Paulus Hùng (09 Jan. 2022)
Trong hai cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông năm 1285 và 1288 Trần Hưng Đạo được Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước và trong cả hai cuộc chiến tranh, ông đều hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, ông lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta đánh tan các đạo quân hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ tạo nên trang sử chói lọi về chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta.
Việc Trần Hưng Đạo được lựa chọn vào danh sách 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới là một niềm tự hào cho dân tộc, vậy đâu là những lý do ông được lựa chọn?
Sức mạnh của quân Nguyên mông và lực lượng đem sang nước ta:
Đế quốc Mông Cổ không những là đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ mà còn được coi là đế quốc hùng mạnh nhất mọi thời đại trong thời trung cổ, có diện tích lãnh thổ liền nhau lớn nhất trong lịch sử nhân loại lên đến 24 triệu km2 chiếm 1/6 diện tích mặt đất trải dài tới 9700km.
Vó ngựa quân Mông Cổ gây kinh hoàng khắp châu âu, biên niên sử còn ghi lại rằng: “Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó”.
Năm 1258, quân Mông Cổ lần thứ nhất thất bại ở Đại Việt trong việc tìm cách mở một hướng từ phía Nam để đánh vào lãnh thổ Nam Tống. Trận đánh lần thứ nhất này quân Mông Cổ chưa thật sự dành nhiều tinh lực vào Đại Việt, mà chỉ muốn thôn tính nốt nhà Nam Tống. Cuối cùng, vào năm 1279, Nam Tống hoàn toàn bị Mông Cổ thôn tính.
Nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt lập nên năm 1271, triều Nguyên kế thừa lãnh thổ của Đế quốc Mông Cổ, nhà Nguyên là đế quốc mạnh nhất trong các đế quốc thuộc đế quốc của người Mông Cổ, Triều Nguyên chính là nước tông chủ của bốn hãn quốc lớn là Khâm Sát,Sát Hợp Đài,Oa Khoát Đài,Y nhi.Sau khi thôn tính nước Tống, nhà Nguyên có diện tích tới 15 triệu km2, bao gồm toàn bộ diện tích Mông Cổ, Trung Hoa (Thời đó gồm Tây Hạ,Kim,Tổng),Triều Tiên,Hàn Quốc một phần diện tích nước Nga,Ấn Độ, Miến Điện, Lào.
Trong lần xâm lược nước ta năm 1285 và năm 1287, quân Nguyên mông đã rút được rất nhiều kinh nghiệm thất bại từ lần trước, do đó lực lượng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với quân số rất hùng hậu, mỗi lần đều ước tính có khoảng 50 vạn quân. Tuy nhiên thời điểm đó dân số nước ta chỉ khoảng 3-4 triệu người, quân ta chỉ vào khoảng 20-30 vạn. Quân Nguyên mông được xem là đội quân tinh nhuệ nhất, mạnh nhất thời bấy giờ, hơn nữa khí thế và lực lượng quân Nguyên Mông trong lần xâm lược nước ta lần thứ hai rất lớn, họ mới diệt xong nhà Tống, thế đang rất mạnh.
Đại Việt nằm ở vị trí rất bất lợi để ngăn chặn bước tiến của quân Nguyên Mông.
Ngoài thua Đại Việt quân Mông Cổ còn thua ở một số nước khác như Nhật Bản, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên quân Mông Cổ thua ở những nước này họ đều có những nguyên nhân khách quan, ví như cả hai lần thua Nhật đều do quân Nguyên Mông gặp phải bão lớn, còn các cuộc chiến ở Ai Cập hay ở Thổ Nhĩ Kỳ, quân Mông cổ phải hành quân xa nên gặp nhiều bất lợi.
Sau khi tiêu diệt nhà Tống, nhà Nguyên ở ngay cạnh Đại việt, tiếp giáp cả đất liền và đường biển, vì vậy quân Nguyên dễ dàng tấn công nước ta, việc điều quân tiếp viện hay tiếp tế lương thực đều thuận tiện. Quân Mông Cổ đã chinh phục khắp nơi trên thế giới, từ Trung á, cho tới Châu âu xa xôi, vậy nên tại sao quân Nguyên Mông thua tại Đại Việt, một quốc gia nhỏ bé, có vị trí rất thuận lợi để họ có thể tấn công tiêu diệt, hơn nữa không phải thua chỉ một lần, họ đã thảm bại tới 3 lần liên tiếp, điều này làm cho thế giới rất khâm phục, do đó đến tận ngày nay vẫn còn nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới tiếp tục nghiên cứu về nguyên nhân của những chiến công vẻ vang này của quân và dân ta.
Vai trò của Trần Hưng Đạo trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mông?
Trong cả hai cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông năm 1285 và 1287 ông đều được thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân. Với trọng trách như vậy cho thấy vai trò then chốt của ông trong hai kháng cuộc chiến. Cuộc chiến chống quân Nguyên mông lần thứ hai ông được phong làm Quốc công tiết chế từ năm 1283, như vậy ông có hai năm để bày binh bố trận, lên kế sách chống giặc, đồng thời rèn luyện binh sĩ, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng nghênh địch.
Trước sức mạnh của đội quân làm run sợ khắp nơi trên thế giới, Đại Việt khi ấy không ít người mất tinh thần, hơn nữa kể từ cuộc chiến chống Nguyên mông lần thứ nhất đến lần thứ hai đã 27 năm, đất nước được hưởng thái bình, do đó tinh thần và quyết tâm đánh giặc của quân và dân ta khi ấy xuống rất thấp. Đúng thời điểm đó, Trần Quốc Tuấn đã soạn “hịch tướng sĩ” để vực dậy tinh thần kháng Nguyên mông của quân sĩ.
Khi các tướng sĩ lo lắng Trần Quốc Tuấn có hiềm khích với nhà Trần, anh em không thể hòa thuận, ông đã tắm cho em họ của mình là Trần Quang Khải trên chiến thuyền trước sự hò reo của ba quân.
Khi quân ta rút khỏi Thăng Long, người rời đi sau cùng là Trần Quốc Tuấn.
Khi quân ta phải rút lui trước sức mạnh của giặc, nhà Vua hội họp các tướng rồi dò hỏi: “Hay là nên hàng”, Trần Hưng Đạo đã khẳng khái nói ngay: Xin bệ hạ chém đầu thần trước đã rồi hẵng hàng.
Từ đó mọi niềm tin và ánh mắt của triều đình đều dồn cả vào Trần Quốc Tuấn, ông trở thành trụ cột của Nhà Trần trong hai lần đánh quân Nguyên Mông (lần thứ hai và thứ ba).
Trần Hưng Đạo, một thiên tài quân sự:
Có nhiều người cho rằng sở dĩ nước ta thắng được quân Nguyên mông là do thời nhà Trần có nhiều tướng giỏi, vua giỏi, tuy nhiên cũng cần đánh giá đúng vai trò của các cá nhân kiệt xuất, đặc biệt là Trần Hưng Đạo, giả sử trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mông lần thứ hai và ba không có Trần Hưng Đạo, liệu thế cục sẽ ra sao? nhiều người không tin ai đó có thể thay thế ông, bởi vì lực lượng quân Nguyên mông đem sang xâm lược nước ta lần thứ hai và ba rất hùng mạnh, hoàn toàn vượt trội so với cuộc xâm lược lần thứ nhất.
Nếu không có một vị Tổng chỉ huy thiên tài khi đó, Đại Việt hoàn toàn không có cơ hội chiến thắng, có câu “Có bột mới gột nên hồ”, sự thiên tài của ông được kết tinh trong các tác phẩm kinh điển là Hịch tướng sĩ, Binh Thư Yếu Lược và Vạn Kiếp Tông Bí Truyền? Những bộ sách này đều không phải là lý thuyết, đều chứa đựng trí tuệ uyên thâm của ông, đã được sử dụng trong việc vực dậy tinh thần chiến đấu, tổ chức lực lượng, huấn luyện binh sĩ và thực chiến, đó đều là những tác phẩm kinh điển về chính trị và quân sự của dân tộc ta.
Hịch tướng sĩ là tác phẩm có giá trị rất lớn khích lệ quân và dân ta trong thời điểm vô cùng khó khăn đó, ngoài ra Binh Thư Yếu Lược, Vạn Kiếp Tông Bí Truyền đều là những bộ binh thư đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, hơn nữa đều là những tác phẩm có giá trị lớn, đặc biệt bộ Vạn Kiếp Tông Bí Truyền, một bộ binh thư rất quý, thuộc loại âm dương học, không thể phổ thông ra ngoài dân chúng, bộ sách này rất quan trọng trong việc giúp quân và dân ta giành chiến thắng trong hai cuộc chiến chống quân Nguyên mông, vậy nên phải bí truyền. Nhân Huệ Vương Trần khánh Dư đề tựa sách ấy, viết như sau:
“Sách ấy dùng đã ba đời trăm đánh trăm thắng, cho nên đương thời có thể làm rung động quân Hung nô (Mông cổ) ở phía bắc, làm cho nước Lâm Ấp ở phía tây phải khiếp uy, nên sách này được biên chép làm của gia truyền không được phép tiết lộ ra ngoài.
Có di văn của Hưng Đạo Đại Vương dạy rằng: Nếu không tuân lời dạy… thì sẽ chiêu mời tai ương hoạn nạn cho tới con cháu, đó là bởi tiết lộ thiên cơ vậy. Xem lời dặn của Hưng Đạo Đại Vương, ta đủ hiểu rằng Vạn Kiếp Tông Bí Truyền là một quyển bí kíp chỉ dành riêng cho các bậc quân sư để cha truyền con nối mà giữ nước.
Bởi vì ông tinh thông binh pháp, thông hiểu thiên tượng, thời vận, nên trước mỗi cuộc chiến tranh dường như ông đã đọc được kết quả: Mùa Hạ Tháng 6 năm 1287 trước cuộc xâm lược lần thứ 3 của quân Nguyên Mông, Vua hỏi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: Thế giặc năm nay thế nào? Quốc Tuấn Trả lời: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh, cho nên năm trước quân Nguyên xâm lấn, hoặc có người đầu hàng trốn tránh. Nhờ uy linh của tổ tông và thần võ của bệ hạ đã quét sạch được quân Nguyên mông. Nay nếu giặc lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp quân địch bất lợi đi xa, ngoài ra sự thất bại của Hằng và Quán vẫn còn làm họ run sợ, không còn ý chí chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem thì tất đánh tan được”.
Tấm lòng trung với nước của ông sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt.
Cũng giống như ông, dưới trướng của Trần Quốc Tuấn đều là những người tài giỏi như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu…Khi nhiều người nhắc lại mối thù nhà, ông hỏi hai gia nô cũng là tướng giỏi lúc đó là Yết Kiêu và Dã Tượng về chuyện này, hai vị tướng này đáp rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu”. Nghe xong Quốc Tuấn rất cảm động.
Sau đó con ông là Trần Quốc Tảng có nhắc lại lời trăn trối của An Sinh Vương Trần Liễu, muốn cùng ông cướp ngôi vua, ông nổi giận rút gươm toan chém đứa con này. Dưới sự can ngăn của mọi người, ông thay đổi ý định tuy nhiên từ đó kiên quyết không gặp Quốc Tảng, thậm chí dặn dò sau này ông chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Tảng vào viếng.Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phải chăng là một vị Thánh?:
Trong tín ngưỡng truyền thống của dân tộc ta, Tứ bất tử là những biểu tượng không thể thay thế, giữ vị trí thiêng liêng trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, những vị Thần này đã có nhiều công lao giúp dân giúp nước, đó là Tản Viên Sơn Thánh hay Sơn Tinh, là vị thần Tản Viên(Ba Vì), núi tổ của các núi ở Việt Nam. Thần Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Phù Đồng Thiên Vương hay Thánh Gióng, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ. Chử Đồng Tử, còn được gọi là Chử Đạo Tổ, tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu có. Công chúa Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng và thơ văn.
Tất cả các vị Thần trong Tứ bất tử đều là những người có tên tuổi, quê quán cụ thể và gắn liền với những địa danh cụ thể, do đó Tứ bất tử hoàn toàn có thể là những cá nhân có thật, không hẳn là những nhân vật truyền thuyết.
Theo tương truyền, thời đầu nhà Trần có một dải khí trắng bốc lên đến trời. Thánh Tản Viên thấy thế biết nước Nam sẽ có ngoại xâm, bèn tâu Ngọc Hoàng. Sau đó, Ngọc Hoàng phái Thanh Thiên đồng tử xuống trần quét sạch dải khí trắng đó bằng cách sinh hạ vào nhà thân vương làm danh tướng. Khi Trần Hưng Đạo ra đời, trong nhà tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Một vị đạo sĩ do coi thiên văn thấy có một vị tướng tinh giáng hạ, liền đến xin xem mặt Trần Quốc Tuấn.
Khi nhìn thấy, vị đạo sĩ vội lui xuống, vái lạy nói: “Người này tốt lắm, về sau cứu nước giúp đời làm sáng sủa cho non sông đó”. Vương đầy một tuổi đã biết nói, năm, sáu tuổi đã biết làm thơ ngũ ngôn, bày chơi đồ bát trận, thông minh xuất chúng.
Câu chuyện trên đúng hay không, ngày nay khó mà dò xét, tuy nhiên tài năng, uy đức của ông quả không phải người thường, vậy nên dẫu ông có phải là vị thần do Thiên Thượng cử xuống hay không, ông vẫn được nhân dân cả nước tôn vinh gọi là “Đức Thánh Trần”, ông được lập đền thờ ở nhiều nơi, song nổi tiếng hơn cả là Đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương.
Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mông, Trần Hưng Đạo hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu mà nhân dân suy tôn ông là Đức Thánh Trần và sự công nhận là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh xét phong, đây là một danh hiệu vô cùng cao quý vì trong danh sách này, ngay cả những nước lớn, có lịch sử huy hoàng như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng không có ai đại diện. Ông mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc và của mỗi người dân Việt Nam.
[ Nguồn:https://www.facebook.com/groups/395853348109312/ ?hoisted_section_header_type= recently_seen&multi_permalinks=674648910229753&__cft__[0]=AZVD0BGW5J3qozCEC5uwuCpFik16QgA7M0Nl08o51V4fZNJoE-IML1AFBuyY5s0-lexdfSfz8uychskRM6UXOhy3V1RYcGnsaEXYTcy-rjFXAyCV54tJ4sUwidGeDaA-cU6lP2w4VCP7vIa8YSTn9QheM3KgMbDZ1zuu-05aHqWM-KiSOQP2yFK4IAfjVB_2VIA&__tn__=-UC%2CP-R; TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM ]