Mặc dù chính phủ Việt Nam loan báo có kế hoạch mở cửa trở lại đối với các đường bay quốc tế thường lệ vào đầu năm 2022 nhưng nhiều người Việt ở Mỹ cho rằng ‘chừng nào có mới tin’ và trước mắt ‘đừng nên trông mong sẽ bay được về Việt Nam bình thường như trước’.
Báo chí trong nước đưa tin Việt Nam ‘sẽ khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ kể từ ngày 1/1/2022’, theo chỉ đạo của phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh hôm 10/12. Các thị trường thí điểm được mở cửa trước mắt bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco và Los Angeles.
Trong lúc này, đường về chính thức duy nhất của người Việt ở nước ngoài, trong đó có người Việt ở Mỹ, là bằng các chuyến bay giải cứu do chính phủ Việt Nam tổ chức và các chuyến bay hồi hương theo dạng thuê chuyến (charter) bắt buộc cách ly. Giá vé của các chuyến bay này cao gấp ba, bốn lần bay thường lệ.
Đã gần hai năm qua không có chuyến bay thường lệ nào về Việt Nam và trong khi chỉ còn một tháng rưỡi là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thông tin Việt Nam cho bay thường lệ trở lại đã khiến cộng đồng người Việt ở Mỹ xôn xao, theo tìm hiểu của VOA.
‘Trông ngóng về’
Từ thủ đô Washington D.C., ông Lang Nguyễn, 68 tuổi, đã nghỉ hưu, nói với VOA, hai năm qua ông ‘trông ngóng về Việt Nam’ để đem tro cốt của vợ ông về quê nhà ở tỉnh Đồng Tháp.
Trước đó, hai vợ chồng ông dự định về Việt Nam sau khi ông nghỉ hưu vào đầu năm 2020 nhưng cuối cùng lại hủy khi Mỹ bùng dịch COVID-19 vào tháng Ba, ông cho biết. Cho đến đầu năm 2021, vợ ông qua đời nhưng ông không thể đem tro cốt về Việt Nam cho đến nay.
“Tôi mong về lắm nhưng tình hình này làm sao mà về được đây?” ông Lang giãi bày với VOA.
Ông nói cho đến giữa năm nay ông vẫn tin là đến Tết Nhâm Dần ông sẽ về được. “Đến giờ, tôi không biết bằng cách nào mà đăng ký vé về được,” ông than thở.
Ông cho biết ông có nghe thông tin về việc ‘1/1 Việt Nam sẽ mở lại đường bay quốc tế’ nhưng nhiều người khuyên ông là ‘đừng có vội tin mà đi mua vé’.
“Nhiều khi mình mua vé mà họ chưa mở cửa thì vé của mình bị bắt đình lại thì mình cứ tốn vài chục vài chục hoài. Chừng nào họ mở cửa thật sự thì mới mua vé,” ông Lang nói.
Trong tình hình này, ông Lang dự đoán là ông ‘sẽ không thể về kịp ăn Tết’ và ông dời kế hoạch lại đến mùa hè năm sau.
“Nếu họ cho mở cửa lại thực sự thì tôi sẽ mua vé về ngay,” ông nói và cho biết ‘đã 8 năm rồi tôi chưa về Việt Nam ăn Tết’.
Dù mong ngóng về Việt Nam, nhưng ông Lang nói ‘nếu giờ về mà phải cách ly thì chẳng thà tôi không về’. Do đó, ông ‘không bao giờ hỏi đăng ký vé mấy chuyến bay giải cứu hay hồi hương’ vì yêu cầu cách ly.
“Nó bỏ mình ở khách sạn năm sao, mỗi một đêm, mỗi một ngày biết bao nhiêu tiền. Nó tính tiền mình trả chết à?” ông nói.
Chuyến bay thẳng hồi hương người Việt từ San Francisco về thành phố Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines hiện có giá 90 triệu đồng một chiều, bao gồm chi phí cách ly 7 ngày ở khách sạn năm sao, theo tìm hiểu của VOA.
Khi được hỏi nếu về Việt Nam thì có sợ dịch bệnh đang lan tràn hay không, ông Lang nói: “Dịch nhiều nhưng không chết nhiều vì nhiều người đã chích mũi 2, mũi 3 rồi. Bản thân tôi cũng đã chích mũi 3 rồi nên không sợ.”
“Tết đến tôi nhớ nhà dữ lắm,” ông bày tỏ. “Tết năm ngoái vợ tôi mất khi chỉ còn 10 ngày nữa tới Tết, tôi như chết trong lòng.”
“Về đến nhà tôi thấy bàn thờ tôi nhớ vợ, tôi nhớ Việt Nam mà chảy nước mắt,” ông nói. Con trai ông không sống gần nên cũng ít viếng thăm, ông cho biết.
Ông Lang nói ông phải đem tro cốt vợ ông về Việt Nam vì ‘mình sinh ra chỗ nào thì đem lại về chỗ đó, với lại thân nhân của bả còn ở Việt Nam’.
‘Chỉ mới trên giấy’
VOA đã liên hệ California Tours, đại lý bán vé máy bay cho người Việt ở thành phố Westminster, Quận Cam, và được anh Aven Ngô, nhân viên tư vấn cho biết thông tin Việt Nam sắp cho bay thường lệ và bỏ cách ly đã khiến rất nhiều khách hàng anh quan tâm gọi điện lên hỏi thăm. Nhiều người đã đặt vé chuyến bay charter đã quyết định hủy vé hoặc đình lại, chưa chốt vé.
Tuy nhiên, anh cảnh báo: “Vấn đề giảm cách ly hay sẽ không còn cách ly nữa tất cả đều nằm trên giấy, chưa có gì quyết định chính xác hết.”
Do đó, anh cho rằng ‘vé máy bay (về Việt Nam) hiện giờ được bán đầy trên mạng, ai cần về cứ lên mà mua nhưng có bay được hay không là một vấn đề’.
Theo lời anh, có những hãng từng hứa tháng 12 sẽ bay được về Việt Nam và ‘có những người Việt đã tin mà mua vé nên bây giờ bị mất tiền phí’.
Anh khẳng định rằng ‘hiện giờ không một hãng máy bay nào được vào Việt Nam tự do’ và ‘tất cả các chuyến bay vào Việt Nam hiện nay đều là bay charter và phải được chính quyền Việt Nam chấp thuận trước’.
“Việt Nam vấn đề hiện giờ không chỉ là bay vào mà còn là có được chấp nhận cho vào hay không chứ không phải như ngày xưa mình mua vé là bay thôi,” anh Ngô cho biết.
Ngay cả các chuyến bay hồi hương mở cho đại lý bán vé, anh Ngô cho biết đại lý của anh cũng phải thay mặt khách ‘gửi email lên lãnh sự quán Việt Nam nêu nguyện vọng muốn hồi hương’ rồi ‘phải chờ hồi âm coi có được cho đi hay không’. Tuy nhiên, thủ tục ‘dễ hơn rất nhiều so với xin đi trên chuyến bay giải cứu’.
“Chuyến bay giải cứu hay hồi hương chỉ dành cho những người có quốc tịch Việt Nam hay những Việt kiều Mỹ còn giữ quốc tịch Việt Nam,” anh cho biết.
Về tình hình bán vé cho khách về Việt Nam, anh Aven Ngô nói ‘năm nay giảm đến 90%’ vì ‘đâu phải ai cũng có tiền mua vé về vì giá vé rất cao’.
“Thời điểm giữa tháng 12 này mấy năm trước là người ta mua vé Tết về hết rồi, chỉ còn những người muốn về đột xuất mới mua vào lúc này thôi,” anh nói thêm.
Thành phần những người muốn về Việt Nam lúc này, anh cho biết ‘trừ những thành phần có tiền muốn về lúc nào cũng được’ là ‘những người có công ăn việc làm ở Việt Nam, hoặc có công việc ở Việt Nam cần về, hoặc những người có người thân ở Việt Nam bị bệnh nặng, hoặc những người qua Mỹ du lịch bị vướng lại lâu quá’. “Họ về lúc này phải chấp nhận giá vé cao và phải chấp nhận bị cách ly,” anh nói.
“Còn thành phần về ăn Tết hầu như rất ít ai đăng ký,” anh nói thêm. “Nếu Việt Nam bỏ quy định cách ly thì chắc chắn họ sẽ mua vé về nhiều hơn.”
Theo nhận định của anh thì Tết năm nay là ‘cái Tết đìu hiu nhất từ trước đến nay’ trong nghề bán vé máy bay của anh. Do đại lý của anh bị điêu đứng trong hai năm qua nên anh ‘rất mong Việt Nam cho mở cửa bay thường lệ trở lại, không có cách ly’.
Nguồn: VOA tiếng Việt.