Mà thật vậy, hơn 30 năm trước kinh doanh mua bán khác bây giờ lắm, người bán cũng cần tiền nhưng không quá cần tiền, mua bán có giờ giấc hẳn hoi, bởi các cô chú ấy cũng muốn nghỉ ngơi thư giãn. Hàng hóa Tết tuy nhiều là thế, nhưng rất nhanh hết, mà hết rồi là hết luôn chứ người ta không cố nhập về bán liên tục như bây giờ.
Hồi ấy, tôi sống cùng bố mẹ và anh chị em ở một khu phố đông đúc giữa Sài Gòn phồn hoa. Ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười nằm nép mình trong một ngõ hẻm với những mái nhà san sát nhau khá chật chội. Nhà tôi ở cuối con hẻm trong một khuôn viên rộng rãi, xung quanh có thêm bốn căn nhà của họ nội sống quây quần với nhau. Năm ngôi nhà chúng tôi có một cái sân chung to to, ấy là nơi tụ họp vui chơi và hóng mát cho trẻ con và cả người lớn, là nơi tôi trải qua những tháng ngày tuổi thơ đáng nhớ của mình.
Từ đầu ngõ nhà tôi đi thêm mấy bước là đến chợ, tôi có chị Hai lớn hơn mình năm tuổi và bốn em nhỏ san sát tuổi nhau. Tuy tôi là con thứ nhưng cũng được coi như con lớn trong nhà, nên chuyện lớn chuyện nhỏ gì mẹ cũng thường sai bảo tôi làm, và đi chợ là một trong những việc không thể thiếu mỗi ngày. Đặc biệt là vào những ngày giáp Tết, tôi càng đi chợ nhiều hơn ngày thường.
Sau khi được nghỉ học để đón Tết, bọn trẻ con trong xóm hay tụ họp chơi đùa, tha hồ thức khuya dậy muộn, rồi rủ nhau đi xem chợ hoa, chợ trái cây, nhưng tôi thì thường phải đi chợ mua đồ giúp mẹ. Tuy mệt nhưng tôi lại cảm thấy vui, vì được tận mắt ngắm nhìn không khí Tết với hàng hóa tấp nập đủ màu sắc, được tận tay sờ vào những món hoa quả chỉ được bán trong ngày Tết chứ bình thường không có, không như bây giờ, người ta dùng kỹ thuật tăng trưởng trồng ra được quanh năm, nên nhìn riết cũng thấy nhàm chán, không còn cảm giác hồi hộp mong chờ và thú vị nữa.
Vào những ngày cận Tết, phố phường càng nhộn nhịp hơn, nhà tôi gần chợ nên cũng tưng bừng không kém. Khu phố nơi tôi sinh sống là khu dân cư Sài Gòn lâu đời nên hầu như không ai về quê ăn Tết cả, nhà nào cũng mua nhiều chậu hoa đủ màu rực rỡ để chưng ngay trước cửa và trong nhà, hồi ấy đâu có phổ biến xe hơi hay taxi như bây giờ, chúng tôi đi chợ hoa mua sắm chỉ toàn bằng xích lô hoặc xe ba bánh thôi. Nhà nào “xịn” hơn thì có xe máy 67 hoặc chiếc cub đèn tròn. Tết là dịp các bác tài tăng tốc đạp xe ngày đêm kiếm tiền ăn Tết, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, rảnh một chút ăn vội bát cơm hoặc chợp mắt ngay trên chiếc xe của mình, nhưng mặt ai cũng tươi cười hớn hở và niềm nở chào hỏi lẫn nhau, thật đúng nghĩa mùa xuân về chan hòa khắp nơi nơi.
Hồi ấy cuối năm tiết trời lạnh lắm, chỉ muốn ngủ vùi trong chăn không muốn dậy. Nhưng đến ngày 29 Tết, nhất là ngày 30 Tết thì dẫu tôi muốn lười cũng không lười được. Mẹ gọi tôi dậy từ lúc trời mờ sáng, đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi danh sách những món cần mua, và nhiệm vụ của tôi là đi chợ mua hết những món này. Đó là những năm tôi học lớp Bốn, lớp Năm và sau này lên cấp hai, mười mấy tuổi vẫn giữ nhịp đi chợ Tết như vầy cho cả nhà, riết rồi trở thành một chuỗi những kỷ niệm tuổi thơ ấn tượng khó quên.
Tôi đi bộ ra chợ lúc năm giờ sáng, mùa xuân khí lạnh mây mù nên trời còn tối đen, cửa nhà hàng xóm vẫn còn đóng im ỉm, và dĩ nhiên trẻ con giờ này còn đang say giấc nồng, vậy mà mình lại phải đi chợ giờ này ư? Lạnh thấu xương thế này? Tôi có chút càu nhàu… Tôi mặc cái áo ấm bằng nỉ dày, trên đầu đội cái mũ vải mà vẫn thấy lạnh run. Bước đến chợ tôi mới vỡ lẽ, ồ, người đông đúc quá, từ người bán cho đến người mua thật tấp nập, người ta chong đèn trắng, đèn vàng để bán hàng từ khuya. Xe tải từ miền Tây nào chở hoa, chở quả, chở nông sản, có cả gà vịt nữa… đang xuống hàng liền liền. Hòa mình vào dòng người ấy, tự dưng tôi cũng quên đi cảm giác lạnh lẽo, mà thay vào đó là cảm giác thú vị biết bao nhiêu! Có lúc tôi mải ngắm nhìn hàng hóa Tết mà quên mất mình phải mua những gì, món nào cũng tươi ngon roi rói. Tôi chọn một bắp cải to, lá xanh tươi cứng và khệ nệ ôm về.
Rồi đến hàng dưa hấu, ôi, đủ quả với đủ kích thước to nhỏ, dài, ngắn khác nhau được đặt nằm lộn xộn trên những dải rơm dày, chỉ những quả “tuyển” to ngon nhất mới được xếp ngay ngắn ở một góc đặc biệt hơn. Tôi đứng nhìn tần ngần không biết nên mua quả nào, trẻ con như tôi thì thích quả nhỏ vừa tầm tay, nhưng quả nhỏ đôi khi chưa chín, lắm lúc bổ ra trong ruột còn sống và màu trắng. Tôi nhớ mẹ nói ngày đầu năm mà bổ dưa ra màu trắng hay bị úng thì không may mắn, nên mẹ dặn: Con nhớ lựa dưa đỏ ngọt nhé! Rồi mẹ chỉ cách lựa quả dưa như thế nào mới ngon, nhưng khi ra đến chợ, đứng trước một “rừng” dưa, tôi dường như quên béng lời mẹ dặn. Săm soi tới lui, cuối cùng cũng chọn được hai quả to tròn mang về chưng bàn thờ và mâm ngũ quả, thêm vài quả nhỏ hơn để ăn ba ngày Tết. Thời ấy người ta chất phác, mua dưa rồi, trả tiền rồi, xách không hết một lần, mà phải ôm về vài lần mới hết, chợ đông người là thế mà chẳng mất một quả dưa nào.
Tuy tôi xách toòng teng cái giỏ nhựa đi chợ nhìn cho oách chứ thật ra các món phải mua to quá, bỏ giỏ không vừa, tôi toàn phải khệ nệ bê từng món về. Tôi vẫn nhớ hồi ấy mình còm nhom, bưng bê gì cũng thấy nặng quá tay, cũng may là nhà cách chợ chỉ mấy bước chân nên tôi cứ cặm cụi như kiến tha mồi về tổ ấy. Lắm lúc tôi tự nhủ: “Chị Hai đâu rồi? Sao mẹ không bảo chị ấy đi chợ nhỉ? Mà để mình đi tới đi lui thế này, mệt phờ cả người!” Loay hoay một hồi trời ửng sáng hồi nào không hay, rồi nắng lên, rồi không sao mặc nổi cái áo nỉ kia nữa, toát cả mồ hôi hột, thầm nghĩ “Tết chẳng lạnh chút nào!”
Tôi nghĩ vậy thôi chứ không dám nói ra, bởi biết mẹ vất vả đầu tắt mặt tối lo cho 6 chị em chúng tôi, bố lại hay đi công tác xa nhà nên đỡ đần được việc gì thì tôi âm thầm làm thôi. Em trai và em gái còn nhỏ, không nỡ sai bảo chúng làm gì. Thật tình mà nói, mỗi năm đến Tết nhà tôi mới đi chợ sung túc được mấy hôm, chứ bình thường ăn uống giản tiện, chật vật khó khăn, chi phí trong nhà chủ yếu để dành đóng học phí cho 6 chị em chúng tôi. Bố tôi làm nghề lái tàu thường đi đó đây, có lúc tôi nghe bố đùa, nuôi 6 đứa con như 6 cái tàu há mồm ấy! Có lẽ chẳng đủ đâu vô đâu!
Tôi hỏi mẹ, sao mình phải đi chợ sớm thế hả mẹ? Mẹ bảo, đi sớm kẻo hết đồ.
Mà thật vậy, hơn 30 năm trước kinh doanh mua bán khác bây giờ lắm, người bán cũng cần tiền nhưng không quá cần tiền, mua bán có giờ giấc hẳn hoi, bởi các cô chú ấy cũng muốn nghỉ ngơi thư giãn. Hàng hóa Tết tuy nhiều là thế, nhưng rất nhanh hết, mà hết rồi là hết luôn chứ người ta không cố nhập về bán liên tục như bây giờ. Có lẽ nhà nông canh tác thật thà, một vụ có bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, nào có thuốc tăng trưởng tăng trọng gì, nên hàng hóa thấy nhiều nhưng số lượng là có hạn. Không ồ ạt và tràn lan như bây giờ.
Chợ đến trưa là hết sạch, đến xế chiều là vắng hoe chẳng thấy bóng người, chỉ có mấy cô chú lao công đi quét rác ở chợ thôi, nên sáng mà không tranh thủ đi thì coi như Tết chẳng có gì để ăn, ngày ấy chẳng có siêu thị, nhà nhà cũng không có tủ lạnh trữ thức ăn như bây giờ. Sáng 30 Tết đi chợ là cho cả 3, 4 ngày Tết sau đó, thường thì Mùng 6 người ta mới bắt đầu lai rai bán lại. Nên cảm giác “mua nhanh kẻo hết” cũng rất thú vị. Mua về rồi sắp la liệt hoa quả và rau dưới đất, nhờ nền đất mát lạnh giữ tươi được mấy hôm.
Bây giờ hàng hóa nhiều, hàng Tết ở siêu thị và chợ nhìn hoa cả mắt, đến 30 Tết rồi mà hàng vẫn chưa vơi là mấy, nên người mua sắm cũng không còn cảm giác khẩn trương “mua nhanh kẻo hết” kia nữa. Sáng Mùng 1, mọi người đi chúc Tết nhau thì tôi thấy chợ vẫn có người đang ngồi khắc khoải bán buôn, họ bê cả bánh chưng bánh tét ra quầy hàng ngồi ăn. Tôi thấy thật đáng thương cho họ, vì kiếm tiền mà chẳng có ngày nghỉ ngơi! Mà có lẽ họ cũng chẳng cần nghỉ ngơi, bởi kiếm tiền mới là quan trọng nhất. Nhưng vô tình họ đã làm mất đi nét văn hóa chợ truyền thống bấy lâu, vô tình phá vỡ cái nhịp chợ Tết rộn ràng những ngày cuối năm, vô tình bước qua ranh giới giữa Giao Thừa và Năm Mới. Nhìn chợ bây giờ, không sao phân biệt đâu là ngày 30 Tết và đâu là ngày Mùng 1 đầu năm nữa!
Cao Nguyên
Nguồn: NTDVN