Trung Quốc nhơ danh xấu tiếng với nền văn hóa “sao chép” vô cùng phát triển. Các sản phẩm giả và hàng nhái vẫn đang tiếp tục thống trị thị trường nội địa của Trung Quốc bất chấp đại dịch virus Trung Cộng đang diễn ra. Mệt mỏi và chán nản trước tình cảnh thua lỗ, một số nhà sản xuất thực phẩm của Nam Hàn gần đây đã hợp lực tiến hành khởi kiện việc phân phối ngày càng quy mô hàng nhái ở Trung Quốc.
Theo Korea Bizwire, Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Nam Hàn đã thành lập một nhóm các nhà sản xuất thực phẩm để đệ đơn kiện hai nhà sản xuất thực phẩm nhái lớn nhất của Nam Hàn tại Trung Quốc — Công ty Thực phẩm Taeyangcho Thanh Đảo (Qingdao Taeyangcho Food) và công ty Thực phẩm Chính Đạo (Zhengdao Food) — vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (IP).
Nhóm này bao gồm bốn đại công ty thực phẩm của Nam Hàn: CJ Cheiljedang, Ottogi, Daesang, và Samyang Foods.
Để đẩy tiến độ vụ kiện hàng nhái này một cách hiệu quả, các công ty này đã có được sự hỗ trợ của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Nam Hàn (KIPO) và Cơ quan Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Nam Hàn, theo Asia Business Daily.
Trong khi các công ty Nam Hàn xưa nay đều đang nỗ lực kiện hàng nhái của Trung Quốc, thì đây là lần đầu tiên nhiều công ty chung tay khởi động một vụ kiện nhãn hiệu. Do thực phẩm của Nam Hàn ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới, cho nên mới có sự quan tâm chung trong việc giải quyết số lượng ngày càng tăng các vụ vi phạm nhãn hiệu ở Trung Quốc, đặc biệt là khi các vụ hàng giả đã tăng lên trong thời gian [xảy ra] đại dịch virus Trung Cộng.
Hạt nêm súp Dasida của công ty CJ CheilJedang, hạt nêm Miwon của công ty Daesang, và mì sợi của công ty Ottogi đều đang nằm trong số nhiều những sản phẩm bị kiện tụng về nhãn hiệu. Những hàng nhái này đang được bày bán trực tuyến và tại các cửa hàng trên khắp Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bizwire, phiên bản bắt chước sản phẩm mì ăn liền “Buldak Bokkeummyeon” của hãng Samyang của Trung Quốc trông không khác là mấy so với hàng nguyên gốc, rõ ràng là có ý đồ đánh lừa người tiêu dùng.
Việc lưu hành hàng giả thế này có thể làm thất thoát lượng khách mua hàng. Điều này có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và độ tin cậy của các công ty Nam Hàn này vì họ đều đang có pháp nhân đăng ký tại Trung Quốc.
Theo báo cáo của Korea Herald trích dẫn lời của đại biểu Quốc hội Nam Hàn Lee Joo-hwan, những vụ trộm cắp nhãn hiệu doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tăng từ 977 vụ vào năm 2017 lên 3,457 vụ vào năm 2020, tăng 3.5 lần, theo trích dẫn số liệu thống kê từ KIPO. Ông Lee nói thêm rằng các vụ trộm cắp nhãn hiệu của Nam Hàn bởi những người làm hàng giả Trung Quốc đã tăng vọt kể từ khi đại dịch virus Trung Cộng này bùng phát.
Ông Lee nói rằng những minh chứng về nhãn hiệu bị đánh cắp bao gồm công ty gà rán nội địa nhượng quyền thương hiệu của Nam Hàn như “Goobne Chicken,” “Hosik I du Chicken,” và “Don Chicken,” cũng như chuỗi quán cà phê phục vụ món tráng miệng “Sulbing” và sản phẩm sữa “Seoul Milk.”
Theo báo cáo trên, từ năm 2017 đến tháng 08/2021, các công ty Nam Hàn đã phải chịu thiệt hại khoảng 27.8 triệu USD vì việc sử dụng trái phép nhãn hiệu của những người làm hàng giả ở Trung Quốc. Tuy nhiên, số tiền này không bao gồm tất cả các trường hợp bị tình nghi là đánh cắp nhãn hiệu, mà chỉ là thiệt hại được tính toán dựa trên các nhãn hiệu hàng giả của Trung Quốc được đăng ký trước với mục đích xấu, đang cho thấy mức thiệt hại [thực tế] còn lớn hơn.
Nhiều thương hiệu quốc tế lớn đã gặp phải các vụ đánh cắp nhãn hiệu đầy ác ý ở Trung Quốc, và một số thậm chí đã thua kiện trước những người nhái nhãn hiệu của họ tại tòa án Trung Quốc. Những ví dụ điển hình bao gồm Apple, Tesla, Toyota, và vụ kiện hàng nhái gần đây của đại công ty bán lẻ Muji của Nhật Bản.
Vào tháng 11/2019, ĐCSTQ đã sửa đổi luật nhãn hiệu của mình để tăng cường các biện pháp bảo vệ chống lại các hồ sơ nhái nhãn hiệu hòng bịp bợm lừa đảo. Do đó, luật này đã giúp một số ít công ty ngoại quốc thắng được các vụ kiện vi phạm nhãn hiệu ở Trung Quốc, chẳng hạn như nhãn hiệu quần áo thể thao New Balance của Mỹ và nhãn hiệu bánh sandwich Egg Drop của Nam Hàn và quán cà phê phục vụ món tráng miệng nhượng quyền thương hiệu Sulbing.
Ngành công nghiệp [thực phẩm] của Nam Hàn đang kỳ vọng vụ kiện hàng nhái của nhóm công ty này sẽ thúc đẩy giá trị IP của các sản phẩm thực phẩm Nam Hàn và gióng lên hồi chuông cảnh báo tới những kẻ làm hàng nhái tiềm năng của Trung Quốc.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, ông Văn Duệ nói với The Epoch Times rằng ngành công nghiệp sao chép này ở Trung Quốc đang rất lớn và có hệ thống, liên quan đến một chuỗi dài các cơ hội việc làm, cũng như các lợi ích và sự tham gia của các quan chức chính phủ Trung Quốc.
Ông Duệ cũng cho biết thêm, “Dựa vào mỗi luật nhãn hiệu không thôi thì sẽ không giải quyết được vấn đề này. Một số công ty ngoại quốc đã kiện những người làm hàng nhái ở Trung Quốc của họ và đã thắng kiện. Đây chỉ có thể là một trường hợp cá nhân. Chính quyền Trung Quốc đang chịu sức ép từ quốc tế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bởi vì rất nhiều vốn của ngoại quốc đang chảy ra ngoài [Trung Quốc]. Để cải thiện môi trường đầu tư ngoại quốc, họ phải hành động hoặc ít nhất là làm cho chuyện này giống như là họ đang động tay vào. Nhưng [ngành công nghiệp sao chép này] về căn bản là không thể cải biến được.”
Cô Lisa Bian là một nhà văn của The Epoch Times sinh sống tại Nam Hàn. Cô chuyên viết về xã hội Nam Hàn, văn hóa của nó, và các mối quan hệ quốc tế.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Nguồn: ETViet