Một hình chụp công văn rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy Ban Tuyên Giáo Trung Ương lệnh cho các địa phương “không đặt tên Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký cho đường phố, công trình công cộng.”
Văn bản đề ngày 5 Tháng Giêng có chữ ký phê duyệt của ông Phan Xuân Thủy, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, giải thích lý do: “Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam.”
Do vậy, việc không đặt tên hai nhân vật nêu trên được Ban Tuyên Giáo CSVN lập luận là “để tránh dư luận trái chiều, không thuận trong xã hội.”
Cùng thời điểm, một văn bản khác được cho là của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh đề ngày 11 Tháng Giêng với nội dung chấp hành lệnh của Ban Tuyên Giáo.
Việc nhà cầm quyền “kỳ thị” hai nhân vật Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký mỗi khi đặt tên đường đã được một số báo ở Việt Nam đề cập từ những năm trước.
Báo Pháp Luật TP.HCM hồi Tháng Tư, 2017, viết: “…Đáng nói nhất là cho đến nay, mặc dù đã qua bao nhiêu cuộc hội thảo, tọa đàm về công và tội của ba danh nhân lịch sử, văn hóa tiêu biểu của miền Nam là Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Và hầu hết các bài tham luận đã được in thành ba bộ sách về các cụ với nhiều bài viết của các nhà sử học hàng đầu Việt Nam, kể cả các bài của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Cụ Trương đã được phục hồi một phần, được đặt tên cho một con đường nhỏ ở quận Tân Phú [ở Sài Gòn], còn hai cụ Lê và Phan vẫn đang chờ… xét duyệt.”
Theo ghi chép của cố Giáo Sư Phan Huy Lê, đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định trước năm 1975 có tới hai con đường mang tên Phan Thanh Giản, nay đã bị đổi thành Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Sơn.
Ông Huy Lê cho biết thêm: “Còn ở thành phố Cần Thơ trước năm 1975 có ngôi trường trung học Phan Thanh Giản dành cho nam sinh tọa lạc ngay trên đường Phan Thanh Giản. Sau năm 1975, trường này bị đổi tên thành trường cấp 3 An Cư và đến năm 1985 lại đổi tên thành trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm, còn tên đường Phan Thanh Giản bị đổi tên thành đường Phan Đăng Lưu và không lâu sau lại đổi thành tên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh…” (N.H.K)
Nguồn: nguoi-viet.com