Đã có những “chi phí khác” trên hành trình về Việt Nam trên các chuyến bay “giải cứu” mà đến giờ này công luận mong giới hữu trách sớm làm rõ.
Theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến đầu Tháng Mười Hai, 2021, các cơ quan hữu trách trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 800 chuyến bay “giải cứu,” đưa gần 200,000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 3 Tháng Hai, trả lời về việc này, các hãng máy bay của Việt Nam khẳng định “không đặt nặng vấn đề lợi nhuận,” giá vé cao là do phát sinh nhiều “chi phí khác.”
Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhiều ý kiến từ công luận muốn biết rõ về giá vé các chuyến bay “giải cứu” vì sao cao hơn so với bình thường. “Chi phí khác” là những chi phí gì? Đây là điều các cơ quan hữu trách rất cần làm rõ và công khai.
Hiện tại điều mà nhiều người hoặc gia đình có người thân ở hải ngoại về Việt Nam trong hai năm qua nhận thấy chỉ là thủ tục rất khó khăn, nhiêu khê, không rõ ràng, không thể tra cứu, tìm kiếm một cách minh bạch mà hoàn toàn phải dựa vào “may rủi” hoặc mối quan hệ thân quen mới có chỗ trên các chuyến bay “giải cứu.”
Chị LPV ở Ba Đình, Hà Nội, có chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ thăm con cháu trong hai tuần hồi Tháng Mười Một, 2021, cho biết chiều đi, chị bay đến Thổ Nhĩ Kỳ từ Hà Nội, qua chặng nghỉ ở Malaysia, chi phí chỉ 14 triệu đồng ($618).
Thế nhưng chặng về, chị V. phải làm việc với nhiều công ty du lịch và cuối cùng phải chọn công ty cung cấp vé máy bay “rẻ hơn,” với tổng chi phí lên đến 70 triệu đồng ($3,000), bao gồm hai lần test COVID-19, cách ly hai tuần tại khách sạn tầm trung tại Hà Nội.
“Có những công ty còn báo giá 90 triệu đồng ($3,900) hoặc hơn, chi phí cách ly, vé máy bay, xét nghiệm về Việt Nam trong năm 2021 và trong dịch COVID-19 quả là khủng khiếp, gấp nhiều lần chi phí chiều đi. Khi đến phi trường nối chuyến về Việt Nam, tôi gặp rất nhiều người đi ‘xuất cảng lao động,’ có người cho biết chi phí về và cách ly bằng sáu tháng tiền lương của họ, nhiều người rất khó khăn, quần áo cũ mèm nhưng vẫn phải chi vì ở lại thì không có việc làm,” chị V. kể.
Ngoài giá vé rất cao, phí cách ly và khách sạn cao gấp nhiều lần thông thường. Song, không phải ai cũng có thể được chọn vào danh sách nhận khách cách ly tại các khách sạn được giới hữu trách chỉ định.
Chị V. cho hay phần lớn hành khách người Việt Nam đi cùng chuyến bay với chị được đưa về cùng địa điểm cách ly, nhưng không được chọn khách sạn, trong khi khách ngoại quốc lại được chọn.
Giá phòng khách sạn nơi chị V. trú bình thường chỉ 800,000 đồng ($35)/phòng ngày đêm, nhưng khách cách ly phải trả khoảng 3 triệu đồng ($132) để có thêm ba bữa ăn.
Trong khi đó, group “Tự về Việt Nam qua đường Cambodia” có 29,000 thành viên trên mạng xã hội, đến thời điểm hiện tại vẫn đang bàn bạc khá sôi nổi, nhiều thành viên đã kể về đoạn đường rất khó khăn vất vả khi về Việt Nam trước Tết Nguyên Đán.
Phần lớn trong số họ về từ Mỹ, Canada, Anh, Đức, và nhiều nước khác, đã đặt vé máy bay thương mại nối chuyến về Cambodia, sau đó đi đến cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh, hoặc cửa khẩu thuộc tỉnh Kiên Giang, rồi cách ly tại Kiên Giang hoặc Tây Ninh trước khi về được quê nhà.
Có người cho biết đã xa quê lâu ngày, trong khi thủ tục, vé… lại không rành nhưng mong về quê nên liều mua, có người bị lừa mất tiền hoặc đường đi lòng vòng rất khó khăn. Giờ, chỉ có nỗi ấm ức khi phải chia xa vì dịch, vì những điều không nên có mà giới chức Việt Nam tạo ra để trục lợi vẫn còn chưa được làm rõ. (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com