nam. Rất nhanh sau đó, một cuộc tấn công trên bộ nổ ra trên khắp cả nước, và đến sáng hôm sau, phần lớn các đô thị miền Nam đã bị bao vây, bao gồm Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa và thậm chí cả Đại sứ quán Mỹ. Trên các tờ báo địa phương, “Năm của Cát” (Year of Sand) – theo hình ảnh các bao cát chặn trước cửa nhà hay cửa sổ – đã thực sự bắt đầu.
Tại Mỹ, đợt tấn công, được gọi là trận Tết Mậu Thân, thường được nhớ đến như một bước ngoặt tâm lý, thời điểm mà Tổng thống Johnson được cho là đã đánh mất niềm tin của phát thanh viên đài CBS, Walter Cronkite – và nói rộng hơn, là niềm tin của toàn thể công chúng Mỹ. Thật vậy, dù phe Cộng sản bị tổn thất đáng kể về nhân lực và tinh thần, mâu thuẫn giữa những lời hứa hão huyền của giới chức Mỹ và hình ảnh cuộc tấn công đẫm máu xuất hiện trên truyền hình đã chẳng bao giờ được hóa giải. Tuy nhiên, tác động chính trị của Tết Mậu Thân lên Việt Nam Cộng hòa cũng giữ vai trò quan trọng không kém trong việc xác định kết quả sau cùng của cuộc chiến.
Vẫn thường bị coi là chế độ phụ thuộc vào Mỹ, miền Nam Việt Nam là nơi sinh sống của hàng triệu người chống cộng nhiệt thành nhưng chia rẽ bè phái, chủ yếu tập trung ở các trung tâm đô thị và các tỉnh lỵ. Đáp lại cú sốc Mậu Thân, họ đã tạm gác lại cuộc cãi vã trước đây và cùng nhau tập hợp trong một sự đoàn kết hiếm có. Đáng tiếc là nguồn năng lượng tích cực ấy lại bị lãng phí một cách vội vàng. Thay vào đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng thâu tóm quyền lực, làm tổn hại đến cơ sở hiến pháp cho tính chính danh của ông, và khiến ngay cả những người chống cộng tận tâm nhất cũng phải tuyệt vọng. Sự quyết tâm dâng cao sau Tết Mậu Thân đã chẳng thể chống lại nỗi hoài nghi, cùng lúc đó, niềm tin và cam kết của quân đội cũng dần bị xói mòn.
Kết quả là, khoảnh khắc vốn dĩ đã có thể là bước ngoặt cho đất nước lại trở thành khởi đầu của một kết thúc. Vào ngày chính phủ cuối cùng phải đầu hàng xe tăng Cộng sản trong tháng 04/1975, số phận chính trị của miền Nam đã được định xong.
Khi nhìn lại, Việt Nam Cộng hòa có lẽ là một thử nghiệm chính trị thất bại. Nhưng sau Tết Mậu Thân, những người ủng hộ chính thể này đã nhận ra sự cấp bách mới. Bất chấp bạo lực tàn khốc, phản ứng của người dân miền Nam đối với các đợt tấn công Mậu Thân thể hiện đỉnh cao chủ nghĩa dân tộc chống Cộng trong cả nước.
Lần đầu tiên được đưa lên tiền tuyến trong cuộc chiến, các nhà quan sát chính trị chống cộng ở thành thị đã bắt đầu hành động và đã vượt qua mọi chia rẽ sâu sắc về chính trị, vùng miền và tôn giáo. Họ chuyển nguồn năng lượng mới của mình vào một loạt các nhóm bảo trợ, gồm Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội và Mặt trận Cứu quốc (hay “Liên Minh”, “Liên đoàn”). Hành động tập thể chưa từng có này được thúc đẩy bởi một nhận thức rõ ràng rằng từng phe phái ở miền Nam, nếu hoạt động riêng rẽ, sẽ không thể tự đối đầu với bộ máy chính trị Cộng sản.
Ngoài những biểu hiện lạ thường của một tình đồng chí thân thiết, tình trạng sau Tết Mậu Thân còn thổi bùng sức sống cho hệ thống hiến pháp mới của miền Nam, mà cho đến lúc đó vẫn còn bị phê phán sau cuộc bầu cử tổng thống gian lận diễn ra một năm trước. Khi đất nước quay cuồng trong đổ máu, các thể chế non trẻ như Quốc Hội vừa được hồi sinh đã giúp lên kế hoạch chi tiết cho hợp tác chính trị, đồng thời thành lập một diễn đàn cho những người theo chủ nghĩa lập hiến cộng hòa, những người mà bất kể quan điểm về chế độ quân quản của họ là gì, cũng không nhìn thấy tương lai của mình dưới sự thống trị của Cộng sản.
Phẫn nộ vì bạo lực, những người chỉ trích chính phủ lâu năm bất ngờ dồn dập tố cáo đợt tấn công của Cộng sản. Ngay cả khối Phật giáo Ấn Quang, với hai cuộc nổi dậy từng khiến chính phủ miền Nam phải quy phục vào năm 1963 và 1966, giờ đây quay sang ủng hộ hệ thống hiến pháp mới. Kinh hoàng trước vụ thảm sát ở miền Trung, phe Ấn Quang nhanh chóng xóa bỏ mọi liên hệ với những người Cộng sản. Mặc dù chẳng hề ủng hộ quân đội miền Nam, các lãnh đạo tôn giáo này vẫn quyết định nắm lấy cơ hội dưới chế độ còn đang bấp bênh của Sài Gòn, vốn bị họ đánh giá là kém hơn nhiều so với Hà Nội trong việc thực hiện khát vọng chuyên chế của mình.
Để đạt được điều đó, năm 1970, nhóm Ấn Quang đã hành động bằng cách ủng hộ và thắng thế trong cuộc bầu cử Thượng viện, giành được một phần ba số ghế đang tranh chấp. Đáng chú ý hơn, khi tình hình chính trị xấu đi trong những năm sau đó, phe Ấn Quang cũng không chủ động thách thức nhà nước, ngay cả khi các đảng trung thành truyền thống phải xuống đường trong giận dữ. Khả năng kiềm chế bất ngờ của khối Phật giáo này là một yếu tố then chốt, nhưng lại thường bị bỏ qua, trong việc kéo dài sự tồn tại của miền Nam Việt Nam, và là biểu tượng cho tiềm năng bị lãng phí của hệ thống hiến pháp.
Trong khi đó, được cổ vũ bởi tinh thần quyết tâm và đoàn kết sau Mậu Thân, xã hội dân sự đô thị ở miền Nam đã khẩn thiết yêu cầu nhà nước tận dụng tinh thần ấy bằng cách thực hiện những cải cách cần thiết.
Phan Quang Đán, một nhà lãnh đạo đối lập được ngưỡng mộ vì đã dũng cảm chịu đựng sự tra tấn của chính phủ, là một trong số nhiều người nhanh chóng lên tiếng về những khả năng mới được tìm thấy. Ông tuyên bố Mậu Thân là “cơ hội to lớn để biến một chiến thắng quân sự tạm thời thành một thắng lợi chính trị quyết định-nếu chính quyền miền Nam biết nắm bắt và tiến lên nhanh chóng, tái cấu trúc quân đội và chính quyền, quét sạch tham nhũng, thực hiện cải cách ruộng đất, huy động sự tham gia tích cực của quần chúng và đạt được sự thống nhất quốc gia.”
Chắc chắn đây là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, như phó tổng thống xuất thân quân đội Nguyễn Cao Kỳ nhận xét trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hồi tháng 03/1968, “Tôi biết rằng họ” – cư dân Sài Gòn – “vẫn không ưa gì chúng tôi, nhưng chí ít tôi cũng chắc chắn rằng họ ghét Cộng sản.”
Tuy nhiên, ẩn sau lời lẽ hoa mỹ đặc trưng của Kỳ là một sự thật khó chịu cho các tướng lĩnh cầm quyền của Sài Gòn: Làn sóng giận dữ chống Cộng sau Tết Mậu Thân cũng chẳng thể đảm bảo cho lòng trung thành đối với chế độ quân sự đã từng bị phê phán rất nhiều.
Chẳng hạn, hãy xem xét sự kiện ở cố đô Huế, nơi tin tức về vụ thảm sát của Cộng sản đã làm phẫn nộ và thôi thúc người dân miền Nam. Tuy rằng nỗi đau của Huế vẫn là biểu tượng cho sự tàn bạo của lực lượng Cộng sản, các phản ứng vào thời điểm đó thường mang nhiều sắc thái và nhiều mặt. Được sáng tác sau vụ thảm sát, “Bài ca dành cho những xác người” của Trịnh Công Sơn nhấn mạnh nỗi buồn tập thể hơn là sự đổ lỗi, trong khi cuốn “Giải khăn sô cho Huế” của tiểu thuyết gia Nhã Ca lại gây tranh cãi vì đã giao cho toàn dân tộc trách nhiệm chấm dứt đổ máu.
Trong khi đó, người dân thành phố Huế tức giận không chỉ bởi những vụ bắt cóc và hành quyết của Cộng sản- mà còn bởi hỏa lực bừa bãi của Mỹ. Họ dành sự khinh miệt đặc biệt cho quân đội miền Nam, những kẻ vội vã bỏ chạy khi vừa thấy dấu hiệu rắc rối và rồi quay trở lại cướp phá những gì còn lại khi chiến sự không còn.
Xét về mặt này thì Huế không phải là ví dụ điển hình. Bỏ chạy rồi quay lại cướp bóc là một mô hình lặp đi lặp lại trong hàng ngũ Việt Nam Cộng hòa, những người lặp lại kịch bản như ở Huế tại Sóc Trăng, Đà Lạt và Vĩnh Long, cũng như nhiều tỉnh lỵ khác. Quân đồn trú tại Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên, thậm chí còn biến mất trước khi súng kịp nổ ra. Lực lượng tiếp viện cuối cùng đã đến, nhưng chỉ sau khi phe Cộng sản đã rời đi. Ấy thế nhưng quân Việt Nam Cộng hòa vẫn tổ chức một nghi lễ ăn mừng chiến thắng thật hào nhoáng, sau đó là cuộc cướp phá toàn diện thị trấn. Một người dân địa phương rầu rĩ, “Quân đội không đánh bại được Cộng sản, họ đánh bại chúng tôi.”
Phản ứng đối với quân Mỹ cũng chẳng khá hơn. Với hy vọng đánh bật sự kháng cự của Cộng sản, không quân và pháo binh Mỹ đã san bằng thành phố Nha Trang. Ngoài ra, đã có hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy chỉ riêng ở Quận 8 của Sài Gòn, trong khi khoảng 20.000 cư dân sống tại tỉnh Gia Định gần đó đã lâm vào cảnh mất nhà cửa chỉ vài tuần sau chiến dịch.
Các đợt tấn công trên toàn quốc đã thúc đẩy phản ứng chống Mỹ ngày càng mạnh mẽ. Đầu thập niên 1970, những viên chức người Mỹ thường xuyên phải đối mặt với các cuộc đụng độ trên đường phố và dần dần phải chuyển về những căn cứ xa xôi. Suốt thời gian đó, những người Việt Nam theo thuyết âm mưu đã tung tin đồn C.I.A. thông đồng với các cuộc tấn công của Cộng sản, lấy lý do nhằm đẩy nhanh việc rút quân của Mỹ. Đáp lại, Hạ viện Quốc Hội Việt Nam Cộng hòa đã chính thức trình đơn khiếu nại, và các cơ quan ngôn luận của chính phủ như tờ Công Chúng (The Public) lên tiếng cáo buộc người Mỹ đã phá hủy Huế.
Cú sốc ban đầu khơi dậy quyết tâm mới ở nhiều thành phố, nhưng lại giáng một đòn tâm lý nặng nề lên hầu hết các vùng nông thôn. Chứng kiến sự hèn nhát của quân đội, cảnh quân đội lợi dụng sự khốn khổ của dân và việc quân đội thường chẳng tài nào có thể chống lại các đợt tấn công ban đầu, những người dân nông thôn hoàn toàn mất niềm tin vào khả năng cũng như mong muốn bảo vệ họ của nhà nước.
Hơn nữa, trái ngược với quan điểm cho rằng Mậu Thân đánh dấu một thất bại không thể cứu vãn đối với phe Cộng sản miền Nam, tình hình sau đó thật ra khá suôn sẻ. Trong phần lớn năm 1968, Cộng sản đã củng cố vị trí của mình tại nhiều vùng đất rộng lớn ở nông thôn, kìm chân bộ binh Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trong các căn cứ và các thành phố. Tổn thất ban đầu được bù đắp nhờ lực lượng tiếp viện ngày một đông từ miền Bắc, bất chấp cái giá phải trả là gia tăng căng thẳng vùng miền trong hàng ngũ. Sang năm tiếp theo, sau một cuộc phản công của Mỹ– trong đó hỏa lực đã được sử dụng bừa bãi và dân thường phải hứng chịu thương vong nặng nề – cán cân quân sự đã dần thay đổi, và thậm chí cả khi đó, hành động rút lui của Cộng sản vẫn mang tính chiến thuật.
Khi thấy tinh thần dân chúng ngày càng suy yếu sau những lời hứa chiến thắng hão huyền của họ, lực lượng Cộng sản đã tăng cường sử dụng“cây gậy”,bắt giữ và ám sát những người dám đứng về phía chế độ SàiGòn.Nhưng họ cũng cẩn thận sử dụng cả“cà rốt.”Ví dụ,ở tỉnh PhướcTuy,cán bộ đã đến từng nhà để hỏihan về các loại thuốc men cần thiết,sau đó họ đi mua ở chợ đen rồi đem phânphát cho dân chúng.
Một phần nhờ những nỗ lực như vậy, mạng lưới chính trị của Cộng sản mới tồn tại nguyên vẹn ngay cả khi tinh thần quân đội bị xuống thấp. Thu nhập của người dân miền Nam thời bấy giờ chỉ đủ để trang trải 30% chi phí sinh hoạt, nhưng việc thu thuế của Cộng sản vẫn tiếp tục tăng nhanh. Sau Mậu Thân, theo báo cáo của C.I.A., Cộng sản vẫn có thể “huy động ngay từ nội bộ miền Nam hầu hết nguồn quỹ và vật tư phi quân sự cần thiết để hỗ trợ cuộc kháng chiến của mình.” Việt Cộng “nắm giữ quyền kiểm soát đáng kể đối với việc sản xuất, chế biến và vận chuyển nhiều mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế miền Nam,” trong khi “hệ thống thuế của họ lấy nguồn thu từ hầu hết mọi phân khúc của nền kinh tế miền Nam.” Ngay cả các đồn điền cao su của hãng Michelin, Pháp, nằm ở tỉnh gần nhất về phía tây Sài Gòn, cũng có các khoản thanh toán định kỳ cho lực lượng Cộng sản.
Nhiều năm sau Mậu Thân, sự hiện diện của Cộng sản xung quanh thủ đô Sài Gòn vẫn rất đáng gờm. Tại tỉnh Long An ở phía nam Sài Gòn, tình báo Mỹ thừa nhận rằng gần một nửa số ủy ban cách mạng cấp thôn của Cộng sản vẫn đang hoạt động với hiệu quả tương tự như chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Việt Cộng tiếp tục “có thể tổ chức lớp học bình thường ở một số khu vực nhất định và thậm chí còn tổ chức các buổi biểu diễn công cộng.”
Lún sâu trong trận chiến chính trị mà họ dần thua cuộc, chính phủ miền Nam thừa nhận rằng cần phải tiến hành cải cách sâu rộng nếu họ muốn có cơ hội thu hút đa số người dân bất mãn ở nông thôn. Nhưng như thường lệ, tiến độ tiếp tục bị trì hoãn suốt nhiều năm do đấu đá chính trị nội bộ kéo dài.
Đối thủ không đội trời chung của Tổng thống Thiệu, Phó Tổng thống Kỳ hào nhoáng, đã nhanh tay sử dụng Mậu Thân làm bàn đạp để lật ngược thế cờ. Kỳ buộc tội Thiệu không chịu hành động, hứa hẹn chính mình sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn, bao gồm cả việc giải phóng miền Bắc bằng vũ lực. Tuy nhiên, ở hậu trường, ông lại cố gắng tìm kiếm hậu thuẫn cho một cuộc đảo chính quân sự. Khi tin về âm mưu của Kỳ đến tai Đại sứ quán Mỹ, ông liền bị triệu tập để khiển trách; vị phó đại sứ, Samuel Berger, thậm chí đã đập bàn vì quá tức giận.
Nhận được hậu thuẫn của Mỹ, Thiệu lặng lẽ loại trừ những lãnh đạo quân đội vẫn trung thành với Kỳ, trong đó gồm cả một số chỉ huy có năng lực nhất của quân đội.
Hoang tưởng và cô độc, Thiệu liên tiếp tấn công các đối thủ, cả thật lẫn tưởng tượng, trong đó có Trần Ngọc Châu, một chuyên gia về chống nổi dậy. Tuy nhiên, vụ bắt giữ Châu một cách vi hiến đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội trong Quốc Hội, và để trả đũa, Quốc Hội đã tìm cách trì hoãn chương trình Cải cách ruộng đất của Thiệu suốt hơn một năm.
Thiệu chính là động lực thúc đẩy sáng kiến mang tên “Người Cày có Ruộng,” xóa bỏ quan ngại của người Mỹ nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Văn Thân. Dù những người ủng hộ miền Nam luôn xem cải cách ruộng đất là liều thuốc cho việc chính phủ không được lòng dân, kết quả lúc đó lại hoàn toàn trái ngược.
Bước đột phá xuất phát từ việc Sài Gòn thừa nhận những nỗ lực phân chia đất đai mà Cộng sản đã thực hiện trên khắp miền Nam suốt nhiều năm, thậm chí hàng chục năm trước đó. Để tránh nảy sinh hận thù khi những địa chủ vắng mặt quay lại đòi đất bị trưng dụng, chính phủ đã trao quyền sở hữu hợp pháp cho nhóm người được hưởng lợi từ các chiến dịch cải cách ruộng đất trước đây của Cộng sản.
Bất chấp việc nghe có vẻ là một chính sách, cách tiếp cận này đã khiến những người trung thành với chính phủ miền Nam ở nông thôn phẫn nộ, họ cáo buộc nhà nước phản bội vì đã tưởng thưởng cho những kẻ ủng hộ địch. Các cựu binh, những người buộc phải chấp nhận việc đất của mình bị trưng thu, cũng chẳng vui vẻ gì trước tin này.
Tệ hơn nữa, việc triển khai chính sách diễn ra rất chậm, không đồng đều và bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Nhiều năm sau đó, nông dân vẫn phải tiếp tục trả tiền thuê cho mảnh đất mà cả chính phủ lẫn các địa chủ cũ đã ngó lơ không thông báo cho họ biết rằng họ đang nắm quyền sở hữu. Những người tị nạn phàn nàn rằng phần đất họ được chia hoặc là không thể tiếp cận, hoặc không an toàn bởi vì quân đội chẳng quan tâm đến việc bảo vệ an ninh. Các cộng đồng sinh sống ở miền Trung khô cằn của Việt Nam thì than phiền về việc định giá đất dựa trên vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ hơn. Các khoản vay cần thiết nhằm mua các thiết bị nông nghiệp thường xuyên bị các quan chức địa phương vô đạo đức bòn rút, trong khi nhóm dân tộc thiểu số tuyệt vọng trước sự xâm lấn có hệ thống của người Kinh.
Dù cải cách ruộng đất là một nỗ lực đáng hoan nghênh và đã đạt được một số thành công nhất định, nó không thể làm giảm bớt ảnh hưởng của Cộng sản, cũng không thể giảm bớt tình trạng lạm phát và tham nhũng đang tăng vọt. Ở những khu vực mà Cộng sản từng kiểm soát, tác động chỉ là trên lý thuyết chứ không phải thực tế, bởi nông dân được trao quyền sở hữu những vùng đất mà họ cho rằng mình vốn dĩ đã sở hữu từ lâu. Có lẽ, địa chủ vắng mặt là những người được hưởng lợi nhiều nhất, nhận khoản bồi thường hào phóng từ Mỹ cho những tài sản mà họ có rất ít khả năng sẽ giành lại được.
Trong khi đó, quay trở lại các trung tâm đô thị, tinh thần đoàn kết bùng nổ sau Tết Mậu Thân đã nhường chỗ cho sự tức giận khi mức sống giảm mạnh và tham nhũng lan tràn. Các liên minh tôn giáo như Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội được chính phủ hậu thuẫn trên danh nghĩa – dù thực tế họ chẳng được chính phủ quan tâm, chứ đừng nói là tài trợ – bắt đầu sa vào nhiều âm mưu và tranh cãi, trong khi các thành viên ở tỉnh lỵ xa xôi vẫn tiếp tục chờ đợi sự lãnh đạo từ thủ đô trong vô vọng. Sau này, thư ký riêng của Tổng thống Thiệu tiết lộ, nguồn trợ cấp bí mật của C.I.A cho Mặt trận đã bị các quan chức cấp cao bỏ túi để sử dụng vào mục đích cá nhân. Thiếu vắng sự ủng hộ của chính quyền, triển vọng về một mặt trận thống nhất chính trị nhanh chóng chết yểu.
Sau khi tái đắc cử vì các đối thủ của ông rút lui nhằm tỏ ý phản đối, Tổng thống Thiệu lại bận rộn chuẩn bị phương tiện chính trị hẹp của riêng mình: “Đảng Dân chủ”. Trên thực tế, đảng này là bất cứ thứ gì ngoại trừ dân chủ, chủ trương tham gia nghĩa vụ dân sự là bắt buộc, trong khi các đơn vị quân sự bí mật của nó bị so sánh theo hướng bất lợi với Đảng Cộng sản. Nhưng Thiệu, người từ lâu đã chán ngán mọi chống đối dành cho chương trình nghị sự của mình, đã hình dung Đảng Dân chủ như một phương tiện để ràng buộc những người chống Cộng với nhau. Thông qua hàng loạt sắc lệnh tìm cách cấm bất kỳ đảng nào khác hoạt động, ông ép buộc mọi viên chức và sĩ quan quân đội phải gia nhập hàng ngũ của Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, thay vì tập hợp toàn thể xã hội miền Nam cùng ủng hộ ông cầm quyền, như điều mà Thiệu mù quáng tin tưởng, Đảng Dân chủ ngày càng xa lánh những người chống cộng – nhóm quyết giữ vững lòng trung thành với đảng cũ của họ. Các sắc lệnh về đảng phái chính trị cũng giáng một đòn chí mạng vào Thượng viện, lúc ấy đang là thể chế chính trị độc lập cuối cùng của miền Nam. Một thế hệ chính trị gia nhiệt thành đã giành được nhiều ghế thượng nghị sĩ vào năm 1967, nhưng đến năm 1973, khi Thiệu thay thế Thượng viện bằng bộ máy chính trị gia do chính ông ta lựa chọn, khả năng phản kháng của thể chế này đã bị phá vỡ.
Thời điểm đêm trước khi Thượng viện bị thay thế vào năm 1973, một nhà quan sát đã ghi lại nhận xét đầy thất vọng của một thượng nghị sĩ sắp ra đi: “Thử nghiệm chủ nghĩa hợp hiến được đưa ra hồi năm 1967 nay trở thành công cốc.” Vị thượng nghị sĩ này đã rất ngạc nhiên vào năm 1967, “trước số lượng những cá nhân đủ tiêu chuẩn đã hăng hái tham gia thử nghiệm bằng cách tranh cử vào Thượng viện năm đó … Những người tốt này giờ lại phải lui về ở ẩn,” ông kết luận, “âm thầm chờ đợi một biến động mới trước khi tham gia một lần nữa.”
Trong những năm cuối của cuộc chiến, ngay cả các nhóm Công giáo gốc Bắc chống cộng dữ dội, từ lâu đã là những người ủng hộ trung thành nhất của chính phủ miền Nam, cũng đã mất niềm tin vào khả năng của Việt Nam Cộng hòa trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng cấp quốc gia. Nỗi sợ hãi tràn lan này hoàn toàn trái ngược với nguồn năng lượng dồi dào đã từng tiếp thêm sinh lực cho miền Nam sau Mậu Thân. Và nó đã gây thiệt hại cho quân đội, khi từng cá nhân thuộc mọi cấp bậc trong quân ngũ đều mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo thiếu khả năng của đất nước. Đã chẳng còn tính kỷ luật và sự tự tin nào trong mùa xuân năm 1975, khi quân đội được trang bị hiện đại của miền Nam một lần nữa quỵ gối ngay trong những đợt giao tranh đầu tiên với Cộng sản, và chính những người lính trên đường thoát thân đã dẫn dắt dân thường điên cuồng tháo chạy.
Tuy nhiên, niềm tin vào khái niệm về một miền Nam phi Cộng sản vẫn luôn tồn tại, dù luôn phân tán và vô tổ chức. Dù tốt xấu thế nào, chính quyền miền Nam không đơn thuần là một con rối, và như một thế hệ chính khách người Mỹ đã phát hiện ra, quyền kiểm soát hầu bao ở Sài Gòn không hề ảnh hưởng đến quyền kiểm soát chính trị tại đây. Hơn bất kỳ quyết định nào ở Washington, chính sự thất bại của chính phủ Việt Nam Cộng hòa trong việc đoàn kết và truyền cảm hứng cho các cử tri chủ chốt, và trong việc đảm bảo cơ sở vững chắc ở nông thôn, đã khiến họ bị đánh bại.*Sean Fear là giảng viên lịch sử quốc tế tại Đại học Leeds. [Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2021/02/18/viet-nam-cong-hoa-da-tu-chuoc-lay-that-bai-nhu-the-nao/]