Tràm Cà Mau –
Tôi nghĩ e phải mất một tuần mới đọc hết tập truyện dài nầy của Huy Văn, nhưng không ngờ, tôi đã đọc một mạch từ đầu hôm đến khuya cho hết câu chuyện. Nhờ lối hành văn trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu và vui tươi, nên lôi cuốn được người đọc, không làm chán nản bỏ cuộc nửa chừng. Điều thích thú nhất, là tôi tìm được nhiều hình ảnh và tình cảm của chính mình vào một thời xa xưa, trước năm 1975, khi tóc còn xanh, dạt dào yêu đời, dù chiến tranh tàn khốc, khói lửa triền miên.
Tác giả như chứng nhân của một giai đoạn lịch sử, phác họa lại hình ảnh và tâm tư của lớp thanh niên trong thời đại đó.
Tác giả đã dẫn người đọc về một thoáng Đà Lạt xưa hiền hoà. Gợi lại những ưu tư, lo lắng của tuổi trẻ khi chinh chiến bất ổn tràn lan. Những ngày tháng gian khổ luyện tập trong quân trường, vác bao hành trang nặng trĩu chạy vòng vòng Vũ Đình Trường, mệt đứt hơi, mắt lóe đóm đóm, người nầy ngất, người kia xỉu. Tiếng gầm gừ, gào thét dọa dẫm của các huynh trưởng. Những hình phạt, “phạt liên miên bất kể giờ giấc, sáng phạt, trưa phạt, chiều phạt, tối phạt, lên gường ngủ vẫn bị lôi đầu dậy thi hành lệnh phạt”. Những đêm đi kích, gác tuyến, ôm chặt cây súng Garant như ôm vợ. Những khi ngồi câu lạc bộ nhấp ly cà phê và liếc nhìn cô bán hàng mà mong ước rồi chờ một nụ cười vu vơ. Những lần thực tập địa hình, nhờ hướng dẫn của các cô bán sương sâm ngoài bãi để tìm cho đúng mục tiêu. Tác giả đưa người đọc về kỷ niệm của những ngày Chủ Nhật 24 giờ đi phép, dẫn bạn gái lên Sài Gòn dạo phố, đi bên nhau, vào ngồi quán Brodard, Mai Hương, Givral, Pole Nord. Ăn cơm quán Thanh Bạch, uống nước miá Viễn Đông, rồi rủ nhau đi xem chiếu bóng. Chiều tối vào quán cà phê Hầm Gió, Thằng Bờm nghe ca nhạc. Những hình ảnh lãng mạn nầy, dường như anh nào cũng đã trải qua và còn nhớ mãi trong đời.
Một câu chuyện tình, tha thiết yêu mà khờ khạo, làm phật lòng người yêu. Mối tình đẹp như mơ, và trong trắng như thủy tinh. Vì hiểu lầm, chàng không biết vì sao nàng giận. Trong tình trạng thất tình, chàng đi lang thang giữa phố Sài Gòn nóng cháy, vào rạp chiếu bóng ngủ quên buồn.
Tốt nghiệp trường sĩ quan Thủ Đức, được bổ nhiệm về Trường Võ Bị Đà Lạt, tác giả lại đưa độc giả về những quán cà phê Thủy Tạ, cà phê Tùng, cà phê Hạnh Tâm, hồ Xuân Hương, sương lạnh, núi đồi. Những ngày tháng hạnh phúc yên bình trong thời chiến tranh khốc liệt nhất. Người đọc, còn tìm thấy thấp thoáng bóng dáng của Đại Học Đà Lạt, đời sống sinh viên theo học bán thời gian.
Trong khi tác giả may mắn, yên bình ở hậu phương, thì bạn bè cùng khoá được tung vào các chiến trường sôi động, mạng sống mong manh, ở An Lộc, khoảng hơn bảy ngàn quân sĩ miền Nam tử chiến với hơn bốn chục ngàn quân Bắc Việt vây hãm tấn công. Tác phẩm, ghi lại: “Hàng ngày ở đây tụi tao lãnh hơn một ngàn trái đạn pháo đủ loại là chuyện thường tình, từ cái thứ đạn pháo tép riu của súng cối 82 ly, cho đến đại bác hạng nặng 130 ly. Vài trăm trái đạn pháo một ngày, tụi tao gọi là pháo quấy rối. Trên hai ngàn cho đến tám ngàn trái mới coi đó là pháo thật sự, khi pháo kích lơi dần là lúc Việt Cộng bắt đầu tấn công. Trước tiên, bọn chúng dùng xe tăng T54 tràn qua mọi chướng ngại vật đi vào trong thị xã An Lộc. Mấy chục chiếc xe tăng này như là vật tế thần,…” An Lộc được giữ vững, Bắc quân tổn thất nặng nề, kiệt lực, phải rút lui.
Rồi đến trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị, mỗi tấc đất tưới bằng một vũng máu. Bom đạn ngày đêm trút như mưa rào không ngớt. Đôi bên đều tổn thất nhân mạng nặng nề. Chiến thắng đã dựng cờ vàng trên cổ thành đổ nát. Câu chuyện người sĩ quan nhận lời trăn trối của anh hạ sĩ trước khi chết, nhờ nhắn với vợ đã mua đôi giày cho đứa con nhưng chưa kịp gởi về. Người sĩ quan bối rối khó xử, khi đến báo tin buồn cho vợ của kẻ đã hy sinh ngoài trận địa. Rồi câu chuyện của người thiếu nữ, mới làm đám hỏi được ba tháng, thì vị hôn phu đã hy sinh trong trận Hạ Lào.
Độc giả sẽ tìm thấy hình ảnh của những ngày sắp tàn cuộc chiến, vào đầu năm 1975. Tâm trạng của người lính khi biết nước sắp mất. Khi nghe từ điện thoại của tiểu khu Ban Mê Thuột: “…Mà thôi, không kịp nữa đâu, xe tăng của Việt Cộng đã tràn vào tiểu khu rồi, tôi phải chạy.”
Những ai từng di tản từ Đà Lạt xuôi Nam trong ngày tai biến đó, sẽ tìm thấy và biết rõ hơn tại sao cuộc triệt thoái không bi thảm như trên con đường liên tỉnh lộ số 7 về Tuy Hoà. Vị thiếu tướng chỉ huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt vẫn bình tĩnh như không có việc gì xảy ra,đã sắp đặt điều động việc phá cầu Đại Ninh ngăn chận đà tiến của địch, để có thời gian đưa quân dân Tuyên Đức và trường Võ Bị về Sài gòn.
Trong lúc bối rối đó, tác giả – nhân xưng ‘tôi’ trong truyện- được ông bố vợ sắp cưới kêu điện thoại bảo về gấp Sài Gòn để bỏ nước ra đi, không thể chờ đợi được nữa. Anh đã trả lời: “Đi đâu? Đi sao được, con rời bỏ đơn vị sẽ bị coi như đào ngũ”
Độc giả Đà Lạt sẽ thấy lại hình ảnh cuộc di tản ngày đó: “Tôi đứng ở đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống chân núi, đoàn người di tản đi bộ dọc theo hai bên đoàn xe, đèn xe sáng rực cả một góc trời trông giống như là một con rắn lửa khổng lổ đang bò theo triền núi, để trườn mình xuống đồng bằng. Cái đầu của con rắn đã qua khỏi Sông Pha, trong khi thân của nó hãy còn ở đỉnh đèo Ngoạn Mục, và cái đuôi con rắn có thể còn ở đâu tận Đà Lạt.”
Về đến Sài gòn, tác giả được gia đình của người bạn gái cũ đem vào Tân Sơn Nhất, đã đến chân cầu thang máy bay, nhưng bị quân cảnh giữ lại: “…không có lệnh cho quân nhân xuất ngoại, chúng tôi chỉ thi hành nhiệm vụ, trung úy thông cảm.”
Tác giả trở về đơn vị, và trong lúc đang hăng say chiến đấu với địch quân, thì được lệnh buông súng của Tổng Thống, nghe mà không tin được.Tác giả viết về tâm trạng rối bời, đau xót và hoang mang của người lính chiến trong ngày tan tác đó. Tiếp theo là tình hình hỗn loạn của thành phố Sài Gòn trong ngày cuối. Người lính thua trận lang thang giữa phố, không biết đi đâu, về đâu, bụng đói, miệng khát, thân xác rã rời, tâm thần ngao ngán, tuyệt vọng.
Qua tập nầy, tác giả như một chứng nhân của thời đại. Người lớn tuổi đọc sẽ tìm thấy chính hình ảnh, tâm tư, nổi đau khổ cũng như hạnh phúc mà họ đã trải qua trong một giai đoạn lịch sử. Những độc giả trẻ của các thế hệ sau, sẽ hiểu hơn, thấm thiá hơn với nỗi đau của cha anh trong cuộc chiến phi lý, dài và tàn khốc đem dân tộc vào đổ vở lầm than.
Đọc xong tập truyện, tắt máy vi tính, tôi xót xa nhớ về một thời xưa cũ. Không biết tại sao, tôi tha thiết muốn đọc lại cuốn “Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết” của tác giả Erich Maria Remarque. Nhưng đêm đã quá khuya. Tôi vào giường mà còn thao thức mãi. Tôi nghĩ, mấy mươi năm chinh chiến cũ, là đề tài lớn và phong phú, cho những tác phẩm văn chương vĩ đại. Nhưng chưa có tác phẩm nào đáp ứng được lòng mong ước của độc giả. Tuy nhiên, nhiều truyện dài tương tự như “Chiến Tranh Bên Cạnh, Tình Yêu” nầy, của những tác giả khác nhau, sẽ gom lại để thành những trường thiên, làm chứng cho một giai đoạn đau thương nhất của đất nước Việt Nam.
Santa Ana tháng Giêng năm 2017.
Tràm Cà Mau.
[Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/2019/04/21/tram-ca-mau-doc-truyen-chien-tranh-ben-canh-tinh-yeu-cua-huy-van-truong/]